Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có vui thích nơi “luật-pháp của Đức Giê-hô-va” không?

Bạn có vui thích nơi “luật-pháp của Đức Giê-hô-va” không?

Bạn có vui thích nơi “luật-pháp của Đức Giê-hô-va” không?

“Phước cho người nào... lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va”.—THI-THIÊN 1:1, 2.

1. Tại sao chúng ta hạnh phúc khi làm tôi tớ của Đức Giê-hô-va?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA nâng đỡ và ban phước cho chúng ta, những tôi tớ trung thành của Ngài. Dù phải đương đầu với nhiều thử thách, chúng ta cũng có được hạnh phúc thật sự. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì chúng ta phụng sự “Đức Chúa Trời hạnh-phước”, và thánh linh Ngài giúp chúng ta sinh bông trái vui mừng. (1 Ti-mô-thê 1:11; Ga-la-ti 5:22) Vui mừng là trạng thái hạnh phúc thật sự đến từ việc trông mong hoặc nhận được điều gì tốt lành. Và Cha trên trời của chúng ta chắc chắn ban cho chúng ta mọi ân điển tốt lành. (Gia-cơ 1:17) Vì vậy, chúng ta hạnh phúc là điều không có gì lạ!

2. Chúng ta sẽ thảo luận những bài Thi-thiên nào?

2 Phước hay hạnh phúc là điểm nổi bật trong sách Thi-thiên. Chẳng hạn, bài Thi-thiên số 1 và 2 làm nổi bật điểm này. Môn đồ của Chúa Giê-su Christ thời ban đầu cho rằng Vua Đa-vít của Y-sơ-ra-ên đã viết bài Thi-thiên thứ hai. (Công-vụ 4:25, 26) Soạn giả khuyết danh của bài Thi-thiên thứ nhất bắt đầu bài hát bằng những lời được soi dẫn như sau: “Phước cho người nào chẳng theo mưu-kế của kẻ dữ”. (Thi-thiên 1:1) Trong bài này và bài kế, chúng ta sẽ xem xét bài Thi-thiên số 1 và 2 để biết lý do khiến chúng ta vui mừng.

Bí quyết để được hạnh phúc

3. Theo Thi-thiên 1:1, người tin kính được hạnh phúc vì những lý do nào?

3 Bài Thi-thiên số 1 cho thấy tại sao người tin kính được hạnh phúc. Cho biết những lý do để được hạnh phúc như thế, người viết Thi-thiên hát: “Phước cho người nào chẳng theo mưu-kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường tội-nhân, không ngồi chỗ của kẻ nhạo-báng”.—Thi-thiên 1:1.

4. Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét đã theo đuổi đường lối gương mẫu nào?

4 Để được hạnh phúc thật sự, chúng ta phải tuân theo những đòi hỏi công bình của Đức Giê-hô-va. Xa-cha-ri và Ê-li-sa-bét “đều là công-bình trước mặt Đức Chúa Trời, vâng-giữ mọi điều-răn và lễ-nghi của Chúa một cách không chỗ trách được”. Họ có đặc ân vui mừng làm cha mẹ của Giăng Báp-tít. (Lu-ca 1:5, 6) Chúng ta cũng có thể được hạnh phúc nếu theo đuổi một đường lối tương tự và cương quyết từ chối không “theo mưu-kế của kẻ dữ” hoặc để cho những lời khuyên sai trái của họ hướng dẫn.

5. Điều gì có thể giúp chúng ta tránh “đường tội-nhân”?

5 Nếu bác bỏ lối suy nghĩ của những kẻ dữ, chúng ta sẽ không “đứng trong đường tội-nhân”. Thật vậy, chúng ta sẽ không đến nơi họ thường có mặt—những chỗ giải trí vô luân hoặc có tiếng xấu. Nói sao nếu chúng ta cảm thấy muốn bắt chước hành vi trái Kinh Thánh của những kẻ tội lỗi? Vậy thì chúng ta hãy cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ để hành động phù hợp với lời của sứ đồ Phao-lô: “Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công-bình với gian-ác có hội-hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông-đồng nhau được chăng?” (2 Cô-rinh-tô 6:14) Nếu nương tựa nơi Đức Chúa Trời và “có lòng trong-sạch”, chúng ta sẽ bác bỏ tinh thần cũng như lối sống của những kẻ tội lỗi và sẽ có động cơ và ước muốn trong sạch, cùng với “đức-tin thật [“đức tin không giả hình”, Tòa Tổng Giám Mục]”.—Ma-thi-ơ 5:8; 1 Ti-mô-thê 1:5.

