Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

‘Mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va’ phải được thực hiện

‘Mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va’ phải được thực hiện

‘Mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va’ phải được thực hiện

“Ta sẽ giảng ra mạng-lịnh: Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Ngươi là Con ta... Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại-bang làm cơ-nghiệp”.—THI-THIÊN 2:7, 8.

1. Có sự tương phản nào giữa mục đích của Đức Chúa Trời và của các nước?

GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI có mục đích cho nhân loại và trái đất. Các nước cũng có mục đích. Nhưng những mục đích này tương phản làm sao! Chúng ta biết phải có sự khác biệt này, vì Đức Chúa Trời phán: “Các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường-lối ta cao hơn đường-lối các ngươi, ý-tưởng ta cao hơn ý-tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu”. Mục đích của Đức Chúa Trời chắc chắn sẽ được thực hiện, vì Ngài phán tiếp: “Như mưa và tuyết xuống từ trên trời và không trở lại nữa, mà đượm-nhuần đất-đai, làm cho sanh ra và kết nụ, đặng có giống cho kẻ gieo, có bánh cho kẻ ăn, thì lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống-nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận-lợi công-việc ta đã sai-khiến nó”.—Ê-sai 55:9-11.

2, 3. Bài Thi-thiên thứ hai cho thấy rõ điều gì, nhưng có những câu hỏi nào được nêu lên?

2 Mục đích của Đức Chúa Trời liên quan đến Vua Mê-si sẽ được thực hiện như bài Thi-thiên thứ hai cho thấy rõ. Người soạn bài Thi-thiên đó là Vua Đa-vít của Y-sơ-ra-ên xưa, được Đức Chúa Trời soi dẫn để báo trước là sẽ có một thời kỳ đáng chú ý khi các nước sẽ bị náo loạn. Các nhà cai trị sẽ nổi dậy nghịch lại Giê-hô-va Đức Chúa Trời và đấng xức dầu của Ngài. Tuy vậy, người viết Thi-thiên tiếp tục hát: “Ta sẽ giảng ra mạng-lịnh: Đức Giê-hô-va phán cùng ta rằng: Ngươi là Con ta... Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại-bang làm cơ-nghiệp, và các đầu cùng đất làm của-cải”.—Thi-thiên 2:7, 8.

3 ‘Mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va’ báo trước điều gì cho các nước? Mạng lệnh ấy ảnh hưởng đến nhân loại nói chung như thế nào? Quả thật, các diễn biến này có nghĩa gì cho tất cả những người đọc bài Thi-thiên thứ hai và biết kính sợ Đức Chúa Trời?

Các nước náo loạn

4. Bạn tóm lược những điểm chính của Thi-thiên 2:1, 2 như thế nào?

4 Nói đến hành động của các nước và các nhà cai trị, người viết Thi-thiên bắt đầu bài hát như sau: “Nhân sao các ngoại-bang náo-loạn và những dân-tộc toan mưu-chước hư-không? Các vua thế-gian nổi dậy, các quan-trưởng bàn-nghị cùng nhau nghịch Đức Giê-hô-va, và nghịch đấng chịu xức dầu của Ngài”.—Thi-thiên 2:1, 2. *

5, 6. Các nước “toan mưu-chước hư-không” nào?

5 Các nước thời nay đã “toan mưu-chước hư không” nào? Thay vì chấp nhận đấng xức dầu của Đức Chúa Trời—Đấng Mê-si, tức Đấng Christ—các nước “toan mưu-chước”, tức trù tính để duy trì quyền hành của họ. Những lời này trong bài Thi-thiên thứ hai cũng có một sự ứng nghiệm trong thế kỷ thứ nhất CN khi chính quyền Do Thái và La Mã hợp lại để giết Chúa Giê-su Christ, Vị Vua được Đức Chúa Trời chỉ định. Tuy nhiên, sự ứng nghiệm chính bắt đầu năm 1914 khi Chúa Giê-su được lập làm Vua ở trên trời. Kể từ đó, không có một thực thể chính trị nào ở trên đất chấp nhận Vị Vua do Đức Chúa Trời tấn phong.

6 Khi người viết Thi-thiên hỏi ‘nhân sao những dân-tộc toan mưu-chước hư-không’, điều đó có nghĩa gì? Có nghĩa là mục đích của họ là hư không, vô ích và hẳn sẽ thất bại. Họ không thể mang lại bình an và hòa hợp trên đất này, mà còn đi đến độ chống lại sự cai trị của Đức Chúa Trời. Thật vậy, họ đã nhất trí giữ lập trường hung hãn và hiệp nhau nghịch lại Đấng Chí Cao và đấng xức dầu của Ngài. Quả là rồ dại!

