Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Vun trồng quan điểm giống như Đấng Christ về sự cao trọng

Vun trồng quan điểm giống như Đấng Christ về sự cao trọng

Vun trồng quan điểm giống như Đấng Christ về sự cao trọng

“Trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi”.—MA-THI-Ơ 20:26.

1. Thế gian có quan điểm gì về sự cao trọng?

GẦN cổ thành Thebes (nay là Karnak) ở Ai Cập, khoảng 500 kilômét về phía nam Cairo, có một tượng to lớn cao 18 mét của Pharaoh Amenhotep III. Khi nhìn tượng to lớn ấy, một người không khỏi cảm thấy mình nhỏ bé. Công trình kỷ niệm này, chắc chắn nhằm mục đích khiến người ta ngưỡng mộ vị vua ấy, tượng trưng cho quan điểm của thế gian về sự cao trọng—đó là làm mình hết sức nổi bật và quan trọng và khiến người khác cảm thấy hèn mọn không ra gì.

2. Đấng Christ đã nêu gương nào cho các môn đồ, và chúng ta cần tự đặt những câu hỏi nào?

2 So sánh quan điểm này về sự cao trọng với điều mà Chúa Giê-su đã dạy. Mặc dù “là Chúa là Thầy” của các môn đồ, Chúa Giê-su dạy họ rằng sự cao trọng đến từ việc phục vụ người khác. Vào ngày cuối của đời sống trên đất, Chúa Giê-su đã cho thấy rõ ý nghĩa của những gì ngài dạy bằng cách rửa chân các môn đồ. Quả là một hành động phục vụ khiêm nhường! (Giăng 13:4, 5, 14) Phục vụ hay là được người khác phục vụ—bạn thích điều nào? Gương của Đấng Christ có khiến cho bạn muốn khiêm nhường như ngài không? Vậy thì chúng ta hãy xem xét quan điểm của Đấng Christ về sự cao trọng so với quan điểm thông thường của thế gian.

Tránh quan điểm của thế gian về sự cao trọng

3. Những gương nào trong Kinh Thánh cho thấy hậu quả đau buồn mà những người khao khát danh vọng phải chịu?

3 Có nhiều gương trong Kinh Thánh cho thấy rằng quan điểm của thế gian về sự cao trọng dẫn đến bại hoại. Hãy nghĩ đến Ha-man, một người có thế lực và địa vị trong triều đình Phe-rơ-sơ vào thời Ê-xơ-tê và Mạc-đô-chê. Việc Ha-man khao khát danh vọng đã đưa ông đến sự nhục nhã và cái chết. (Ê-xơ-tê 3:5; 6:10-12; 7:9, 10) Còn Nê-bu-cát-nết-sa ngạo mạn bị điên giữa lúc ông đang ở trên đỉnh cao quyền thế thì sao? Ý tưởng méo mó của ông về sự cao trọng đã được diễn đạt bằng những lời này: “Đây chẳng phải là Ba-by-lôn lớn mà ta đã dựng, bởi quyền cao-cả ta, để làm đế-đô ta, và làm sự vinh-hiển oai-nghi của ta sao?” (Đa-ni-ên 4:30) Rồi còn có vua kiêu căng Hê-rốt Ạc-ríp-ba I đã nhận sự vinh hiển mà ông không xứng đáng được hưởng, thay vì tôn vinh Đức Chúa Trời. Ông đã “bị trùng đục mà chết”. (Công-vụ 12:21-23) Không hiểu được quan điểm của Đức Giê-hô-va về sự cao trọng đã đưa tất cả những người này đến sự suy sụp nhục nhã.

4. Ai khởi xướng tinh thần kiêu ngạo của thế gian?

4 Muốn dùng đời sống mình sao cho được người khác tôn trọng là điều thích đáng. Nhưng Ma-quỉ đã lợi dụng ước muốn này bằng cách đẩy mạnh một tinh thần kiêu ngạo, phản ánh chính tham vọng của hắn. (Ma-thi-ơ 4:8, 9) Đừng bao giờ quên rằng hắn là “chúa đời nầy”, và hắn cương quyết cổ võ lối suy nghĩ của mình trên đất. (2 Cô-rinh-tô 4:4; Ê-phê-sô 2:2; Khải-huyền 12:9) Biết được nguồn gốc của lối suy nghĩ này, tín đồ Đấng Christ tránh quan điểm của thế gian về sự cao trọng.

