Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng tôi sống nhờ sức mạnh của Đức Giê-hô-va

Chúng tôi sống nhờ sức mạnh của Đức Giê-hô-va

Tự Truyện

Chúng tôi sống nhờ sức mạnh của Đức Giê-hô-va

DO ERZSÉBET HAFFNER KỂ LẠI

“Anh sẽ không để cho họ trục xuất em”, anh Tibor Haffner nói vậy khi hay tin tôi được lệnh phải rời khỏi Tiệp Khắc. Rồi anh thêm: “Nếu em bằng lòng, anh sẽ cưới em và em sẽ sống với anh trọn đời”.

CHỈ vài tuần sau lời cầu hôn bất ngờ ấy, tôi thành hôn với anh Tibor ngày 29-1-1938, người tín đồ Đấng Christ đầu tiên đã rao giảng cho gia đình tôi. Thật không dễ quyết định về chuyện này; lúc đó tôi vừa tròn 18 tuổi, và là một người truyền giáo trọn thời gian của Nhân Chứng Giê-hô-va, tôi muốn dành trọn tuổi thanh xuân cho việc phụng sự Đức Chúa Trời. Tôi đã khóc và cầu nguyện. Sau khi bình tâm lại, tôi mới nhận ra rằng lời cầu hôn của anh Tibor không chỉ vì lòng tốt mà thôi, tôi cảm thấy muốn sống với người đàn ông này vì anh thật lòng yêu tôi.

Nhưng tại sao tôi lại bị trục xuất? Suy cho cùng, tôi đang sống ở một nước tự hào về nền dân chủ và tự do tín ngưỡng mà. Đến đây tôi cảm thấy cần phải kể cho bạn biết rõ thêm về cuộc đời của tôi.

Tôi chào đời ngày 26-12-1919, cha mẹ là người Công Giáo Hy Lạp sống ở làng Sajószentpéter, Hung-ga-ri, nằm cách thành phố Budapest khoảng 160 kilômét về phía đông. Điều đáng buồn là cha tôi mất trước khi tôi chào đời. Ít lâu sau mẹ tôi tái giá với một người góa vợ có bốn con. Gia đình tôi dọn đến Lučenec, thành phố thơ mộng này lúc đó thuộc về Tiệp Khắc. Trong những năm tháng đó, sống trong một gia đình chắp nối không phải là điều dễ. Tôi là út trong năm đứa con, vì thế tôi cảm thấy mình là đứa con lạc loài. Lúc đó tình hình kinh tế khó khăn, tôi không những thiếu thốn về mặt vật chất mà cả sự chăm sóc và tình thương thông thường của cha mẹ.

Có ai biết lời giải đáp?

Năm 16 tuổi, tôi băn khoăn về những câu hỏi hệ trọng. Tôi rất chú ý đọc về lịch sử Thế Chiến I và rất kinh ngạc khi thấy những sự tàn sát giữa các quốc gia văn minh tự xưng theo đạo Đấng Christ. Ngoài ra, tôi cũng thấy chủ nghĩa quân phiệt ngày càng lan rộng khắp nơi. Tất cả những điều này không hòa hợp với những gì tôi được dạy ở nhà thờ về tình yêu thương người đồng loại.

Bởi vậy tôi tìm đến một linh mục Công Giáo La Mã và hỏi ông: “Những người tín đồ Đấng Christ chúng ta có bổn phận phải vâng theo mệnh lệnh nào, tham gia chiến tranh để giết người đồng loại hay yêu thương họ?” Khó chịu vì câu hỏi của tôi, ông trả lời rằng ông chỉ dạy theo những điều cấp trên đưa xuống mà thôi. Tôi cũng gặp phản ứng tương tự khi đến gặp mục sư Tin Lành phái Calvin và thầy ra-bi người Do Thái. Tôi không nhận được lời giải đáp nào mà chỉ thấy họ ngạc nhiên về câu hỏi khác thường của tôi. Sau cùng, tôi đến gặp một mục sư đạo Luther. Ông này tỏ vẻ bực mình, nhưng trước khi tôi ra về, ông bảo: “Nếu cô thật sự muốn biết, hãy hỏi Nhân Chứng Giê-hô-va”.

