Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va tỏ sự vinh hiển cho người khiêm nhường

Đức Giê-hô-va tỏ sự vinh hiển cho người khiêm nhường

Đức Giê-hô-va tỏ sự vinh hiển cho người khiêm nhường

“Phần thưởng của sự khiêm-nhượng và sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng-sống”.—CHÂM-NGÔN 22:4.

1, 2. (a) Sách Công-vụ cho thấy Ê-tiên có “đầy đức-tin và Thánh-Linh” như thế nào? (b) Có bằng chứng nào cho thấy Ê-tiên là người khiêm nhường?

Ê-TIÊN là một người có “đầy đức-tin và Thánh-Linh”. Ông cũng được “đầy ân-điển và quyền-năng”. Là một trong những môn đồ thời ban đầu của Chúa Giê-su, ông làm dấu kỳ phép lạ rất lớn trong dân chúng. Có lần, một số người nổi lên cãi lẫy với Ê-tiên, “song chúng không thể chống nổi với sự khôn-ngoan và Thánh-Linh mà người đã nhờ đó nói ra”. (Công vụ 6:5, 8-10, Ghi-đê-ôn) Rõ ràng Ê-tiên là một người chăm chỉ học Lời Đức Chúa Trời, và ông hùng hồn bênh vực Kinh Thánh trước các nhà lãnh đạo Do Thái Giáo thời đó. Lời làm chứng cặn kẽ của ông được ghi nơi sách Công-vụ chương 7, cho thấy ông tha thiết chú ý đến ý định mà Đức Chúa Trời tỏ ra.

2 Ê-tiên là người khiêm nhường, khác hẳn với các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó mà địa vị và sự hiểu biết khiến họ cảm thấy cao trọng hơn thường dân. (Ma-thi-ơ 23:2-7; Giăng 7:49) Mặc dù thông thạo Kinh Thánh, ông vui mừng khi được giao cho nhiệm vụ “giúp việc bàn-tiệc” để các sứ đồ có thể chuyên tâm lo về “sự cầu-nguyện và chức-vụ giảng đạo”. Ông được tiếng tốt trong vòng anh em và vì vậy là một trong số bảy người được chọn để đảm trách việc cấp phát thức ăn hàng ngày. Ông khiêm nhường nhận lấy công việc đó.—Công-vụ 6:1-6.

3. Ê-tiên thấy Đức Chúa Trời thể hiện ân điển Ngài qua cách nổi bật nào?

3 Thái độ khiêm nhường, thiêng liêng tính và lòng trung kiên của Ê-tiên đã được Đức Giê-hô-va chú ý. Khi Ê-tiên đang làm chứng trước số đông giới lãnh đạo Do Thái Giáo hung hăng ở Tòa Công Luận, các người chống đối ấy “thấy mặt người như mặt thiên-sứ vậy”. (Công-vụ 6:15) Nét mặt ông giống như một sứ giả của Đức Chúa Trời, với vẻ bình tịnh đến từ Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời vinh hiển. Sau khi dạn dĩ làm chứng cho các thành viên của Tòa Công Luận, Ê-tiên thấy Đức Chúa Trời thể hiện ân điển của Ngài một cách nổi bật. “Người, được đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu Đức Chúa Trời”. (Công-vụ 7:55) Đối với Ê-tiên, sự hiện thấy đầy ấn tượng này đã khẳng định địa vị của Chúa Giê-su với tư cách là Con Đức Chúa Trời và Đấng Mê-si. Điều này đã làm người khiêm nhường Ê-tiên vững mạnh và giúp ông tin chắc mình được ân huệ của Đức Giê-hô-va.

4. Đức Giê-hô-va tỏ sự vinh hiển cho ai?

4 Sự hiện thấy ban cho Ê-tiên giúp chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va tỏ sự vinh hiển và ý định cho những người biết kính sợ Ngài, có tính khiêm nhường và quý trọng mối quan hệ với Ngài. Kinh Thánh nói: “Phần thưởng của sự khiêm-nhượng và sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng-sống”. (Châm-ngôn 22:4) Do đó, điều trọng yếu là chúng ta hiểu sự khiêm nhường thật là gì, làm sao chúng ta có thể vun trồng đức tính quan trọng này, và chúng ta được lợi ích thế nào khi biểu lộ đức tính này trong mọi khía cạnh của đời sống.

