Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đời sống sẵn sàng hy sinh đem lại thỏa nguyện và hạnh phúc

Đời sống sẵn sàng hy sinh đem lại thỏa nguyện và hạnh phúc

Tự Truyện

Đời sống sẵn sàng hy sinh đem lại thỏa nguyện và hạnh phúc

DO MARIAN VÀ ROSA SZUMIGA KỂ LẠI

“Tôi sẽ dâng cho Ngài của-lễ tình nguyện”, đó là lời ghi nơi Thi-thiên 54:6. Câu này luôn là phương châm trong đời của Marian Szumiga và vợ là Rosa, là hai người sống ở Pháp. Gần đây họ kể lại một số điểm nổi bật của quãng đời dài và thỏa nguyện trong thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va.

MARIAN: Cha mẹ tôi từng là người Công Giáo La Mã, di cư từ Ba Lan. Cha là người khiêm tốn, ông không có cơ hội đi học. Tuy nhiên vào thời thế chiến thứ nhất, ông đã học đọc và viết lúc còn trong quân đội. Cha là người kính sợ Đức Chúa Trời, nhưng nhà thờ thường làm ông thất vọng.

Một sự việc xảy ra mà ông nhớ mãi. Một hôm, cha tuyên úy đến thăm đơn vị cha tôi tại chiến trường. Khi một quả đạn pháo nổ gần bên, viên tuyên úy hốt hoảng bỏ chạy, dùng cây thập tự quất để thúc ngựa chạy. Cha kinh ngạc khi thấy “người đại diện” của Đức Chúa Trời cầm một vật “thánh” để tháo chạy cho nhanh. Bất kể những sự việc đó và các điều kinh khủng mà ông chứng kiến trong cuộc chiến, đức tin của cha nơi Đức Chúa Trời không suy suyển. Cha thường nói là nhờ Đức Chúa Trời mà cha được bình an trở về.

“Ba Lan Nhỏ”

Vào năm 1911, cha tôi kết hôn với một người ở làng bên tên là Anna Cisowski. Một thời gian ngắn sau chiến tranh, năm 1919, cha mẹ đã di cư từ Ba Lan đến Pháp nơi cha tìm được công việc làm thợ mỏ than. Tôi ra đời tháng 3 năm 1926 tại Cagnac-les-Mines, vùng tây nam nước Pháp. Sau đó cha mẹ dọn đến sống trong một cộng đồng người Ba Lan tại Loos-en-Gohelle gần Lens, thuộc miền bắc nước Pháp. Thợ làm bánh là người Ba Lan, người hàng thịt là người Ba Lan, và cha xứ cũng là người Ba Lan. Không ngạc nhiên gì khi vùng này được gọi là Ba Lan Nhỏ. Cha mẹ tôi thường hay tham gia các hoạt động cộng đồng. Cha thường tổ chức các buổi nhạc hội, gồm các màn trình diễn, âm nhạc và ca hát. Cha cũng đều đặn thảo luận với linh mục nhưng cha không thỏa mãn với câu mà linh mục thường trả lời là: “Có nhiều điều còn bí ẩn”.

Một ngày nọ vào năm 1930, hai phụ nữ gõ cửa nhà chúng tôi. Họ là những Học Viên Kinh Thánh, tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va thời đó. Họ đưa cha Kinh Thánh, một quyển sách mà bấy lâu nay ông hằng mơ ước được đọc. Cha và mẹ cũng mải mê đọc các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh mà họ để lại. Cha mẹ tôi rất cảm động với những gì đọc được trong các ấn phẩm. Dù đời sống bận rộn, cha mẹ bắt đầu đi dự những buổi họp của các Học Viên Kinh Thánh. Những cuộc thảo luận với linh mục ngày càng thêm gay cấn cho đến một ngày nọ, linh mục dọa là nếu cha mẹ tôi cứ tiếp tục kết hợp với các Học Viên Kinh Thánh thì chị tôi là Stéphanie sẽ bị đuổi ra khỏi lớp học giáo lý. “Ông khỏi lo về điều này”, cha tôi trả lời. “Kể từ nay các con tôi sẽ cùng chúng tôi đi dự buổi họp của các Học Viên Kinh Thánh”. Cha tôi rút tên ra khỏi nhà thờ và vào đầu năm 1932, cha mẹ làm báp têm. Thời đó chỉ có khoảng 800 người công bố Nước Trời tại Pháp.