Tôi cố gắng tìm Nhân Chứng Giê-hô-va, nhưng không gặp. Vài ngày sau, khi đi làm về, tôi thấy cửa nhà đang mở. Một thanh niên đẹp trai đang đọc Kinh Thánh cho mẹ tôi nghe. Một ý nghĩ chợt nẩy lên trong đầu tôi: ‘À đúng rồi, anh này là Nhân Chứng Giê-hô-va đây!’ Chúng tôi mời người thanh niên ấy vào nhà, anh tên là Tibor Haffner. Tôi lại nêu lên những thắc mắc như trên. Anh không trả lời theo ý riêng mà cho tôi xem những gì Kinh Thánh nói về dấu hiệu nhận diện tín đồ thật của Đấng Christ, cũng như về thời kỳ chúng tôi đang sống.—Giăng 13:34, 35; 2 Ti-mô-thê 3:1-5.

Trong vòng vài tháng, trước khi 17 tuổi, tôi làm báp têm. Tôi cảm thấy tất cả mọi người cần nghe những lẽ thật quý báu này mà tôi khó nhọc lắm mới tìm ra được. Tôi bắt đầu rao giảng trọn thời gian, một công việc đầy khó khăn ở Tiệp Khắc vào cuối thập niên 1930. Tuy công việc của chúng tôi đã được chính thức đăng ký, nhưng chúng tôi vẫn phải đương đầu với sự chống đối dữ dội do hàng giáo phẩm xúi giục.

Lần đầu nếm trải sự bắt bớ

Vào một ngày cuối năm 1937, tôi đang đi rao giảng với một chị tín đồ Đấng Christ ở một làng gần Lučenec. Chưa đi được bao lâu thì chúng tôi bị bắt và giải đến nhà tù. Người lính gác tù nói: “Tụi bay sẽ chết ở đây”, rồi anh ta đóng sầm cửa xà lim lại.

Đến tối, chúng tôi có thêm bốn bạn tù. Chúng tôi bắt đầu an ủi và làm chứng cho họ. Họ bình tĩnh lại, thế là suốt đêm đó chúng tôi bận rộn chia sẻ lẽ thật Kinh Thánh với họ.

Sáu giờ sáng hôm sau, viên gác tù gọi tôi ra khỏi xà lim. Tôi nói với người bạn: “Chúng mình gặp lại nhau trong Nước Trời nhé”. Tôi nhờ chị kể cho gia đình tôi biết chuyện gì đã xảy ra, nếu chị sống sót. Tôi thầm cầu nguyện và đi theo người lính gác. Ông ta dẫn tôi đến căn hộ của ông cũng ở trong khu nhà giam. Ông hỏi tôi: “Cô kia, tôi muốn hỏi cô vài câu. Tối hôm qua cô nói tên Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. Cô có thể chứng minh trong Kinh Thánh cho tôi thấy không?” Tôi thật ngạc nhiên và thở phào nhẹ nhõm! Ông mang ra cuốn Kinh Thánh, tôi chỉ cho ông và vợ ông xem tên Giê-hô-va. Ông đặt nhiều câu hỏi khác về những đề tài mà tối hôm trước chúng tôi đã thảo luận với bốn người đàn bà trong xà lim. Hài lòng về những câu trả lời, ông bảo vợ chuẩn bị bữa ăn sáng cho tôi và người bạn.

Hai ngày sau, chúng tôi được thả ra, nhưng quan tòa phán quyết rằng tôi phải rời khỏi Tiệp Khắc vì lý do tôi là công dân Hung-ga-ri. Sau sự việc đó, anh Tibor Haffner đã hỏi cưới tôi. Chúng tôi kết hôn và tôi dọn vào ở chung với cha mẹ anh.

Sự bắt bớ gia tăng

Vợ chồng chúng tôi cùng nhau tiếp tục rao giảng, dù anh Tibor cũng có phần trong trách nhiệm điều hành công việc rao giảng. Vào tháng 11 năm 1938, chỉ vài ngày trước khi quân đội Hung-ga-ri tiến vào thành phố chúng tôi, con trai chúng tôi là Tibor, Jr. ra đời. Ở Âu Châu, Thế Chiến II sắp bùng nổ. Quân đội Hung-ga-ri chiếm đóng một phần lớn lãnh thổ Tiệp Khắc, khiến sự bắt bớ gia tăng đối với Nhân Chứng Giê-hô-va sống ở những vùng bị thôn tính.

