Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một đời sống thỏa nguyện dù trải qua những cảnh ngộ đau buồn

Một đời sống thỏa nguyện dù trải qua những cảnh ngộ đau buồn

Tự Truyện

Một đời sống thỏa nguyện dù trải qua những cảnh ngộ đau buồn

DO AUDREY HYDE KỂ LẠI

Nhìn lại quãng đời hơn 63 năm phụng sự trọn thời gian—59 năm tại trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va—tôi có thể nói rằng đời sống mình đầy thỏa nguyện. Thật đau đớn khi chứng kiến người chồng đầu tiên chết dần chết mòn vì bệnh ung thư và người chồng sau mắc bệnh đãng trí Alzheimer. Tuy nhiên, tôi xin kể lại làm sao tôi giữ được niềm vui dù phải trải qua những cảnh ngộ đau buồn.

THỜI thơ ấu tôi sống trong một nông trại gần thị trấn Haxtun, vùng bình nguyên phía đông bắc Colorado, gần biên giới Nebraska. Cha mẹ tôi là Orille và Nina Mock, tôi là thứ năm trong gia đình có sáu người con. Anh Russell, anh Wayne, chị Clara, và chị Ardis ra đời trong những năm 1913 đến 1920, tôi chào đời năm sau đó. Curtis sinh năm 1925.

Năm 1913, mẹ tôi trở thành Học Viên Kinh Thánh, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời đó. Cuối cùng tất cả những người khác trong gia đình cũng trở thành Nhân Chứng.

Cuộc sống lành mạnh ở vùng bình nguyên

Cha tôi có tinh thần cầu tiến. Đèn điện rất hiếm vào thời đó, dù vậy tất cả các gian nhà ở nông trại chúng tôi đều có đèn điện. Gia đình tôi cũng hưởng những sản phẩm của nông trại mình như trứng gà, và nuôi bò lấy sữa, kem, và bơ. Chúng tôi dùng ngựa kéo cày; trồng dâu, khoai tây, lúa mì và ngô.

Cha tôi nghĩ rằng cả đám trẻ chúng tôi phải tập làm việc. Ngay cả trước khi đến tuổi đi học, tôi được dạy làm việc đồng áng. Tôi còn nhớ những ngày hè cuốc cỏ dọc theo những luống đất dài trong vườn dưới ánh nắng gay gắt, tôi thầm nghĩ: ‘Không biết đến bao giờ mới cuốc xong?’ Người tôi nhễ nhại mồ hôi, và bị ong đốt. Đôi khi tôi cảm thấy tủi thân vì những trẻ khác không phải làm việc vất vả như anh em chúng tôi. Nhưng khi nhìn lại tuổi thơ của mình, tôi biết ơn vì chúng tôi được dạy làm việc.

Anh chị em chúng tôi mỗi người đều có nhiệm vụ. Vì chị Ardis vắt sữa bò giỏi hơn tôi, nên tôi được giao cho việc quét dọn chuồng ngựa và xúc phân ngựa. Dù vậy chúng tôi cũng vui chơi. Chị Ardis và tôi đánh bóng chày trong đội bóng địa phương.

Những đêm trời quang đãng ở miền đồng quê thật đẹp. Hàng ngàn ngôi sao gợi tôi nhớ đến Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngay cả khi còn bé, tôi thường nghĩ đến câu Thi-thiên 147:4: “Ngài [Đức Giê-hô-va] đếm số các vì sao, gọi từng tên hết thảy các vì ấy”. Nhiều đêm trời trong, chú khuyển Judge gác đầu vào lòng tôi và cùng tôi bầu bạn. Tôi thường ngồi ngoài hiên cửa buổi chiều, ngắm những đồng lúa mì xanh biếc; khi gió thổi lướt qua, trông chúng sáng như bạc dưới ánh nắng mặt trời.

Gương tốt của mẹ

Mẹ tôi là một người vợ tận tụy. Cha luôn là người chủ gia đình, và mẹ dạy chúng tôi tôn trọng cha. Năm 1939 cha cũng trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Dù không nuông chiều và bắt các con phải làm việc chăm chỉ, nhưng chúng tôi biết cha thương các con. Mùa đông, cha thường buộc ngựa vào xe trượt tuyết để kéo chúng tôi đi chơi. Chúng tôi vô cùng thích thú trước ánh tuyết lấp lánh!