Rosa: Cha mẹ tôi từ xứ Hung-ga-ri và như gia đình anh Marian, đã di cư đến miền bắc nước Pháp để làm việc tại mỏ than. Tôi chào đời năm 1925. Vào năm 1937, có một Nhân Chứng Giê-hô-va tên Auguste Beugin, mà chúng tôi thường gọi là Papa Auguste, đem tạp chí Tháp Canh tiếng Hung-ga-ri đến cho gia đình chúng tôi. Cha mẹ thấy tạp chí hay nhưng cả hai đều không trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Dù còn trẻ, những gì đọc được trong Tháp Canh đã động đến lòng tôi. Người con dâu của Papa Auguste là Suzanne Beugin đã dìu dắt tôi. Cha mẹ cho phép chị đưa tôi đi các buổi họp. Sau này khi tôi bắt đầu đi làm, việc đi họp ngày Chủ Nhật khiến cha tôi khó chịu. Dù thường ngày ông là người đôn hậu nhưng ông đã rầy: “Cả tuần đã không ở nhà, Chủ Nhật lại còn đi họp nữa!” Tuy vậy, tôi tiếp tục đi. Rồi một ngày kia ông nói: “Mày hãy cuốn gói ra khỏi nhà này!” Lúc ấy trời đã sẩm tối. Tôi mới 17 tuổi và không biết đi đâu. Cuối cùng tôi đến nhà chị Suzanne, khóc sưng cả mắt. Tôi ở nhà chị Suzanne chừng một tuần thì cha kêu chị tôi đến đưa tôi về nhà. Tánh tôi hay rụt rè, nhưng lời nơi 1 Giăng 4:18 đã giúp tôi đứng vững. Câu đó ghi rằng “sự yêu-thương trọn-vẹn thì cắt-bỏ sự sợ-hãi”. Tôi đã báp têm năm 1942.

Di sản thiêng liêng quý báu

Marian: Năm 1942, tôi làm báp têm cùng với chị Stéphanie, chị Mélanie và anh Stéphane. Lời Đức Chúa Trời là trọng tâm của đời sống gia đình chúng tôi. Khi chúng tôi quây quần bên nhau, cha đọc Kinh Thánh tiếng Ba Lan cho chúng tôi nghe. Những buổi chiều tối chúng tôi thường nghe cha mẹ kể kinh nghiệm rao giảng của họ. Những giây phút đầy khích lệ về thiêng liêng này nhắc nhở chúng tôi yêu mến Đức Giê-hô-va và tin cậy nơi Ngài ngày một nhiều hơn. Sau đó, vì sức khỏe yếu kém, cha tôi phải ngừng làm việc nhưng ông vẫn chăm sóc chúng tôi cả về thiêng liêng lẫn vật chất.

Vì giờ đây có thời gian rảnh nên cha tôi điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh hàng tuần với những thiếu niên Ba Lan trong hội thánh. Tại các buổi học đó tôi học đọc tiếng Ba Lan. Cha cũng khuyến khích những người trẻ bằng nhiều cách khác nhau. Có một lần anh Gustave Zopfer, lúc ấy đang đảm trách coi sóc toàn bộ công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Pháp, đến thăm hội thánh chúng tôi, cha tổ chức ban hợp ca và một buổi diễn kịch cổ trang dựa vào câu chuyện về bữa tiệc của Vua Bên-xát-sa và chữ viết trên tường. (Đa-ni-ên 5:1-31) Anh Louis Piéchota đóng vai Đa-ni-ên, anh này về sau đã đứng vững trước sự bắt bớ của Quốc Xã. * Chúng tôi đã được dưỡng dục trong bầu không khí như thế. Chúng tôi thấy cha mẹ luôn bận rộn chăm lo những điều thiêng liêng. Giờ đây tôi biết được di sản mà cha mẹ để lại thật là quý báu.