5. Sự thành đạt, danh vọng và giàu sang có bảo đảm là được thỏa nguyện lâu dài không? Hãy giải thích.

5 Một ý tưởng mà Ma-quỉ cổ xúy là được nổi tiếng trên thế gian, được người ta ca ngợi và có tiền đầy túi tất nhiên sẽ đem lại hạnh phúc. Có thật như vậy không? Có phải sự thành đạt, danh vọng và giàu sang bảo đảm là mình có được đời sống đầy thỏa nguyện không? Kinh Thánh cảnh giác chúng ta đừng để mình bị lừa bởi lối suy nghĩ đó. Vị vua khôn ngoan Sa-lô-môn viết: “Ta cũng thấy mọi công-lao và mọi nghề khéo là điều gây cho người nầy kẻ khác ganh-ghét nhau. Điều đó cũng là sự hư không, theo luồng gió thổi”. (Truyền-đạo 4:4) Nhiều người cả đời đi tìm danh vọng tiền tài trên thế gian có thể xác nhận sự trung thực của lời khuyên được soi dẫn này trong Kinh Thánh. Một trường hợp điển hình là của một người đã giúp thiết kế, xây dựng và thử con tàu vũ trụ đưa người lên mặt trăng. Ông hồi tưởng: “Tôi đã làm việc cật lực và trở nên rất thành thạo trong những gì mình làm. Nhưng điều đó cũng là phù phiếm, vô ích, không đem lại cho tôi hạnh phúc lâu dài và bình an tâm trí”. * Khái niệm của thế gian về sự cao trọng dù trong lãnh vực kinh doanh, thể thao hoặc giải trí cũng không bảo đảm sự thỏa nguyện lâu dài.

Sự cao trọng đến từ việc phục vụ với tình yêu thương

6. Điều gì cho thấy rằng Gia-cơ và Giăng có quan điểm sai lầm về sự cao trọng?

6 Một chuyện trong cuộc đời Chúa Giê-su cho biết sự cao trọng thật bao hàm điều gì. Chúa Giê-su và môn đồ đang đi đến thành Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua năm 33 CN. Trên đường đi, hai anh em họ của Chúa Giê-su là Gia-cơ và Giăng đã cho thấy một quan điểm sai lầm về sự cao trọng. Qua mẹ của họ, Gia-cơ và Giăng đưa ra lời yêu cầu này: ‘Xin cho chúng tôi ngồi một đứa bên hữu Ngài, một đứa bên tả, ở trong nước Ngài’. (Ma-thi-ơ 20:21) Theo phong tục Do Thái, ngồi bên hữu và bên tả được xem là địa vị tôn trọng. (1 Các Vua 2:19) Gia-cơ và Giăng ham muốn chiếm chỗ ngồi nổi bật nhất. Họ muốn giữ địa vị đầy quyền thế. Chúa Giê-su nhận biết những gì họ nghĩ và nắm lấy cơ hội để sửa lại quan điểm sai lầm của họ về sự cao trọng.

7. Chúa Giê-su miêu tả sự cao trọng thật của tín đồ Đấng Christ như thế nào?

7 Chúa Giê-su biết rằng trong thế gian kiêu ngạo này, người được xem cao trọng là người có quyền chỉ huy và ra lệnh cho người khác và chỉ cần búng tay là được người khác phục vụ. Nhưng trong vòng những môn đồ của Chúa Giê-su, việc phục vụ khiêm nhường là tiêu chuẩn để đo lường sự cao trọng. Chúa Giê-su nói: “Trong các ngươi, kẻ nào muốn làm lớn, thì sẽ làm đầy-tớ các ngươi; còn kẻ nào muốn làm đầu, thì sẽ làm tôi-mọi các ngươi”.—Ma-thi-ơ 20:26, 27.

8. Làm đầy tớ có nghĩa là gì, và chúng ta có thể tự nêu những câu hỏi nào?

8 Từ “đầy-tớ” có ý chỉ một người đắc lực kiên trì, cố gắng phục vụ người khác. Chúa Giê-su dạy môn đồ một bài học quan trọng: Ra lệnh cho người khác không khiến cho một người thành cao trọng; phục vụ người khác với tình yêu thương mới là cao trọng. Hãy tự hỏi: ‘Tôi phản ứng thế nào nếu tôi là Gia-cơ hay Giăng? Tôi có hiểu rằng sự cao trọng thật đến từ việc phục vụ với động cơ yêu thương hay không?’—1 Cô-rinh-tô 13:3.

