Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Điểm qua các báu vật của Chester Beatty

Điểm qua các báu vật của Chester Beatty

Điểm qua các báu vật của Chester Beatty

“VÔ SỐ báu vật của bao nền văn minh đã mất,... đầy vẻ đẹp cuốn hút của những hình thu nhỏ và tranh họa”. Đó là lời tổng kết của R. J. Hayes, một cựu quản thủ viện bảo tàng, nhận định về Thư Viện Chester Beatty ở Dublin, Ireland. Đây là nơi trưng bày bộ sưu tập rất lớn gồm những đồ cổ vô giá, những tác phẩm nghệ thuật tinh vi, cùng những sách và bản chép tay hiếm có và vô cùng quý giá. Vậy ông Chester Beatty là ai? Ông đã sưu tập những báu vật nào?

Alfred Chester Beatty sinh năm 1875 ở New York, Hoa Kỳ, người gốc Scotland, Ireland và Anh Quốc. Là kỹ sư và nhà tư vấn về hầm mỏ, năm 32 tuổi, ông đã gây dựng được một tài sản khổng lồ. Trong suốt cuộc đời, ông dùng tài sản lớn ấy để sưu tầm những đồ mỹ thuật quý giá. Qua đời năm 1968 lúc 92 tuổi, ông Beatty để lại toàn bộ sưu tập này cho nhân dân Ireland.

Ông đã sưu tầm những gì?

Các bộ sưu tập của ông Beatty bao quát và đủ loại. Mỗi lần triển lãm chỉ có một phần trăm trong số này được trưng bày. Ông sưu tầm những món đồ hiếm có và quý giá thuộc nhiều thời kỳ và nhiều nền văn hóa khác nhau trong hàng ngàn năm—từ thời Trung Cổ và Thời Kỳ Phục Hưng ở Âu Châu cũng như từ nhiều quốc gia ở Phi Châu và Á Châu. Thí dụ, bộ sưu tập của ông gồm những hình tinh vi khéo léo in bằng bảng khắc gỗ của Nhật được xem là một trong những bộ sưu tập đẹp nhất thế giới.

Hoàn toàn tương phản với các tác phẩm mỹ thuật là bộ sưu tập đầy sức thu hút, gồm hơn một trăm bảng đất sét viết bằng thứ chữ cổ hình nêm của xứ Ba-by-lôn và Xu-me. Những người sống ở Mê-sô-bô-ta-mi cách đây hơn 4.000 năm đã ghi chép chi tiết về đời sống họ trên những bảng đất sét ướt, rồi nung cứng lên. Nhiều bảng đất sét này đã tồn tại cho đến thời kỳ chúng ta, do đó chứng tỏ rõ ràng chữ viết đã có từ xưa.

Lòng say mê sách

Dường như ông Chester Beatty say mê nghệ thuật sản xuất sách đẹp. Ông sưu tầm hàng ngàn bộ sách đạo và sách đời, kể cả một số bản Kinh Koran có trang trí hoa văn phức tạp. Theo lời của một tác giả, ông “say mê tính cân đối chính xác của chữ viết Ả-rập,... và chữ viết đẹp được tô điểm bằng một lớp mỏng vàng bạc và những đá sặc sỡ đã kích thích khả năng cảm thụ của ông về màu sắc”.

Giống như một số hoàng đế Trung Hoa trong các thế kỷ trước, Chester Beatty say mê ngọc bích. Những hoàng đế này xem ngọc bích có chất lượng tốt là thứ quý nhất trong các loại đá, quý hơn cả vàng rất nhiều. Những nhà cai trị này giao phó cho những thợ thủ công khéo léo nhiệm vụ cắt những tảng ngọc bích thành từng miếng mỏng và nhẵn. Kế đó, những họa sĩ tài ba trang trí những trang ngọc bích này bằng chữ viết trang nhã và hoa văn mạ vàng, như thế tạo ra một số sách đẹp lạ lùng nhất xưa nay. Bộ sưu tập này của ông Beatty gồm những sách bằng ngọc bích nổi tiếng trên thế giới.

Những bản Kinh Thánh chép tay vô giá

Đối với những người yêu chuộng Kinh Thánh thì những báu vật quý nhất của Chester Beatty là bộ sưu tập phong phú gồm những bản Kinh Thánh viết tay từ thời xưa và thời Trung Cổ. Những bản viết tay đẹp được tô điểm màu sắc rực rỡ phản ánh sự kiên nhẫn và năng khiếu thẩm mỹ của những người sao chép. Các sách in cho thấy sự khéo léo và tinh xảo của những người in và đóng sách thời đầu. Thí dụ, năm 1479 bản Biblia Latina được Anton Koberger in ở Nuremberg; ông sống vào thời Johannes Gutenberg và được xem là “một trong những người in ấn quan trọng và tích cực nhất thời đầu”.

Một vật triển lãm hiếm có được trưng bày trong Thư Viện Chester Beatty là bản viết tay trên da mịn thuộc thời đầu thế kỷ thứ tư, do Ephraem, một học giả người Syria biên chép. Ephraem trích dẫn rất nhiều từ một tư liệu thuộc thế kỷ thứ hai, gọi là Diatessaron. Trong đó người ghi chép là Tatian đã nhập bốn sách Phúc Âm kể lại cuộc đời Chúa Giê-su Christ thành một sách có nội dung hòa hợp. Những người viết thuộc các thế hệ sau nói đến bản Diatessaron, nhưng không có bản sao nào của Diatessaron tồn tại cho đến ngày nay. Một số học giả thế kỷ 19 thậm chí còn nghi ngờ, không tin là đã có bản này. Tuy nhiên, năm 1956, ông Beatty đã phát hiện lời bình luận của Ephraem về bản Diatessaron do Tatian biên chép—phát hiện này đã cho thêm bằng chứng về tính xác thực và chân thật của Kinh Thánh.