Khi Thế Chiến II bùng nổ năm 1939, công việc rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Pháp bị cấm đoán. Vào một dịp nọ, làng tôi đã bị lục soát. Tất cả mọi nhà đều bị lính Đức bao vây. Cha đã làm một cái hầm kín dưới tủ quần áo, chúng tôi đã giấu nhiều ấn phẩm về Kinh Thánh trong hầm đó. Nhưng một số quyển sách nhỏ Fascism or Freedom (Chủ nghĩa Phát-xít hay tự do) lại nằm trong ngăn tủ chén dĩa. Cha nhanh tay giấu các sách ấy vào túi chiếc áo treo ở lối đi trong nhà. Hai người lính và một người cảnh sát Pháp lục soát nhà. Chúng tôi nín thở hồi hộp. Một người lục soát áo quần treo ở lối đi trong nhà, rồi sau đó vào nhà bếp nơi chúng tôi tập trung. Trên tay cầm các quyển sách ấy, người lính chằm chằm nhìn chúng tôi, rồi đặt các quyển sách lên bàn và tiếp tục lục soát nơi khác. Tôi mau mắn lấy các quyển sách đó để vào ngăn kéo mà người lính đã lục xong. Người lính ấy không hề hỏi về các quyển sách đó—như là đã quên hẳn!

Tham gia thánh chức trọn thời gian

Năm 1948, tôi quyết định tham gia việc tiên phong, phụng sự Đức Giê-hô-va trọn thời gian. Vài ngày sau, tôi nhận được thư từ trụ sở chi nhánh Nhân Chứng Giê-hô-va ở Pháp. Đó là thư giao phó cho tôi công tác phụng sự với tư cách là người tiên phong trong hội thánh tại thành phố Sedan, gần Bỉ. Cha mẹ vui khi thấy tôi thích thú với việc phụng sự Đức Giê-hô-va như thế. Dù vậy, cha đã nói rõ công việc tiên phong không phải là chuyện chơi, nhưng là một việc khó nhọc. Cha cũng nói nhà cha luôn rộng mở tiếp tôi và sẵn sàng giúp đỡ khi tôi gặp khó khăn. Dù cha mẹ không có nhiều tiền, nhưng họ đã mua cho tôi một chiếc xe đạp mới. Tôi vẫn còn giữ biên nhận chiếc xe đó mà mỗi khi nhìn tới còn rưng rưng nước mắt. Cha mẹ tôi mất năm 1961, nhưng lời nhắc nhở khôn ngoan của cha vẫn còn văng vẳng bên tai tôi; những lời đó đã khuyến khích và an ủi tôi trải qua những năm tháng phụng sự.

Một nguồn khích lệ khác nữa là chị tín đồ Đấng Christ 75 tuổi thuộc hội thánh Sedan tên là Elise Motte. Vào mùa hè, tôi đạp xe đến những làng hẻo lánh rao giảng trong khi chị Elise cũng đến đó bằng xe lửa. Nhưng một hôm, các kỹ sư xe lửa đình công nên chị Elise không thể về nhà được. Một cách mà tôi có thể nghĩ ra là để chị ngồi trên chỗ chở hành lý của xe đạp và đưa chị về—ngồi như thế không êm chút nào. Sáng hôm sau, tôi đem theo một miếng nệm và đón chị tại nhà. Chị ngưng đi xe lửa, và lấy tiền xe mua nước cho bữa ăn trưa. Ai mà nghĩ chiếc xe đạp của tôi lại trở thành phương tiện chuyên chở công cộng?

