Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn nên để lại di sản gì cho con cái?

Bạn nên để lại di sản gì cho con cái?

Bạn nên để lại di sản gì cho con cái?

PAVLOS là người có gia đình sống ở miền nam Âu Châu. Ông ít khi có nhà với vợ và các con—hai đứa con gái, 13 và 11 tuổi, và một đứa con trai 7 tuổi. Pavlos làm hai ca mỗi ngày, bảy ngày một tuần, cố kiếm đủ tiền để mong đạt được mơ ước của mình. Ông muốn mua cho mỗi đứa con gái một căn hộ và muốn bắt đầu công việc làm ăn buôn bán cho cậu con trai. Vợ ông là Sofia bỏ nhiều công lao tích lũy các thứ khăn, nồi niêu, bát đĩa và muỗng nĩa cho gia đình tương lai của con cái. Khi có người hỏi tại sao họ lại cực nhọc như vậy, họ đồng thanh trả lời: “Vì lợi ích của con cái!”

Giống như Pavlos và Sofia, nhiều bậc cha mẹ trên khắp thế giới cố gắng hết sức để chuẩn bị sớm cho con cái. Một số cha mẹ dành riêng ra một món tiền cho con cái chi tiêu trong tương lai. Những bậc cha mẹ khác thì muốn bảo đảm cho con cái được học hành đầy đủ và có nghề nghiệp để lo thân sau này. Tuy phần lớn các bậc cha mẹ xem đó là sản nghiệp để lại cho con vì thương con, nhưng khi lo điều đó, cha mẹ thường bị nhiều áp lực phải làm theo kỳ vọng của họ hàng, bạn bè và cộng đồng. Do đó, các bậc cha mẹ lo âu về điều này có lý do chính đáng tự hỏi: ‘Tôi phải để lại bao nhiêu cho con cái?’

Chuẩn bị trước cho tương lai

Chuẩn bị trước cho tương lai con cái không những là điều đương nhiên mà còn là điều Kinh Thánh đòi hỏi nơi cha mẹ tín đồ Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô nói với tín đồ Đấng Christ vào thời ông: “Không phải con cái có nhiệm vụ thu tích của cải cho cha mẹ, mà là cha mẹ phải thu tích của cải cho con cái”. (2 Cô-rinh-tô 12:14, Tòa Tổng Giám Mục) Phao-lô nói thêm rằng việc chăm nom con cái là một trách nhiệm quan trọng. Ông viết: “Ví bằng có ai không săn-sóc đến bà-con mình, nhứt là không săn-sóc đến người nhà mình, ấy là người chối bỏ đức tin, lại xấu hơn người không tin nữa”. (1 Ti-mô-thê 5:8) Nhiều lời tường thuật trong Kinh Thánh cho thấy sản nghiệp là vấn đề quan trọng đối với các tôi tớ của Đức Chúa Trời vào thời Kinh Thánh được viết ra.—Ru-tơ 2:19, 20; 3:9-13; 4:1-22; Gióp 42:15.

Tuy nhiên, đôi khi cha mẹ quá bận tâm về việc lo sao cho con cái có một gia tài lớn. Tại sao vậy? Manolis, một người cha từ nam Âu Châu định cư ở Hoa Kỳ, nêu lên một lý do: “Vì đã trải qua cảnh nghèo khổ, đói khát do Thế Chiến II gây ra, nên nhiều bậc cha mẹ cương quyết lo cho con cái có được cuộc sống tốt hơn”. Ông nói thêm: “Vì tinh thần trách nhiệm quá mức và ước vọng cho con cái cơ hội tốt nhất khi chúng vào đời, đôi khi cha mẹ để mình bị thiệt thòi”. Thật vậy, một số cha mẹ chịu thiếu thốn hoặc sống khắc khổ để dành dụm cho con cái. Nhưng đi theo con đường này có phải là điều khôn ngoan không?

“Một sự hư-không và một sự tai-nạn lớn”

Vua Sa-lô-môn của nước Y-sơ-ra-ên xưa có lời khuyên về của thừa kế. Ông viết: “Ta cũng ghét mọi công-lao ta đã làm ở dưới mặt trời, vì phải để lại cho người sau mình. Vả, ai biết rằng người ấy sẽ khôn-ngoan hay là ngu-dại? Dầu thế nào, hắn sẽ cai-quản mọi việc ta đã lấy sự lao-khổ và khôn-ngoan mà làm ở dưới mặt trời. Điều đó cũng là hư-không... Vì có người làm công-việc mình cách khôn-ngoan, thông-sáng, và tài-giỏi, rồi phải để lại làm cơ-nghiệp cho kẻ chẳng hề lao-khổ làm đến. Điều đó cũng là một sự hư-không và một sự tai-nạn lớn”.—Truyền-đạo 2:18-21.

Như Sa-lô-môn giải thích, những người thừa kế có thể không ý thức hết giá trị của di sản vì chính họ không phải cực nhọc. Vì vậy, người thừa kế có thể coi thường những gì cha mẹ mình làm lụng cực nhọc để gây dựng cho mình. Thậm chí họ có thể hoang phí tiền của đã kiếm được một cách khó khăn. (Lu-ca 15:11-16) Điều này quả là “một sự hư-không và một sự tai-nạn lớn”!

Di sản và sự tham lam

Còn một điều khác mà cha mẹ cần phải xem xét. Trong những văn hóa mà người ta chú trọng về tài sản do ông bà để lại và tiền của do cha mẹ cho khi lập gia đình, con cái có thể trở nên tham lam, đòi gia sản hoặc của hồi môn ngoài khả năng của cha mẹ. Loukas, một người cha ở Hy Lạp, châm biếm: “Chao ôi, tội cho ông nào mà có hai hoặc ba cô con gái”. Ông nói: “Chúng nó có thể so sánh những gì bố mình có thể cho với những gì bố mẹ người khác ‘rộng rãi’ tích lũy cho con họ. Chúng có thể nói rằng chúng sẽ khó lấy chồng nếu không có đủ của hồi môn”.

