Một ‘khách lữ hành gan dạ vì Phúc Âm’
Một ‘khách lữ hành gan dạ vì Phúc Âm’
NGƯỜI TA nói lúc 18 tuổi, George Borrow đã biết được 12 thứ tiếng. Hai năm sau, ông có khả năng phiên dịch 20 ngôn ngữ “một cách dễ dàng và thanh tao”.
Năm 1833, người có năng khiếu lạ thường này được Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Ngoại Quốc tại Luân Đôn mời phỏng vấn. Không đủ lộ phí nhưng vì quyết tâm nắm lấy cơ hội tốt này, ông Borrow—lúc ấy 30 tuổi—đã đi bộ 180 kilômét từ nhà ở Norwich, đến nơi chỉ mất 28 giờ.
Thánh Kinh Hội đã đề ra cho ông một thách đố, đó là học tiếng Mãn Châu trong vòng sáu tháng, ngôn ngữ được sử dụng ở một số vùng tại Trung Hoa. Ông xin quyển văn phạm, nhưng họ chỉ có thể cung cấp cho ông một bản Phúc Âm theo Ma-thi-ơ tiếng Mãn Châu và một quyển tự điển Mãn Châu – Pháp. Dù vậy, chỉ 19 tuần sau, ông viết thư đến Luân Đôn báo cáo: “Tôi đã thông thạo tiếng Mãn Châu”, và ông ghi thêm, với “sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời”. Thành quả này còn đáng chú ý hơn vì cùng thời gian đó, nghe nói rằng ông cũng hiệu chính bản Phúc Âm theo Lu-ca tiếng Nahuatl, một trong những thổ ngữ ở Mexico.
Kinh Thánh tiếng Mãn Châu
Vào thế kỷ 17, tiếng Mãn Châu đã bắt đầu có chữ viết nhờ mượn mẫu tự tiếng Mông Cổ Uighur, và rồi trở thành ngôn ngữ dùng trong giới quan lại Trung Hoa. Dù theo thời gian ngôn ngữ này bớt thông dụng, các hội viên thuộc Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Ngoại Quốc vẫn thiết tha với việc in và phân phát Kinh Thánh tiếng Mãn Châu. Đến năm 1822, họ đã tài trợ để in 550 bản Phúc Âm theo Ma-thi-ơ, do Stepan V. Lipoftsoff dịch. Ông là thành viên thuộc Bộ Ngoại Giao Nga, từng sống 20 năm ở Trung Hoa. Sách này in tại St. Petersburg, nhưng chỉ có một ít bản được phân phát, phần còn lại đã bị lụt lội tiêu hủy.
Không lâu sau đó, việc dịch toàn bộ phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp được tiến hành. Năm 1834, việc tìm được một bản thảo cổ xưa gồm hầu hết phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ đã làm gia tăng sự chú ý đến Kinh Thánh. Ai có thể điều phối công tác hiệu đính bản Kinh Thánh Mãn Châu thời ấy và hoàn tất việc dịch phần còn lại? Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Ngoại Quốc đã giao cho George Borrow thực hiện việc này.
Đến Nga
Sau khi đến St. Petersburg, ông Borrow dành thêm nhiều thì giờ nghiên cứu kỹ tiếng Mãn Châu để có khả năng duyệt và sửa chữa văn bản Kinh Thánh một cách chính xác hơn. Dù vậy, công tác này thật gian nan, ông đã làm việc mỗi ngày đến 13 tiếng đồng hồ
để giúp chế ra và sắp chữ in cho cuốn Tân Ước, và sau này được miêu tả là “một tác phẩm đông phương tuyệt đẹp”. Một ngàn bản được in năm 1835. Nhưng ước mơ của ông Borrow để đem Kinh Thánh phân phát tại Trung Hoa bị cản trở. Chính phủ Nga sợ công việc này bị xem là có tính cách truyền giáo, có thể hủy hoại tình hữu nghị với quốc gia láng giềng, nên không cho phép ông Borrow đến biên giới Trung Hoa nếu ông mang theo “một bản Kinh Thánh tiếng Mãn Châu”.Khoảng mười năm sau, chỉ có ít bản Kinh Thánh được phân phát; và các bản dịch sách Phúc Âm theo Ma-thi-ơ và Mác với hai cột song song bằng tiếng Mãn Châu và Trung Hoa đã xuất hiện năm 1859. Tuy nhiên, đến lúc ấy đa số những ai đọc được tiếng Mãn Châu thì lại thích đọc tiếng Trung Hoa hơn, nên triển vọng để có trọn bộ Kinh Thánh tiếng Mãn Châu bắt đầu phai tàn. Lúc ấy tiếng Mãn Châu, một ngôn ngữ bị mai một, sắp được thay thế bằng tiếng Trung Hoa. Giai đoạn chuyển tiếp nói trên đã kết thúc năm 1912 khi Trung Hoa trở thành một nước cộng hòa.
Bán Đảo Iberia
George Borrow trở về Luân Đôn sau khi thu thập được nhiều kinh nghiệm phấn chấn. Năm 1835, ông được phái đến Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha “để biết tinh thần người ta sẵn sàng đến độ nào để nghe chân lý đạo Đấng Christ”, sau này ông nói thế. Vào lúc đó, công việc của Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Ngoại Quốc chưa lan tới nhiều nơi trong cả hai nước này vì bất ổn về chính trị và xã hội. Ông Borrow vui thích thảo luận Kinh Thánh với các cộng đồng dân quê ở Bồ Đào Nha, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, sự thờ ơ và lãnh đạm của họ đối với tôn giáo khiến ông đi qua xứ Tây Ban Nha.