Thêm trách nhiệm

Năm 1950, tôi được mời làm giám thị vòng quanh toàn vùng phía bắc nước Pháp. Vì lúc ấy tôi chỉ mới 23 tuổi, phản ứng đầu tiên của tôi là lo sợ. Tôi nghĩ các anh trong chi nhánh đã lầm! Tôi miên man với những câu hỏi: ‘Tôi có đủ khả năng về cả thiêng liêng lẫn thể chất không? Làm sao tôi có thể chịu đựng được việc dời chỗ ở mỗi tuần?’ Hơn nữa, từ lúc lên sáu tôi bị một loại bệnh đau mắt (divergent strabismus) khiến cho một mắt bị lé ngoài. Tôi luôn mang mặc cảm về điều đó, thắc mắc không biết người khác sẽ phản ứng ra sao khi nhìn tôi. Mừng thay, anh Stefan Behunick, một người đã tốt nghiệp khóa huấn luyện giáo sĩ của Trường Ga-la-át, đã giúp tôi rất nhiều. Anh Behunick đã bị trục xuất khỏi Ba Lan vì công việc rao giảng và đã được chuyển đến Pháp. Lòng can đảm của anh gây ấn tượng mạnh mẽ nơi tôi. Anh kính trọng sâu xa đối với Đức Giê-hô-va và rất yêu quý lẽ thật. Vài người nghĩ anh khắt khe với tôi, nhưng tôi học nơi anh rất nhiều. Lòng dạn dĩ của anh giúp tôi gia tăng tính tự tin.

Công việc vòng quanh cho tôi cơ hội nếm được những kinh nghiệm thật hay trong thánh chức. Năm 1953, tôi được nhờ đến thăm ông Paoli, sống ở phía nam Paris, là người đã nhận tạp chí Tháp Canh dài hạn. Chúng tôi gặp nhau, lúc ấy tôi được biết ông là lính về hưu và ông thấy Tháp Canh thật hấp dẫn, ông cho biết sau khi đọc bài về Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ trong một tạp chí xuất bản cách đó không lâu, ông đã tự tổ chức một buổi Lễ Tưởng Niệm và dành trọn tối đó đọc sách Thi-thiên. Cuộc thảo luận của chúng tôi kéo dài gần cả buổi chiều. Trước khi ra về, chúng tôi cũng nói vắn tắt về việc làm báp têm. Sau đó tôi gửi cho ông một tờ giấy mời dự hội nghị vòng quanh được tổ chức vào đầu năm 1954. Ông đã đến và là một trong 26 người làm báp têm kỳ hội nghị đó. Những kinh nghiệm như thế vẫn luôn là nguồn vui của tôi.

Rosa: Vào tháng 10 năm 1948, tôi bắt đầu làm tiên phong. Sau khi phụng sự tại Anor, gần Bỉ, tôi được thuyên chuyển đến Paris, với một người tiên phong khác là Irène Kolanski (nay là Leroy). Chúng tôi sống trong một căn phòng chật hẹp tại Saint-Germain-des-Près ngay giữa trung tâm thành phố. Là một thôn nữ, tôi quá ngỡ ngàng trước người dân thành phố Paris. Tôi nghĩ họ đều sành điệu và thật thông minh. Nhưng sau khi rao giảng cho họ không lâu, tôi biết họ cũng như bao nhiêu người ở nơi khác. Chúng tôi thường bị người giữ cửa đuổi đi và khó để bắt đầu cuộc học hỏi Kinh Thánh. Dù vậy, một số người đã chấp nhận thông điệp của chúng tôi.

Vào kỳ hội nghị vòng quanh năm 1951, Irène và tôi được phỏng vấn về công việc tiên phong. Hãy đoán thử xem ai là người phỏng vấn chúng tôi? Đó là một anh giám thị vòng quanh trẻ tên là Marian Szumiga. Trước đó chúng tôi đã có lần gặp nhau, nhưng sau hội nghị, chúng tôi bắt đầu thư từ qua lại. Anh Marian và tôi có nhiều điểm chung, như chúng tôi đã làm báp têm cùng năm, bắt đầu làm tiên phong cùng năm. Nhưng điều quan trọng nhất là cả hai chúng tôi đều muốn tiếp tục phụng sự trọn thời gian. Vì thế, sau khi suy nghĩ và cầu nguyện, chúng tôi kết hôn vào ngày 31-7-1956. Sau ngày cưới cuộc sống tôi hoàn toàn đổi mới. Tôi không những phải tập quen với cuộc sống làm vợ nhưng còn đi chung với anh Marian trong công việc vòng quanh, điều đó có nghĩa là phải ngủ trên giường lạ mỗi tuần. Lúc đầu không dễ, nhưng nhiều niềm vui lớn chờ đón chúng tôi.