9. Chúa Giê-su nêu gương nào về cách cư xử với người khác?

9 Chúa Giê-su cho các môn đồ thấy rằng tiêu chuẩn về sự cao trọng của thế gian không phải là tiêu chuẩn của ngài. Ngài không bao giờ tỏ thái độ trịch thượng đối với những người ngài phục vụ hoặc khiến họ cảm thấy thấp kém. Người thuộc mọi tầng lớp—đàn ông, đàn bà, trẻ con, giàu, nghèo, người quyền thế cũng như những người tội lỗi khét tiếng—đều cảm thấy thoải mái với ngài. (Mác 10:13-16; Lu-ca 7:37-50) Người ta thường không kiên nhẫn với những người có nhược điểm nào đó, Chúa Giê-su thì lại khác. Dù đôi khi môn đồ ngài ích kỷ và cãi nhau, ngài kiên nhẫn dạy dỗ họ, cho họ thấy rằng ngài thật sự khiêm nhường và nhu mì.—Xa-cha-ri 9:9; Ma-thi-ơ 11:29; Lu-ca 22:24-27.

10. Cả đời của Chúa Giê-su cho thấy ngài phục vụ người khác một cách bất vị kỷ như thế nào?

10 Gương bất vị kỷ của người Con ưu việt này của Đức Chúa Trời cho thấy sự cao trọng thật sự có nghĩa gì. Chúa Giê-su không đến trái đất để người khác phục vụ mình nhưng để phục vụ người khác, chữa lành “các thứ bịnh” và giải thoát người ta khỏi vòng kiểm soát của các quỉ. Dù mệt mỏi và cần thì giờ nghỉ ngơi, ngài luôn đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của mình, cố gắng an ủi họ. (Mác 1:32-34; 6:30-34; Giăng 11:11, 17, 33) Tình yêu thương thúc đẩy ngài giúp đỡ người ta về mặt thiêng liêng, đi hàng trăm dặm trên con đường bụi bậm để rao giảng tin mừng về Nước Trời. (Mác 1:38, 39) Chắc chắn, Chúa Giê-su đã xem việc phục vụ người khác là quan trọng.

Noi gương khiêm nhường của Đấng Christ

11. Những anh được bổ nhiệm phục vụ với tư cách giám thị hội thánh phải có những đức tính nào?

11 Vào những năm cuối thế kỷ 19, khi các giám thị tín đồ Đấng Christ được chọn để làm đại diện lưu động phục vụ cho nhu cầu của dân tộc Đức Chúa Trời, điểm được nhấn mạnh là họ phải vun trồng thái độ đúng. Theo tờ Tháp Canh Si-ôn ngày 1-9-1894, điều đòi hỏi là những người này phải “nhu mì—không được kiêu ngạo..., có tinh thần khiêm nhường không tìm cách tự phô trương, nhưng khoe về Đấng Christ—không phô bày sự hiểu biết riêng,... nhưng trình bày Lời ngài với tính đơn giản và quyền lực của Lời ấy”. Rõ ràng là tín đồ thật của Đấng Christ không bao giờ nên tìm kiếm trách nhiệm để thỏa mãn tham vọng riêng hoặc để được địa vị quyền thế và kiểm soát người khác. Một giám thị khiêm nhường nhớ rằng trách nhiệm của mình được xem là “một việc lành”, chứ không phải địa vị cao để tìm sự vinh hiển cho chính mình. (1 Ti-mô-thê 3:1, 2) Tất cả trưởng lão và tôi tớ thánh chức nên làm hết sức mình để phục vụ người khác một cách khiêm nhường và dẫn đầu trong thánh chức, nêu gương tốt cho người khác noi theo.—1 Cô-rinh-tô 9:19; Ga-la-ti 5:13; 2 Ti-mô-thê 4:5.

12. Những người vươn tới đặc ân trong hội thánh nên tự đặt những câu hỏi nào?

12 Bất cứ anh nào vươn tới đặc ân phụng sự có thể cần tự hỏi: ‘Tôi có tìm cơ hội để phục vụ người khác, hay là tôi có khuynh hướng muốn được người khác phục vụ? Tôi có sẵn sàng làm những công việc hữu ích nhưng không được người khác lưu ý không?’ Thí dụ, một anh trẻ có thể sẵn sàng nói bài giảng trong hội thánh nhưng có thể chần chừ khi phải giúp đỡ người cao niên. Anh có lẽ thích kết hợp với những người có trách nhiệm trong hội thánh nhưng ngại tham gia vào công việc rao giảng. Người như thế nên tự hỏi: ‘Tôi có chủ yếu tập trung vào những khía cạnh phụng sự Đức Chúa Trời để được người khác chú ý và ca ngợi không? Tôi có cố làm mình nổi bật trước mắt người khác không?’ Tìm sự vinh hiển riêng chắc chắn là không noi theo gương của Đấng Christ.—Giăng 5:41.

