Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau”

“Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau”

“Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau”

“Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em”.—RÔ-MA 12:10.

1, 2. Một giáo sĩ thời nay và sứ đồ Phao-lô có được mối quan hệ nào với các anh em của họ?

TRONG suốt 43 năm làm công việc giáo sĩ ở Viễn Đông, anh Don được tiếng là có lòng nhiệt tình đối với những người anh phục vụ. Giờ đây khi anh nằm hấp hối trên giường bệnh, một số người học Kinh Thánh với anh trước kia đã đi hàng ngàn dặm đến bên giường anh để nói: “Kamsahamnida, kamsahamnida!”—“Cám ơn anh, cám ơn anh!” bằng tiếng Đại Hàn. Lòng yêu thương mềm mại, nồng thắm của anh Don đã làm họ cảm kích.

2 Thí dụ này về anh Don không phải là hiếm có. Trong thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô đã bày tỏ tình cảm trìu mến sâu đậm đối với những người ông phục vụ. Phao-lô đã quên mình để chăm lo cho người khác. Mặc dù là người có niềm tin vững chắc, ông cũng nhu mì và đầy lòng quan tâm, “như một người vú săn-sóc chính con mình cách dịu-dàng vậy”. Ông viết cho hội thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca: “Vì lòng rất yêu-thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước-ao ban cho anh em, không những Tin-lành Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết-nghĩa với chúng tôi là bao”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8) Sau này, khi Phao-lô bảo các anh em ở Ê-phê-sô là họ sẽ không còn gặp lại ông nữa, thì “ai nấy đều khóc lắm, ôm lấy cổ Phao-lô mà hôn”. (Công-vụ 20:25, 37) Rõ ràng, quan hệ giữa Phao-lô và anh em ông không chỉ vì họ có cùng niềm tin, mà họ còn yêu mến nhau tha thiết.

Những khía cạnh khác nhau của tình yêu thương

3. Những từ nào trong Kinh Thánh cho thấy những khía cạnh khác nhau của tình yêu thương?

3 Trong Kinh Thánh, tình yêu thương mềm mại và lòng thương xót là những khía cạnh của tình yêu thương—đức tính cao quý nhất trong các đức tính của tín đồ Đấng Christ. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:8; 2 Phi-e-rơ 1:7) Như các mặt của viên kim cương đẹp, tất cả những đức tính thánh thiện này đều hài hòa và bổ sung cho nhau. Những đức tính này không những thu hút các tín đồ Đấng Christ đến gần nhau mà còn đến gần Cha trên trời. Vì thế, sứ đồ Phao-lô khuyên giục các anh em đồng đạo: “Lòng yêu-thương phải cho thành-thật... Hãy lấy lòng yêu-thương mềm-mại mà yêu nhau như anh em”.—Rô-ma 12:9, 10.

4. Cụm từ “lòng yêu-thương mềm-mại” có nghĩa gì?

4 Từ Hy Lạp mà Phao-lô dùng để nói đến “lòng yêu-thương mềm-mại” gồm có hai phần, một phần nghĩa là tình bạn và phần kia là tình thương tự nhiên. Như một học giả Kinh Thánh giải thích, điều này có nghĩa là tín đồ Đấng Christ “được nhận ra qua sự hết lòng gắn bó với nhau, đây là đặc điểm của một gia đình yêu thương, khăng khít và nâng đỡ nhau”. Bạn có cảm thấy như thế về anh chị em tín đồ Đấng Christ không? Một bầu không khí ấm cúng—tình cảm thương mến như họ hàng thân thuộc—phải chan hòa trong hội thánh đạo Đấng Christ. (Ga-la-ti 6:10) Vì thế, Bản Diễn Ý dịch Rô-ma 12:10: “Hãy yêu thương nhau tha thiết như anh em ruột thịt”. Đúng vậy, tình yêu thương giữa tín đồ Đấng Christ không chỉ bao hàm lôgic và bổn phận. Với “lòng yêu-thương anh em cách thật-thà”, chúng ta phải “yêu nhau sốt-sắng hết lòng”.—1 Phi-e-rơ 1:22.

