Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có thái độ chờ đợi nào?

Bạn có thái độ chờ đợi nào?

Bạn có thái độ chờ đợi nào?

TRONG thế giới ngày nay, ít người thích chờ đợi ai hoặc chờ điều gì. Họ thấy khó kiên nhẫn. Tuy nhiên, Kinh Thánh khuyến khích dân Đức Chúa Trời có thái độ “chờ-đợi”. Khác hẳn với những người đương thời, tiên tri Mi-chê tuyên bố: “Ta sẽ nhìn-xem Đức Giê-hô-va, chờ-đợi Đức Chúa Trời của sự cứu-rỗi ta”.—Mi-chê 7:7; Ca-thương 3:26.

Nhưng chờ đợi Đức Giê-hô-va có nghĩa gì? Tín đồ Đấng Christ nên chờ đợi Đức Chúa Trời với thái độ nào? Phải chăng có những thái độ chờ đợi đúng và không đúng? Kinh nghiệm của tiên tri Giô-na trong thế kỷ thứ chín TCN cung cấp một bài học về vấn đề này.

Trường hợp một người chờ đợi với thái độ sai

Giê-hô-va Đức Chúa Trời bảo Giô-na đi rao báo cho dân thành Ni-ni-ve, thủ đô của Đế Quốc A-si-ri. Ni-ni-ve có tiếng là “thành đổ máu” vì hung ác và dã man trắng trợn, một sự kiện mà những sử gia và nhà khảo cổ đã xác nhận đầy đủ. (Na-hum 3:1) Lúc đầu Giô-na cố tránh né nhiệm vụ này, nhưng Đức Giê-hô-va đã điều khiển sự việc để nhà tiên tri cuối cùng đi đến Ni-ni-ve.—Giô-na 1:3–3:2.

“Giô-na khởi đầu vào trong thành đi một ngày, thì rao-giảng và nói rằng: Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống!” (Giô-na 3:4) Nỗ lực của Giô-na tạo được kết quả lạ lùng: “Dân thành Ni-ni-ve tin Đức Chúa Trời. Họ rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai, từ những người rất lớn trong đám họ cho đến những kẻ rất nhỏ”. (Giô-na 3:5) Vì vậy Đức Giê-hô-va, một Đức Chúa Trời “không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”, đã khoan dung không hủy diệt thành này.—2 Phi-e-rơ 3:9.

Giô-na phản ứng thế nào? Lời tường thuật nói: “Bấy giờ Giô-na rất không đẹp lòng, và giận-dữ”. (Giô-na 4:1) Tại sao? Có lẽ với tư cách nhà tiên tri, Giô-na cảm thấy mất thể diện nếu lời công bố của ông về sự hủy diệt vào ngày nhất định đã không ứng nghiệm. Xem chừng ông quan tâm đến tiếng tăm của chính mình nhiều hơn là có lòng thương xót và sự cứu rỗi của người khác.

Dĩ nhiên, Giô-na không đi đến mức bỏ nhiệm vụ làm tiên tri. Song ông chờ đợi “xem điều sẽ xảy đến cho thành ấy”. Đúng vậy, ông phát sinh thái độ không bằng lòng và muốn chờ xem. Khi biết rằng sự việc không xảy ra đúng như ý muốn, ông dựng một cái chòi, ngồi dưới bóng mát, và giận dỗi chờ xem việc gì sẽ xảy ra. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không chấp nhận thái độ của Giô-na, vì vậy Ngài yêu thương sửa chữa lối suy nghĩ sai trái của nhà tiên tri này.—Giô-na 4:5, 9-11.

Tại sao Đức Giê-hô-va nhịn nhục?

Mặc dù thành Ni-ni-ve ăn năn và được tha tội, về sau thành này lại sa vào con đường gian ác. Qua hai nhà tiên tri là Na-hum và Sô-phô-ni, Đức Giê-hô-va báo trước sự hủy diệt thành này. Nói về “thành đổ máu”, Đức Giê-hô-va công bố rằng Ngài sẽ hủy diệt A-si-ri và làm cho Ni-ni-ve hoang vu. (Na-hum 3:1; Sô-phô-ni 2:13) Năm 632 TCN, Ni-ni-ve bị hủy diệt, không hề trỗi dậy lần nữa.