13. (a) Gương khiêm nhường của một anh giám thị có thể tác động đến người khác như thế nào? (b) Tại sao có thể nói rằng đối với tín đồ Đấng Christ, có tính khiêm nhường không phải là chuyện tùy ý?

13 Khi cố gắng noi theo tính khiêm nhường của Đấng Christ, chúng ta được thúc đẩy để phục vụ người khác. Hãy xem gương của anh giám thị vùng đến để xem xét hoạt động của một văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Dù thời biểu rất bận rộn và có trách nhiệm nặng nề, anh giám thị này đã dừng lại để giúp một anh trẻ đang cố gắng điều chỉnh máy khâu. “Tôi vô cùng ngạc nhiên!” anh trẻ kể lại. “Anh ấy nói với tôi rằng trước kia anh điều khiển một loại máy giống như thế khi còn trẻ phụng sự tại Bê-tên, và anh nhớ là điều chỉnh máy cho đúng là khó như thế nào. Anh cố giúp tôi khá lâu mặc dù anh có rất nhiều việc quan trọng khác để làm. Điều ấy khiến tôi cảm kích quá đỗi”. Giờ đây là giám thị trong một chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va nhưng anh vẫn còn nhớ lại hành động khiêm nhường đó. Mong rằng chúng ta đừng bao giờ cảm thấy mình quá cao trọng để làm những chuyện tầm thường hay quá quan trọng để làm công việc nhỏ nhặt. Thay vì thế, chúng ta phải trang sức bằng sự “khiêm-nhượng”. Điều đó không phải là tùy ý. Ấy là một phần của “người mới” hay nhân cách mới mà tín đồ Đấng Christ phải mặc lấy.—Phi-líp 2:3; Cô-lô-se 3:10, 12; Rô-ma 12:16.

Cách để có quan điểm giống như Đấng Christ về sự cao trọng

14. Suy ngẫm về mối quan hệ của chúng ta với Đức Chúa Trời và người đồng loại có thể giúp mình vun trồng quan điểm đúng về sự cao trọng như thế nào?

14 Làm sao chúng ta có thể có được quan điểm đúng về sự cao trọng? Một cách là suy ngẫm về mối quan hệ của chúng ta với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Sự oai nghiêm, quyền lực và khôn ngoan của Ngài nâng Ngài lên cao hơn tất cả những gì trong phạm vi của con người nhỏ bé. (Ê-sai 40:22) Suy ngẫm về mối quan hệ của chúng ta với người đồng loại cũng giúp mình vun trồng tinh thần khiêm nhường. Thí dụ, chúng ta có thể giỏi hơn người khác về phương diện nào đó, nhưng họ có thể xuất sắc trong những khía cạnh quan trọng hơn của đời sống, hoặc anh em tín đồ khác có thể có những đức tính nào đó mà chúng ta không có. Quả thật, nhiều người đáng quý dưới mắt Đức Chúa Trời thường không nổi bật bởi vì họ có cung cách nhu mì và khiêm nhường.—Châm-ngôn 3:34; Gia-cơ 4:6.

15. Bằng cách nào sự trung kiên của dân tộc Đức Chúa Trời cho thấy rằng không ai có lý do nghĩ mình cao trọng hơn người khác?

15 Những kinh nghiệm của Nhân Chứng Giê-hô-va khi gặp thử thách vì đức tin rất thích hợp để minh họa điểm này. Nhiều lần, chính những người mà thế gian xem là tầm thường đã giữ được lòng trung kiên với Đức Chúa Trời trước thử thách gay go. Suy ngẫm về những gương như thế có thể giúp chúng ta giữ lòng khiêm nhường và dạy chúng ta “chớ có tư-tưởng cao quá lẽ”.—Rô-ma 12:3. *

16. Noi theo gương mẫu của Chúa Giê-su, tất cả những người trong hội thánh có thể vun trồng sự cao trọng như thế nào?

16 Tất cả tín đồ Đấng Christ, già cũng như trẻ, nên tìm cách vun trồng quan điểm giống Đấng Christ về sự cao trọng. Trong hội thánh có nhiều công việc cần phải làm. Đừng bao giờ cảm thấy bực bội khi được yêu cầu làm một điều có vẻ tầm thường. (1 Sa-mu-ên 25:41; 2 Các Vua 3:11) Hỡi các bậc cha mẹ, các bạn có khuyến khích con cái làm những công việc chúng được giao phó với tinh thần vui vẻ, dù là ở Phòng Nước Trời, tại hội nghị, hoặc đại hội? Chúng có thấy bạn làm những việc tầm thường không? Một anh hiện phục vụ tại trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va, nhớ rất rõ về gương mẫu của cha mẹ anh. Anh nói: “Cách mà cha mẹ đảm trách việc làm vệ sinh ở Phòng Nước Trời hoặc tại đại hội cho tôi biết rằng cha mẹ xem công việc đó là quan trọng. Cha mẹ thường tình nguyện làm những việc ích lợi cho hội thánh hoặc đoàn thể anh em, dù những việc đó có vẻ nhỏ nhặt đến đâu đi nữa. Thái độ này đã giúp tôi sẵn sàng chấp nhận bất cứ công việc nào tại nhà Bê-tên đây”.

