Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy tìm sức mạnh trong Chúa”

“Hãy tìm sức mạnh trong Chúa”

“Hãy tìm sức mạnh trong Chúa”

“Hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người”.​—Ê-PHÊ-SÔ 6:10, Tòa Tổng Giám Mục.

1. (a) Một cuộc giao tranh khác thường nào đã diễn ra cách đây 3.000 năm? (b) Nhờ đâu Đa-vít đã chiến thắng?

KHOẢNG 3.000 năm trước đây, hai chiến binh của hai quân đội thù nghịch đối đầu nhau ở chiến trường. Người trẻ tuổi hơn là một cậu chăn chiên tên Đa-vít. Trước mặt cậu là Gô-li-át, một người khỏe mạnh và cao lớn khác thường. Hắn mặc áo giáp nặng khoảng 57 kilôgam, đeo một thanh gươm lớn và tay cầm một cây giáo chắc nặng. Đa-vít không mặc áo giáp, và vũ khí duy nhất trong tay là một cái trành ném đá. Tên khổng lồ Gô-li-át người Phi-li-tin cảm thấy bị sỉ nhục khi kẻ đáp lời thách thức chỉ là một cậu bé. (1 Sa-mu-ên 17:42-44) Đối với những người đứng xem ở cả hai bên thì kết quả dường như đã quá rõ ràng. Nhưng người mạnh sức không luôn luôn thắng trận. (Truyền-đạo 9:11) Đa-vít đã chiến thắng vì đánh trận bằng sức mạnh của Đức Giê-hô-va. Đa-vít nói: “Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến-trận”. Lời tường thuật Kinh Thánh ghi rằng “Đa-vít thắng được người Phi-li-tin bằng cái trành ném đá và cục đá”.—1 Sa-mu-ên 17:47, 50.

2. Tín đồ Đấng Christ tham gia cuộc chiến nào?

2 Tín đồ Đấng Christ không tham gia chiến tranh của loài người. Mặc dù sống hòa thuận với mọi người, họ quả đang tham gia một cuộc chiến thiêng liêng chống cự những kẻ thù hùng mạnh. (Rô-ma 12:18) Trong chương cuối của lá thư viết cho người Ê-phê-sô, Phao-lô miêu tả một cuộc chiến mà mọi tín đồ Đấng Christ đều dự phần. Ông viết: “Chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và huyết, bèn là cùng chủ-quyền, cùng thế-lực, cùng vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy”.—Ê-phê-sô 6:12.

3. Theo Ê-phê-sô 6:10, chúng ta cần có gì để bảo đảm thành công?

3 “Các thần dữ” đó chính là Sa-tan và các quỉ, những kẻ muốn phá hoại mối quan hệ của chúng ta với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Vì chúng mạnh hơn chúng ta rất nhiều, nên chúng ta ở trong cùng một tình thế như Đa-vít, và không thể thành công nếu không nương cậy nơi sức mạnh của Đức Chúa Trời. Thật vậy, Phao-lô khuyên giục chúng ta “hãy tìm sức mạnh trong Chúa và trong uy lực toàn năng của Người”. (Ê-phê-sô 6:10, TTGM) Sau khi cho lời khuyên đó, sứ đồ này miêu tả phương tiện trợ lực về thiêng liêng và các đức tính của tín đồ Đấng Christ mà nhờ đó chúng ta có thể chiến thắng.—Ê-phê-sô 6:11-17.

4. Chúng ta sẽ xem xét hai điểm chính nào trong bài này?

4 Bây giờ chúng ta hãy phân tích những gì Kinh Thánh nói về lợi thế và mưu kế của kẻ thù. Sau đó chúng ta sẽ xem xét chiến thuật phòng thủ mà mình phải tận dụng để tự bảo vệ. Nếu làm theo sự chỉ dạy của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tin chắc rằng kẻ thù sẽ không thắng được chúng ta.

Đánh trận cùng các thần dữ

5. Cách cuộc chiến được miêu tả nơi Ê-phê-sô 6:12 trong nguyên ngữ giúp chúng ta như thế nào để hiểu chiến lược của Sa-tan?