“Đã học nơi Đức Chúa Trời, phải yêu-thương nhau”

5, 6. (a) Đức Giê-hô-va đã dùng đại hội quốc tế như thế nào để dạy dân Ngài về tình yêu mến nồng thắm giữa tín đồ Đấng Christ? (b) Tình anh em ngày càng gắn bó như thế nào qua thời gian?

5 Mặc dù trong thế gian này “lòng yêu-mến của phần nhiều người” đang nguội lần, Đức Giê-hô-va dạy dỗ dân Ngài thời nay “phải yêu-thương nhau”. (Ma-thi-ơ 24:12; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:9) Các đại hội quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va là cơ hội đặc biệt để cung cấp sự rèn luyện này. Tại các đại hội này, Nhân Chứng địa phương gặp các anh em từ những xứ xa xôi, và nhiều người cho các đại biểu ngoại quốc ở trong nhà mình. Tại một đại hội gần đây, một số đại biểu đến từ những nước mà người ta thường dè dặt trong việc bày tỏ cảm xúc. Một tín đồ Đấng Christ đã giúp trong việc sắp xếp chỗ ở, thuật lại rằng: “Khi mới đến, những đại biểu này rất bồn chồn và rụt rè... Nhưng chỉ sáu ngày sau, khi từ biệt nhau, chủ và khách ôm nhau khóc. Họ đã tận hưởng một tình yêu thương giữa tín đồ Đấng Christ mà họ sẽ không bao giờ quên được”. Tỏ lòng hiếu khách với anh em, bất kể gốc gác của họ, có thể bộc lộ những tính tốt nhất của cả khách lẫn chủ.—Rô-ma 12:13.

6 Tuy những kinh nghiệm như thế về đại hội rất là hào hứng, nhưng quan hệ giữa tín đồ Đấng Christ còn mật thiết hơn nữa khi họ cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va trong một thời gian. Khi biết rõ anh em, chúng ta có thể còn cảm kích nhiều hơn nữa về những đức tính đáng mến của họ—chân thật, đáng tin cậy, trung thành, nhân từ, rộng rãi, có lòng quan tâm, thương xót và không vị kỷ. (Thi-thiên 15:3-5; Châm-ngôn 19:22) Anh Mark, từng là giáo sĩ ở Đông Phi, nói: “Khi làm việc sát cánh với anh em, chúng ta có được sự gắn bó không gì phá vỡ được”.

7. Chúng ta phải làm gì để hưởng tình yêu mến nồng thắm giữa tín đồ Đấng Christ trong hội thánh?

7 Để có được và duy trì tình anh em gắn bó như thế trong hội thánh, các thành viên phải gần gũi nhau. Bằng cách đều đặn tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ, chúng ta củng cố mối quan hệ với các anh chị em. Bằng cách hiện diện, thăm hỏi anh em trước cũng như sau buổi họp và tham gia vào buổi họp, chúng ta khuyến khích và động viên nhau về “lòng yêu-thương và việc tốt-lành”. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Một trưởng lão ở Hoa Kỳ kể lại: “Tôi rất vui nhớ lại rằng khi tôi còn bé, gia đình tôi luôn ở trong số những người ra về trễ nhất ở Phòng Nước Trời, chúng tôi thích trò chuyện thân tình với các anh em”.

Bạn có cần “mở rộng lòng” không?

8. (a) Phao-lô có ý nói gì khi khuyên giục anh em ở Cô-rinh-tô hãy “mở rộng lòng”? (b) Chúng ta có thể làm gì để phát huy tình yêu thương nồng thắm trong hội thánh?

8 Muốn thể hiện trọn vẹn tình yêu mến nồng thắm đó, chúng ta có thể phải cần “mở rộng lòng” mình. Sứ đồ Phao-lô viết cho hội thánh Cô-rinh-tô: “Lòng chúng tôi mở rộng. Chẳng phải chúng tôi hẹp-hòi đãi anh em”. Phao-lô khuyên giục họ hãy đáp lại bằng cách “mở rộng lòng” mình. (2 Cô-rinh-tô 6:11-13) Bạn cũng có thể “mở rộng” lòng yêu mến của mình không? Bạn không cần phải đợi người khác làm điều này trước. Trong lá thư viết cho người Rô-ma, Phao-lô khuyên rằng ngoài việc cần có tình yêu mến nồng thắm, chúng ta còn phải “thi đua tôn trọng lẫn nhau”. (Rô-ma 12:10, Trần Đức Huân) Để tỏ lòng kính trọng người khác, bạn có thể chủ động đến chào đón họ tại các buổi họp. Bạn cũng có thể mời họ đi rao giảng chung hoặc cùng nhau chuẩn bị cho buổi họp. Làm thế sẽ giúp tình yêu mến nồng thắm phát triển.