Cuộc sống thỏa nguyện

Marian: Trong nhiều năm, chúng tôi có đặc ân giúp chuẩn bị nhiều đại hội. Tôi đặc biệt có những kỷ niệm đẹp vào kỳ đại hội năm 1966 tại Bordeaux. Vào lúc đó, công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Bồ Đào Nha bị cấm đoán, nên vì lợi ích của những anh chị nào đến Pháp được để dự, chương trình đại hội cũng được trình bày bằng tiếng Bồ Đào Nha. Hàng trăm anh chị từ Bồ Đào Nha đến, nhưng vấn đề là làm sao có đủ chỗ ở. Vì nhà các anh em Nhân Chứng tại Bordeaux không đủ chỗ, chúng tôi đã mướn một rạp hát trống làm chỗ ngủ. Chúng tôi tháo tất cả ghế ra rồi dùng màn của sân khấu chia rạp ra thành hai phòng ngủ tập thể, một cho các anh và một cho các chị. Chúng tôi cũng dựng những phòng tắm và chỗ rửa mặt, để rơm lên nền xi măng rồi phủ vải bạt lên. Mọi người đều hài lòng với sự sắp đặt này.

Sau các phiên nhóm đại hội, chúng tôi đến thăm các anh chị tại phòng ngủ tập thể. Thật là một bầu không khí tuyệt vời. Chúng tôi thật được khích lệ biết bao qua những kinh nghiệm mà các anh chị phải trải qua bất chấp những năm tháng bị chống đối! Tất cả chúng tôi đều cảm động rơi lệ khi các anh chị ra về vào cuối đại hội.

Một đặc ân khác đã đến hai năm trước đó, năm 1964, tôi được mời làm giám thị địa hạt. Một lần nữa, tôi tự hỏi không biết tôi có hội đủ điều kiện không. Nhưng tôi tự nghĩ, nếu những anh có trách nhiệm mời tôi đảm nhận đặc ân này, các anh ấy hẳn đã thấy tôi có đủ khả năng. Thật là một kinh nghiệm khích lệ được làm việc gần gũi với những anh giám thị lưu động khác. Tôi học được nhiều điều từ các anh ấy. Nhiều anh là những gương mẫu về tính kiên nhẫn và bền lòng, những đức tính quan trọng đối với Đức Giê-hô-va. Tôi hiểu rằng nếu biết kiên nhẫn chờ đợi, thì dù chúng ta ở đâu, Đức Giê-hô-va cũng sẽ dùng chúng ta.

Năm 1982, văn phòng chi nhánh mời chúng tôi chăm sóc cho một nhóm nhỏ gồm 12 người công bố Ba Lan tại Boulogne-Billancourt, ở ngoại ô Paris. Điều đó làm tôi ngạc nhiên. Tôi biết những danh từ thần quyền tiếng Ba Lan, nhưng khó cho tôi ráp thành câu. Nhưng lòng nhân từ và sự sẵn sàng hợp tác của các anh em đó đã giúp tôi rất nhiều. Hiện nay có khoảng 170 người công bố, kể cả gần 60 người tiên phong trong hội thánh. Sau đó Rosa và tôi cũng đi thăm các nhóm và các hội thánh nói tiếng Ba Lan tại Áo, Đan-mạch và Đức.

Hoàn cảnh thay đổi

Đi thăm viếng các hội thánh là cuộc sống chúng tôi, nhưng sức khỏe sa sút khiến chúng tôi phải ngưng làm công tác đó vào năm 2001. Chúng tôi tìm được một căn hộ ở thị trấn Pithiviers, nơi Ruth, em tôi đang sống. Văn phòng chi nhánh đã tử tế bổ nhiệm chúng tôi làm tiên phong đặc biệt với số giờ công tác thích nghi với hoàn cảnh chúng tôi.

Rosa: Năm đầu sau khi chúng tôi ngưng làm công việc vòng quanh là năm thật khó khăn cho tôi. Sự thay đổi quá lớn khiến tôi cảm thấy vô dụng. Rồi tôi tự nhủ: ‘Mình vẫn có thể dùng thời gian và sức lực còn lại để làm tiên phong’. Hiện nay tôi vui mừng phụng sự chung với những người tiên phong khác trong hội thánh.

