Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Phục-truyền Luật-lệ Ký

Những điểm nổi bật trong sách Phục-truyền Luật-lệ Ký

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Phục-truyền Luật-lệ Ký

ĐÓ LÀ năm 1473 TCN. Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ khi Đức Giê-hô-va giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập. Trải qua những năm này trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên vẫn là một dân tộc không có lãnh thổ. Thế nhưng, cuối cùng họ đã đứng trước thềm Đất Hứa. Điều gì sẽ xảy ra khi họ nhận Đất Hứa? Họ sẽ gặp những vấn đề nào, và đối phó với chúng ra sao?

Trước khi dân Y-sơ-ra-ên qua Sông Giô-đanh tiến vào vùng đất Ca-na-an, Môi-se chuẩn bị sao cho hội chúng có đủ khả năng thi hành sứ mạng lớn lao trước mắt. Bằng cách nào? Bằng một loạt những lời giảng động viên và khích lệ, khuyên răn và cảnh báo. Ông nhắc dân Y-sơ-ra-ên nhớ rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời xứng đáng được thờ phượng chuyên độc, và họ không được đi theo đường lối của những dân lân cận. Những lời giảng này là phần chính của sách Phục-truyền Luật-lệ Ký trong Kinh Thánh. Lời khuyên trong các bài giảng này chính là điều chúng ta cần ngày nay vì chúng ta cũng sống trong một thế gian mà sự thờ phượng Đức Giê-hô-va cách chuyên độc là một thử thách.—Hê-bơ-rơ 4:12.

Môi-se viết toàn bộ sách Phục-truyền Luật-lệ Ký, ngoại trừ chương chót, để tường thuật lại những sự kiện diễn ra trong thời gian hơn hai tháng. * (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:3; Giô-suê 4:19) Chúng ta hãy xem làm thế nào những điều được nói đến trong sách này có thể giúp chúng ta yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời hết lòng và trung thành phụng sự Ngài.

‘ĐỪNG QUÊN NHỮNG ĐIỀU MÀ MẮT NGƯƠI ĐÃ THẤY’

(Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:1–4:49)

Trong lời giảng thứ nhất, Môi-se thuật lại một số kinh nghiệm trong đồng vắng—đặc biệt là những kinh nghiệm giúp ích cho dân Y-sơ-ra-ên khi họ chuẩn bị nhận lấy Đất Hứa. Lời tường thuật về việc bổ nhiệm các quan xét hẳn phải nhắc họ nhớ rằng Đức Giê-hô-va tổ chức mọi việc sao cho dân sự Ngài nhận được sự chăm sóc yêu thương. Môi-se cũng nhắc rằng báo cáo tiêu cực của mười người do thám đã làm cho thế hệ trước không được vào Đất Hứa. Hãy nghĩ đến tác động của gương cảnh báo này đối với những người nghe Môi-se khi chính mắt họ đang nhìn thấy đất ấy.

Việc nhắc lại những chiến thắng mà Đức Giê-hô-va đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên trước khi họ qua Sông Giô-đanh chắc chắn đã truyền sự can đảm cho họ khi họ sẵn sàng bắt đầu cuộc chinh phục vùng đất bên kia sông. Lãnh thổ họ sẽ chiếm đầy dẫy sự thờ hình tượng. Lời cảnh báo nghiêm khắc của Môi-se về việc thờ hình tượng thật thích hợp thay!

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

2:4-6, 9, 19, 24, 31-35; 3:1-6—Tại sao dân Y-sơ-ra-ên tiêu diệt một số dân sống ở phía đông Sông Giô-đanh mà bỏ qua những dân khác? Đức Giê-hô-va ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên không được tranh chiến với con cháu Ê-sau. Tại sao? Vì họ là dòng dõi của Ê-sau, anh của Gia-cốp. Dân Y-sơ-ra-ên cũng không được gây hấn hoặc tranh chiến với dân Mô-áp và Am-môn bởi vì họ là dòng dõi của Lót, cháu Áp-ra-ham. Tuy nhiên, hai vua A-mô-rít là Si-hôn và Óc không có mối quan hệ họ hàng với dân Y-sơ-ra-ên nên không có quyền gì trên lãnh thổ họ cư ngụ. Vì vậy, khi Si-hôn từ chối không cho dân Y-sơ-ra-ên đi ngang qua địa phận mình, và Óc đem quân giao chiến, Đức Giê-hô-va ra lệnh cho dân Y-sơ-ra-ên phá hủy các thành của họ, không để người nào sống sót.