9. Một số người làm gì để gần gũi hơn với anh em tín đồ Đấng Christ? (Hãy kể bất cứ kinh nghiệm nào ở địa phương).

9 Gia đình cũng như những cá nhân trong hội thánh có thể “mở rộng lòng” bằng cách thăm viếng nhau, ăn chung một bữa đơn giản, và cùng tham gia những sinh hoạt lành mạnh. (Lu-ca 10:42; 14:12-14) Anh Hakop thỉnh thoảng tổ chức những bữa ăn ngoài trời cho các nhóm nhỏ. Anh kể: “Cả già và trẻ đều có mặt, kể cả những người cha hay mẹ đơn chiếc. Mọi người ra về với nhiều kỷ niệm vui, và cảm thấy gần gũi nhau hơn”. Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta không những nên cố gắng là anh chị em đồng đạo mà còn là những người bạn đích thực.—3 Giăng 14.

10. Chúng ta có thể làm gì khi mối quan hệ với anh chị em bị căng thẳng?

10 Tuy nhiên, sự bất toàn đôi khi gây trở ngại cho việc vun trồng tình bằng hữu và lòng yêu mến nồng thắm. Chúng ta có thể làm gì? Trước hết chúng ta có thể cầu xin có quan hệ tốt với các anh em mình. Đức Chúa Trời muốn các tôi tớ Ngài hòa thuận với nhau, và Ngài sẽ nhậm những lời cầu nguyện chân thành đó. (1 Giăng 4:20, 21; 5:14, 15) Chúng ta cũng cần hành động phù hợp với lời cầu nguyện của mình. Ric, một người truyền giáo lưu động ở Đông Phi, nhớ lại một anh có tính bộc trực cứng cỏi không được mấy ai ưa thích. Anh Ric giải thích: “Thay vì tránh anh ấy, tôi kiên quyết hiểu anh nhiều hơn. Hóa ra cha của anh là một người thi hành kỷ luật rất nghiêm khắc. Một khi hiểu được anh đã phải gắng sức như thế nào để khắc phục điều này và đã tiến bộ nhiều đến mức nào, tôi cảm phục anh. Chúng tôi trở thành bạn tốt”.—1 Phi-e-rơ 4:8.

Hãy cởi mở!

11. (a) Cần có điều gì để tình yêu mến phát triển trong hội thánh? (b) Tại sao thái độ cách biệt với người khác có thể gây tổn hại về thiêng liêng?

11 Ngày nay, nhiều người sống trên đời mà chưa từng có người bạn thân nào. Thật đáng buồn làm sao! Trong hội thánh đạo Đấng Christ, không ai phải ở trong hoàn cảnh đó, và cũng không nên như vậy. Tình yêu thương anh em chân thật không phải chỉ là nói chuyện lễ độ và cư xử lịch sự, nhưng cũng không phải là quá vồn vã hồ hởi đối với người khác. Thay vì thế, chúng ta nên sẵn sàng cởi mở tâm tình, như Phao-lô đối với anh em ở Cô-rinh-tô, và cho anh em đồng đạo thấy rằng chúng ta thật sự quan tâm đến hạnh phúc của họ. Mặc dù không phải ai cũng thích tiếp xúc hay nói chuyện, nhưng sống thu mình lại có thể rất tai hại. Kinh Thánh cảnh báo: “Kẻ nào ở riêng cách tìm điều chính mình ưa-thích; nó cãi-cọ với những sự khôn-ngoan thật”.—Châm-ngôn 18:1.