6. Tại sao chúng ta phải đề phòng những kẻ nhạo báng?

6 Muốn làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va, chắc chắn chúng ta ‘không được ngồi chỗ của kẻ nhạo-báng’. Một số người thậm chí chế nhạo sự tin kính, nhưng trong “những ngày sau-rốt” này, những kẻ bội đạo—trước kia là tín đồ Đấng Christ—thường tỏ ra hết sức miệt thị trong những lời nhạo báng của họ. Sứ đồ Phi-e-rơ cảnh báo anh em đồng đạo: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu,... trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau-rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm-chê, dùng lời giễu-cợt, ở theo tình-dục riêng của mình, đến mà nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ-phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng-thế”. (2 Phi-e-rơ 3:1-4) Nếu không bao giờ “ngồi chỗ của kẻ nhạo-báng”, chúng ta sẽ tránh được tai họa mà Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ giáng trên họ.—Châm-ngôn 1:22-27.

7. Tại sao chúng ta nên ghi vào lòng những lời nơi Thi-thiên 1:1?

7 Nếu không ghi vào lòng những lời mở đầu của bài Thi-thiên số 1, chúng ta có thể mất đi thiêng liêng tính mà mình đã thu thập được qua sự học hỏi Kinh Thánh. Đúng vậy, tình trạng của chúng ta có thể ngày càng tệ hơn. Nó bắt đầu xuống dốc khi chúng ta nghe theo mưu kế của kẻ dữ. Rồi có lẽ chúng ta kết hợp với họ thường xuyên. Với thời gian, chúng ta thậm chí có thể trở thành kẻ bội đạo nhạo báng. Hiển nhiên, làm bạn với những kẻ dữ có thể gieo vào lòng chúng ta tinh thần không tin kính và có thể hủy hoại mối quan hệ với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 15:33; Gia-cơ 4:4) Mong sao chúng ta đừng bao giờ để cho điều đó xảy ra cho mình!

8. Điều gì sẽ giúp chúng ta tập trung tâm trí vào những điều thiêng liêng?

8 Lời cầu nguyện sẽ giúp chúng ta tập trung tâm trí vào những điều thiêng liêng và tránh kết bạn với kẻ dữ. “Chớ lo-phiền chi hết”, Phao-lô viết, “nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu-nguyện, nài-xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu-xin của mình cho Đức Chúa Trời. Sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt-quá mọi sự hiểu-biết, sẽ giữ-gìn lòng và ý-tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus-Christ”. Sứ đồ khuyến khích chúng ta nghĩ đến điều chi chân thật, đáng tôn, công bình, thanh sạch, đáng yêu chuộng, có tiếng tốt, nhân đức và đáng khen. (Phi-líp 4:6-8) Chúng ta hãy hành động phù hợp với lời khuyên của Phao-lô và đừng bao giờ hạ thấp tiêu chuẩn giống như kẻ ác.

9. Trong khi tránh những thực hành gian ác, chúng ta cố gắng giúp mọi người như thế nào?

9 Trong khi bác bỏ những thực hành gian ác, chúng ta phải khéo léo làm chứng cho người khác, như sứ đồ Phao-lô đã nói với Quan Tổng Đốc La Mã Phê-lít “về sự công-bình, sự tiết-độ và sự phán-xét ngày sau”. (Công-vụ 24:24, 25; Cô-lô-se 4:6) Chúng ta rao giảng tin mừng về Nước Trời cho mọi người và đối xử tử tế với họ. Chúng ta tin chắc là những người “sẵn sàng tiếp nhận sự sống vĩnh cửu” sẽ trở thành người tin đạo và vui thích nơi luật pháp Đức Chúa Trời.—Công-vụ 13:48, Bản Diễn Ý.