Vua toàn thắng của Đức Giê-hô-va

7. Trong lời cầu nguyện, môn đồ thời ban đầu của Chúa Giê-su áp dụng câu Thi-thiên 2:1, 2 như thế nào?

7 Các môn đồ của Chúa Giê-su áp dụng những lời nơi Thi-thiên 2:1, 2 cho ngài. Khi bị bắt bớ vì đức tin, họ cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa [Giê-hô-va], là Đấng dựng nên trời, đất, biển, cùng muôn vật trong đó, và đã dùng Đức Thánh-Linh, phán bởi miệng tổ-phụ chúng tôi, tức là đầy-tớ Ngài, là vua Đa-vít, rằng: Vì sao các dân nổi giận, lại vì sao các nước lập mưu vô-ích? Các vua trên mặt đất dấy lên, các quan hiệp lại, mà nghịch cùng Chúa và Đấng chịu xức dầu của Ngài... Vả, Hê-rốt [An-ti-ba] và Bôn-xơ Phi-lát, với các dân ngoại, cùng dân Y-sơ-ra-ên thật đã nhóm-họp tại thành nầy đặng nghịch cùng đầy-tớ thánh Ngài là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã xức dầu cho”. (Công-vụ 4:24-27; Lu-ca 23:1-12) * Đúng vậy, trong thế kỷ thứ nhất người ta âm mưu hại Chúa Giê-su, đầy tớ được xức dầu của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, bài Thi-thiên này có một sự ứng nghiệm khác nhiều thế kỷ sau đó.

8. Thi-thiên 2:3 áp dụng cho các nước thời nay ra sao?

8 Khi dân Y-sơ-ra-ên xưa có một người làm vua cai trị, chẳng hạn như Đa-vít, các nước và những nhà cai trị ngoại giáo hiệp lại chống Đức Chúa Trời và người được Ngài xức dầu và tấn phong. Nhưng còn thời chúng ta thì sao? Các nước thời nay không muốn tuân theo những đòi hỏi của Đức Giê-hô-va và Đấng Mê-si. Vì vậy, Kinh Thánh miêu tả thái độ của họ như sau: “Chúng ta hãy bẻ lòi-tói của hai Người, và quăng xa ta xiềng-xích của họ”. (Thi-thiên 2:3) Bất cứ hạn chế nào Đức Chúa Trời và đấng xức dầu của Ngài đặt ra, các nhà cai trị và các nước đều chống đối. Dĩ nhiên, bất cứ nỗ lực nào để bẻ những lòi tói đó và quăng xa những xiềng xích ấy đều là vô ích.

Đức Giê-hô-va nhạo báng họ

9, 10. Tại sao Đức Giê-hô-va nhạo báng các nước?

9 Đức Giê-hô-va chẳng quan tâm đến bất cứ nỗ lực nào của các nhà cai trị thế gian để thiết lập chủ quyền của họ. Bài Thi-thiên thứ hai tiếp tục: “Đấng ngự trên trời sẽ cười, Chúa sẽ nhạo-báng chúng nó”. (Thi-thiên 2:4) Đức Chúa Trời vẫn tiến hành mục đích của Ngài như thể các nhà cai trị không ra gì. Ngài cười trước hành động trơ tráo của họ và nhạo báng họ. Mặc họ khoác lác về những ý đồ của họ. Đối với Đức Giê-hô-va, họ trở thành trò cười. Ngài chế nhạo sự chống đối vô ích của họ.

10 Ở những chỗ khác trong sách Thi-thiên, Đa-vít nói về những người cũng như các nước thù địch và hát: “Hỡi Giê-hô-va, Đức Chúa Trời vạn-quân, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, xin hãy chỗi-dậy để thăm-viếng các nước; chớ thương-xót kẻ nào phạm gian-ác. Buổi chiều chúng nó trở lại, tru như chó, và đi vòng quanh thành. Kìa, miệng chúng nó tuôn lời mắng-chửi; những gươm ở nơi môi chúng nó; vì chúng nó rằng: Có ai nghe đâu? Nhưng, Đức Giê-hô-va ơi, Ngài sẽ cười chúng nó, và nhạo-báng các nước”. (Thi-thiên 59:5-8) Đức Giê-hô-va cười trước sự khoe khoang và náo loạn của các nước trong đường lối ngu xuẩn chống lại Ngài.

11. Điều gì xảy ra khi các nước cố chống lại ý định của Đức Chúa Trời?