Một kho tàng các bản chép tay trên giấy cói

Ông Beatty cũng sưu tập được rất nhiều bản chép tay trên giấy cói, có cả sách đạo và sách đời. Hơn 50 sách viết tay trên giấy cói được xác định là có từ trước thế kỷ thứ tư CN. Một số sách này được phát hiện trong những đống giấy cói lớn—đúng ra là nơi đổ giấy thải—nằm ở sa mạc Ai Cập hàng thế kỷ mà không ai biết đến. Nhiều văn bản giấy cói đã rách nát khi được bày bán. Người bán mang đến các thùng giấy đầy những mảnh giấy cói. “Những người muốn mua chỉ việc thọc tay vào thùng và lựa mảnh giấy cói nào lớn, có nhiều chữ nhất”, theo ông Charles Horton, quản thủ Bộ Sưu Tập Tây Phương thuộc Thư Viện Chester Beatty.

Theo lời ông Horton, “phát hiện gây nhiều sôi nổi nhất” của ông Beatty là những sách Kinh Thánh viết tay quý giá, “gồm một số bản cổ xưa nhất của Cựu Ước và Tân Ước mà người ta biết đến”. Nếu những người bán mà biết được giá trị của các sách viết tay này, có lẽ họ đã chia chúng ra làm nhiều phần và bán cho những người mua khác nhau. Tuy nhiên, ông Beatty đã mua được phần lớn trong số đó. Những sách viết tay này có tầm quan trọng nào? Theo Sir Frederic Kenyon, phát hiện này có tầm “quan trọng bậc nhất vượt xa” những phát hiện khác tính từ lúc Tischendorf khám phá ra Sách Viết Tay (Codex) Sinaiticus vào năm 1844.

Niên đại của những sách viết tay này được xác định là trong khoảng thế kỷ thứ hai đến thế kỷ thứ tư CN. Trong số những sách Kinh Thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ trong bản Septuagint tiếng Hy Lạp, có hai bản sao của sách Sáng-thế Ký. Theo lời ông Kenyon, hai bản này có giá trị đặc biệt “vì phần lớn sách [Sáng-thế Ký] hầu như không có trong bản Vaticanus và Sinaiticus”, là hai bản viết tay trên giấy da mịn thuộc thế kỷ thứ tư. Có ba sách viết tay chứa đựng những sách thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Sách thứ nhất gồm phần lớn bốn cuốn Phúc Âm và nhiều phần của sách Công-vụ. Sách thứ hai có những trang mà ông Beatty đã mua sau, hầu như có đầy đủ những lá thư của sứ đồ Phao-lô, gồm cả thư gửi người Hê-bơ-rơ. Sách thứ ba chứa một phần ba sách Khải-huyền. Theo ông Kenyon, những sách viết tay trên giấy cói này “củng cố một cách rất cụ thể cơ sở của niềm tin chắc—vốn đã rất vững mạnh—mà chúng ta có đối với văn bản Tân Ước đã lưu truyền đến chúng ta ngày nay”.

Những sách Kinh Thánh viết tay trên giấy cói trong bộ sưu tập Chester Beatty cho thấy rằng từ rất sớm, có lẽ trước cuối thế kỷ thứ nhất CN, tín đồ Đấng Christ đã bắt đầu sử dụng những sách chép tay, tức loại sách có trang giấy, để thay thế cuộn sách cồng kềnh. Các sách chép tay này trên giấy cói cũng cho thấy rằng vì vật liệu dùng để ghi chép khan hiếm nên những người sao chép thường dùng lại những tờ giấy cói cũ. Thí dụ, một bản viết tay bằng tiếng Copt ghi lại một phần sách Phúc Âm theo Giăng, được chép “trên giấy dường như là sách bài tập có những con tính cộng bằng tiếng Hy Lạp”.

Những văn bản bằng giấy cói này tuy không đẹp mắt nhưng lại vô giá. Chúng là vật cụ thể, thấy được, nối liền với thời kỳ đầu của đạo Đấng Christ. “Ở đây, ngay trước mắt”, Charles Horton nói, “ta có thể thấy loại sách mà một số cộng đồng tín đồ Đấng Christ đầu tiên đã sử dụng—những sách mà họ xem là quý giá”. (Châm-ngôn 2:4, 5) Nếu có cơ hội xem xét một số bộ sưu tập quý giá này trong Thư Viện Chester Beatty, bạn sẽ không thất vọng đâu.

[Hình nơi trang 31]

Hình in bằng bảng khắc gỗ của Nhật do Katsushika Hokusai

[Hình nơi trang 31]

Bản “Biblia Latina” là một trong số những Kinh Thánh được in xưa nhất

[Hình nơi trang 31]

Lời bình luận của Ephraem về bản “Diatessaron” của Tatian củng cố thêm tính xác thực của Kinh Thánh

[Hình nơi trang 31]

Chester Beatty P45, một trong những sách chép tay xưa nhất thế giới, gồm phần lớn bốn sách Phúc Âm và nhiều phần của sách Công-vụ trong một tập

[Nguồn tư liệu nơi trang 29]

In lại với sự đồng ý của The Trustees of the Chester Beatty Library, Dublin

[Nguồn tư liệu nơi trang 31]

Tất cả các hình ảnh: In lại với sự đồng ý của The Trustees of the Chester Beatty Library, Dublin