Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh Lạy Cha có ý nghĩa đối với bạn

Kinh Lạy Cha có ý nghĩa đối với bạn

Kinh Lạy Cha có ý nghĩa đối với bạn

KINH LẠY CHA, nằm trong Bài Giảng trên Núi của Chúa Giê-su, được ghi nơi sách Ma-thi-ơ chương 6, câu 9 đến 13. Ngay trước lúc dạy lời cầu nguyện này, Chúa Giê-su nói: “Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng dùng những lời lặp vô-ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời mình nói nhiều thì được nhậm”.—Ma-thi-ơ 6:7.

Vậy, rõ ràng Chúa Giê-su không có ý nói là lời cầu nguyện này phải được lặp lại nguyên văn. Đành rằng một thời gian sau ngài lặp lại lời cầu nguyện này để dạy những người khác. (Lu-ca 11:2-4) Nhưng lời lẽ của lời cầu nguyện được ghi nơi sách Phúc Âm Ma-thi-ơ và Lu-ca không hoàn toàn giống nhau. Hơn nữa, sau này khi Chúa Giê-su và các môn đồ cầu nguyện, họ không nhất nhất dùng những lời lẽ trong lời cầu nguyện mẫu.

Tại sao Kinh Lạy Cha được ghi lại trong Kinh Thánh? Vì qua kinh này, Chúa Giê-su dạy chúng ta cách cầu nguyện sao cho được Đức Chúa Trời chấp nhận. Trong lời cầu nguyện này, chúng ta cũng tìm được câu trả lời cho một số câu hỏi căn bản về cuộc sống. Vì vậy, chúng ta hãy xem xét từng phần của Kinh Lạy Cha.

Danh Đức Chúa Trời là gì?

“Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh”. (Ma-thi-ơ 6:9) Câu mở đầu của lời cầu nguyện giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời khi gọi Ngài là ‘Cha chúng ta’. Một đứa trẻ tự nhiên sẽ đến gần người cha hay mẹ biết yêu thương và thông cảm; cũng vậy, chúng ta có thể đến gần Cha trên trời và tin chắc rằng Ngài muốn lắng nghe chúng ta. Vua Đa-vít hát: “Hỡi Đấng nghe lời cầu-nguyện, các xác-thịt đều sẽ đến cùng Ngài”.—Thi-thiên 65:2.

Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu cho danh Đức Chúa Trời được thánh, hay được biệt riêng ra thánh. Thế danh Đức Chúa Trời là gì? Kinh Thánh cho biết: “Chỉ một mình Chúa, danh là Đức Giê-hô-va, là Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. (Thi-thiên 83:18) Bạn đã bao giờ đọc thấy danh Giê-hô-va trong Kinh Thánh chưa?

Thật ra, danh Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, xuất hiện gần 7.000 lần trong các bản Kinh Thánh cổ chép tay. Tuy nhiên, một số dịch giả Kinh Thánh đã đi quá xa đến mức loại bỏ danh này khỏi bản dịch của họ. Vì thế, chúng ta cầu xin Đấng Tạo Hóa làm thánh danh Ngài là điều hợp lý. (Ê-xê-chi-ên 36:23) Một cách hành động phù hợp với lời cầu xin đó là dùng danh Giê-hô-va khi cầu nguyện.

Một phụ nữ tên là Patricia, lớn lên trong gia đình Công Giáo và rất quen thuộc Kinh Lạy Cha. Cô phản ứng thế nào khi một Nhân Chứng Giê-hô-va chỉ cho cô thấy danh Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh? “Không thể tin được!”, cô thốt lên, và kể tiếp: “Tôi liền lấy quyển Kinh Thánh của tôi ra xem, danh này cũng có trong đó. Rồi chị Nhân Chứng mở sách Ma-thi-ơ 6:9, 10 và giải thích cho tôi biết danh Ngài có liên hệ đến Kinh Lạy Cha. Tôi vô cùng thích thú và xin chị ấy hướng dẫn tôi học Kinh Thánh”.

Ý Đức Chúa Trời được thực hiện trên đất

“Nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 6:10) Lời này của Chúa Giê-su sẽ được thực hiện thế nào? Phần lớn mọi người đều nghĩ rằng trời là một nơi bình an và thanh tịnh. Kinh Thánh cũng nói đến trời như là “chỗ ở thánh và vinh-hiển” của Đức Giê-hô-va. (Ê-sai 63:15) Đó là lý do tại sao chúng ta cầu cho ý Đức Chúa Trời được thực hiện ở đất “như trời”! Điều này sẽ xảy ra không?