Tương tự như thế, thế gian ngày nay mắc tội đổ máu vô nhân đạo trên quy mô lớn hơn nhiều so với tội của thành Ni-ni-ve cổ. Vì lý do này và nhiều lý do khác, Đức Giê-hô-va đã phán xét rằng hệ thống gian ác hiện tại sẽ chấm dứt trong cơn “hoạn-nạn lớn” chưa từng có.—Ma-thi-ơ 24:21, 22.

Dầu vậy Đức Giê-hô-va kìm giữ sự hủy diệt mà Ngài đã báo trước để những người thành thật ngày nay có thể ăn năn và thoát nạn, giống như những người Ni-ni-ve biết ăn năn. Sứ đồ Phi-e-rơ nói đến lòng nhịn nhục hoặc kiên nhẫn của Đức Chúa Trời trong lời sau: “Chúa không chậm-trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn-nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn-năn”.—2 Phi-e-rơ 3:9, 10, 13.

Chờ đợi với thái độ đúng

Phi-e-rơ nói tiếp: “Vì mọi vật đó phải tiêu-tán thì anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào, trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến”. (2 Phi-e-rơ 3:11, 12) Hãy lưu ý là trong khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải cho thấy mình “đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở”—có nghĩa là tích cực hoạt động chứ không khoanh tay ngồi chờ.

Vâng, thái độ chờ đợi đúng đắn biểu hiện lòng tin tuyệt đối là ngày của Đức Giê-hô-va sẽ đến đúng thời điểm Ngài đã định, không trễ một giây. Đức tin như thế khiến một người có những hành động thánh khiết và tin kính; nổi bật hơn cả là việc rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su đã nêu gương sáng về việc rao giảng, và ngài ra chỉ thị cho các môn đồ xức dầu: “Lưng các ngươi phải thắt lại, đèn các ngươi phải thắp lên. Hãy làm như người chờ-đợi chủ mình ở tiệc cưới về, để lúc chủ đến gõ cửa thì liền mở. Phước cho những đầy-tớ ấy, khi chủ về thấy họ thức canh!”—Lu-ca 12:35-37.

Những tôi tớ trong thế kỷ thứ nhất ‘thắt lưng’ bằng cách nai nịt các vạt áo choàng, nhét vào đai lưng để dễ làm những việc lao động nặng nhọc. Vì thế, người tín đồ Đấng Christ phải nhiệt tình, hăng say trong các công việc lành. Phải cưỡng lại khuynh hướng “làm biếng” hay “bê trễ” trong các sinh hoạt về thiêng liêng, có lẽ hướng năng lực của mình vào các thú vui hoặc đeo đuổi vật chất. Trái lại nên “làm công-việc Chúa cách dư-dật” trong khi chờ đợi ngày lớn và kinh khiếp của Đức Giê-hô-va.—Rô-ma 12:11; Nguyễn Thế Thuấn; 1 Cô-rinh-tô 15:58.

Hoạt động tích cực trong khi chờ đợi

Nhân Chứng Giê-hô-va luôn bận rộn trong khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va. Trong năm công tác 2003 chẳng hạn, họ dành ra trung bình 3.383.000 giờ mỗi ngày để rao giảng lời của Đức Giê-hô-va. Hãy thử tưởng tượng xem, một người phải rao giảng không ngừng trong 386 năm mới hoàn tất những gì được thực hiện trong một ngày!

Dù sao, chúng ta nên tự hỏi: ‘Cá nhân tôi có thái độ chờ đợi nào?’ Chúa Giê-su kể một dụ ngôn nói về tính siêng năng đòi hỏi ở tín đồ Đấng Christ trung thành được xức dầu. Ngài nói về ba người đầy tớ: “Chủ... cho người nầy năm ta-lâng, người kia hai, người khác một, tùy theo tài mỗi người; đoạn, chủ lên đường. Tức thì, người đã nhận năm ta-lâng đi làm lợi ra, và được năm ta-lâng khác. Người đã nhận hai ta-lâng cũng vậy, làm lợi ra được hai ta-lâng nữa. Song người chỉ nhận một thì đi đào lỗ dưới đất mà giấu tiền của chủ. Cách lâu ngày, chủ của những đầy-tớ ấy trở về khiến họ tính sổ”.—Ma-thi-ơ 25:15-19.