5 Phao-lô giải thích rằng chúng ta “đánh trận... cùng các thần dữ ở các miền trên trời”. Thần dữ chính yếu tất nhiên là Sa-tan Ma-quỉ, tức “Chúa quỉ”. (Ma-thi-ơ 12:24-26) Trong nguyên ngữ, Kinh Thánh ví cuộc chiến của chúng ta với môn đấu vật. Trong cuộc đấu vật của Hy Lạp cổ xưa, mỗi đấu thủ cố làm đối phương mất thăng bằng để vật người đó xuống đất. Tương tự, Ma-quỉ muốn chúng ta mất thăng bằng về thiêng liêng. Hắn có thể làm thế bằng cách nào?

6. Kinh Thánh cho thấy Ma-quỉ có thể sử dụng những mưu kế khác nhau như thế nào để làm suy yếu đức tin của chúng ta?

6 Ma-quỉ có thể hành động như con rắn, sư tử rống, hoặc ngay cả thiên sứ sáng láng. (2 Cô-rinh-tô 11:3, 14; 1 Phi-e-rơ 5:8) Hắn có thể dùng con người để bắt bớ hoặc làm chúng ta nản lòng. (Khải-huyền 2:10) Vì có quyền hành trên toàn thế gian, Sa-tan có thể lợi dụng những dục vọng và những thứ lôi cuốn trong thế gian để gài bẫy chúng ta. (2 Ti-mô-thê 2:26; 1 Giăng 2:16; 5:19) Hắn có thể dùng lối suy nghĩ của thế gian hoặc của kẻ bội đạo để đánh lừa chúng ta như hắn đã dụ dỗ Ê-va.—1 Ti-mô-thê 2:14.

7. Các quỉ có những giới hạn nào, và chúng ta có những lợi thế nào?

7 Mặc dù vũ khí và sức mạnh của Sa-tan cùng các quỉ có vẻ đáng sợ, nhưng chúng có giới hạn. Các thần dữ này không thể bắt ép chúng ta làm những điều ác khiến Cha trên trời buồn lòng. Chúng ta có tự do ý chí và quyền kiểm soát tư tưởng cùng hành động của mình. Ngoài ra, chúng ta không chiến đấu một mình. Ngày nay cũng giống như thời Ê-li-sê: “Những người ở với chúng ta đông hơn những người ở với chúng nó”. (2 Các Vua 6:16) Kinh Thánh bảo đảm rằng nếu chúng ta phục Đức Chúa Trời và chống trả Ma-quỉ, thì nó sẽ lánh xa chúng ta.—Gia-cơ 4:7.

Coi chừng mưu chước của Sa-tan

8, 9. Sa-tan gây ra những thử thách nào cho Gióp nhằm hủy hoại lòng trung kiên của ông, và ngày nay chúng ta đương đầu với những mối nguy hiểm nào về thiêng liêng?

8 Chúng ta chẳng phải là không biết mưu chước của Sa-tan vì Kinh Thánh tiết lộ về các mưu kế cơ bản của hắn. (2 Cô-rinh-tô 2:11) Cố hại người công bình là Gióp, Ma-quỉ đã dùng những vấn đề nghiêm trọng về kinh tế, cái chết của những người thân yêu, sự chống đối của gia đình, nỗi đau đớn về thể chất, và sự chỉ trích vô căn cứ của bạn bè giả dối. Gióp ngã lòng và cảm thấy Đức Chúa Trời đã bỏ ông. (Gióp 10:1, 2) Ngày nay mặc dù Sa-tan có thể không trực tiếp gây ra những vấn đề này, nhưng nhiều tín đồ Đấng Christ cũng chịu ảnh hưởng của những gian khổ như thế, và Ma-quỉ có thể lợi dụng điều này.

9 Những nguy hiểm về thiêng liêng đang gia tăng nhanh chóng trong thời kỳ cuối cùng này. Chúng ta sống trong một thế gian mà người ta theo đuổi vật chất thay vì mục tiêu thiêng liêng. Phương tiện truyền thông không ngừng phổ biến tình dục vô luân như là điều mang lại sự vui sướng thay vì nguyên nhân gây đau khổ. Và đa số “ưa-thích sự vui chơi hơn là yêu-mến Đức Chúa Trời”. (2 Ti-mô-thê 3:1-5) Lối suy nghĩ này có thể đe dọa sự thăng bằng về thiêng liêng nếu chúng ta không “vì đạo mà tranh-chiến”.—Giu-đe 3.