11 Những lời của bài Thi-thiên số 2 làm chúng ta vững tin là Đức Chúa Trời có thể đối phó với bất cứ thách đố nào. Chúng ta có thể tin chắc là Đức Giê-hô-va luôn thực hiện ý muốn Ngài và không bao giờ bỏ rơi các tôi tớ trung thành của Ngài. (Thi-thiên 94:14) Vậy thì điều gì sẽ xảy ra khi các nước nỗ lực chống lại ý định của Đức Chúa Trời? Theo bài Thi-thiên này, Đức Chúa Trời “sẽ nổi thạnh-nộ phán cùng chúng nó”, như thể tiếng sấm rền vang. Hơn nữa, trong “cơn giận-dữ”, như tiếng sét hãi hùng, Ngài sẽ “khuấy-khỏa chúng nó”.—Thi-thiên 2:5.

Vị Vua được Đức Chúa Trời lập

12. Thi-thiên 2:6 được áp dụng cho sự lên ngôi của ai?

12 Những gì Đức Giê-hô-va phán tiếp qua người viết Thi-thiên chắc chắn làm cho các nước bối rối. Đức Chúa Trời tuyên bố: “Ta đã lập Vua ta trên Si-ôn là núi thánh ta”. (Thi-thiên 2:6) Núi Si-ôn là một ngọn đồi ở Giê-ru-sa-lem, nơi Đa-vít được lập làm vua trên cả Y-sơ-ra-ên. Nhưng Vua Mê-si sẽ không ngồi trên ngôi ở thành đó hay nơi nào trên đất. Thật vậy, Đức Giê-hô-va đã lập Chúa Giê-su Christ làm Vua Mê-si trên Núi Si-ôn ở trên trời.—Khải-huyền 14:1.

13. Đức Giê-hô-va đã lập giao ước nào với Con Ngài?

13 Vua Mê-si giờ đây phán: “Ta sẽ giảng ra mạng-lịnh: Đức Giê-hô-va [Đấng đã lập giao ước Nước Trời với Con Ngài] phán cùng ta rằng: Ngươi là Con ta; ngày nay ta đã sanh Ngươi”. (Thi-thiên 2:7) Đấng Christ nói đến giao ước Nước Trời khi ngài bảo các sứ đồ: “Các ngươi, đã bền lòng theo ta trong mọi sự thử-thách ta, nên ta ban nước cho các ngươi, cũng như Cha ta đã ban cho ta vậy”.—Lu-ca 22:28, 29.

14. Tại sao có thể nói Chúa Giê-su có quyền chính đáng để nối ngôi?

14 Như được báo trước nơi Thi-thiên 2:7, Đức Giê-hô-va thừa nhận Chúa Giê-su là Con khi ngài làm báp têm và bằng cách khiến Chúa Giê-su sống lại trong thể thần linh. (Mác 1:9-11; Rô-ma 1:4; Hê-bơ-rơ 1:5; 5:5). Đúng vậy, Vị Vua của Nước Trời là Con một của Đức Chúa Trời. (Giăng 3:16) Là hậu duệ của Vua Đa-vít, Chúa Giê-su có quyền chính đáng để nối ngôi. (2 Sa-mu-ên 7:4-17; Ma-thi-ơ 1:6, 16) Theo bài Thi-thiên này, Đức Chúa Trời nói với con Ngài: “Hãy cầu ta, ta sẽ ban cho Con các ngoại-bang làm cơ-nghiệp, và các đầu cùng đất làm của-cải”.—Thi-thiên 2:8.

15. Tại sao Chúa Giê-su cầu xin được các nước làm cơ nghiệp?

15 Vị Vua—chính Con Đức Chúa Trời—có một địa vị đứng hàng thứ hai, chỉ sau Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su đã trải qua thử thách và được Đức Giê-hô-va xem là trung thành và đáng tin cậy. Hơn nữa, Chúa Giê-su được quyền thừa kế vì là Con đầu lòng của Đức Chúa Trời. Thật vậy, Chúa Giê-su Christ “là hình-ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, là Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên”. (Cô-lô-se 1:15) Ngài chỉ cần cầu xin thôi thì Đức Chúa Trời ‘ban cho ngài các ngoại-bang làm cơ-nghiệp, và các đầu cùng đất làm của-cải’. Chúa Giê-su cầu xin điều này vì ngài ‘vui-thích nơi con-cái loài người’ và tha thiết muốn thực hiện ý định của Cha trên trời đối với trái đất và nhân loại.—Châm-ngôn 8:30, 31.