Khiêm nhường—Một đức tính Đức Chúa Trời biểu lộ

5, 6. (a) Tính khiêm nhường là gì? (b) Đức Giê-hô-va biểu lộ tính khiêm nhường ra sao? (c) Tính khiêm nhường của Đức Giê-hô-va hẳn phải tác động đến chúng ta như thế nào?

5 Một số người có lẽ ngạc nhiên là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng tối cao và vinh hiển bậc nhất trong vũ trụ, là gương tột bậc về tính khiêm nhường. Đa-vít nói với Đức Giê-hô-va: “Chúa cũng đã ban cho tôi sự cứu-rỗi làm khiên; tay hữu Chúa nâng-đỡ tôi, và sự hiền-từ Chúa [“lòng khiêm nhường của Chúa”, NW] đã làm tôi nên sang-trọng”. (Thi-thiên 18:35) Khi miêu tả tính khiêm nhường của Đức Giê-hô-va, Đa-vít dùng một chữ gốc Hê-bơ-rơ có nghĩa là “cúi xuống”. Ngoài từ “khiêm nhường”, những từ như “nhún nhường”, “nhu mì” và “hạ mình” cũng ra từ một chữ gốc. Vậy Đức Giê-hô-va biểu lộ tính khiêm nhường khi Ngài hạ mình chiếu cố đến con người bất toàn Đa-vít và dùng ông làm vua đại diện Ngài. Như lời ghi chú ở đầu bài Thi-thiên 18 cho thấy, Đức Giê-hô-va che chở và nâng đỡ Đa-vít, giải cứu ông “khỏi tay mọi kẻ thù-nghịch, và khỏi tay Sau-lơ”. Tương tự thế, Đa-vít biết rằng bất cứ sự cao trọng hay vinh hiển nào mà ông đạt được khi làm vua đều là do Đức Giê-hô-va hạ mình ra tay hành động vì lợi ích của ông. Sự nhận thức này giúp Đa-vít giữ lòng khiêm nhường.

6 Về phần chúng ta thì sao? Đức Giê-hô-va đã thấy cần dạy cho chúng ta lẽ thật, và có lẽ Ngài đã ban cho chúng ta đặc ân phụng sự trong tổ chức Ngài hoặc dùng chúng ta qua cách nào đó để thực hiện ý muốn Ngài. Chúng ta nên cảm thấy thế nào về mọi điều đó? Chẳng lẽ chúng ta lại không hạ mình xuống sao? Chẳng lẽ chúng ta lại không biết ơn về sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va và tránh đề cao chính mình vì là điều chắc chắn đưa chúng ta vào tai họa?—Châm-ngôn 16:18; 29:23.

7, 8. (a) Đức Giê-hô-va tỏ tính khiêm nhường trong cách đối xử với Ma-na-se như thế nào? (b) Bằng cách nào Đức Giê-hô-va, cũng như Ma-na-se, nêu gương cho chúng ta về việc tỏ lòng khiêm nhường?

7 Không những Đức Giê-hô-va tỏ tính khiêm nhường vượt bậc qua việc giao tiếp với người bất toàn mà Ngài còn tỏ lòng sẵn sàng thương xót những người hèn mọn, cả đến nâng lên hoặc cất nhắc những người tự hạ mình xuống. (Thi-thiên 113:4-7) Chẳng hạn, hãy xem trường hợp Vua Ma-na-se của nước Giu-đa. Ông lạm dụng địa vị cao trọng làm vua để đẩy mạnh sự thờ phượng sai lầm và “làm điều ác thái-quá tại trước mặt Đức Giê-hô-va đặng chọc giận Ngài”. (2 Sử-ký 33:6) Cuối cùng, Đức Giê-hô-va trừng phạt Ma-na-se bằng cách cho phép vua A-si-ri hạ bệ ông. Trong tù, Ma-na-se “cầu-khẩn Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người và hạ mình xuống lắm trước mặt Đức Chúa Trời”, vì thế Đức Giê-hô-va cho ông trở lại ngôi vị ở Giê-ru-sa-lem, và Ma-na-se “nhìn biết Giê-hô-va là Đức Chúa Trời” thật. (2 Sử-ký 33:11-13) Đúng vậy, cuối cùng, tinh thần khiêm nhường của Ma-na-se đã làm Đức Giê-hô-va vui lòng, nên Ngài đã tỏ tính khiêm nhường bằng cách tha thứ và phục hồi ngôi vua cho ông.