4:15-20, 23, 24—Phải chăng lệnh cấm làm tượng chạm có nghĩa là tạo hình hoặc tượng vì mục đích nghệ thuật là sai? Không. Lệnh này chỉ cấm dùng hình tượng trong sự thờ phượng, tức ‘quì xuống trước các hình tượng đó, và thờ-lạy’. Kinh Thánh không cấm vẽ hình hoặc tạc tượng vì mục đích nghệ thuật.—1  Các Vua 7:18, 25.

Bài học cho chúng ta:

1:2, 19. Dân Y-sơ-ra-ên phải lưu lạc trong đồng vắng khoảng 38 năm dù “từ Hô-rếp [thuộc vùng núi ở gần Núi Si-na-i, nơi Đức Chúa Trời ban Mười Điều Răn] tới Ca-đe-Ba-nê-a, bởi đường Núi Sê-i-rơ, đi [chỉ] mười một ngày đường”. Thật là một giá phải trả cho việc không vâng lời Giê-hô-va Đức Chúa Trời!—Dân-số Ký 14:26-34.

1:16, 17. Ngày nay, tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về việc xét xử vẫn không thay đổi. Những người được giao cho trách nhiệm trong ủy ban tư pháp không để cho tính thiên vị hoặc sự sợ loài người ảnh hưởng đến việc xét xử.

4:9. ‘Đừng quên những điều mà mắt đã thấy’ là thiết yếu cho sự thắng lợi của dân Y-sơ-ra-ên. Thế giới mới đã hứa nay gần kề, điều trọng yếu là chúng ta cũng chú mục vào những công việc tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va bằng cách siêng năng học hỏi Lời Ngài.

YÊU MẾN ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VÀ VÂNG GIỮ ĐIỀU RĂN NGÀI

(Phục-truyền Luật-lệ Ký 5:1–26:19)

Trong lời giảng thứ hai, Môi-se thuật lại việc Đức Chúa Trời ban Luật Pháp tại Núi Si-na-i và nhắc lại Mười Điều Răn. Ông nêu rõ bảy dân tộc phải bị hủy diệt hoàn toàn. Dân Y-sơ-ra-ên được nhắc nhở về một bài học quan trọng họ rút tỉa được trong đồng vắng: “Loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra”. Ở vào tình thế mới, họ phải “gìn-giữ hết thảy điều răn”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:3; 11:8.

Khi định cư nơi Đất Hứa, dân Y-sơ-ra-ên sẽ cần đến luật pháp không những về việc thờ phượng mà còn trong việc đoán xét, cai trị, chiến tranh cũng như trong đời sống cộng đồng và cá nhân. Môi-se ôn lại những luật pháp này và nhấn mạnh sự cần thiết phải yêu mến Đức Giê-hô-va và vâng giữ điều răn Ngài.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

8:3, 4—Có thể hiểu như thế nào về việc trang phục của dân Y-sơ-ra-ên không hư mòn và chân họ không sưng phồng lên trong suốt hành trình qua đồng vắng? Đây là một phép lạ của Đức Chúa Trời, như việc đều đặn cung cấp ma-na. Dân Y-sơ-ra-ên dùng trang phục và giày dép họ có từ ngày họ rời xứ Ai Cập, rất có thể là họ chuyển những đồ ấy từ người này sang người khác khi lớn lên hoặc qua đời. Vì qua hai đợt thống kê dân số—lúc bắt đầu và kết thúc cuộc hành trình—đã cho thấy số dân Y-sơ-ra-ên không tăng, thế nên số lượng trang phục và giày dép ban đầu vẫn đủ dùng cho cả dân sự.—Dân-số Ký 2:32; 26:51.