Mạng lệnh của Đức Giê-hô-va nghịch lại các nước

16, 17. Theo Thi-thiên 2:9, điều gì sắp xảy ra cho các nước?

16 Vì bài Thi-thiên thứ hai đang được ứng nghiệm hiện nay, trong thời kỳ hiện diện vô hình của Chúa Giê-su, điều gì sắp xảy ra cho các nước? Vị Vua sắp thực hiện lời tuyên bố của Đức Chúa Trời: “Con sẽ dùng cây gậy sắt mà đập bể chúng nó [các nước]; con sẽ làm vỡ-nát chúng nó khác nào bình gốm”.—Thi-thiên 2:9.

17 Cây gậy sắt, tức vương trượng, của vua thời xưa tượng trưng cho vương quyền. Một số vương trượng được làm bằng sắt, như cây được nói đến trong bài Thi-thiên này. Từ ngữ tượng hình được dùng ở đây cho thấy Vị Vua là Đấng Christ sẽ hủy diệt các nước cách dễ dàng. Đập mạnh cây gậy sắt vào bình của thợ gốm thì bình sẽ vỡ tan tành.

18, 19. Để được Đức Chúa Trời chấp nhận, các vua của thế gian cần phải làm gì?

18 Các nhà cai trị thế gian có bắt buộc phải chứng kiến sự phá hủy tan nát đó không? Không, vì người viết Thi-thiên kêu gọi họ bằng những lời này: “Hỡi các vua, hãy khôn-ngoan; hỡi các quan-xét thế-gian, hãy chịu sự dạy-dỗ”. (Thi-thiên 2:10) Các vua được kêu gọi phải khôn ngoan chú ý đến vấn đề này. Họ phải thấy sự vô ích của các dự tính của họ, so với những gì Nước Đức Chúa Trời sẽ làm vì lợi ích của nhân loại.

19 Để được Đức Chúa Trời chấp nhận, các vua thế gian cần phải thay đổi đường lối của họ. Họ được khuyên nhủ “khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách kính-sợ, và mừng-rỡ cách run-rẩy”. (Thi-thiên 2:11) Kết quả ra sao nếu họ hành động như thế? Thay vì bị náo loạn, tức tâm trạng bối rối, họ có thể vui mừng về triển vọng mà Vua Mê-si đặt ra trước mặt họ. Các nhà cai trị thế gian cần phải bỏ tính kiêu căng, ngạo mạn trong đường lối cai trị của họ. Ngoài ra, họ phải nhanh chóng thay đổi và khôn ngoan nhận biết sự ưu việt vô song của quyền cai trị của Đức Giê-hô-va và quyền năng vô địch của Đức Chúa Trời và Vua Mê-si của Ngài.

“Hãy hôn Con”

20, 21. “Hãy hôn con” có ý nghĩa gì?

20 Bài Thi-thiên số 2 giờ đây đưa ra lời mời khoan dung cho các nhà cai trị thế gian. Thay vì hiệp nhau lại chống lại Đức Chúa Trời và Con Ngài, họ được khuyên răn: “Hãy hôn Con, e Người [Giê-hô-va Đức Chúa Trời] nổi giận, và các ngươi hư-mất trong đường chăng; vì cơn thạnh-nộ Người hòng nổi lên”. (Thi-thiên 2:12a) Một khi Chúa Tối Thượng Giê-hô-va ban hành mạng lệnh, thì người ta phải tuân theo. Khi Đức Chúa Trời đặt Con Ngài lên ngôi, các nhà cai trị thế gian lẽ ra phải ngưng “toan mưu-chước hư-không”. Đáng lý họ phải nhìn nhận Vị Vua này ngay lập tức và hoàn toàn tuân phục ngài.

21 Tại sao phải “hôn Con”? Khi bài Thi-thiên này được sáng tác, hôn là sự biểu lộ tình bạn và là cách đón mừng khách vào nhà, nơi họ được tiếp đãi. Hôn cũng có thể là một hành động tỏ sự trung thành. (1 Sa-mu-ên 10:1) Trong câu này của bài Thi-thiên thứ hai, Đức Chúa Trời đang phán bảo các nước hôn, tức chào đón, Con Ngài với tư cách là Vua được xức dầu.