8 Việc Đức Giê-hô-va sẵn sàng tha thứ và thái độ ăn năn của Ma-na-se cho chúng ta những bài học quan trọng về tính khiêm nhường. Phải luôn nhớ rằng cách chúng ta đối xử với những người đã làm phật lòng mình và thái độ mình biểu lộ khi phạm tội có thể ảnh hưởng đến cách Đức Giê-hô-va cư xử với chúng ta. Nếu sẵn lòng tha thứ lỗi lầm của người khác và khiêm nhường nhìn nhận những sai lầm của chính mình, chúng ta có thể trông mong được Đức Giê-hô-va thương xót.—Ma-thi-ơ 5:23, 24; 6:12.

Đức Chúa Trời tỏ sự vinh hiển cho người khiêm nhường

9. Tính khiêm nhường có phải là dấu hiệu của sự yếu đuối không? Hãy giải thích.

9 Tuy nhiên, không nên lầm tưởng rằng tính khiêm nhường và những tính quan hệ khác là dấu hiệu của sự yếu đuối hoặc là một khuynh hướng dung túng những điều sai quấy. Như Kinh Thánh chứng thực, Đức Giê-hô-va khiêm nhường nhưng Ngài tỏ cơn giận chính đáng và sức mạnh đáng kinh sợ khi cần. Vì khiêm nhường, Đức Giê-hô-va lưu ý hay quan tâm đặc biệt đến những người hèn mọn, đồng thời Ngài cách xa những kẻ kiêu ngạo. (Thi-thiên 138:6) Đức Giê-hô-va đã tỏ lòng quan tâm đặc biệt đến các tôi tớ khiêm nhường của Ngài như thế nào?

10. Như 1 Cô-rinh-tô 2:6-10 cho thấy, Đức Giê-hô-va tỏ cho người khiêm nhường biết điều gì?

10 Vào đúng thời điểm và qua cơ quan thông tri Ngài chọn, Đức Giê-hô-va đã tỏ cho người khiêm nhường biết những chi tiết về cách Ngài thực hiện ý định của Ngài. Những người kiêu căng trông cậy—hoặc ngoan cố theo sát—sự khôn ngoan hay lối suy nghĩ của loài người sẽ không thấy được những sự vinh hiển ấy. (1 Cô-rinh-tô 2:6-10) Nhưng những người khiêm nhường, được ban cho sự hiểu biết chính xác về ý định của Đức Giê-hô-va, cảm kích để ca ngợi Ngài vì ngày càng quý trọng sự vinh hiển đáng khâm phục của Ngài.

11. Trong thế kỷ thứ nhất, một số người cho thấy họ thiếu khiêm nhường như thế nào, và điều này đã tỏ ra tai hại cho họ như thế nào?

11 Trong thế kỷ thứ nhất, nhiều người, kể cả một số cho mình là tín đồ Đấng Christ, đã tỏ ra thiếu khiêm nhường và bị vấp phạm bởi điều mà sứ đồ Phao-lô tiết lộ với họ về ý định của Đức Chúa Trời. Phao-lô trở thành “sứ-đồ cho dân ngoại”, không phải vì quốc tịch, trình độ giáo dục, tuổi tác hay thành tích về việc lành của ông. (Rô-ma 11:13) Thường thì những người có quan điểm phàm tục xem những điều đó là nhân tố quyết định rằng Đức Giê-hô-va sẽ dùng người nào làm công cụ của Ngài. (1 Cô-rinh-tô 1:26-29; 3:1; Cô-lô-se 2:18) Tuy nhiên, Phao-lô được Đức Giê-hô-va chọn, phù hợp với lòng yêu thương nhân từ và ý định công bình của Ngài. (1 Cô-rinh-tô 15:8-10) Những người Phao-lô miêu tả là ‘các sứ-đồ tôn-trọng’, hay “sứ đồ siêu đẳng” theo Bản Dịch Mới, cũng như những người chống đối khác, không chịu chấp nhận Phao-lô và những lập luận của ông căn cứ vào Kinh Thánh. Tính thiếu khiêm nhường đã cản trở họ đạt được sự hiểu biết về cách vinh hiển mà Đức Chúa Trời thực hiện ý định của Ngài. Mong rằng chúng ta không bao giờ xem thường hoặc vội phê phán những người mà Đức Giê-hô-va chọn để thực hiện ý muốn của Ngài.—2 Cô-rinh-tô 11:4-6.