14:21—Tại sao dân Y-sơ-ra-ên có thể cho hoặc bán cho khách kiều ngụ hay người ngoại bang thú vật chết ngộp, hoặc chưa cắt tiết, mà chính họ lại không ăn? Trong Kinh Thánh, cụm từ “khách kiều-ngụ” có thể chỉ về một người không phải là dân Y-sơ-ra-ên nhưng đã cải đạo, hoặc người sống theo luật pháp cơ bản của xứ nhưng không thờ phượng Đức Giê-hô-va. Người ngoại bang và khách kiều ngụ không cải đạo không bị ràng buộc bởi Luật Pháp nên có thể dùng thú vật chết ngộp, hoặc chưa cắt tiết, theo nhiều cách. Dân Y-sơ-ra-ên được phép cho hoặc bán thú vật ấy cho họ. Ngược lại, người cải đạo bị ràng buộc bởi giao ước Luật Pháp. Như được chỉ rõ nơi Lê-vi Ký 17:10, Luật Pháp cấm người ấy ăn huyết thú vật.

24:6—Tại sao cầm giữ “cái thớt cối dưới hay là trên” coi như cầm “sự sống”? Cái cối và phần trên của nó tượng trưng cho “sự sống”, hoặc phương tiện sinh sống của người ấy. Cầm giữ một trong hai phần ấy của cối coi như lấy đi bánh mì, tức thực phẩm hàng ngày của cả gia đình.

25:9—Việc lột giày và nhổ vào mặt một người đàn ông từ chối kết hôn theo bổn phận của anh em chồng có ý nghĩa gì? Theo phong tục “xưa trong Y-sơ-ra-ên khi chuộc lại hay là đổi nhau... thì người nầy phải cổi giày mình mà trao cho người kia”. (Ru-tơ 4:7) Việc lột giày người đàn ông không chịu kết hôn theo bổn phận của anh em chồng là khẳng định rằng ông đã từ chối vai trò và quyền nối dòng cho người anh hoặc em quá cố. Đây là điều ô nhục. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:10) Nhổ vào mặt là hành động làm nhục người ấy.—Dân-số Ký 12:14.

Bài học cho chúng ta:

6:6-9. Như dân Y-sơ-ra-ên được lệnh là phải biết Luật Pháp, chúng ta cũng phải hiểu rõ điều răn của Đức Chúa Trời, luôn luôn nhớ đến và khắc ghi những luật pháp ấy vào lòng con cái. Chúng ta phải ‘buộc điều răn trên tay như một dấu’ để những hành động—tiêu biểu bằng đôi tay—cho thấy rằng chúng ta vâng lời Đức Giê-hô-va. Và giống như ‘ấn-chỉ giữa hai con mắt’, sự vâng lời của chúng ta phải được mọi người thấy.

6:16. Mong sao chúng ta không bao giờ thử Đức Giê-hô-va như dân Y-sơ-ra-ên thiếu đức tin đã làm tại Ma-sa, ở đấy họ đã lầm bầm vì không có nước.—Xuất Ê-díp-tô Ký 17:1-7.

8:11-18. Chủ nghĩa duy vật có thể làm chúng ta quên Đức Giê-hô-va.

9:4-6. Chúng ta phải cảnh giác đề phòng việc tự cho mình là công bình.

13:6. Chúng ta không để cho ai lôi kéo mình ra khỏi sự thờ phượng Đức Giê-hô-va.

14:1. Việc tự hành hạ làm tổn thương thân thể cho thấy chúng ta không biết quý trọng thân thể mình, điều đó có thể liên hệ đến tôn giáo giả, do đó chúng ta phải tránh. (1 Các Vua 18:25-28) Việc thể hiện sự đau buồn quá mức như thế về người chết không thích hợp với niềm hy vọng của chúng ta về sự sống lại.

20:5-7; 24:5. Nên tỏ lòng quan tâm đối với những người ở vào hoàn cảnh đặc biệt, dù công việc đang làm là quan trọng.

22:23-27. Một trong những cách tự vệ hữu hiệu nhất khi một người nữ bị cưỡng hiếp là kêu thét lên.

“HÃY CHỌN SỰ SỐNG”

(Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:1–34:12)

Trong lời giảng thứ ba, Môi-se nói rằng sau khi qua Sông Giô-đanh, dân Y-sơ-ra-ên phải ghi Luật Pháp trên những bia đá lớn; ông cũng rủa sả những kẻ bất tuân và chúc phước cho những người biết vâng lời. Lời giảng thứ tư mở đầu bằng cách lập lại giao ước giữa Đức Giê-hô-va và dân Y-sơ-ra-ên. Một lần nữa, Môi-se cảnh báo về sự không vâng lời và khuyến khích dân sự “chọn sự sống”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19.