Nhà tiên tri Đa-ni-ên của Đức Giê-hô-va báo trước: “Chúa trên trời sẽ dựng nên một nước không bao giờ bị hủy-diệt, quyền nước ấy không bao giờ để cho một dân-tộc khác; song nó sẽ đánh tan và hủy-diệt hết các nước trước kia, mà mình thì đứng đời đời”. (Đa-ni-ên 2:44) Nước, hoặc chính phủ trên trời, chẳng bao lâu nữa sẽ hành động để mang lại hòa bình cho toàn thế giới với sự cai trị công bình.—2 Phi-e-rơ 3:13.

Việc cầu cho Nước Đức Chúa Trời đến và cho ý Ngài được thành tựu ở trên đất là sự thể hiện một đức tin không bao giờ dẫn đến thất vọng. Sứ đồ Giăng viết: “Tôi nghe một tiếng lớn từ nơi ngai mà đến, nói rằng: Này, đền-tạm của Đức Chúa Trời ở giữa loài người! Ngài sẽ ở với chúng, và chúng sẽ làm dân Ngài; chính Đức Chúa Trời sẽ ở với chúng. Ngài sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng, sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa; vì những sự thứ nhất đã qua rồi. Đấng ngự trên ngôi phán rằng: ... Hãy chép; vì những lời nầy đều trung-tín và chân-thật”.—Khải-huyền 21:3-5.

Cầu xin nhu cầu vật chất

Qua những gì ngài nói trong lời cầu nguyện mẫu, Chúa Giê-su cho thấy mối quan tâm chủ yếu của chúng ta khi cầu nguyện là cầu cho danh và ý định của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, lời cầu nguyện mẫu này tiếp tục với lời cầu xin về các nhu cầu cá nhân được dâng lên Đức Giê-hô-va.

Lời cầu xin trước nhất về nhu cầu này là: “Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày”. (Ma-thi-ơ 6:11) Đây không phải là lời cầu xin được giàu có. Chúa Giê-su khuyến khích chúng ta cầu xin “ngày nào đủ bánh ngày ấy”. (Lu-ca 11:3) Phù hợp với Kinh Lạy Cha, chúng ta có thể cầu nguyện với lòng tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ cung cấp nhu cầu hàng ngày, miễn chúng ta yêu mến và vâng lời Ngài.

Sự lo lắng thái quá về kinh tế có thể khiến chúng ta lơ là nhu cầu thiêng liêng, và do đó không làm được những điều Đức Chúa Trời mong đợi nơi chúng ta. Nhưng nếu đặt sự thờ phượng Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong cuộc sống, chúng ta có thể chắc chắn rằng những lời cầu xin về nhu cầu vật chất như đồ ăn và quần áo mặc, sẽ được nhậm. Chúa Giê-su nói: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa”. (Ma-thi-ơ 6:26-33) Tìm kiếm sự công bình của Đức Chúa Trời không phải là dễ, vì tất cả chúng ta đều có tội và cần sự tha thứ. (Rô-ma 5:12) Kinh Lạy Cha cũng nói đến điều này.

Cầu xin sự tha thứ

“Xin tha tội-lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi”. (Ma-thi-ơ 6:12; Lu-ca 11:4) Giê-hô-va Đức Chúa Trời có thật sự tha tội cho chúng ta không?

Dù Đa-vít, Vua nước Y-sơ-ra-ên xưa, phạm tội trọng nhưng ông đã ăn năn và cầu nguyện với lòng đầy tin tưởng: “Chúa ôi! Chúa là thiện, sẵn tha-thứ cho, ban sự nhân-từ dư-dật cho những người kêu-cầu cùng Chúa”. (Thi-thiên 86:5) Thật an ủi làm sao! Cha trên trời của chúng ta “sẵn tha-thứ” cho những ai ăn năn kêu cầu Ngài. Vì vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ hoàn toàn tha tội cho chúng ta.

Tuy nhiên, Chúa Giê-su nói đến một điều kiện: Để được Đức Chúa Trời tha thứ, chúng ta phải tha thứ người khác. (Ma-thi-ơ 6:14, 15) Dù bị ba người bạn đối xử tệ, nhưng người công bình Gióp đã tha thứ và còn cầu nguyện cho họ. (Gióp 42:10) Nếu tha thứ người khác, chúng ta làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và sẽ được hưởng lòng thương xót của Ngài.

Việc Đức Chúa Trời sẵn lòng nghe lời cầu xin nên thúc đẩy chúng ta tìm cách làm đẹp lòng Ngài. Dù bất toàn, nhưng chúng ta có thể làm được điều này. (Ma-thi-ơ 26:41) Vậy, Đức Giê-hô-va có thể giúp đỡ chúng ta, như Chúa Giê-su cho thấy qua việc ngài kết thúc lời cầu nguyện mẫu bằng một lời cầu xin cần yếu.