17. Những người nữ khiêm nhường có thể là một ân phước cho hội thánh qua những cách nào?

17 Về việc đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình, chúng ta có gương xuất sắc của Ê-xơ-tê, hoàng hậu của Đế Quốc Phe-rơ-sơ trong thế kỷ thứ năm TCN. Dù sống trong cung điện, bà sẵn sàng chịu nguy tính mạng vì dân tộc của Đức Chúa Trời, làm theo ý muốn của Ngài. (Ê-xơ-tê 1:5, 6; 4:14-16) Bất kể hoàn cảnh kinh tế ra sao, các nữ tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể tỏ tinh thần giống như Ê-xơ-tê bằng cách khuyến khích những người ngã lòng, viếng thăm người bệnh, tham gia vào công việc rao giảng và hợp tác với trưởng lão. Các chị khiêm nhường này quả là một ân phước cho hội thánh!

Sự cao trọng giống như Đấng Christ mang lại ân phước

18. Thể hiện sự cao trọng giống như Đấng Christ mang lại những lợi ích nào?

18 Bạn nhận được nhiều lợi ích khi duy trì quan điểm giống như Đấng Christ về sự cao trọng. Phục vụ người khác một cách bất vị kỷ mang lại niềm vui cho họ và cho chính bạn. (Công-vụ 20:35) Khi bạn sẵn sàng và hăng hái làm hết sức vì anh em, bạn được họ yêu quý. (Công-vụ 20:37) Còn quan trọng hơn nữa, Đức Giê-hô-va xem những gì bạn làm để góp phần vào lợi ích của anh em tín đồ Đấng Christ là một của-lễ ngợi khen làm đẹp lòng Ngài.—Phi-líp 2:17.

19. Nghĩ đến quan điểm giống như Đấng Christ về sự cao trọng, chúng ta nên cương quyết làm gì?

19 Mỗi người chúng ta cần xem lại lòng mình và tự hỏi: ‘Có phải tôi chỉ nói về việc vun trồng quan điểm giống như Đấng Christ về sự cao trọng, hay là tôi cố gắng hết sức để thực hành điều ấy?’ Cảm nghĩ của Đức Giê-hô-va về người kiêu ngạo rất rõ ràng. (Châm-ngôn 16:5; 1 Phi-e-rơ 5:5) Mong rằng hành động của chúng ta cho thấy mình vui thích thể hiện quan điểm giống như Đấng Christ về sự cao trọng, dù trong hội thánh, đời sống gia đình hoặc cách cư xử hàng ngày của chúng ta với người đồng loại—làm mọi sự để tôn vinh và ngợi khen Đức Chúa Trời.—1 Cô-rinh-tô 10:31.

[Chú thích]

^ đ. 5 Xem Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 1-5-1982, trang 3-6, “In Search of Success”.

^ đ. 15 Muốn biết thêm thí dụ, xem Niên giám 1992 của Nhân Chứng Giê-hô-va (Anh ngữ), trang 181, 182, và Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-9-1993, trang 27-31.

Bạn có thể giải thích không?

• Tại sao chúng ta nên tránh quan điểm của thế gian về sự cao trọng?

• Chúa Giê-su đo lường sự cao trọng như thế nào?

• Các giám thị có thể noi theo tính khiêm nhường của Đấng Christ như thế nào?

• Điều gì có thể giúp chúng ta vun trồng sự cao trọng giống như Đấng Christ?

[Câu hỏi thảo luận]

[Khung nơi trang 17]

Ai có sự cao trọng giống như Đấng Christ?

Người muốn được phục vụ hay là người sẵn sàng phục vụ?

Người thích địa vị nổi bật hay là người chấp nhận các việc tầm thường?

Người nâng cao chính mình hay là người nâng cao người khác?

[Hình nơi trang 14]

Một tượng khổng lồ của Pharaoh Amenhotep III

[Hình nơi trang 15]

Bạn có biết điều gì dẫn đến sự suy sụp của Ha-man không?

[Các hình nơi trang 16]

Bạn có tìm cơ hội để phục vụ người khác không?