Cả ba đầy tớ đều đợi chủ về. Khi trở về, chủ khen hai người đã luôn bận rộn trong khi chờ đợi: “Hỡi đầy-tớ ngay-lành trung-tín kia, được lắm!” Tuy nhiên, chủ đối xử cách khác với người khoanh tay ngồi chờ: “Còn tên đầy-tớ vô-ích đó, hãy quăng nó ra ngoài là chỗ tối-tăm”.—Ma-thi-ơ 25:20-30.

Tuy chuyện dụ ngôn này nói về tín đồ Đấng Christ được xức dầu, nhưng tất cả chúng ta rút được một bài học bất luận là có hy vọng nào. Chủ, tức Chúa Giê-su Christ, muốn mỗi người chúng ta làm việc siêng năng trong thánh chức trong khi chờ đợi ngài đến vào ngày lớn của Đức Giê-hô-va. Ngài xem trọng công lao của mỗi người “tùy theo tài” và hoàn cảnh riêng của họ. Cuối cùng khi giai đoạn chờ đợi kết thúc, thật vui mừng biết bao khi nghe Chủ nói “được lắm”!

Sự nhịn nhục của Chúa mang lại sự cứu rỗi

Nếu hệ thống này kéo dài lâu hơn là chúng ta từng nghĩ hoặc hy vọng thì sao? Hệ thống này hiện còn tồn tại không phải là không có lý do. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Phải nhìn biết rằng sự nhịn-nhục lâu-dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu-chuộc anh em”. (2 Phi-e-rơ 3:15) Việc hiểu biết chính xác về ý định Đức Chúa Trời và khiêm tốn nhận biết chúng ta tương đối kém quan trọng, sẽ giúp mình kiên nhẫn chờ đợi khi Đức Giê-hô-va còn thấy cần kiên nhẫn với hệ thống cũ này.

Để khuyến khích tín đồ Đấng Christ bền lòng, kiên nhẫn, người viết Kinh Thánh là Gia-cơ đưa ra một minh họa: “Hãy xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ-đợi sản-vật quí-báu dưới đất cho đến chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy nhịn-nhục và bền lòng; vì kỳ Chúa đến gần rồi”.—Gia-cơ 5:7, 8.

Giê-hô-va Đức Chúa Trời không muốn chúng ta kiệt sức và buông xuôi trong khi chờ đợi. Ngài có việc cho chúng ta làm và Ngài hài lòng nếu chúng ta dùng thời gian chờ đợi để làm việc chăm chỉ trong công việc đó. Ngài muốn chúng ta ở trong số những người mà sứ đồ Phao-lô mô tả trong lá thư gửi người Hê-bơ-rơ: “Chúng ta mong rằng mỗi người trong anh em tỏ lòng sốt-sắng như vậy, đặng giữ lòng đầy-dẫy sự trông-cậy cho đến cuối-cùng; đến nỗi anh em không trễ-nải, nhưng cứ học-đòi những kẻ bởi đức-tin và lòng nhịn-nhục mà được hưởng lời hứa”.—Hê-bơ-rơ 6:11, 12.

Vì vậy chúng ta đừng để bị kiệt sức. Trái lại, mong rằng mối quan hệ cá nhân của chúng ta với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và đức tin của chúng ta nơi giá chuộc của Chúa Giê-su cùng hy vọng xán lạn trong hệ thống mới là những nguồn sức mạnh tạo sinh lực trong đời sống chúng ta. Giống như những đầy tớ “ngay-lành trung-tín” trong dụ ngôn của Chúa Giê-su, mong rằng chúng ta chứng tỏ xứng đáng với lời khen và phần thưởng bằng cách luôn bận rộn trong việc ca ngợi Đức Chúa Trời của chúng ta, như người viết Thi-thiên nói: “Tôi sẽ trông-cậy luôn luôn, và ngợi-khen Chúa càng ngày càng thêm”.—Thi-thiên 71:14.

[Hình nơi trang 21]

Thất vọng, Giô-na chờ xem điều gì sẽ xảy đến cho Ni-ni-ve

[Các hình nơi trang 22, 23]

Chúng ta hãy biểu hiện lòng tin kính trong khi chờ đợi ngày của Đức Giê-hô-va