Các thổ dân ở Mexico nghe tin mừng
Các thổ dân ở Mexico nghe tin mừng
NGÀY 10-11-2002, một nhóm thổ dân Mixe ở Mexico họp lại tại San Miguel Quetzaltepec. Đây là một thành phố thuộc bang Oaxaca xinh đẹp nằm ở phía nam Mexico. Nhóm người này đang dự đại hội địa hạt của Nhân Chứng Giê-hô-va. Điểm nổi bật của chương trình buổi sáng đó là vở kịch Kinh Thánh.
Khi những lời đầu tiên của vở kịch Kinh Thánh được phát qua hệ thống âm thanh, cử tọa hết sức ngạc nhiên. Họ hưởng ứng bằng tràng vỗ tay, nhiều người đã rướm lệ. Vở kịch được trình bày bằng tiếng Mixe! Khi kết thúc, nhiều người bày tỏ lòng biết ơn sâu đậm về món quà bất ngờ này. Một chị nói: “Đây là lần đầu tiên, tôi có thể hiểu được vở kịch. Nó động đến lòng tôi”. Một chị khác nói: “Giờ đây nếu có chết tôi cũng thỏa nguyện vì Đức Giê-hô-va đã cho tôi được nghe vở kịch trong tiếng mẹ đẻ”.
Những gì diễn ra sáng hôm đó là nhờ nỗ lực tận tâm gần đây của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Mexico nhằm rao giảng tin mừng về Nước Trời cho các thổ dân.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20.
Đức Giê-hô-va nghe lời cầu nguyện
Có hơn 6.000.000 thổ dân ở Mexico—đủ để thành lập một nước đa văn hóa có 62 ngôn ngữ khác nhau. Trong số các ngôn ngữ đó, có 15 thứ tiếng có hơn 100.000 người sử dụng. Hơn 1.000.000 thổ dân không nói được tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ chính thức của Mexico. Và trong số những người nói được tiếng Tây Ban Nha, nhiều người có thể học lẽ thật Kinh Thánh dễ dàng hơn trong tiếng mẹ đẻ của họ. (Công-vụ 2:6; 22:2) Một số đã học Kinh Thánh và đều đặn tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ trong nhiều năm, tuy nhiên sự hiểu biết của họ vẫn còn giới hạn. Vì thế, từ lâu họ đã cầu nguyện để có được thông điệp lẽ thật trong tiếng mẹ đẻ.
Nhằm giải quyết khó khăn này, năm 1999 trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Mexico bắt đầu tổ chức những buổi họp hội thánh bằng thổ ngữ. Những ban dịch thuật cũng được thành lập. Đến năm 2000, vở kịch cho đại hội địa hạt được trình bày bằng tiếng Maya và sau đó bằng những ngôn ngữ khác.
Bước kế tiếp là dịch các ấn phẩm của Nhân Chứng Giê-hô-va dùng để học Kinh Thánh. Trước nhất, sách mỏng Vui hưởng sự sống đời đời trên đất! được dịch sang tiếng Huave, Maya, Mazatec, Totonac, Tzeltal và Tzotzil. Tiếp theo là việc dịch những ấn phẩm khác, kể cả tờ Thánh Chức Nước Trời bằng tiếng Maya. Một số ấn phẩm cũng được thu vào băng cassette. Để dạy thổ dân biết đọc và viết ngôn ngữ của họ, một sách mỏng có tựa đề Gắng công tập đọc và tập viết đã được sửa đổi cho phù hợp với nhu cầu địa phương. Ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh hiện được xuất bản trong 15 thổ ngữ, và nhiều sách báo khác sắp được phát hành.
“Dồn mọi nỗ lực”
Công việc dịch thuật không phải là dễ. Một lý do là vì có ít sách báo ngoài đời trong những thổ ngữ của Mexico. Trong nhiều trường hợp, khó tìm được tự điển. Thêm vào đó, một số thứ tiếng lại có nhiều phương ngữ. Chẳng hạn, riêng tiếng Zapotec đã có ít nhất năm dạng phương ngữ. Những phương ngữ này đã trở nên khác biệt đến độ người Zapotec ở vùng khác không thể hiểu nhau.