Tuy nhiên, mẹ là người đã dạy chúng tôi yêu thương Đức Chúa Trời và quý trọng Kinh Thánh. Chúng tôi học biết tên của Đức Chúa Trời là Giê-hô-va và Ngài là Nguồn sự sống. (Thi-thiên 36:9; 83:18) Chúng tôi cũng biết Ngài cung cấp các nguyên tắc, không phải để cướp mất niềm vui, nhưng vì lợi ích của chúng tôi. (Ê-sai 48:17) Mẹ luôn nhắc nhở chúng tôi có một nhiệm vụ đặc biệt phải thi hành. Chúng tôi học biết rằng Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”.—Ma-thi-ơ 24:14.

Khi còn bé, nếu đi học về không thấy mẹ ở trong nhà, tôi liền đi tìm. Có một lần, lúc chừng sáu bảy tuổi, tôi tìm thấy mẹ trong nhà kho. Khi ấy trời bắt đầu mưa xối xả. Hai mẹ con ở trong vựa cỏ khô, tôi hỏi mẹ có phải Đức Chúa Trời đang giáng một trận Nước Lụt nữa không. Mẹ trấn an tôi rằng Đức Chúa Trời đã hứa sẽ không bao giờ hủy phá trái đất bằng nước lụt nữa. Tôi cũng nhớ nhiều lần phải chạy xuống hầm rượu để ẩn náu, vì những cơn lốc xoáy không phải là ít khi xảy ra.

Mẹ đã đi rao giảng trước khi tôi ra đời. Một nhóm người có hy vọng sống trên trời với Đấng Christ thường họp tại nhà tôi. Dù thấy khó rao giảng từ nhà này sang nhà kia, nhưng mẹ đã để cho tình yêu thương Đức Chúa Trời thắng nỗi sợ hãi. Mẹ trung thành cho đến lúc qua đời, ngày 24-11-1969, hưởng thọ 84 tuổi. Lúc mẹ lâm chung tôi thì thầm vào tai mẹ: “Mẹ ơi, mẹ sẽ lên trời ở với những người mẹ biết”. Tôi thật vui mừng đã có mặt bên cạnh mẹ lúc đó và chia sẻ niềm tin chắc này! Mẹ dịu dàng nói với tôi: “Con có hiếu với mẹ lắm”.

Chúng tôi bắt đầu rao giảng

Năm 1939, anh Russell trở thành người tiên phong, tên gọi những người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va. Anh làm tiên phong ở Oklahoma và Nebraska cho đến năm 1944 thì anh được gọi đến phục vụ ở trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va (gọi là Bê-tên), tại Brooklyn, New York. Tôi bắt đầu làm tiên phong ngày 20-9-1941, và phục vụ những nơi khác nhau ở Colorado, Kansas, và Nebraska. Những năm tháng tiên phong đó thật là vui, không những tôi có thể giúp người khác học biết về Đức Giê-hô-va mà còn học nương cậy nơi Ngài.

Lúc anh Russsel bắt đầu tiên phong, anh Wayne học đại học ở miền đông Hoa Kỳ sau khi đã đi làm được ít lâu. Sau đó, anh được mời đến phụng sự tại nhà Bê-tên. Anh phục vụ một thời gian ở Nông Trại Nước Trời, gần Ithaca, New York. Nông trại này cung cấp thực phẩm cho gia đình nhỏ chăm sóc nông trại cũng như cho khoảng 200 người làm việc tại nhà Bê-tên Brooklyn. Anh Wayne đã dùng kỹ năng và kinh nghiệm để phụng sự Đức Giê-hô-va cho đến khi mất vào năm 1988.

Chị Ardis lập gia đình với anh James Kern và có năm con. Chị qua đời năm 1997. Chị khác của tôi là Clara vẫn trung thành với Đức Giê-hô-va cho đến ngày nay; những dịp nghỉ phép tôi vẫn đến thăm chị ở Colorado. Curtis, em trai út của chúng tôi, đến Bê-tên Brooklyn giữa thập niên 40. Curtis lái xe vận tải chở hàng và nông phẩm của Nông Trại Nước Trời. Qua đời năm 1971, Curtis không hề lập gia đình.