Ngày 10-10-1942, anh Tibor lên đường đi Debrecen để gặp vài anh em. Tuy nhiên lần này anh không trở lại. Về sau anh cho tôi biết chuyện gì đã xảy ra. Khi đến nơi, anh thấy cảnh sát mặc quần áo công nhân đứng trên cầu, nơi mà các anh em hẹn để gặp nhau. Họ chờ để bắt chồng tôi và anh Pál Nagypál là hai người cuối cùng đến đó. Cảnh sát giải hai anh về đồn và dùng dùi cui đánh vào đôi chân trần của hai anh cho đến ngất đi vì đau đớn.

Rồi hai anh được lệnh mang giầy bốt vào và đứng dậy. Dù rất đau đớn, họ bị bắt phải đi đến ga xe lửa. Cảnh sát cũng dẫn đến một người đàn ông bị băng kín đầu đến nỗi gần như không thấy được gì. Người ấy chính là anh András Pilling, anh là người cũng đi đến nơi anh em họp mặt. Chồng tôi lên xe lửa đi đến trại giam ở Alag, gần Budapest. Thấy đôi chân bị thương của anh Tibor, một trong những người lính gác nói mỉa mai: “Sao lại có những người tàn ác đến thế! Đừng lo, chúng tao sẽ chữa lành cho mày”. Rồi hai người lính gác khác bắt đầu đánh vào chân anh Tibor, máu bắn tung tóe. Chỉ vài phút sau, anh ngã xuống bất tỉnh.

Tháng sau, anh Tibor và hơn 60 anh chị em khác bị đưa ra tòa. Các anh András Bartha, Dénes Faluvégi, và János Konrád bị kết án tử hình bằng cách treo cổ. Anh András Pilling lãnh án tù chung thân, chồng tôi bị tuyên án 12 năm tù. Tội của họ là gì? Công tố viên buộc họ tội phản quốc, trốn nghĩa vụ quân sự, làm gián điệp và phỉ báng giáo hội chí thánh. Sau cùng các án tử hình được giảm xuống thành tù chung thân.

Nối gót chồng

Hai ngày sau khi anh Tibor đi gặp các anh ở Debrecen, lúc ấy trước sáu giờ sáng khi tôi đang ủi quần áo thì thình lình có tiếng đập cửa rầm rầm. ‘Họ đến rồi’, tôi nghĩ. Sáu viên cảnh sát xông vào nhà tôi và cho biết họ có lệnh lục soát nhà. Tất cả mọi người trong nhà đều bị bắt đưa đến đồn cảnh sát, kể cả đứa con trai ba tuổi của tôi. Ngay hôm đó chúng tôi được chuyển đến trại tù ở Pétervására, Hung-ga-ri.

Sau khi đến đó, tôi phát sốt và bị tách riêng ra khỏi những bạn tù. Khi tôi lành bệnh, hai người lính gác đến xà lim của tôi và cãi nhau về số phận của tôi. Một người lính gác nói: “Chúng ta phải bắn nó! Tôi sẽ bắn nó!” Nhưng người kia muốn kiểm tra tình trạng sức khỏe của tôi trước khi ra tay hành động. Tôi van xin được tha mạng. Cuối cùng họ bỏ đi, và tôi cảm ơn Đức Giê-hô-va đã giúp đỡ tôi.

Lính gác tù ở đây có một phương pháp tra khảo đặc biệt. Họ ra lệnh cho tôi nằm sấp mặt xuống đất, nhét vớ vào miệng, trói chân tay tôi lại, rồi quất tôi đến chảy máu. Họ chỉ ngừng khi một trong hai người lính thấy quá mệt. Họ muốn biết chồng tôi đã đi gặp ai vào ngày anh ấy bị bắt. Tôi không nói, vì thế họ tiếp tục đánh tôi trong ba ngày liên tiếp. Ngày thứ tư, tôi được phép mang con về nhà mẹ tôi. Giữa tiết trời giá buốt, tôi cõng đứa con trai nhỏ trên tấm lưng đầy thương tích, đi bộ khoảng 13 kilômét đến ga xe lửa. Rồi tôi lên xe lửa về nhà, nhưng phải trở về trại giam ngay ngày hôm ấy.

