Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy cầu như vầy”

“Hãy cầu như vầy”

“Hãy cầu như vầy”

BẠN có biết những lời trong Kinh Lạy Cha không? Đó là lời cầu nguyện mẫu mà Chúa Giê-su Christ đã dạy. Trong Bài Giảng trên Núi nổi tiếng của ngài, Chúa Giê-su nói: “Vậy các ngươi hãy cầu như vầy”. (Ma-thi-ơ 6:9) Vì do Chúa Giê-su dạy nên lời cầu nguyện này được gọi là Lời Cầu Nguyện của Chúa, hay cũng thường được gọi là Kinh Lạy Cha.—Tiếng La-tinh là Paternoster.

Hàng triệu người trên thế giới thuộc nằm lòng kinh này và thường lặp đi lặp lại, hầu như là hàng ngày. Những năm gần đây, kinh này được đọc ở trường học và trong những lễ hội có đông người dự. Tại sao Kinh Lạy Cha lại được xem trọng đến thế?

Ông Cyprian, nhà thần học sống vào thế kỷ thứ ba, viết: “Có lời cầu nguyện nào thiêng liêng hơn lời cầu nguyện mà Đấng Christ đã dạy chúng ta...? Có lời cầu nguyện nào dâng cho Cha chân thật hơn lời cầu nguyện mà Con, Đấng Chân Thật, đã dạy chúng ta?”—Giăng 14:6.

Trong sách giáo lý của Giáo Hội Công Giáo La Mã, Kinh Lạy Cha được xem là “lời cầu nguyện căn bản của đạo Ki-tô”. Cuốn The World Book Encyclopedia (Bách khoa tự điển thế giới) nhìn nhận rằng lời cầu nguyện này có vai trò quan trọng trong tất cả các tôn giáo theo Đấng Christ, và gọi đó là một trong “những lời tuyên xưng đức tin cơ bản của tín đồ Đấng Christ”.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng nhiều người đọc kinh này nhưng không hiểu đầy đủ ý nghĩa. Nhật báo Ottawa Citizen ở Canada viết: “Nếu lớn lên trong gia đình theo bất cứ đạo Đấng Christ nào, bạn có thể đọc làu làu Kinh Lạy Cha nhưng có lẽ lại gặp khó khăn khi đọc chậm với sự hiểu biết về nội dung”.

Hiểu được lời cầu nguyện dâng cho Đức Chúa Trời có thật sự quan trọng không? Tại sao Chúa Giê-su dạy chúng ta Kinh Lạy Cha? Kinh này có ý nghĩa gì đối với bạn? Bây giờ chúng ta hãy xem xét những câu hỏi này.