Cầu xin giúp theo đuổi lối sống công bình

“Xin chớ để chúng tôi bị cám-dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!” (Ma-thi-ơ 6:13) Đức Giê-hô-va không bỏ mặc chúng ta trong cơn cám dỗ và cũng không là nguyên nhân khiến chúng ta phạm tội. Lời Ngài cho biết: “Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám-dỗ được, và chính Ngài cũng không cám-dỗ ai”. (Gia-cơ 1:13) Đức Chúa Trời cho phép chúng ta bị cám dỗ, nhưng Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi Kẻ Cám Dỗ Chính là Sa-tan Ma-quỉ.

Sứ đồ Phi-e-rơ khuyến giục các anh em đồng đức tin: “Hãy tiết-độ và tỉnh-thức: kẻ thù-nghịch anh em là ma-quỉ, như sư-tử rống, đi rình-mò chung-quanh anh em, tìm-kiếm người nào nó có thể nuốt được”. (1 Phi-e-rơ 5:8) Thật vậy, Sa-tan cám dỗ ngay cả Chúa Giê-su Christ là người hoàn toàn! Mục tiêu của hắn là gì? Nhằm lôi kéo Chúa Giê-su khỏi sự thờ phượng thanh sạch của Giê-hô-va Đức Chúa Trời. (Ma-thi-ơ 4:1-11) Nếu bạn đang tìm cách thờ phượng Đức Chúa Trời thì Sa-tan cũng tìm cách nuốt chửng bạn!

Dùng thế gian mà hắn cai trị, Ma-quỉ có thể cám dỗ chúng ta làm những điều trái ý Đức Chúa Trời. (1 Giăng 5:19) Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta thường xuyên cầu xin Ngài giúp đỡ, đặc biệt khi đương đầu với một cám dỗ dai dẳng. Nếu chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va dựa theo Lời được soi dẫn, tức Kinh Thánh, thì sẽ được Ngài giải cứu bằng cách giúp chúng ta kháng cự Ma-quỉ. Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu”.—1 Cô-rinh-tô 10:13.

Đặt đức tin nơi Đức Chúa Trời là điều thiết yếu

Thật ấm lòng biết bao khi biết Cha trên trời quan tâm đến mỗi người chúng ta! Ngài còn dùng Con Ngài là Chúa Giê-su Christ dạy chúng ta cách cầu nguyện. Chắc chắn điều này khiến chúng ta muốn làm Giê-hô-va Đức Chúa Trời hài lòng. Bằng cách nào?

Kinh Thánh nói: “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Làm sao có được đức tin như thế? Kinh Thánh cho biết: “Đức-tin đến bởi sự người ta nghe”. (Rô-ma 10:17) Nhân Chứng Giê-hô-va vui thích nói về Kinh Thánh với tất cả những người thành thật khao khát phụng sự Đức Chúa Trời.

Hy vọng rằng bài phân tích này giúp bạn hiểu rõ hơn ý nghĩa của Kinh Lạy Cha. Nhờ hiểu thêm về Đức Giê-hô-va và phần thưởng Ngài dành cho những “kẻ tìm-kiếm Ngài”, đức tin của bạn nơi Đức Chúa Trời có thể được vững mạnh. Mong rằng bạn học biết về Đức Giê-hô-va và ý định của Ngài nhiều hơn hầu có thể hưởng được mối quan hệ mật thiết đời đời với Cha trên trời.—Giăng 17:3.

[Câu nổi bật nơi trang 5]

“Lạy Cha chúng tôi ở trên trời; danh Cha được thánh; nước Cha được đến; ý Cha được nên, ở đất như trời! Xin cho chúng tôi hôm nay đồ ăn đủ ngày; xin tha tội-lỗi cho chúng tôi, như chúng tôi cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng tôi; xin chớ để chúng tôi bị cám-dỗ, mà cứu chúng tôi khỏi điều ác!”—Ma-thi-ơ 6:9-13.

[Hình nơi trang 7]

Đức Giê-hô-va ban nhu cầu thiết yếu cho những ai yêu mến Ngài

[Hình nơi trang 7]

Đức Chúa Trời cũng giúp chúng ta kháng cự Ma-quỉ

[Hình nơi trang 7]

Giống như Gióp, nếu chúng ta biết tha thứ người khác thì có thể được hưởng lòng thương xót của Đức Chúa Trời