Người ấy vui thích nơi luật pháp của Đức Giê-hô-va

10. Trong lúc học cá nhân, điều gì sẽ giúp để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí chúng ta?

10 Soạn giả Thi-thiên nói tiếp về người hạnh phúc: “[Người] lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, và suy-gẫm [“đọc lẩm nhẩm”, cước chú Nguyễn Thế Thuấn] luật-pháp ấy ngày và đêm”. (Thi-thiên 1:2) Là tôi tớ của Đức Chúa Trời, chúng ta “lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va”. Khi có thể được, trong lúc học cá nhân và suy ngẫm, chúng ta có thể đọc “lẩm nhẩm”. Làm thế khi đọc bất cứ phần nào trong Kinh Thánh sẽ giúp để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí chúng ta.

11. Tại sao chúng ta nên đọc Kinh Thánh “ngày và đêm”?

11 “Đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” khuyến khích chúng ta đọc Kinh Thánh mỗi ngày. (Ma-thi-ơ 24:45) Vì tha thiết muốn biết rõ hơn thông điệp của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, chúng ta nên đọc Kinh Thánh “ngày và đêm”—đúng vậy, ngay cả khi chúng ta không ngủ được vì lý do nào đó. Phi-e-rơ khuyến giục chúng ta: “Hãy ham-thích sữa thiêng-liêng của Đạo, như trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được rỗi linh-hồn”. (1 Phi-e-rơ 2:1, 2) Bạn có thấy vui thích đọc Kinh Thánh hằng ngày và suy ngẫm về Lời Đức Chúa Trời và ý định Ngài vào buổi tối không? Người viết Thi-thiên đã làm thế.—Thi-thiên 63:6.

12. Chúng ta sẽ làm gì nếu vui thích nơi luật pháp Đức Giê-hô-va?

12 Hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta vui thích nơi luật pháp Đức Chúa Trời. Luật pháp đó trọn vẹn và công bình, và những ai gìn giữ nó được phần thưởng lớn. (Thi-thiên 19:7-11) Môn đồ Gia-cơ viết: “Kẻ nào xét kĩ luật-pháp trọn-vẹn, là luật-pháp về sự tự-do, lại bền lòng suy-gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép-tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời”. (Gia-cơ 1:25) Nếu thật sự vui thích nơi luật pháp Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không bỏ lỡ ngày nào để xem xét những điều thiêng liêng. Quả thật, chúng ta sẽ được thúc đẩy để ‘dò-xét sự sâu-nhiệm của Đức Chúa Trời’ và đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống.—1 Cô-rinh-tô 2:10-13; Ma-thi-ơ 6:33.

Người ấy giống như cây

13-15. Chúng ta có thể giống như cây trồng gần một nguồn nước dồi dào theo nghĩa nào?

13 Miêu tả thêm về người ngay thẳng, soạn giả Thi-thiên nói: “Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sanh bông-trái theo thì-tiết, lá nó cũng chẳng tàn-héo; mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”. (Thi-thiên 1:3) Giống như mọi người bất toàn khác, chúng ta là những người phụng sự Đức Giê-hô-va cũng gặp khó khăn trong cuộc sống. (Gióp 14:1) Chúng ta có thể bị bắt bớ và gặp nhiều thử thách khác liên hệ đến đức tin. (Ma-thi-ơ 5:10-12) Tuy nhiên, với sự trợ giúp của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể thành công chịu đựng những thử thách này, giống như cây tươi tốt đứng vững trước những cơn gió tương đối mạnh.

14 Một cây trồng gần nguồn nước dồi dào thì không bị tàn héo vào mùa nóng hoặc kỳ hạn hán. Nếu chúng ta là những người kính sợ Đức Chúa Trời, sức mạnh của chúng ta đến từ một Nguồn bất tận—Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Phao-lô luôn trông cậy Đức Chúa Trời giúp đỡ và có thể nói: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng [Đức Giê-hô-va] ban thêm sức cho tôi”. (Phi-líp 4:13) Khi được thánh linh Đức Giê-hô-va hướng dẫn và gìn giữ về thiêng liêng, chúng ta không bao giờ bị tàn héo, không sinh quả hoặc chết về thiêng liêng. Chúng ta đạt kết quả trong thánh chức phụng sự Đức Chúa Trời đồng thời cũng thể hiện bông trái thánh linh.—Giê-rê-mi 17:7, 8; Ga-la-ti 5:22, 23.

