Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phép lạ của Chúa Giê-su có thật hay bịa đặt?

Phép lạ của Chúa Giê-su có thật hay bịa đặt?

Phép lạ của Chúa Giê-su có thật hay bịa đặt?

“NGƯỜI TA đem cho Đức Chúa Jêsus nhiều kẻ bị quỉ ám, Ngài lấy lời nói mà đuổi quỉ ra; cũng chữa được hết thảy những người bịnh”. (Ma-thi-ơ 8:16) “Ngài [Chúa Giê-su] bèn thức dậy, quở gió và phán cùng biển rằng: Hãy êm đi, lặng đi! Gió liền dứt và đều yên-lặng như tờ”. (Mác 4:39) Bạn nghĩ sao về những lời trên? Bạn có nghĩ rằng những lời đó mô tả các biến cố lịch sử có thật, hay đó chỉ là những câu chuyện tưởng tượng, thuần túy thần thoại?

Nhiều người ngày nay không tin các phép lạ của Chúa Giê-su là có thật. Thời đại của kính viễn vọng, kính hiển vi, thám hiểm vũ trụ và kỹ thuật di truyền dường như không còn chỗ cho sự tường thuật về những phép lạ và những công việc lạ lùng của Đức Chúa Trời.

Một số người cảm thấy các lời tường thuật về phép lạ là tưởng tượng và mang nghĩa bóng. Theo tác giả một cuốn sách tự nhận là nghiên cứu về con người “thật” của Chúa Giê-su, thì những câu chuyện về phép lạ của Đấng Christ không khác gì “trò quảng cáo” để truyền bá đạo Đấng Christ.

Những người khác thì coi phép lạ của Chúa Giê-su như trò đại bịp. Việc buộc tội lừa đảo đôi khi nhắm thẳng vào chính Chúa Giê-su. Theo Justin Martyr sống vào thế kỷ thứ hai CN, những kẻ chỉ trích Chúa Giê-su “thậm chí còn dám gọi ngài là ảo thuật gia và một người lừa gạt dân chúng”. Một số người cho rằng Chúa Giê-su “không hề làm phép lạ với tư cách một nhà tiên tri Do Thái, nhưng là một ảo thuật gia được huấn luyện từ các đền thờ ngoại giáo”.

Định nghĩa từ “không thể được”

Bạn có thể cảm thấy là đằng sau các sự nghi ngờ như thế, còn có một lý do cơ bản khiến người ta ngần ngại tin vào phép lạ. Họ chỉ thấy khó, thậm chí không thể, chấp nhận ý tưởng là các quyền lực siêu nhiên có thể làm phép lạ. Một thanh niên nhận mình là người theo thuyết bất khả tri phát biểu: “Dứt khoát, không có phép lạ”. Rồi anh trích lời của triết gia David Hume, người Scotland sống vào thế kỷ 18: “Phép lạ vi phạm luật thiên nhiên”.

Tuy nhiên, nhiều người rất thận trọng, không dám quyết đoán một hiện tượng nào đó không thể xảy ra. Cuốn The World Book Encyclopedia (Bách khoa tự điển thế giới) gọi phép lạ là “sự kiện không thể nào dùng luật thiên nhiên có sẵn để giải thích”. Theo định nghĩa này thì việc du hành trong không gian, liên lạc vô tuyến, điều khiển vệ tinh sẽ dường như là “phép lạ” đối với nhiều người chỉ cách đây một thế kỷ. Thật thiếu khôn ngoan khi quyết đoán rằng phép lạ không thể xảy ra chỉ vì không thể giải thích được bằng sự hiểu biết hiện có.

Khi xem xét một số bằng chứng trong Kinh Thánh liên quan đến phép lạ mà Chúa Giê-su Christ đã làm, chúng ta sẽ tìm thấy gì? Các phép lạ của ngài có thật hay bịa đặt?