10-12. (a) Chúa Giê-su cảnh báo điều gì trong minh họa về người gieo giống? (b) Hãy minh họa cho thấy làm thế nào các giá trị thiêng liêng có thể bị bóp nghẹt.

10 Một trong những thủ đoạn hữu hiệu nhất của Sa-tan là khiến chúng ta mê mải với thế gian và những đeo đuổi vật chất. Trong minh họa về người gieo giống, Chúa Giê-su cảnh báo rằng trong một số trường hợp “sự lo-lắng về đời nầy, và sự mê-đắm về của-cải, làm cho nghẹt-ngòi đạo”. (Ma-thi-ơ 13:18, 22) Từ Hy Lạp ở đây dịch là “làm cho nghẹt-ngòi” có nghĩa là “bóp nghẹt hoàn toàn”.

11 Trong các rừng nhiệt đới, ta có thể tìm thấy một loại cây vả mọc từ từ bọc quanh một thân cây khác gọi là cây chủ. Dần dần, cây leo này quấn quanh cây chủ, rễ nó ngày càng mạnh. Rễ chằng chịt của cây vả này cuối cùng hút phần lớn chất dinh dưỡng trong đất ở gốc cây, trong khi lá của nó che khuất ánh sáng cần thiết cho cây chủ. Cuối cùng thì cây chủ chết.

12 Tương tự như vậy, sự lo lắng về đời này và sự tìm kiếm của cải cùng cuộc sống sung túc có thể dần dần chiếm mất thì giờ và năng lực của chúng ta. Khi hướng sự chú ý đến những gì thuộc thế gian, chúng ta dễ sao lãng việc học hỏi Kinh Thánh cá nhân và có thói quen bỏ các buổi họp đạo Đấng Christ, khiến sự nuôi dưỡng về thiêng liêng bị cắt đứt. Mục tiêu vật chất giờ đây thay thế các hoạt động thiêng liêng, và cuối cùng chúng ta trở thành mồi ngon cho Sa-tan.

Chúng ta cần đứng vững

13, 14. Chúng ta phải có thế đứng nào khi Sa-tan tấn công?

13 Phao-lô khuyên giục các anh em tín đồ hãy “đứng vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ”. (Ê-phê-sô 6:11) Dĩ nhiên, chúng ta không thể đánh bại Sa-tan và các quỉ của hắn. Đức Chúa Trời đã chỉ định Chúa Giê-su Christ nhiệm vụ đó. (Khải-huyền 20:1, 2) Tuy nhiên, trước khi Sa-tan bị loại trừ, chúng ta phải “đứng vững” để không bị áp đảo khi hắn tấn công.

14 Sứ đồ Phi-e-rơ cũng nhấn mạnh nhu cầu phải đứng vững mà chống cự Sa-tan. “Hãy tiết-độ và tỉnh-thức”, Phi-e-rơ viết. “Kẻ thù-nghịch anh em là ma-quỉ, như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được. Hãy đứng vững trong đức-tin mà chống-cự nó, vì biết rằng anh em mình ở rải khắp thế-gian, cũng đồng chịu hoạn-nạn như mình”. (1 Phi-e-rơ 5:8, 9) Quả thật, sự giúp đỡ của các anh chị em thiêng liêng là thiết yếu để chúng ta đứng vững khi Ma-quỉ tấn công như sư tử rống.

15, 16. Hãy đưa ra một thí dụ trong Kinh Thánh để cho thấy làm thế nào sự nâng đỡ của các anh em đồng đạo có thể giúp chúng ta đứng vững.

15 Khi một con sư tử ở gần mà rống hay gầm thét trên hoang mạc Phi Châu, linh dương có thể phản ứng bằng cách chạy thật nhanh để thoát khỏi vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, voi là loài biểu hiện sự tương trợ. Một cuốn sách nói về voi giải thích: “Một cách tự vệ điển hình của bầy voi là đứng theo vòng tròn, voi lớn hướng ra ngoài đương đầu với mối đe dọa và voi con được bảo vệ ở trong vòng tròn”. (Elephants—Gentle Giants of Africa and Asia) Trước sự biểu dương sức mạnh và sự tương trợ như thế, ngay cả voi con cũng ít khi bị sư tử tấn công.