15 Bằng cách dùng dạng của từ Hê-bơ-rơ được dịch là “như”, người viết Thi-thiên dùng phép so sánh. Ông đang so sánh hai sự vật khác nhau, nhưng có một đặc tính giống nhau. Người và cây khác nhau, nhưng sự sum suê của một cây được trồng gần nguồn nước dồi dào hẳn đã nhắc người viết Thi-thiên nhớ đến sự thịnh vượng về thiêng liêng của những người “lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va”. Nếu chúng ta vui thích nơi luật pháp Đức Chúa Trời, tuổi chúng ta có thể kéo dài như tuổi cây. Thật vậy, chúng ta có thể sống mãi mãi.—Giăng 17:3.

16. Tại sao và về phương diện nào ‘mọi sự chúng ta làm đều sẽ thạnh-vượng’?

16 Khi chúng ta theo đuổi đường lối ngay thẳng, Đức Giê-hô-va giúp chúng ta chịu đựng những áp lực của thử thách và khó khăn. Chúng ta được vui mừng và có kết quả trong thánh chức phụng sự Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 13:23; Lu-ca 8:15) ‘Mọi sự chúng ta làm đều sẽ thạnh-vượng’ vì mục tiêu chính của chúng ta là thực hiện ý muốn của Đức Giê-hô-va. Vì ý định Ngài luôn thành tựu và vì chúng ta vui thích nơi điều răn Ngài, chúng ta được thịnh vượng về thiêng liêng. (Sáng-thế Ký 39:23; Giô-suê 1:7, 8; Ê-sai 55:11) Điều này đúng ngay cả khi chúng ta đương đầu với nghịch cảnh.—Thi-thiên 112:1-3; 3 Giăng 2.

Kẻ ác có vẻ thịnh vượng

17, 18. (a) Người viết Thi-thiên ví kẻ ác với gì? (b) Ngay dù kẻ ác được sung túc, tại sao họ không được an ổn lâu dài?

17 Tình trạng của kẻ ác khác hẳn với tình trạng của người công bình! Kẻ ác dường như được sung túc một thời gian, nhưng không thịnh vượng về thiêng liêng. Điều này được thấy rõ qua lời kế tiếp của người viết Thi-thiên: “Kẻ ác chẳng như vậy đâu; nhưng chúng nó khác nào rơm-rác gió thổi bay đi. Bởi cớ ấy kẻ ác chẳng đứng nổi trong ngày đoán-xét, tội-nhân cũng không được vào hội người công-bình”. (Thi-thiên 1:4, 5) Hãy lưu ý người viết Thi-thiên nói, “kẻ ác chẳng như vậy đâu”. Ý của ông là họ không giống những người tin kính, vừa được ví như những cây sai trái sống dai.

18 Ngay dù sống sung túc, kẻ ác không được an ổn lâu dài. (Thi-thiên 37:16; 73:3, 12) Họ giống như người đàn ông giàu thiếu khôn ngoan mà Chúa Giê-su đề cập trong minh họa khi có người yêu cầu ngài đứng ra phân xử việc chia gia tài. Chúa Giê-su bảo những người hiện diện ở đó: “Hãy giữ cẩn-thận chớ hà-tiện gì hết [“phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”, TTGM]; vì sự sống của người ta không phải cốt tại của-cải mình dư-dật đâu”. Chúa Giê-su minh họa điểm này bằng cách kể rằng ruộng của một người giàu kia sinh lợi nhiều lắm đến nỗi ông trù tính phá các vựa kho và cất những cái khác lớn hơn để thâu trữ cả sản vật mình. Rồi ông dự định ăn uống và vui chơi. Nhưng Đức Chúa Trời nói: “Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh-hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của-cải ngươi đã sắm-sẵn sẽ thuộc về ai?” Nhấn mạnh điểm ngài muốn nói, Chúa Giê-su tiếp: “Hễ ai thâu-trữ của cho mình mà không giàu-có nơi Đức Chúa Trời thì cũng như vậy”.—Lu-ca 12:13-21.

19, 20. (a) Hãy miêu tả tiến trình đạp lúa và sàng sảy thời xưa? (b) Tại sao kẻ ác được ví như rơm rạ?