Ngoài ra, khi một thứ tiếng không có chuẩn mực ngôn ngữ thì những người dịch phải tự đặt ra một số. Điều này đòi hỏi nhiều sự nghiên cứu và tham khảo. Thảo nào nhiều người dịch lúc đầu có cùng cảm nghĩ với Élida trong ban dịch thuật Huave! Chị nhớ lại: “Khi được mời làm công việc dịch thuật tại trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Mexico, tôi có những cảm xúc lẫn lộn—vừa mừng vừa sợ”.
Người dịch cũng phải học sử dụng máy vi tính, lập thời biểu và phương pháp dịch thuật. Quả thật, công việc này là một thách đố đối với họ. Họ cảm thấy thế nào? Một thành viên của ban dịch thuật Maya là Gloria đáp: “Không có lời nào tả xiết niềm vui được góp phần trong việc dịch các ấn phẩm Kinh Thánh sang tiếng Maya, ngôn ngữ của chúng tôi”. Và anh giám thị Ban Dịch Thuật nhận xét về những người dịch: “Ước muốn có những ấn phẩm Kinh Thánh trong ngôn ngữ của họ thật mạnh mẽ, vì thế họ dồn mọi nỗ lực để vượt qua thách đố”. Vậy có đáng công không?
“Cám ơn, Đức Giê-hô-va!”
Hiển nhiên là Đức Giê-hô-va ban ân phước cho việc rao giảng trong cánh đồng giữa các thổ dân. Số người dự các buổi họp và hội nghị đạo Đấng Christ gia tăng gấp bội. Thí dụ, năm 2001 có 223 Nhân Chứng người Mixe nhóm lại để cử hành Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ. Tuy nhiên, tổng số người tham dự là 1.674—gấp bảy lần rưỡi số Nhân Chứng!
Một số người chấp nhận lẽ thật giờ đây có thể hiểu rõ thông điệp ngay từ lúc đầu. Mirna nhớ lại điều xảy ra cho chị trước khi có buổi họp bằng tiếng Maya. Chị nói: “Tôi báp têm sau ba tháng học hỏi Kinh Thánh. Tôi biết mình nên làm báp têm, nhưng phải thú nhận là tôi thật sự không hiểu rõ những lẽ thật Kinh Thánh mà đáng lý ra tôi phải hiểu. Tôi nghĩ lý do là vì tiếng mẹ đẻ của tôi là Maya, và tôi không hiểu rõ tiếng Tây Ban Nha. Phải mất một thời gian tôi mới có thể thật sự hiểu biết lẽ thật”. Ngày nay vợ chồng chị vui mừng được góp phần trong ban dịch thuật Maya.
Đối với tất cả thành viên trong hội thánh, quả là niềm vui lớn được nhận ấn phẩm trong ngôn ngữ của họ. Khi sách mỏng mới Vui hưởng sự sống đời đời trên đất! trong tiếng Tzotzil được phân phát, một phụ nữ đã bắt đầu tham dự buổi họp đạo Đấng Christ ôm lấy nó và thốt lên: “Cám ơn, Đức Giê-hô-va!” Những bản báo cáo cho thấy nhiều người học Kinh Thánh tiến bộ mau chóng đến mức báp têm, những người công bố ngưng hoạt động đã hoạt động trở lại, và
nhiều anh giờ đây cảm thấy đủ khả năng để đảm nhận trách nhiệm trong hội thánh. Một số chủ nhà sẵn sàng hơn để chấp nhận và học hỏi ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh trong ngôn ngữ của họ.Trong một trường hợp, chị Nhân Chứng đi dạy một người học Kinh Thánh, nhưng người đó vắng nhà. Khi người chồng ra mở cửa, chị đề nghị đọc sách mỏng cho ông nghe. Ông ấy đáp: “Không, tôi không muốn”. Chị Nhân Chứng nói với ông ấy bằng tiếng Totonac, cho biết là sách mỏng này có trong ngôn ngữ của họ. Nghe nói thế, ông kéo một cái ghế dài và ngồi xuống. Nghe chị ấy đọc, ông luôn nói: “Điều này đúng. Vâng, điều này đúng”. Ông hiện tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ.