12. Gương của Môi-se cho thấy Đức Giê-hô-va xem trọng những người khiêm nhường như thế nào?

12 Mặt khác, có nhiều trường hợp trong Kinh Thánh nhấn mạnh đến cách mà những người khiêm nhường được đặc ân thoáng thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. Môi-se, “người rất khiêm-hòa” hơn mọi người khác, đã thấy sự vinh hiển của Đức Chúa Trời và có được mối quan hệ mật thiết với Ngài. (Dân-số Ký 12:3) Trong 40 năm, người khiêm nhường này là một người chăn chiên thấp hèn, có thể hầu hết thời gian đó là tại vùng bán đảo Ả-rập, nhưng lại được Đấng Tạo Hóa xem trọng qua nhiều cách. (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:12, 30) Với sự ủng hộ của Đức Giê-hô-va, Môi-se trở thành phát ngôn viên và người tổ chức chính của nước Y-sơ-ra-ên. Ông được thông tri hai chiều với Đức Chúa Trời. Qua một sự hiện thấy, ông thấy “hình Đức Giê-hô-va”. (Dân-số Ký 12:7, 8; Xuất Ê-díp-tô Ký 24:10, 11) Những ai nhận biết người tôi tớ khiêm nhường này là đại diện của Đức Chúa Trời cũng được ban phước. Tương tự thế, chúng ta sẽ được ban phước nếu nhận biết và tuân theo đấng tiên tri lớn hơn Môi-se, tức Chúa Giê-su, cũng như “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” được ngài bổ nhiệm.—Ma-thi-ơ 24:45, 46; Công-vụ 3:22.

13. Vào thế kỷ thứ nhất, Đức Giê-hô-va tỏ sự vinh hiển cho những người chăn chiên hèn mọn như thế nào?

13 “Sự vinh-hiển của Chúa chói-lòa” quanh ai và tin mừng về sự giáng sinh của “một Đấng Cứu-thế, là Christ, là Chúa” đã được thiên sứ thông báo cho ai? Không phải cho những người lãnh đạo tôn giáo kiêu kỳ hoặc những người quan trọng có địa vị cao, nhưng cho những người chăn chiên hèn mọn “trú ngoài đồng, thức đêm canh-giữ bầy chiên”. (Lu-ca 2:8-11) Những người này không được xem trọng vì khả năng hay việc làm của họ. Nhưng họ là những người được Đức Giê-hô-va lưu ý đến và được cho biết trước nhất về sự giáng sinh của Đấng Mê-si. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va tỏ sự vinh hiển cho những người khiêm nhường và kính sợ Ngài.

14. Đức Chúa Trời ban ân phước nào cho những người khiêm nhường?

14 Những trường hợp trên dạy chúng ta điều gì? Dạy chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va yêu thích và tỏ sự hiểu biết về ý định của Ngài cho những người khiêm nhường. Ngài chọn những người có lẽ không hội đủ điều kiện theo ý của người ta và dùng họ làm công cụ để thông báo về ý định vinh hiển của Ngài với người khác. Điều này hẳn thúc đẩy chúng ta tiếp tục hướng về Đức Chúa Trời, lời tiên tri và tổ chức của Ngài để được hướng dẫn. Chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va sẽ cho những tôi tớ khiêm nhường biết về ý định vinh hiển của Ngài. Nhà tiên tri A-mốt tuyên bố: “Chúa Giê-hô-va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín-nhiệm Ngài ra trước cho tôi-tớ Ngài, là các đấng tiên-tri”.—A-mốt 3:7.