Ước nguyện của tôi: Phụng sự ở Bê-tên

Các anh tôi đã đến phụng sự ở Bê-tên trước, và đó cũng là ước nguyện của tôi. Tôi tin chắc rằng nhờ gương tốt của hai anh mà tôi được mời đến Bê-tên. Ước muốn phục vụ ở nhà Bê-tên của tôi được vun đắp nhờ nghe mẹ kể về lịch sử tổ chức Đức Chúa Trời và nhờ chính mắt thấy sự ứng nghiệm những lời tiên tri trong Kinh Thánh về những ngày cuối cùng. Tôi cầu xin Đức Giê-hô-va cho tôi phục vụ ở Bê-tên và hứa sẽ không bao giờ rời khỏi nơi ấy trừ phi phải chu toàn trách nhiệm tín đồ Đấng Christ.

Tôi đến Bê-tên ngày 20-6-1945, và được chỉ định làm công việc lau chùi. Mỗi ngày tôi lau 13 phòng, dọn 26 giường, thêm vào đó là lau hành lang, cầu thang và cửa sổ. Công việc cực nhọc. Mỗi ngày trong khi làm việc tôi đều tự nhủ: ‘Tuy mệt thật nhưng mình đang ở Bê-tên, nhà của Đức Chúa Trời!’

Lập gia đình với anh Nathan Knorr

Từ thập niên 1920, thành viên Bê-tên nào muốn lập gia đình thì phải rời Bê-tên đi phục vụ quyền lợi Nước Trời ở nơi khác. Nhưng đầu thập niên 1950, vài cặp phục vụ ở nhà Bê-tên lâu năm được phép kết hôn và ở lại. Khi anh Nathan H. Knorr, lúc ấy đang dẫn đầu công việc Nước Trời trên khắp thế giới, tỏ vẻ chú ý đến tôi, tôi nghĩ: ‘Anh này sẽ ở lại Bê-tên!’

Anh Nathan có nhiều trách nhiệm trông coi hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Vì thế anh rất thành thật nêu ra nhiều lý do tôi nên cân nhắc cẩn thận trước khi nhận lời cầu hôn của anh. Thời đó anh thường đi thăm những chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới, mỗi chuyến đi như thế kéo dài nhiều tuần. Anh giải thích rằng chúng tôi sẽ phải xa nhau trong thời gian dài.

Hồi chưa lấy chồng, tôi mơ ước được kết hôn vào mùa xuân và hưởng tuần trăng mật trên đảo Hawaii ở Thái Bình Dương. Nhưng chúng tôi thành hôn vào mùa đông ngày 31-1-1953, và hưởng tuần trăng mật ngay chiều Thứ Bảy đó và Chủ Nhật tại New Jersey. Đến Thứ Hai chúng tôi trở lại làm việc. Tuy nhiên, một tuần sau, chúng tôi đi hưởng một tuần trăng mật.

Người bạn đời cần mẫn

Năm 1923 khi được 18 tuổi anh Nathan đến Bê-tên. Anh nhận sự huấn luyện quý báu của những anh có kinh nghiệm lâu năm như Joseph F. Rutherford, người dẫn đầu công việc của Nhân Chứng, và Robert J. Martin, giám thị xưởng in. Khi anh Martin qua đời vào tháng 9 năm 1932, anh Nathan trở thành giám thị xưởng in. Năm sau anh Nathan tháp tùng anh Rutherford đi thăm các chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Châu Âu. Tháng 1 năm 1942, anh Rutherford mất, anh Nathan được giao cho trách nhiệm trông coi công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới.

Anh Nathan là người nhìn xa trông rộng, luôn trù tính cho sự phát triển trong tương lai. Một số người xem điều đó không thích hợp, vì vào thời ấy sự kết liễu hệ thống mọi sự được xem là rất gần. Thật vậy, khi thấy kế hoạch của anh Nathan, một anh đã hỏi: “Điều này nghĩa là sao anh Nathan, anh không có đức tin sao?” Anh Nathan đáp: “Có chứ, nhưng nếu sự cuối cùng không đến sớm như mong muốn thì chúng ta vẫn sẵn sàng”.

