Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Sự dư-dật của biển”

“Sự dư-dật của biển”

Sự sáng tạo tuyệt diệu của Đức Giê-hô-va

“Sự dư-dật của biển”

VÀO lúc hoàng hôn, một cơn gió nhẹ lay động mặt biển và những lớp sóng khẽ dạt vào bờ. Tiếng sóng êm dịu có sức thu hút mạnh mẽ đối với nhiều người đi đến bãi biển để tìm sự thư thái và yên tĩnh. *

Trên khắp trái đất, những bờ biển như thế trải dài hàng ngàn kilômét. Lằn ranh giới luôn thay đổi giữa cát và nước này, đặt giới hạn bờ cõi của biển. Đấng Tạo Hóa đã lập thành nó như thế. Đức Chúa Trời tuyên bố rằng chính Ngài đã “lấy cát làm bờ-cõi biển”. Ngài nói thêm: “Sóng biển dầu động, cũng không thắng được; biển dầu gầm-rống, cũng không qua khỏi nó”.—Giê-rê-mi 5:22; Gióp 38:8; Thi-thiên 33:7.

Không giống như bất kỳ hành tinh nào khác trong thái dương hệ, quả thật Trái Đất của chúng ta có chứa nước. Nước chiếm hơn 70 phần trăm bề mặt quả địa cầu. Khi sửa soạn trái đất làm chỗ ở cho loài người, Đức Giê-hô-va phán: “Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô-cạn bày ra”. Đoạn điều đó “có như vậy”. Lời tường thuật ghi tiếp: “Đức Chúa Trời đặt tên chỗ khô-cạn là đất, còn nơi nước tụ lại là biển. Đức Chúa Trời thấy điều đó là tốt-lành”. (Sáng-thế Ký 1:9, 10) Biển cả có tác dụng gì?

Nước biển được tạo với chức năng duy trì sự sống qua nhiều cách tuyệt vời. Chẳng hạn, nước có khả năng trữ nhiệt. Do đó biển có tác dụng như một kho nhiệt năng để điều hòa cái lạnh băng giá của mùa đông.

Nước cũng có một khả năng khác trong việc duy trì sự sống. Hơn hẳn mọi chất lỏng, nước có thể hòa tan các chất khác một cách dễ dàng. Vì lẽ các quá trình sự sống có được là nhờ những phản ứng hóa học, nên nước thiết yếu cho việc hòa tan các chất phản ứng và liên kết các phân tử với nhau để tạo thành hợp chất. Nhiều hợp chất hóa học trong các mô sống có chứa nước. Sách The Sea (Biển cả) ghi nhận: “Mọi dạng sống, kể cả các thực vật và động vật sống trên đất, đều cần nước—về cơ bản đến từ biển”.

Biển cũng đóng vai trò trọng yếu trong việc lọc bầu khí quyển. Các sinh vật nổi ở biển hấp thụ khí cacbon đioxyt và thải ra khí oxy. Theo một nhà nghiên cứu thì “mỗi năm 70 phần trăm khí oxy thêm vào bầu khí quyển là nhờ các sinh vật nổi ở biển”.

Biển cũng cung cấp dược liệu thiên nhiên để chữa bệnh. Nhiều thế kỷ qua, những chất lấy từ cá đã được sử dụng làm thuốc. Từ lâu người ta đã dùng dầu gan cá. Gần đây hơn, những hoạt chất trong cá và trong các loại sinh vật khác dưới biển được dùng để trị bệnh suyễn, chống vi-rút và ung thư.

Người ta đã cố gắng ước định giá trị kinh tế của những lợi ích từ biển cả. Dù không thể đưa ra kết luận chính xác, nhưng các nhà nghiên cứu ước chừng gần hai phần ba nguồn lợi ích mà hệ sinh thái toàn cầu mang lại là do các đại dương cung cấp. Điều này xác minh sự kiện biển được tạo ra với một mục đích—cung ứng và duy trì sự sống. Điều này quả phù hợp với những gì Kinh Thánh gọi là “sự dư-dật của biển”!—Phục-truyền Luật-lệ Ký 33:19.

Đức Giê-hô-va được tôn vinh là Đấng thiết kế và tạo ra nguồn tài nguyên dư dật này. Nê-hê-mi được thôi thúc để ca ngợi Ngài bằng những lời sau đây: “Ôi! chỉ một mình Chúa là Đức Giê-hô-va có một không hai; Chúa đã dựng-nên các từng trời,... biển và muôn vật ở dưới nó; Chúa bảo-tồn những vật ấy”.—Nê-hê-mi 9:6.

[Chú thích]

^ đ. 3 Xem Lịch 2004 của Nhân Chứng Giê-hô-va, tháng Chín/tháng Mười.

[Khung/​Các hình nơi trang 9]

Nước, gió và sóng

Nước và gió tạo nên những cơn sóng khổng lồ đập ầm ầm vào các vách đá, như trong hình này ở California, Hoa Kỳ. Sóng luôn là một nét đặc trưng kỳ diệu của biển, biểu hiện sức mạnh đáng sợ của biển. Nó cũng là một sự nhắc nhở sâu sắc về quyền năng vĩ đại của Đấng Tạo Hóa. Đức Giê-hô-va là Đấng “bước đi trên các ngọn sóng biển”. “Ngài lấy quyền-năng mình mà khiến biển dậy lên”. (Gióp 9:8; 26:12) Quả thật “Đức Giê-hô-va ở nơi cao có quyền-năng hơn tiếng nước lớn, hơn các lượn-sóng mạnh của biển”.—Thi-thiên 93:4.

Những dải cát được gió chạm trổ

Thỉnh thoảng bờ biển tạo nên cảnh nền cho những dải cát có hình thể gây ấn tượng, như những cồn cát trong hình ở bờ biển Namibia, nam Phi Châu. Gió là lực chính tạo ra hình thể đặc biệt của cát. Một số cồn cát dường như chỉ là những đụn nhỏ, trong khi một số khác cao đến 400 mét. Số lượng cát mênh mông như thế giúp chúng ta hiểu cụm từ “cát bờ biển” trong Kinh Thánh. Cụm từ này được dùng để chỉ điều gì đó vô số kể, không đếm được. (Sáng-thế Ký 22:17) Chúng ta vô cùng thán phục Đấng Tạo Hóa, vì Ngài đã thiết kế một bức tường bằng cát độc đáo như thế để chắn bão biển.

[Hình nơi trang 9]

Hoàng hôn trên biển, Vịnh Biafra, Cameroon