Ngoài bốn lời giảng, Môi-se còn bàn về sự thay đổi quyền lãnh đạo và dạy cho dân Y-sơ-ra-ên một bài hát đầy xúc động để ca ngợi Đức Giê-hô-va và cảnh báo về hậu quả đau buồn của sự bất trung. Sau khi chúc phước cho các chi phái, Môi-se qua đời ở tuổi 120 và được chôn cất. Tang lễ kéo dài 30 ngày, chiếm gần phân nửa thời gian những sự kiện được ghi lại trong sách Phục-truyền Luật-lệ Ký.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

32:13, 14—Vì Luật Pháp cấm dân Y-sơ-ra-ên ăn bất cứ mỡ nào, nên hiểu thế nào về việc họ ăn “mỡ chiên con”? Từ ngữ ở đây được hiểu theo nghĩa ẩn dụ và biểu thị phần tốt nhất của bầy. Trong cùng một câu, cách sử dụng ngôn từ thi vị ấy cũng được thấy khi nói về “huyết của nho”.

33:1-29—Tại sao Si-mê-ôn không được nhắc đến một cách riêng biệt trong lời chúc phước của Môi-se cho dân Y-sơ-ra-ên? Đó là vì Si-mê-ôn cũng như Lê-vi đã hành động cách “dữ-dằn”, và cơn giận dữ của họ “thật là hung-mạnh”. (Sáng-thế Ký 34:13-31; 49:5-7) Sản nghiệp của họ không bằng những chi phái khác. Chi phái Lê-vi nhận được 48 thành, và phần của Si-mê-ôn ở trong lãnh thổ của chi phái Giu-đa. (Giô-suê 19:9; 21:41, 42) Vì vậy, Môi-se đã không chúc phước riêng biệt cho Si-mê-ôn. Tuy nhiên ân phước của Si-mê-ôn nằm trong sự chúc phước chung của dân Y-sơ-ra-ên.

Bài học cho chúng ta:

31:12. Những người trẻ nên ngồi cùng với người trưởng thành tại các buổi họp của hội thánh, gắng sức lắng nghe và học hỏi.

32:4. Tất cả những công việc của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn theo nghĩa Ngài biểu lộ các đức tính như công bình, khôn ngoan, yêu thương và quyền năng với sự thăng bằng tuyệt đối.

Giá trị to lớn cho chúng ta

Sách Phục-truyền Luật-lệ Ký cho thấy Đức Chúa Trời là “Giê-hô-va có một không hai”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4) Đó là sách nói về một dân tộc có mối quan hệ độc nhất vô nhị với Đức Chúa Trời. Sách Phục-truyền Luật-lệ Ký cũng cảnh báo việc thờ hình tượng và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thờ phượng Đức Chúa Trời thật một cách chuyên độc.

Chắc chắn sách Phục-truyền Luật-lệ Ký có giá trị to lớn cho chúng ta! Dù không ở dưới Luật Pháp, chúng ta có thể học được nhiều điều từ sách này, giúp chúng ta “hết lòng, hết ý, hết sức kính-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:5.

[Chú thích]

^ đ. 3 Chương chót, tường thuật về cái chết của Môi-se, có lẽ do Giô-suê hoặc Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Ê-lê-a-sa viết.

[Bản đồ nơi trang 24]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

SÊ-I-RƠ

Ca-đe- Ba-nê-a

Núi Si-na-i (Hô-rếp)

Biển Đỏ

[Nguồn tư liệu]

Bản đồ do Pictorial Archive (Near Eastern History) Est. và Survey of Israel xuất bản và giữ bản quyền

[Hình nơi trang 24]

Những lời giảng của Môi-se là phần chính của sách Phục-truyền Luật-lệ Ký

[Hình nơi trang 26]

Đức Giê-hô-va đã dạy bài học nào qua việc cung cấp ma-na?

[Hình nơi trang 26]

Cầm giữ phần dưới hay là trên của cái cối coi như cầm “sự sống”