Anh Nathan tin chắc là phải thành lập trường đào tạo giáo sĩ. Vì vậy ngày 1-2-1943, trường giáo sĩ được thành lập ở nông trại rộng lớn nơi anh tôi là Wayne lúc ấy đang phục vụ. Mặc dù chương trình của trường là một khóa học nghiên cứu sâu về Kinh Thánh khoảng năm tháng, anh Nathan luôn bảo đảm sao cho các học viên được giải trí. Trong những khóa đầu tiên, anh tham gia chơi bóng chày, nhưng về sau anh chỉ làm trọng tài vì sợ bị thương thì không thể đi dự các đại hội mùa hè. Các học viên lấy làm thích thú khi anh rõ ràng phá luật chơi để bênh các học viên ngoại quốc.

Những chuyến đi với anh Nathan

Cuối cùng tôi bắt đầu đi theo anh Nathan ra nước ngoài. Tôi thích nghe và chia sẻ kinh nghiệm với những người tình nguyện làm việc tại chi nhánh và các giáo sĩ. Tôi được tận mắt thấy tình yêu thương và lòng tận tụy của họ, và học được nếp sinh hoạt cũng như điều kiện sinh sống tại những nước họ được phái đến. Qua nhiều năm, tôi tiếp tục nhận được thư cảm ơn về những chuyến viếng thăm ấy.

Hồi tưởng lại những chuyến đi ấy, tôi nhớ đến nhiều kinh nghiệm. Chẳng hạn, khi chúng tôi đến thăm Ba Lan, một lần nọ tôi thấy hai chị nói thì thầm với nhau. Tôi hỏi: “Sao hai chị thì thầm vậy?” Họ liền xin lỗi và giải thích rằng họ đã quen nói thì thầm, bởi vì công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ba Lan bị cấm đoán và nhà họ bị đặt máy nghe lén.

Chị Adach ở trong số nhiều anh chị đã phụng sự ở Ba Lan trong thời bị cấm đoán. Tóc chị quăn và xòa xuống trán. Một lần chị vén tóc lên cho tôi xem một vết xẹo sâu trên trán vì bị một kẻ bắt bớ đánh. Tôi bàng hoàng khi thấy sự ngược đãi tàn bạo mà các anh chị của chúng ta đã phải chịu đựng.

Sau Bê-tên, Hawaii là nơi tôi thích thứ nhì. Tôi còn nhớ đại hội ở thành phố Hilo năm 1957, đó là một dịp đáng nhớ, số người dự đông hơn tổng số Nhân Chứng địa phương. Ông thị trưởng thậm chí đã trao cho anh Nathan chìa khóa thành phố. Nhiều người đến chào đón và choàng đầy cổ chúng tôi những vòng hoa.

Một đại hội hào hứng khác là ở Nuremberg, Đức, năm 1955, được tổ chức ở nơi mà lính của Hitler từng diễu hành. Ai cũng biết Hitler đã thề tận diệt dân sự của Đức Giê-hô-va ở Đức, nhưng vào dịp này sân vận động đầy Nhân Chứng Giê-hô-va! Tôi không thể cầm được nước mắt. Sân khấu vĩ đại có 144 cột lớn ở phía sau. Đứng trên sân khấu, tôi có thể thấy cử tọa đông đảo, hơn 107.000 người. Hàng cuối ở xa đến nỗi tôi hầu như không thấy được.

Chúng tôi cảm nhận được lòng trung kiên và sức mạnh mà Đức Chúa Trời đã ban cho các anh em người Đức khi họ bị bắt bớ trong thời Đức Quốc Xã. Điều này làm chúng tôi càng thêm quyết tâm giữ vẹn lòng trung kiên với Đức Giê-hô-va. Anh Nathan nói bài diễn văn bế mạc, sau bài giảng anh vẫy tay chào tạm biệt cử tọa. Họ lập tức vẫy khăn tay chào lại. Cảnh tượng trông như một cánh đồng hoa thật đẹp.

Chuyến viếng thăm Bồ Đào Nha tháng 12 năm 1974 cũng thật khó quên. Chúng tôi dự buổi họp đầu tiên của Nhân Chứng tại Lisbon sau khi công việc làm chứng được hợp pháp hóa. Hoạt động này bị cấm đoán trong 50 năm! Dù lúc ấy cả nước chỉ có 14.000 người công bố Nước Trời, nhưng hơn 46.000 người đã có mặt tại hai buổi họp. Nước mắt tôi dâng trào khi nghe các anh nói: “Chúng ta không phải lén lút nữa. Chúng ta được tự do rồi”.