Tôi bị kết án sáu năm tù ở Budapest. Khi đến nơi, tôi được biết anh Tibor cũng ở đó. Chúng tôi vui mừng khôn xiết khi được phép nói chuyện với nhau, dù chỉ vài phút qua một hàng rào bằng sắt! Qua những giây phút quý báu này, hai chúng tôi được củng cố vì cảm nghiệm được tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. Trước khi gặp lại nhau, chúng tôi đã trải qua những thử thách kinh hoàng, nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc.

Từ nhà tù này sang nhà tù khác

Khoảng 80 chị em chúng tôi bị nhét chung vào một xà lim. Chúng tôi khao khát thức ăn thiêng liêng, nhưng không thể mang bất cứ tài liệu nào vào trong tù. Có thể nhận được tài liệu nào từ bên trong tù không? Tôi xin kể chúng tôi đã làm điều này như thế nào. Tôi tình nguyện làm công việc vá vớ cho nhân viên nhà tù. Tôi nhét vào chiếc vớ một miếng giấy nhỏ để xin số danh mục Kinh Thánh của thư viện nhà tù. Để tránh bị nghi ngờ, tôi cũng điền thêm hai tựa sách khác nữa.

Hôm sau, nhân viên nhà tù gửi cho tôi một đống vớ. Câu trả lời nằm trong một chiếc vớ. Tôi đưa những số danh mục đó cho lính gác và xin mượn sách. Thật vui mừng khi nhận được sách, có cả Kinh Thánh! Những sách khác, chúng tôi thay đổi mỗi tuần, nhưng giữ lại cuốn Kinh Thánh. Khi lính gác hỏi về sách này, chúng tôi luôn luôn trả lời: “Sách đó dày lắm, và ai cũng muốn đọc”. Thế nên chúng tôi có thể đọc Kinh Thánh.

Một ngày nọ, viên cai tù mời tôi vào văn phòng của ông. Ông có vẻ lịch sự khác thường.

“Bà Haffner, tôi có tin mừng cho bà. Bà có thể về nhà. Có thể ngày mai, hoặc ngay hôm nay nếu có chuyến xe lửa”, ông nói.

“Nếu được thế thì tốt quá”, tôi đáp.

“Tất nhiên là tốt chứ”, ông nói. “Bà có con nhỏ, tôi nghĩ chắc bà muốn nuôi dạy con”. Rồi ông thêm: “Bà chỉ việc ký vào tờ giấy này”.

“Giấy này là giấy gì?”, tôi hỏi.

“Đừng thắc mắc”, ông một mực bảo. “Chỉ việc ký là bà có thể về nhà”. Ông nói với tôi: “Khi về nhà rồi, bà muốn làm thì gì làm. Nhưng bây giờ bà phải ký kết là bà không còn là Nhân Chứng Giê-hô-va nữa”.

Tôi lùi lại và cương quyết từ chối.

“Vậy thì mày sẽ chết ở đây”, ông ta hét lên giận dữ rồi đuổi tôi ra.

Tháng 5 năm 1943, tôi được chuyển đến một nhà tù khác ở Budapest, sau đó đến một tu viện ở làng Márianosztra, chúng tôi sống chung với khoảng 70 bà sơ. Dù bị đói khát và phải chịu đựng những gian khổ khác, chúng tôi vẫn sốt sắng chia sẻ niềm hy vọng của chúng tôi với họ. Một bà sơ thật lòng chú ý đến thông điệp của chúng tôi, bà nói: “Những sự dạy dỗ này hay lắm. Tôi chưa bao giờ nghe điều gì giống như vậy. Xin hãy nói cho tôi biết thêm”. Chúng tôi đang nói với bà về đời sống tuyệt diệu ở thế giới mới thì mẹ bề trên đến. Bà sơ chú ý Kinh Thánh lập tức bị bắt đi, lột hết quần áo và bị quất bằng roi một cách tàn nhẫn. Lần sau khi gặp lại nhau, bà nài nỉ chúng tôi: “Làm ơn cầu xin Đức Giê-hô-va cứu tôi và đem tôi ra khỏi nơi này. Tôi muốn trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va”.