16 Cũng vậy, khi bị Sa-tan và các quỉ của hắn đe dọa, chúng ta cần ở gần nhau, vai kề vai với các anh em vững vàng trong đức tin. Phao-lô nhìn nhận rằng một số anh em tín đồ Đấng Christ đã chứng tỏ là “sự yên-ủi” cho ông trong thời gian ông bị giam cầm ở Rô-ma. (Cô-lô-se 4:10, 11) Từ Hy Lạp dịch là “sự yên-ủi” chỉ xuất hiện một lần trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Theo một tự điển Kinh Thánh, “dạng động từ của chữ này biểu thị loại thuốc làm giảm sự khó chịu”. (Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words) Như dầu thoa để làm dễ chịu, sự nâng đỡ của những người thành thục thờ phượng Đức Giê-hô-va có thể xoa dịu nỗi đau đớn về tinh thần hoặc thể chất.

17. Điều gì có thể giúp chúng ta trung thành với Đức Chúa Trời?

17 Sự khuyến khích của các anh em tín đồ Đấng Christ ngày nay có thể củng cố lòng quyết tâm của chúng ta để trung thành phụng sự Đức Chúa Trời. Nhất là các trưởng lão tín đồ Đấng Christ, họ rất sốt sắng giúp đỡ chúng ta về thiêng liêng. (Gia-cơ 5:13-15) Những yếu tố giúp chúng ta trung thành bao gồm việc thường xuyên học hỏi Kinh Thánh và có mặt tại các buổi họp, hội nghị và đại hội đạo Đấng Christ. Mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời giúp chúng ta trung thành với Ngài. Quả thật, dù ăn, uống, hay làm bất cứ điều gì khác, chúng ta nên làm tất cả vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 10:31) Tất nhiên việc cầu nguyện và nương cậy nơi Đức Giê-hô-va là thiết yếu để tiếp tục con đường làm hài lòng Ngài.—Thi-thiên 37:5.

18. Tại sao chúng ta không nên bỏ cuộc dù hoàn cảnh khốn khó làm mình hao mòn sức lực?

18 Đôi khi Sa-tan tấn công lúc chúng ta không cảm thấy mạnh về thiêng liêng. Sư tử thường vồ lấy con vật yếu đuối. Vấn đề gia đình, khó khăn về kinh tế, hoặc bệnh tật có thể làm hao mòn sức lực thiêng liêng. Song chúng ta chớ từ bỏ làm những gì Đức Chúa Trời hài lòng, vì Phao-lô nói: “Khi tôi yếu-đuối, ấy là lúc tôi mạnh-mẽ”. (2 Cô-rinh-tô 12:10; Ga-la-ti 6:9; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:13) Ông có ý nói gì? Ông muốn nói rằng sức mạnh của Đức Chúa Trời có thể bù đắp cho bản chất yếu đuối của con người chúng ta, nếu chúng ta tìm đến Ngài để được sức mạnh. Việc Đa-vít chiến thắng Gô-li-át cho thấy rằng Đức Chúa Trời có thể và quả thật có ban sức cho dân Ngài. Nhân Chứng Đức Giê-hô-va ngày nay có thể chứng nhận rằng trong lúc khủng hoảng, họ đã cảm thấy cánh tay làm vững mạnh của Đức Chúa Trời.—Đa-ni-ên 10:19.

19. Hãy đưa ra một thí dụ cho thấy làm thế nào Đức Giê-hô-va ban sức cho các tôi tớ Ngài.

19 Nói về sự nâng đỡ mà họ đã nhận được từ Đức Chúa Trời, một cặp vợ chồng viết: “Qua nhiều năm, vợ chồng chúng tôi đã phụng sự Đức Giê-hô-va và hưởng nhiều ân phước đồng thời biết được nhiều người rất đáng phục. Chúng tôi cũng đã được Đức Giê-hô-va rèn luyện và ban sức để thành công chịu đựng gian khổ. Giống như Gióp, chúng tôi không luôn luôn hiểu được lý do tại sao mình lại gặp phải hoàn cảnh như thế, nhưng chúng tôi biết được rằng Đức Giê-hô-va luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi”.