Từ thời đi cùng với anh Nathan cho đến ngày nay, tôi luôn thích làm chứng bán chính thức—trên phi cơ, trong nhà hàng—và trên đường phố. Lúc nào tôi cũng mang theo ấn phẩm để sẵn sàng làm chứng. Có một lần máy bay đến trễ, trong lúc chúng tôi chờ đợi một người đàn bà hỏi tôi làm công việc gì. Điều này dẫn đến cuộc thảo luận với bà ấy và những người chung quanh, lúc đó cũng đang lắng nghe. Việc phụng sự ở nhà Bê-tên và hoạt động rao giảng luôn làm tôi bận rộn và vui vẻ.

Bệnh tật và lời khích lệ trước khi vĩnh biệt

Năm 1976, anh Nathan mắc bệnh ung thư, tôi cùng với gia đình Bê-tên giúp anh đối phó với bệnh tình. Dù sức khỏe anh suy giảm, chúng tôi vẫn mời nhiều thành viên của các văn phòng chi nhánh trên khắp thế giới đến phòng chúng tôi, lúc đó đang có mặt ở Brooklyn để dự khóa huấn luyện. Tôi nhớ cuộc thăm viếng của Don và Earlene Steele, Lloyd và Melba Barry, Douglas và Mary Guest, Martin và Gertrud Poetzinger, Pryce Hughes, và nhiều người khác nữa. Thường họ chia sẻ với chúng tôi một số kinh nghiệm của nước họ. Tôi rất thán phục khi nghe kể về lòng trung kiên của các anh em trong giai đoạn bị cấm đoán.

Khi biết cái chết gần kề, anh Nathan cho tôi vài lời khuyên hữu ích giúp tôi đối phó với cảnh góa bụa. Anh nói: “Chúng mình có một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Nhiều người không được như vậy”. Sự ý tứ của anh Nathan đã góp phần vào hạnh phúc hôn nhân của chúng tôi. Chẳng hạn, trong những chuyến đi khi chúng tôi gặp gỡ nhiều người, anh nói với tôi: “Audrey, nếu đôi khi anh không giới thiệu họ với em, là tại vì anh quên bẵng tên họ”. Tôi vui là anh đã báo cho tôi biết trước.

Anh Nathan nhắc nhở tôi: “Sau khi chết, niềm hy vọng của chúng ta chắc chắn, và chúng ta sẽ không bao giờ đau đớn nữa”. Rồi anh khuyên giục tôi: “Hãy hướng về tương lai, vì giải thưởng ở đó. Đừng sống trong quá khứ dù những kỷ niệm đó vẫn còn. Thời gian sẽ hàn gắn nỗi đau. Em đừng trở nên cay đắng và tủi thân. Hãy vui mừng là em có những niềm vui và ân phước này. Sau một thời gian, em sẽ thấy rằng kỷ niệm mang đến cho em niềm vui. Kỷ niệm là món quà của Đức Chúa Trời ban cho chúng ta”. Rồi anh nói thêm: “Em hãy bận rộn, cố gắng dùng đời em phục vụ người khác. Điều này sẽ giúp em tìm được niềm vui trong cuộc sống”. Cuối cùng vào ngày 8-6-1977, anh Nathan kết thúc đời sống trên đất.

Lập gia đình với Glenn Hyde

Anh Nathan nói rằng tôi có thể sống trong quá khứ đầy kỷ niệm hoặc làm lại cuộc đời mới. Thế nên vào năm 1978, sau khi dọn đến Nông Trại Tháp Canh ở Wallkill, New York, tôi lập gia đình với anh Glenn Hyde, một người đàn ông rất đẹp trai, ít nói, và hòa nhã. Trước khi trở thành Nhân Chứng, anh đã phục vụ trong Hải Quân khi Hoa Kỳ tranh chiến với Nhật Bản.

Anh Glenn đã phục vụ trong phòng máy của tàu tuần tiễu phóng ngư lôi. Tiếng ồn ào của động cơ đã làm anh bị lãng tai. Sau chiến tranh, anh trở thành nhân viên cứu hỏa. Vì trải qua chiến tranh nên trong nhiều năm anh vẫn bị những cơn ác mộng ám ảnh. Anh học được lẽ thật Kinh Thánh nhờ cô thư ký của anh làm chứng bán chính thức.