19 Kẻ ác “không giàu-có nơi Đức Chúa Trời”. Vì vậy, họ giống như rơm rác, hay như trấu đã bị tách ra từ hạt thóc, không có sự an toàn và ổn định. Vào thời xưa, sau khi thu hoạch lúa mì, người ta đem vào sân đạp lúa, một nơi bằng phẳng thường ở chỗ đất cao. Tại đó người ta dùng thú vật kéo tấm gỗ có gắn đá nhọn hay răng sắt ở mặt dưới để chà gié lúa mì và tách hạt khỏi trấu. Kế đến, người ta lấy vá xúc và rê nó trước gió. (Ê-sai 30:24) Hạt lúa mì rớt xuống sân đạp lúa, trong khi đó ngọn gió đưa rơm rạ qua một bên và thổi trấu đi. (Ru-tơ 3:2) Sau khi hạt lúa được sàng sảy cho hết sạn và những vật khác, người ta đưa vào vựa hoặc đem đi xay. (Lu-ca 22:31) Nhưng rơm rạ thì không còn nữa.

20 Cũng giống như hạt lúa mì rớt xuống đất và được giữ lại trong khi trấu bị thổi đi mất, thì người công bình sẽ còn lại và kẻ ác sẽ bị truất đi. Chắc chắn chúng ta vui mừng khi kẻ ác sắp bị hủy diệt vĩnh viễn. Khi kẻ ác không còn nữa, những người vui thích nơi luật pháp Đức Chúa Trời sẽ được ban phước dồi dào. Quả thật, nhân loại biết vâng lời cuối cùng sẽ nhận được phần thưởng của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời.—Ma-thi-ơ 25:34-46; Rô-ma 6:23.

“Đường người công-bình” được nhiều ân phước

21. Làm thế nào Đức Giê-hô-va “biết đường người công-bình”?

21 Bài Thi-thiên thứ nhất kết thúc với những lời này: “Đức Giê-hô-va biết đường người công-bình, song đường kẻ ác rồi bị diệt-vong”. (Thi-thiên 1:6) Làm thế nào Đức Chúa Trời “biết đường người công-bình”? Nếu đang theo đuổi đường lối ngay thẳng, chúng ta có thể chắc chắn là Cha trên trời sẽ nhận thấy đời sống tin kính của chúng ta và xem chúng ta là tôi tớ làm đẹp lòng Ngài. Rồi chúng ta có thể và nên trao mọi điều lo lắng cho Ngài với niềm tin chắc là Ngài thật sự quan tâm đến chúng ta.—Ê-xê-chi-ên 34:11; 1 Phi-e-rơ 5:6, 7.

22, 23. Điều gì sẽ xảy ra cho kẻ ác và người công bình?

22 “Đường người công-bình” sẽ tồn tại mãi mãi, nhưng kẻ ác bất trị sẽ bị diệt vong bởi sự đoán phạt của Đức Giê-hô-va. Rồi “đường”, tức đời sống của họ, sẽ chấm dứt. Chúng ta có thể tin chắc là lời của Đa-vít sẽ ứng nghiệm: “Một chút nữa kẻ ác không còn. Ngươi sẽ xem-xét chỗ hắn, thật không còn nữa. Song người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật. Người công-bình sẽ nhận được đất, và ở tại đó đời đời”.—Thi-thiên 37:10, 11, 29.

23 Quả là niềm hạnh phúc lớn lao mà chúng ta sẽ cảm nghiệm nếu được đặc ân sống trong một địa đàng khi kẻ ác không còn nữa! Rồi người hiền từ và công bình sẽ vui hưởng hòa bình thật sự vì họ sẽ luôn vui thích nơi “luật-pháp của Đức Giê-hô-va”. Tuy nhiên, trước khi điều đó ứng nghiệm, ‘mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va’ phải được thi hành. (Thi-thiên 2:7a) Bài tới sẽ giúp chúng ta biết mạng lệnh đó là gì và nó có nghĩa gì cho chúng ta cũng như cho cả gia đình nhân loại.

Bạn trả lời ra sao?

• Tại sao người tin kính được hạnh phúc?

• Điều gì cho thấy chúng ta vui thích nơi luật pháp Đức Giê-hô-va?

• Làm thế nào một người có thể giống như cây xanh tươi?

• Đường người công bình khác với đường lối kẻ ác như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 11]

Cầu nguyện sẽ giúp chúng ta tránh giao du với kẻ ác

[Hình nơi trang 12]

Tại sao người công bình giống như cây?