22. Các nhà cai trị thế gian phải chú đến lời cảnh cáo nào?

22 Những người từ chối không thừa nhận quyền của Vị Vua do Đức Chúa Trời chọn, tức là xúc phạm Đức Giê-hô-va. Họ phủ nhận quyền tối thượng hoàn vũ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời cũng như uy quyền và khả năng của Ngài để chọn Vị Vua tốt nhất để cai trị nhân loại. Các nhà cai trị thế gian sẽ thấy rằng cơn giận của Đức Chúa Trời sẽ giáng thình lình trên họ, khi họ đang tìm cách thực hiện các ý đồ của mình. “Cơn thạnh-nộ Người hòng nổi lên”, tức bộc phát nhanh chóng và không cưỡng lại được. Các nhà cai trị thế gian phải chấp nhận lời cảnh cáo này với lòng biết ơn và hành động phù hợp với lời đó. Làm thế thì họ sẽ được sống.

23. Vẫn còn thì giờ cho người ta làm gì?

23 Bài Thi-thiên gây ấn tượng sâu sắc này kết luận: “Phàm kẻ nào nương-náu mình nơi Người [Đức Giê-hô-va] có phước thay”. (Thi-thiên 2:12b) Vẫn còn thì giờ cho người ta tìm được sự an toàn. Điều này cũng áp dụng ngay cả cho cá nhân những nhà cai trị đã từng ủng hộ ý đồ của các nước. Họ có thể chạy đến Đức Giê-hô-va, Đấng cung cấp sự nương náu dưới sự cai trị của Nước Trời. Nhưng họ phải hành động trước khi Nước của Đấng Mê-si đập tan các nước đối lập.

24. Dù sống trong một thế gian hỗn loạn này, làm thế nào chúng ta có thể có một đời sống thỏa nguyện hơn?

24 Nếu siêng năng học và áp dụng những lời khuyên Kinh Thánh trong đời sống, chúng ta có thể có một đời sống thỏa nguyện ngay bây giờ trong thế gian hỗn loạn này. Áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh giúp cho mối quan hệ gia đình thêm hạnh phúc, tránh được nhiều sự lo lắng và sợ hãi mà thế gian này phải gánh chịu. Nghe theo lời hướng dẫn trong Kinh Thánh giúp chúng ta có niềm tin chắc là chúng ta làm đẹp lòng Đấng Tạo Hóa. Không ai ngoài Chúa Tối Thượng Hoàn Vũ có thể bảo đảm “về [sự sống] đời nầy và về đời sau”, khi Ngài tẩy sạch khỏi đất mọi kẻ chống lại những điều đúng, họ chống bằng cách bác bỏ sự cai trị của Nước Trời.—1 Ti-mô-thê 4:8.

25. Vì ‘mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va’ phải được thực hiện, chúng ta có thể chờ đợi điều gì sẽ xảy ra trong thời kỳ này?

25 ‘Mạng-lịnh của Đức Giê-hô-va’ phải được thực hiện. Là Đấng Tạo Hóa, Đức Chúa Trời biết điều gì là tốt nhất cho loài người và Ngài sẽ hoàn tất ý định là ban phước cho nhân loại biết vâng lời có được sự bình an, thỏa nguyện, và an ổn lâu dài dưới Nước Trời của Con yêu dấu Ngài. Nói về thời kỳ chúng ta, tiên tri Đa-ni-ên viết: “Trong đời các vua nầy, Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt... Nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời”. (Đa-ni-ên 2:44) Do đó, chắc chắn đây là thời kỳ khẩn cấp để “hôn con” và phụng sự Chúa Tối Thượng, Đức Giê-hô-va!

[Chú thích]

^ đ. 4 Thoạt tiên, “đấng chịu xức dầu” chính là Vua Đa-vít, và “các vua thế-gian” là những nhà cai trị xứ Phi-li-tin hiệp binh đánh ông.

^ đ. 7 Các câu khác trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp cũng cho thấy Chúa Giê-su là đấng xức dầu của Đức Chúa Trời được đề cập trong bài Thi-thiên thứ hai. Điều này được thấy rõ khi so sánh Thi-thiên 2:7 với Công-vụ 13:32, 33 và Hê-bơ-rơ 1:5; 5:5. Cũng xem Thi-thiên 2:9 và Khải-huyền 2:27.

Bạn trả lời ra sao?

• Dân các nước “toan mưu-chước hư-không” nào?

• Tại sao Đức Giê-hô-va nhạo báng các nước?

• Đức Chúa Trời đưa ra mạng lệnh nào nghịch lại các nước?

• “Hãy hôn con” có nghĩa gì?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 16]

Đa-vít hát về Vị Vua Mê-si toàn thắng

[Hình nơi trang 17]

Các nhà cai trị và dân Y-sơ-ra-ên âm mưu hại Chúa Giê-su Christ

[Hình nơi trang 18]

Đấng Christ được lập làm Vua trên Núi Si-ôn trên trời