Tại Tây Ban Nha có thách đố khác, đặc biệt là với dân du mục Gypsy mà ông Borrow sớm tạo được mối quan hệ gần gũi nhờ biết nói tiếng của họ. Một thời gian ngắn sau khi đến nơi, ông bắt đầu dịch quyển “Tân Ước” sang tiếng của người Gypsy là Gitano. Để thực hiện công việc này, ông nhờ hai phụ nữ Gypsy giúp đỡ một phần. Ông đọc cho họ nghe từ bản tiếng Tây Ban Nha rồi nhờ họ phiên dịch giùm. Nhờ đó, ông học cách sử dụng đúng các thành ngữ Gypsy. Kết quả là quyển Phúc Âm theo Lu-ca được xuất bản vào mùa xuân năm 1838, khiến một giám mục phải than: “Hắn sẽ cải đạo cả nước Tây Ban Nha bằng tiếng gypsy”.
George Borrow cũng được phép tìm “một người đủ khả năng để dịch Kinh Thánh sang tiếng Basque”. Công việc đó được giao cho Bác Sĩ Oteiza, người “nói rành phương ngữ đó mà tôi chỉ biết ít thôi”, ông Borrow đã ghi thế. Năm 1838, quyển Phúc Âm theo Lu-ca là phần Kinh Thánh đầu tiên xuất hiện bằng tiếng Basque Tây Ban Nha.
Được thúc đẩy bởi ước muốn mở mang kiến thức cho dân thường, ông Borrow trải qua những cuộc hành trình dài, thường rất
nguy hiểm để phân phát các sách Kinh Thánh đến những cộng đồng dân quê nghèo. Ông có ý giải thoát họ khỏi sự thiếu hiểu biết về tôn giáo và mê tín. Để vạch trần sự vô ích của việc trả tiền để được ân xá, chẳng hạn ông lý luận: “Có thể nào Đức Chúa Trời là Đấng tốt lành, lại chấp nhận việc mua bán ân xá không?” Nhưng Thánh Kinh Hội sợ việc đả phá như thế đối với tín ngưỡng lâu đời có thể khiến các hoạt động của họ bị cấm đoán, nên bảo ông chỉ tập trung vào việc phân phát Kinh Thánh.Ông Borrow được cho phép (bằng lời) để in cuốn El Nuevo Testamento, quyển Tân Ước tiếng Tây Ban Nha, không có phần phụ chú tín lý của Giáo Hội Công Giáo La Mã. Ông được phép in cuốn Kinh Thánh ấy dù lúc đầu bị thủ tướng chống đối, cho đó là một bản dịch nguy hiểm và “không thích hợp”. Sau đó ông Borrow mở một kho sách tại Madrid để bán quyển Tân Ước này bằng tiếng Tây Ban Nha, một việc làm khiến ông trở thành người đối lập với các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính quyền. Ông bị bắt giam 12 ngày. Khi ông phản đối, họ kêu ông âm thầm rời khỏi nước. Biết rõ việc ông bị bắt giam là điều bất hợp pháp, ông nêu ra trường hợp của sứ đồ Phao-lô và tiếp tục ở lại cho đến khi chính thức được trắng án, không bị mang tiếng xấu nào.—Công-vụ 16:37.
Đến năm 1840, khi George Borrow, phái viên sốt sắng của Thánh Kinh Hội, rời khỏi Tây Ban Nha, họ đã có thể báo cáo: “Gần 14.000 bản Kinh Thánh được phân phát tại Tây Ban Nha trong vòng 5 năm qua”. Đóng góp một phần lớn công sức trong đó, ông Borrow tóm tắt kinh nghiệm của ông tại Tây Ban Nha là “những năm tháng hạnh phúc nhất của đời tôi”.
Cuốn Kinh Thánh ở Tây Ban Nha, lần đầu xuất bản vào năm 1842—nay vẫn còn in—là truyện do chính George Borrow kể một cách sống động về những chuyến hành trình và phiêu lưu của ông. Trong quyển sách đã nhanh chóng được nhiều người biết đến này, ông tự gọi mình là một “khách lữ hành vì Phúc Âm”. Ông viết: “Tôi có dự tính đi thăm viếng những nơi xa xôi hẻo lánh trong vùng đồi núi gồ ghề và nói với mọi người về Đấng Christ như cách tôi biết”.
Với lòng sốt sắng như thế trong việc dịch và phân phát Kinh Thánh, George Borrow đã đặt nền tảng cho những người khác—thật là một vinh dự cao quý.
[Bản đồ nơi trang 29]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Nỗ lực của George Borrow để dịch và phân phát Kinh Thánh đã đưa ông từ (1) Anh Quốc đến (2) Nga, (3) Bồ Đào Nha, và (4) Tây Ban Nha
[Nguồn tư liệu]
Mountain High Maps® Copyright© 1997 Digital Wisdom, Inc.
[Hình nơi trang 28]
Lời mở đầu của Phúc Âm theo Giăng tiếng Mãn Châu, in năm 1835, đọc từ trên xuống dưới, từ trái sang phải
[Nguồn tư liệu]
Từ sách The Bible of Every Land, 1860
[Nguồn tư liệu nơi trang 27]
Từ sách The Life of George Borrow, của Clement K. Shorter, 1919