Đức Giê-hô-va luôn chăm sóc chúng tôi

Marian: Tôi thật biết ơn Đức Giê-hô-va là Rosa đã là bạn đồng hành của tôi trong suốt 48 năm qua. Trải qua những năm làm công việc lưu động, Rosa ủng hộ tôi thật nhiều. Không một lần tôi nghe Rosa nói: ‘Em muốn chúng ta có cuộc sống ổn định và có nhà riêng’.

Rosa: Đôi lúc có người nói với tôi: “Cuộc sống chị không bình thường. Chị lúc nào cũng phải sống chung với người khác”. Nhưng “cuộc sống bình thường” là gì? Thường thì mình muốn có nhiều đồ đạc và những cái đó có thể trở thành những chướng ngại cho việc theo đuổi các hoạt động thiêng liêng. Những gì chúng ta cần là một chiếc giường êm, một chiếc bàn và vài thứ cơ bản khác. Là người tiên phong chúng tôi không có nhiều về vật chất, nhưng chúng tôi có tất cả những gì cần có để phụng sự Đức Giê-hô-va. Đôi lúc có người hỏi: “Chị sẽ làm gì khi về già mà không có nhà riêng, không được tiền hưu?” Thì tôi trích dẫn câu Thi-thiên 34:10: “Nhưng người nào tìm-cầu Đức Giê-hô-va sẽ chẳng thiếu của tốt gì”. Đức Giê-hô-va luôn luôn chăm sóc chúng tôi.

Marian: Thật vậy, Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng tôi nhiều hơn những gì cần thiết. Như vào năm 1958, tôi được chọn đại diện cho vòng quanh của tôi đi dự đại hội quốc tế tại New York, nhưng tôi không đủ tiền mua vé cho Rosa. Một buổi chiều nọ, một anh đưa tôi chiếc bao thư bên ngoài đề: “New York”. Món quà bên trong giúp mua vé để Rosa có thể đi chung với tôi.

Rosa và tôi hoàn toàn không nuối tiếc những năm tháng phụng sự Đức Giê-hô-va. Chúng tôi được thật nhiều mà không mất gì cả—một cuộc sống thỏa nguyện và hạnh phúc trong việc phụng sự trọn thời gian. Đức Giê-hô-va thật là một Đức Chúa Trời tuyệt vời. Chúng tôi học được một điều là hoàn toàn tin cậy nơi Ngài, và tình yêu thương của chúng tôi đối với Ngài thêm sâu đậm hơn. Một số anh chị đã giữ vẹn lòng trung thành dù phải chết. Tuy nhiên, tôi tin rằng trong nhiều năm, một người cũng có thể dâng trọn đời mình qua việc hy sinh một ít mỗi ngày. Cho đến nay đó là điều mà Rosa và tôi cố gắng làm và quyết tâm tiếp tục làm trong tương lai.

[Chú thích]

^ đ. 14 Tự truyện của anh Louis Piéchota, “Tôi sống sót ‘chặng đường tử hành’ ”, in trong Tháp Canh (Anh ngữ) số ra ngày 15-8-1980.

[Hình nơi trang 20]

François và Anna Szumiga và các con, Stéphanie, Stéphane, Mélanie, và Marian khoảng năm 1930. Marian đứng trên ghế đẩu

[Hình nơi trang 22]

Trên: Trình bày ấn phẩm giải thích Kinh Thánh tại một quầy chợ ở Armentières, miền bắc nước Pháp, năm 1950

[Hình nơi trang 22]

Trái: Stefan Behunick và Marian năm 1950

[Hình nơi trang 23]

Rosa (bên rìa trái) với bạn cùng tiên phong Irène (thứ tư từ bên trái), cổ động cho đại hội năm 1951

[Hình nơi trang 23]

Marian và Rosa trước ngày cưới

[Hình nơi trang 23]

Phương tiện di chuyển phần lớn bằng xe đạp để thăm các hội thánh