Về sau, năm 1968, anh Glenn được gọi đến Bê-tên làm công việc cứu hỏa ở Brooklyn. Sau đó, Nông Trại Tháp Canh có xe chữa lửa, và năm 1975 anh được thuyên chuyển đến làm việc tại đó. Cuối cùng anh mắc bệnh đãng trí Alzheimer. Sau mười năm chung sống, anh Glenn qua đời.

Tôi vượt qua thử thách này thế nào? Một lần nữa sự khôn ngoan mà anh Nathan truyền lại trước khi chết là một niềm an ủi cho tôi. Tôi thường đọc thư anh ấy viết cho tôi về cách đối phó với tình cảnh góa bụa. Tôi vẫn chia sẻ những lời khuyên này với những người mất bạn đời, và nhờ những lời đó họ cũng được an ủi. Thật vậy điều tốt nhất là hướng về tương lai như anh ấy đã khuyến khích tôi.

Tình anh em quý báu

Các bạn hữu thân yêu ở gia đình Bê-tên là một nhân tố đặc biệt góp phần làm đời sống tôi hạnh phúc và thỏa nguyện. Một trong những người bạn thân thiết ấy là chị Esther Lopez, tốt nghiệp khóa thứ ba Trường Kinh Thánh Tháp Canh Ga-la-át vào năm 1944. Tháng 2 năm 1950 chị trở về Brooklyn làm công việc phiên dịch các ấn phẩm Kinh Thánh sang tiếng Tây Ban Nha. Những lúc anh Nathan đi xa, chị Esther thường là bạn gần gũi với tôi. Chị cũng sống ở Nông Trại Tháp Canh. Giờ đây, trên 90 tuổi, sức khỏe suy sút nên chị được chăm sóc ở bệnh xá tại nhà Bê-tên.

Về phần gia đình tôi, chỉ có anh Russell và chị Clara là còn sống. Anh Russell đã trên 90 tuổi và đang trung thành phụng sự tại Bê-tên Brooklyn. Anh là một trong những người đầu tiên được phép ở lại Bê-tên sau khi kết hôn. Năm 1952, anh lập gia đình với chị Jean Larson cũng phục vụ ở Bê-tên. Anh của chị Jean là Max đến Bê-tên năm 1939, anh ấy lên thay anh Nathan làm giám thị xưởng in năm 1942. Anh Max tiếp tục gánh vác nhiều trách nhiệm ở Bê-tên, kể cả việc săn sóc cho người vợ yêu dấu của anh là chị Helen bị bệnh đa xơ cứng.

Nhìn lại hơn 63 năm phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian, tôi có thể nói rằng đời mình thật thỏa nguyện. Bê-tên trở thành tổ ấm của tôi, và tôi tiếp tục phụng sự với niềm vui mừng. Đó là nhờ cha mẹ đã khắc sâu vào lòng chúng tôi những thói quen làm việc tốt và ước muốn phụng sự Đức Giê-hô-va. Nhưng điều thật sự làm đời sống thỏa nguyện là tình anh em thắm thiết và hy vọng chung sống với anh chị em của chúng ta trong địa đàng, và phụng sự Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại, Đức Chúa Trời thật duy nhất, là Đức Giê-hô-va cho đến muôn đời.

[Hình nơi trang 24]

Cha mẹ tôi vào ngày cưới, tháng 6 năm 1912

[Hình nơi trang 24]

Từ trái sang phải: Russell, Wayne, Clara, Ardis, tôi, và Curtis năm 1927

[Hình nơi trang 25]

Tôi đứng giữa Frances và Barbara McNaught, khi tiên phong năm 1944

[Hình nơi trang 25]

Tại nhà Bê-tên năm 1951. Từ trái sang phải: Tôi, Esther Lopez, và chị dâu, Jean

[Hình nơi trang 26]

Với anh Nathan và cha mẹ anh ấy

[Hình nơi trang 26]

Với anh Nathan vào năm 1955

[Hình nơi trang 27]

Với anh Nathan ở Hawaii

[Hình nơi trang 29]

Với người chồng sau, anh Glenn