Ở Yucatán, chồng của một chị Nhân Chứng chống đối lẽ thật và đôi khi đánh chị sau những lần chị đi họp về. Khi bắt đầu có những buổi họp bằng tiếng Maya, chị quyết định mời chồng tham dự. Ông đã đến và rất thích buổi họp. Hiện nay ông tham dự đều đặn các buổi họp, học hỏi Kinh Thánh, và điều không cần phải nói là ông đã không còn đánh đập vợ nữa.
Một người đàn ông nói tiếng Totonac cho hai chị Nhân Chứng biết là ông không bao giờ cầu nguyện, vì linh mục Công Giáo bảo ông rằng Đức Chúa Trời chỉ nghe lời cầu nguyện bằng tiếng Tây Ban Nha mà thôi. Thật thế, ông đã phải trả tiền để linh mục này cầu nguyện cho những người Totonac. Hai chị Nhân Chứng giải thích rằng Đức Chúa Trời 2 Sử-ký 6:32, 33; Thi-thiên 65:2.
lắng nghe lời cầu nguyện trong mọi ngôn ngữ, và họ cho ông sách mỏng bằng tiếng Totonac, ông đã nhận sách với niềm vui mừng khôn xiết.—“Kualtsin Tajtoua”
Phấn khởi với những sự tiến triển này, nhiều người công bố Nước Trời đã cố gắng học một thổ ngữ hoặc cải tiến sự hiểu biết của họ về một ngôn ngữ. Đó chính là điều một giám thị vòng quanh đã làm; anh phục vụ năm hội thánh nói tiếng Nahuatl ở phía bắc Puebla. Anh kể lại: “Các em trẻ thường ngủ gà ngủ gật tại buổi họp nay rất tỉnh táo và lắng nghe kỹ khi tôi nói tiếng Nahuatl. Sau buổi họp nọ, một em trai bốn tuổi chạy đến và nói với tôi: ‘Kualtsin tajtoua’ (bác nói hay). Điều này đã làm cho tôi cảm thấy sự cố gắng của mình rất đáng công”.
Đúng vậy, cánh đồng rao giảng giữa các thổ dân thật sự “vàng sẵn cho mùa gặt”, và những người tham gia vào công việc đó cảm thấy phấn khởi rất nhiều. (Giăng 4:35) Anh Roberto, người gắng công tổ chức những ban dịch thuật, tóm tắt như sau: “Thật là một kinh nghiệm khó quên khi thấy những dòng lệ chảy dài trên má của các anh chị khi lắng nghe lẽ thật trong tiếng mẹ đẻ và hiểu ý nghĩa của lẽ thật. Nghĩ đến điều đó làm tôi nghẹn lời”. Chắc chắn việc giúp những người thành thật đứng về phía Nước Trời cũng làm Đức Giê-hô-va vui mừng.—Châm-ngôn 27:11.
[Khung nơi trang 10, 11]
Hãy gặp gỡ một vài người dịch
● “Từ khi tôi còn thơ ấu, cha mẹ đã dạy tôi lẽ thật. Điều đáng buồn là lúc tôi 11 tuổi, cha đã lìa bỏ hội thánh Đấng Christ. Hai năm sau, mẹ bỏ rơi chúng tôi. Là con cả trong gia đình có năm con, tôi phải đảm nhận trách nhiệm của người làm mẹ, dù còn ở tuổi đi học.
“Chúng tôi được anh chị em thiêng liêng giúp đỡ một cách đầy yêu thương, nhưng đời sống rất khó khăn. Đôi khi tôi tự hỏi: ‘Tại sao tôi phải trải qua hoàn cảnh này? Tôi còn quá trẻ mà!’ Chỉ nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, tôi mới có thể vượt qua được. Sau khi xong trung học, tôi trở thành người truyền giáo trọn thời gian, và điều này đã giúp tôi rất nhiều. Khi ban dịch thuật tiếng Nahuatl thành lập, tôi được mời tham gia.