20. Điều gì trong Kinh Thánh chứng minh rằng Đức Giê-hô-va luôn luôn nâng đỡ dân Ngài?

20 Tay Đức Giê-hô-va không quá ngắn mà không thể nâng đỡ và làm vững mạnh dân trung thành của Ngài. (Ê-sai 59:1) Người viết Thi-thiên là Đa-vít hát: “Đức Giê-hô-va nâng-đỡ mọi người sa-ngã, và sửa ngay lại mọi người cong-khom”. (Thi-thiên 145:14) Quả thật, Cha trên trời ‘hằng ngày gánh gánh-nặng của chúng ta’ và cung cấp những gì chúng ta thật sự cần.—Thi-thiên 68:19.

Chúng ta cần “mọi khí-giới của Đức Chúa Trời”

21. Phao-lô nhấn mạnh nhu cầu cần có khí giới thiêng liêng như thế nào?

21 Chúng ta đã xem xét một số phương kế của Sa-tan và đã thấy được nhu cầu phải đứng vững bất kể sự tấn công của hắn. Giờ đây chúng ta phải xem xét một phương tiện trợ lực thiết yếu khác để thành công bênh vực đức tin của mình. Hai lần trong lá thư viết cho người Ê-phê-sô, sứ đồ Phao-lô nói đến một yếu tố cần thiết để đứng vững mà chống cự mưu kế của Sa-tan và thành công trong việc đánh trận cùng các thần dữ. Phao-lô viết: “Hãy mang lấy mọi khí-giới của Đức Chúa Trời, để được đứng vững mà địch cùng mưu-kế của ma-quỉ... Hãy lấy mọi khí-giới của Đức Chúa Trời, hầu cho trong ngày khốn-nạn, anh em có thể cự-địch lại, và khi thắng hơn mọi sự rồi, anh em được đứng vững-vàng”.—Ê-phê-sô 6:11, 13.

22, 23. (a) Khí giới thiêng liêng của chúng ta bao hàm điều gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế?

22 Đúng vậy, chúng ta cần mang “mọi khí-giới [“toàn bộ áo giáp”, Bản Diễn Ý] của Đức Chúa Trời”. (Chúng tôi viết nghiêng). Khi viết cho người Ê-phê-sô, Phao-lô đang ở dưới sự canh giữ của một người lính La Mã; người này đôi khi mặc một bộ áo giáp. Tuy nhiên, chính Đức Chúa Trời đã soi dẫn sứ đồ này để thảo luận về áo giáp hay khí giới thiêng liêng thiết yếu cho mọi tôi tớ của Đức Giê-hô-va.

23 Bộ khí giới này của Đức Chúa Trời bao hàm những đức tính mà người tín đồ Đấng Christ phải có cũng như những sắp đặt về thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va cung cấp. Bài kế chúng ta sẽ xem xét mỗi khí giới của bộ áo giáp thiêng liêng. Điều này sẽ giúp chúng ta xác định mình được trang bị đến mức nào cho cuộc chiến thiêng liêng. Đồng thời chúng ta sẽ xem làm thế nào gương tuyệt hảo của Chúa Giê-su Christ giúp chúng ta thành công chống cự Sa-tan Ma-quỉ.

Bạn trả lời ra sao?

• Tất cả tín đồ Đấng Christ đều tham gia cuộc chiến nào?

• Hãy miêu tả một số mưu kế của Sa-tan.

• Làm thế nào sự nâng đỡ của anh chị em đồng đạo có thể làm chúng ta vững mạnh?

• Chúng ta phải nương cậy vào sức mạnh của ai, và tại sao?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 11]

Tín đồ Đấng Christ ‘đánh trận cùng các thần dữ’

[Hình nơi trang 12]

Sự lo lắng đời này có thể làm nghẹt ngòi đạo

[Hình nơi trang 13]

Anh em tín đồ Đấng Christ có thể là một “sự yên-ủi”

[Hình nơi trang 14]

Bạn có cầu xin Đức Chúa Trời ban cho sức mạnh không?