Vun trồng tính khiêm nhường và hưởng ân huệ của Đức Chúa Trời

15. Tại sao chúng ta phải cố gắng duy trì tính khiêm nhường, và điều này được nêu bật trong trường hợp của Sau-lơ vua Y-sơ-ra-ên như thế nào?

15 Để có ân huệ lâu dài của Đức Chúa Trời, chúng ta phải tiếp tục khiêm nhường. Một người khiêm nhường bây giờ không hẳn sẽ luôn khiêm nhường. Một người có thể mất đi tính khiêm nhường để rồi trở nên kiêu ngạo và tự nâng mình lên, như vậy sẽ dẫn đến sự tự phụ và tai họa. Sau-lơ, người đầu tiên được xức dầu làm vua Y-sơ-ra-ên, đã hành động như thế. Khi mới được chọn, ông “tự coi mình là nhỏ bé”. (1 Sa-mu-ên 15:17, Tòa Tổng Giám Mục) Tuy nhiên, sau khi cai trị chỉ hai năm, ông đã hành động vượt quá quyền hạn mình. Ông xem thường sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về việc dâng của-lễ qua nhà tiên tri Sa-mu-ên, và ông viện cớ để tự dâng của-lễ. (1 Sa-mu-ên 13:1, 8-14) Đây là khởi đầu hàng loạt các biến cố mà đã rõ ràng cho thấy ông thiếu khiêm nhường. Hậu quả là ông mất đi thánh linh và ân huệ của Đức Chúa Trời, cuối cùng ông phải chịu cái chết nhục nhã. (1 Sa-mu-ên 15:3-19, 26; 28:6; 31:4) Bài học này rất rõ rệt: Chúng ta phải cố gắng duy trì tính khiêm nhường và tuân phục đồng thời đè nén thái độ tự đề cao, làm thế sẽ tránh những hành động tự phụ khiến mất đi ân huệ của Đức Giê-hô-va.

16. Suy ngẫm về mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va và người đồng loại có thể giúp mình vun trồng tính khiêm nhường như thế nào?

16 Mặc dù tính khiêm nhường không được nêu ra trong bông trái thánh linh của Đức Chúa Trời, nhưng đó là một đức tính thánh thiện cần phải vun trồng. (Ga-la-ti 5:22, 23; Cô-lô-se 3:10, 12) Vì đức tính này liên hệ đến thái độ—tức là cách chúng ta xem mình và người khác—việc vun trồng tính khiêm nhường đòi hỏi sự chăm chú nỗ lực. Suy luận và ngẫm nghĩ về mối quan hệ của chúng ta với Đức Giê-hô-va và người đồng loại có thể giúp mình giữ tinh thần khiêm nhường. Dưới mắt Đức Chúa Trời, tất cả những người bất toàn như thể cỏ sống tạm thời rồi khô héo đi. Con người được ví như cào cào ngoài đồng. (Ê-sai 40:6, 7, 22) Một cọng cỏ có lý do nào để kiêu ngạo chỉ vì nó cao hơn những cọng khác không? Một con cào cào có lý do nào để khoe sự dũng cảm mình chỉ vì nó có thể nhảy xa hơn những cào cào khác một chút không? Quả là vô lý khi nghĩ thế. Do đó, sứ đồ Phao-lô nhắc nhở các anh em tín đồ Đấng Christ: “Ai phân-biệt ngươi với người khác? Ngươi há có điều chi mà chẳng đã nhận-lãnh sao? Nếu ngươi đã nhận-lãnh, thì sao còn khoe mình như chẳng từng nhận-lãnh?” (1 Cô-rinh-tô 4:7) Suy ngẫm về những câu Kinh Thánh như thế có thể giúp chúng ta vun trồng và biểu lộ tính khiêm nhường.

17. Điều gì đã giúp nhà tiên tri Đa-ni-ên vun trồng tính khiêm nhường, và điều gì có thể giúp chúng ta làm giống như thế?