“Cha tôi giờ đây đã trở lại hội thánh, và các em tôi đang phụng sự Đức Giê-hô-va. Giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va quả đáng công. Ngài đã ban phước cho gia đình tôi rất nhiều”.—Alicia.
● “Một Nhân Chứng cùng lớp đã thuyết trình về nguồn gốc sự sống. Tôi đã vắng mặt hôm đó nên lo lắng về bài thi, vì thế tôi hỏi bạn ấy giải thích cho tôi hiểu về đề tài đó. Trước đó tôi luôn thắc mắc tại sao người ta chết. Khi cô bạn ấy cho tôi sách Sáng tạo * và mời tôi học hỏi Kinh Thánh, tôi đã nhận lời mời. Tôi vô cùng cảm động trước tình yêu thương và ý định của Đấng Tạo Hóa.
“Khi ra trường, tôi có cơ hội trở thành giáo viên dạy hai thứ tiếng: Tây Ban Nha và Tzotzil. Nhưng việc này đòi hỏi phải dọn đi xa, học thêm vào cuối tuần, và vắng mặt trong buổi họp đạo Đấng Christ. Thay vì thế, tôi làm thợ nề. Vì không phải là Nhân Chứng, cha tôi đã không thích quyết định của tôi chút nào. Sau này, trong lúc tôi đang phụng sự với tư cách là tiên phong, một ban dịch thuật ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh bằng tiếng Tzotzil được tổ chức. Tôi cảm thấy thôi thúc để tham gia công việc đó.
“Tôi nhận thấy rằng có sách báo trong tiếng mẹ đẻ khiến cho anh chị em Nhân Chứng của chúng ta cảm thấy chính mình được quý trọng và có phẩm giá. Điều đó thật thỏa nguyện thay! Tôi cảm thấy mình có đặc ân rất lớn được dự phần trong công việc này”.—Humberto.
● “Khi tôi mới sáu tuổi, mẹ đã bỏ rơi chúng tôi. Cha bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va khi tôi ở tuổi thiếu niên. Một ngày nọ, có chị Nhân Chứng mời tôi học Kinh Thánh, bao gồm lời khuyên bảo cho người trẻ. Là một thiếu niên không có mẹ, tôi cảm thấy đây chính là điều mà tôi cần. Tôi báp têm lúc 15 tuổi.
“Năm 1999, cha tôi bị những kẻ gian ác giết vì họ muốn chiếm đất. Vô cùng đau khổ, tôi rơi vào tình trạng trầm uất nặng và cảm thấy không thể chịu đựng nổi nữa. Nhưng tôi tiếp tục cầu xin Đức Giê-hô-va tiếp sức. Giám thị lưu động và vợ anh đã khích lệ tôi rất nhiều. Chẳng bao lâu tôi trở thành tiên phong đều đều.
“Có lần tôi chứng kiến những người đã đi bộ sáu tiếng đồng hồ chỉ để nghe bài giảng 20 phút bằng tiếng Totonac, cho dù phần còn lại của buổi họp diễn ra bằng tiếng Tây Ban Nha mà họ không thể hiểu được. Vì thế, tôi rất phấn khởi khi được mời giúp dịch các ấn phẩm Kinh Thánh sang tiếng Totonac.
“Tôi từng nói với cha tôi về ước mơ được phụng sự ở trụ sở chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Cha bảo rằng một nữ độc thân trẻ như tôi không dễ được mời vào. Khi sống lại, cha hẳn sẽ vui mừng xiết bao vì biết là tôi đã phục vụ tại trụ sở chi nhánh, phụ giúp việc dịch các ấn phẩm Kinh Thánh sang ngôn ngữ của chúng tôi!”—Edith.
[Chú thích]
^ đ. 28 Life—How Did It Get Here? By Evolution or by Creation? (Sự sống xuất hiện thế nào? Do tiến hóa hay sáng tạo?), do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản năm 1985.
[Hình nơi trang 9]
Thành viên ban dịch thuật Tzotzil thảo luận một từ khó dịch