Manolis, người được đề cập ở trên, nói: “Một người trai trẻ có thể kéo dài cuộc hẹn hò cho đến khi cha cô dâu tương lai hứa với anh ta là ông sẽ cho con gái cái gì đó, thường là một căn nhà hoặc một món tiền đáng kể. Điều này có thể giống như một vụ tống tiền”.

Kinh Thánh bảo chúng ta phải tránh mọi hình thức tham lam. Sa-lô-môn viết: “Sản-nghiệp mình được vội-vã lúc ban-đầu, và cuối-cùng sẽ chẳng đặng phước”. (Châm-ngôn 20:21) Sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh: “Sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác”.—1 Ti-mô-thê 6:10; Ê-phê-sô 5:5.

“Sự khôn ngoan đáng quý như một gia nghiệp”

Đành rằng cơ nghiệp có một giá trị nào đó nhưng sự khôn ngoan còn có giá trị nhiều hơn nữa. Vua Sa-lô-môn viết: “Sự khôn ngoan đáng quý như một gia nghiệp, và hữu ích... Quả thật, núp bóng khôn ngoan khác nào núp bóng tiền bạc: nhưng khôn ngoan hiểu biết thì có lợi hơn vì sự khôn ngoan làm cho người khôn được sống”. (Truyền-đạo 7:11, 12, TTGM; Châm-ngôn 3:21) Trong khi tiền bạc cho chúng ta một sự che chở nào đó và giúp mình mua được những gì cần thiết, nhưng tiền vẫn có thể bị mất. Ngược lại, sự khôn ngoan, tức khả năng dùng sự hiểu biết để giải quyết vấn đề hoặc để đạt mục tiêu nào đó, có thể che chở người đó tránh được những sự liều lĩnh dại dột. Khi dựa vào sự kính sợ Đức Chúa Trời thì sự khôn ngoan có thể giúp người đó được sống vĩnh cửu trong thế giới mới sắp đến của Ngài—thật là một di sản quý báu biết bao!—2 Phi-e-rơ 3:13.

Các bậc cha mẹ theo đạo Đấng Christ thể hiện sự khôn ngoan đó khi sắp xếp những thứ tự ưu tiên đúng đắn cho chính mình và con cái. (Phi-líp 1:10) Không nên để việc tích lũy của cải cho con cái lên trên những việc thiêng liêng. Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ ngài: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”. (Ma-thi-ơ 6:33) Khi đặt mục tiêu thiêng liêng cho gia đình, các bậc cha mẹ theo đạo Đấng Christ có thể trông mong được ban phước dồi dào. Vị vua khôn ngoan là Sa-lô-môn viết: “Cha người công-bình sẽ có sự vui-vẻ lớn, và người nào sanh con khôn-ngoan sẽ khoái-lạc nơi nó. Ước gì cha và mẹ con được hớn-hở, và người đã sanh con lấy làm vui-mừng”.—Châm-ngôn 23:24, 25.

Một di sản tồn tại mãi mãi

Cơ nghiệp của tổ tiên để lại là điều rất quan trọng đối với dân Y-sơ-ra-ên xưa. (1 Các Vua 21:2-6) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va khuyên nhủ họ: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7) Tương tự thế, các bậc cha mẹ theo đạo Đấng Christ cũng được dặn dò: “Hãy dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng [con cái]”.—Ê-phê-sô 6:4.

Các bậc cha mẹ có cách nhìn thiêng liêng nhận biết là việc chu cấp cho gia đình bao gồm cả việc dạy dỗ con cái theo Kinh Thánh. Andreas, một người cha có ba con, bình luận: “Nếu con cái học áp dụng những nguyên tắc của Đức Chúa Trời trong đời sống thì chúng sẽ được trang bị đầy đủ hơn cho tương lai”. Di sản như thế cũng tập trung vào việc giúp chúng thiết lập và vun đắp mối quan hệ riêng với Đấng Tạo Hóa.—1 Ti-mô-thê 6:19.

Bạn có nghĩ đến việc dự trù về thiêng liêng cho tương lai của con bạn chưa? Thí dụ, cha mẹ có thể làm gì nếu con mình theo đuổi thánh chức trọn thời gian? Mặc dù người truyền giáo trọn thời gian không nên đòi hỏi hoặc mong có người ủng hộ tiền bạc, nhưng các bậc cha mẹ thương yêu con có thể quyết định “cung-cấp sự cần-dùng” để giúp con tiếp tục trong thánh chức trọn thời gian. (Rô-ma 12:13; 1 Sa-mu-ên 2:18, 19; Phi-líp 4:14-18) Thái độ ủng hộ như vậy chắc chắn làm Đức Giê-hô-va vui lòng.

Vậy thì cha mẹ nên để lại gì cho con cái? Ngoài việc chu cấp nhu cầu vật chất, các bậc cha mẹ theo đạo Đấng Christ lo sao để con cái có được một di sản phong phú về thiêng liêng hầu được lợi ích mãi mãi. Làm vậy, họ sẽ cảm nghiệm được lời ghi nơi Thi-thiên 37:18: “Đức Giê-hô-va biết số ngày kẻ trọn-vẹn, và cơ-nghiệp người sẽ còn đến đời đời”.

[Các hình nơi trang 26, 27]

Bạn có ý định gì cho tương lai của con cái?