17 Nhà tiên tri Hê-bơ-rơ là Đa-ni-ên được Đức Chúa Trời xem là “người rất được yêu-quí” bởi vì ông “hạ mình”, có nghĩa là vì ông khiêm nhường. (Đa-ni-ên 10:11, 12) Điều gì giúp Đa-ni-ên vun trồng tính khiêm nhường? Trước hết, Đa-ni-ên biểu lộ lòng tin cậy chẳng chuyển lay nơi Đức Giê-hô-va, đều đặn cầu nguyện Ngài. (Đa-ni-ên 6:10, 11) Ngoài ra, Đa-ni-ên là người tận tụy học Lời Đức Chúa Trời với động cơ đúng đắn, điều này đã giúp ông tập trung vào ý định vinh hiển của Ngài. Ông cũng sẵn sàng nhìn nhận những thiếu sót cá nhân, chứ không chỉ những thiếu sót của dân chúng. Ông thành thật chú ý đến việc đẩy mạnh sự công bình của Đức Chúa Trời, chứ không phải của chính mình. (Đa-ni-ên 9:2, 5, 7) Chúng ta có thể học hỏi qua gương mẫu xuất sắc của Đa-ni-ên và cố vun trồng, biểu lộ tính khiêm nhường trong mọi khía cạnh của đời sống mình không?

18. Sự vinh hiển nào chờ đón những người biểu lộ tính khiêm nhường ngày nay?

18 Châm-ngôn 22:4 nói: “Phần thưởng của sự khiêm-nhượng và sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng-sống”. Thật vậy, Đức Giê-hô-va yêu chuộng những người khiêm nhường và kết quả là họ được vinh hiển và sự sống. Sau khi suýt bỏ việc phụng sự Đức Chúa Trời nhưng rồi được Ngài điều chỉnh lại lối suy nghĩ, người viết Thi-thiên là A-sáp khiêm nhường nhận thức: “Chúa sẽ dùng sự khuyên-dạy mà dẫn-dắt tôi, rồi sau tiếp-rước tôi trong sự vinh-hiển”. (Thi-thiên 73:24) Còn ngày nay thì sao? Sự vinh hiển nào đang chờ đón những người biểu lộ tính khiêm nhường? Ngoài việc có được mối quan hệ tốt đẹp và hạnh phúc với Đức Giê-hô-va, họ có thể trông mong thấy lời được soi dẫn của Vua Đa-vít được ứng nghiệm: “Người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”. Quả là một tương lai huy hoàng!—Thi-thiên 37:11.

Bạn có nhớ không?

• Đức Giê-hô-va tỏ sự vinh hiển của Ngài cho Ê-tiên vì ông nêu gương về sự khiêm nhường như thế nào?

• Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã tỏ tính khiêm nhường qua những cách nào?

• Những trường hợp nào cho thấy Đức Giê-hô-va tỏ sự vinh hiển cho người khiêm nhường?

• Gương của Đa-ni-ên có thể giúp chúng ta vun trồng tính khiêm nhường như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 12]

Mạnh mẽ nhưng khiêm nhường

Năm 1919 tại đại hội của Học Viên Kinh Thánh (nay là Nhân Chứng Giê-hô-va) ở Cedar Point, Ohio, Hoa Kỳ, anh J. F. Rutherford, 50 tuổi, lúc ấy trông coi công việc rao giảng, đã tình nguyện xách hành lý và đưa những người dự đại hội đến phòng trọ của họ. Vào ngày cuối cùng của đại hội, anh đã khích động cử tọa 7.000 người bằng những lời này: “Các anh chị là sứ thần của Vị Vua của các vua và Chúa của các chúa, hãy thông báo cho mọi dân... nước vinh hiển của Chúa chúng ta”. Dù anh Rutherford là người có lòng tin mạnh mẽ, có tiếng ăn nói mạnh bạo và cương quyết giữ vững những gì anh tin là lẽ thật, anh cũng thật sự khiêm nhường trước mặt Đức Chúa Trời, thái độ này thường được phản ánh qua lời cầu nguyện của anh trong sự thờ phượng buổi sáng tại nhà Bê-tên.

[Hình nơi trang 9]

Dù thông thạo Kinh Thánh, Ê-tiên khiêm nhường cấp phát thức ăn

[Hình nơi trang 10]

Thái độ hạ mình của Ma-na-se đã làm vui lòng Đức Giê-hô-va

[Hình nơi trang 12]

Điều gì giúp Đa-ni-ên trở thành “người rất được yêu-quí”?