Nơi kế tiếp chúng tôi đến là một nhà tù cũ kỹ ở Komárom, một thành phố trên Sông Danube, nằm cách Budapest khoảng 80 kilômét về phía tây. Điều kiện sống ở đó vô cùng tồi tệ. Cũng như một số chị em khác, tôi bị sốt ban rất nặng, ói ra máu và người rất yếu. Chúng tôi chẳng có thuốc men gì nên tôi nghĩ mình sắp chết. Nhưng khi các viên chức nhà tù tìm một người có thể làm việc trong văn phòng thì các chị em đề nghị tôi. Vì thế tôi được một ít thuốc men và phục hồi sức khỏe.

Đoàn tụ với gia đình

Khi quân Liên Xô tiến vào phía đông, chúng tôi phải di tản qua phía tây. Những điều khủng khiếp mà chúng tôi đã trải qua thật quá nhiều để có thể viết ra hết nơi đây. Nhiều lần tôi suýt chết, nhưng nhờ bàn tay bảo vệ của Đức Giê-hô-va, tôi đã sống sót. Lúc chiến tranh kết thúc, chúng tôi đang ở thành phố Tábor, nước Czech, cách Prague khoảng 80 kilômét. Tôi và em chồng là Magdalena phải mất thêm 3 tuần nữa mới về đến nhà ở Lučenec vào ngày 30-5-1945.

Từ xa tôi thấy mẹ chồng và đứa con trai yêu dấu Tibor đang ở trong sân. Nước mắt tuôn trào, tôi cất tiếng gọi: “Tibike ơi!” Nó chạy đến và ôm chầm lấy tôi. “Mẹ ơi, mẹ đừng đi nữa nhe mẹ?” Đó là những lời đầu tiên Tibor nói với tôi, tôi không bao giờ quên câu nói ấy.

Đức Giê-hô-va cũng tỏ lòng thương xót đối với chồng tôi, anh Tibor. Từ nhà tù ở Budapest, anh và khoảng 160 anh em khác bị đưa đến trại lao động ở Bor. Nhiều lần họ cũng suýt chết, nhưng nói chung nhóm họ đã được bảo toàn. Anh trở về nhà trước tôi chừng một tháng vào ngày 8-4-1945.

Sau chiến tranh, chúng tôi vẫn tiếp tục cần sức mạnh của Đức Giê-hô-va để sống sót qua những thử thách trong 40 năm sau đó dưới chế độ kế tiếp. Anh Tibor lại bị kết án tù nhiều năm, tôi phải một mình nuôi đứa con trai. Sau khi được thả ra, anh phụng sự với tư cách giám thị lưu động. Trong 40 năm đó ở Tiệp Khắc, chúng tôi tận dụng mọi cơ hội để chia sẻ niềm tin của mình. Chúng tôi đã giúp được nhiều người học biết lẽ thật. Họ trở thành những người con thiêng liêng của chúng tôi.

Thật là một niềm vui khôn tả khi chúng tôi được tự do tín ngưỡng vào năm 1989! Năm sau, chúng tôi dự đại hội đầu tiên được tổ chức trong nước sau một thời gian dài. Khi thấy hàng ngàn các anh chị em đã giữ được lòng trung kiên trong nhiều thập kỷ, chúng tôi biết rằng Đức Giê-hô-va đã là nguồn sức mạnh phi thường cho họ.

Anh Tibor, người chồng yêu dấu của tôi trung thành với Đức Chúa Trời cho đến khi anh chết vào ngày 14-10-1993. Giờ đây tôi sống gần con trai ở Žilina, Slovakia. Tôi chẳng còn nhiều sức lực thể chất, nhưng tâm thần tôi vẫn mạnh mẽ nhờ quyền năng của Đức Giê-hô-va. Tôi tin chắc rằng nhờ sức mạnh của Ngài tôi có thể chịu đựng bất kỳ thử thách nào trong hệ thống cũ này. Ngoài ra, tôi trông mong đến thời kỳ được sống mãi mãi nhờ ân điển của Đức Giê-hô-va.

[Hình nơi trang 20]

Tibor, Jr., (lúc 4 tuổi), đứa con tôi phải rời xa

[Hình nơi trang 21]

Anh Tibor, Sr. và các anh em ở Bor

[Hình nơi trang 22]

Với anh Tibor và Magdalena, em chồng tôi vào năm 1947 ở Brno

[Các hình nơi trang 23]

Nhiều lần suýt chết, nhưng nhờ bàn tay bảo vệ của Đức Giê-hô-va, tôi đã sống sót