12. Tại sao nói chuyện cởi mở là thiết yếu để có quan hệ thân thiết trong hội thánh?

12 Thành thật nói chuyện với nhau là nền tảng của tình bạn chân chính. (Giăng 15:15) Tất cả chúng ta đều cần bạn bè để có thể thổ lộ tâm tư và cảm xúc thầm kín. Hơn nữa, càng biết nhau, càng dễ cho chúng ta đáp ứng nhu cầu của nhau. Nếu quan tâm đến lợi ích của nhau theo cách này, chúng ta sẽ góp phần phát huy tình yêu mến nồng thắm, và sẽ cảm nghiệm sự thật của lời Chúa Giê-su nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35; Phi-líp 2:1-4.

13. Chúng ta có thể làm gì để cho thấy mình có lòng yêu mến chân thật đối với anh em?

13 Muốn lòng yêu mến mang lại nhiều lợi ích nhất, chúng ta cần phải bày tỏ nó. (Châm-ngôn 27:5) Khi có lòng yêu mến chân thật, chúng ta thường biểu lộ qua nét mặt, và điều này có thể động đến lòng người khác khiến họ đáp ứng. Một người khôn ngoan đã viết: “Sự sáng con mắt khiến lòng vui-vẻ”. (Châm-ngôn 15:30) Hành động ân cần cũng giúp phát huy tình yêu mến nồng thắm. Mặc dù không ai có thể mua tình yêu mến chân thật, một món quà bởi lòng thành có thể có nhiều ý nghĩa. Một tấm thiệp, một lá thư và một “lời nói phải thì”—đều có thể nói lên lòng yêu mến sâu đậm. (Châm-ngôn 25:11; 27:9) Một khi có được tình bạn với người khác, chúng ta phải gìn giữ nó bằng cách tiếp tục bày tỏ lòng yêu mến bất vị kỷ. Nhất là vào lúc khó khăn hoạn nạn, chúng ta muốn giúp đỡ bạn mình. Kinh Thánh nói: “Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”.—Châm-ngôn 17:17.

14. Chúng ta có thể làm gì nếu người nào đó có vẻ không đáp lại cảm tình của chúng ta?

14 Trên thực tế, chúng ta không thể thân với mọi người trong hội thánh. Sẽ có một số người chúng ta tự nhiên cảm thấy thân hơn. Vậy nếu có ai dường như không thân mật với bạn như bạn mong muốn, thì đừng vội cho rằng bạn hay người kia có vấn đề gì đó. Và đừng cố ép người đó phải thân với mình. Nếu chỉ tỏ sự thân thiện vừa phải đối với người kia, biết đâu bạn sẽ có cơ hội phát triển mối quan hệ gần gũi hơn trong tương lai.

“Con... đẹp lòng ta mọi đường”

15. Lời khen ngợi hoặc thiếu sự khen ngợi có ảnh hưởng nào đối với người khác?

15 Chúa Giê-su hẳn đã vui mừng biết bao khi nghe lời phán sau đây từ trời vào lúc làm báp têm: “Con... đẹp lòng ta mọi đường”! (Mác 1:11) Lời tán thành này hẳn khiến Chúa Giê-su càng tin chắc rằng Cha yêu mến ngài. (Giăng 5:20) Đáng buồn thay, một số người chưa bao giờ được nghe lời khen như thế từ những người họ kính trọng và yêu thương. Ann nói: “Nhiều người trẻ tín đồ Đấng Christ như tôi không có người nhà theo cùng đạo. Ở nhà chúng tôi chỉ nghe thấy lời chỉ trích. Vì thế, chúng tôi rất buồn”. Tuy nhiên, khi kết hợp với hội thánh, họ cảm thấy sự ấm cúng của một gia đình thiêng liêng rất thông cảm, đầy quan tâm—gồm cha mẹ và anh chị em trong đức tin.—Mác 10:29, 30; Ga-la-ti 6:10.

16. Tại sao biểu lộ thái độ phê phán không giúp ích người khác?

16 Trong một số văn hóa, cha mẹ, người lớn và thầy cô ít khi hết lòng bày tỏ sự tán thành đối với người trẻ, nghĩ rằng khen như thế có thể khiến chúng tự mãn hoặc tự kiêu. Lối suy nghĩ đó thậm chí có thể ảnh hưởng đến các gia đình tín đồ Đấng Christ và hội thánh. Bình luận về một bài giảng hoặc một nỗ lực nào khác của người trẻ, người lớn có thể nói: “Cũng được, nhưng phải làm khá hơn nữa!” Hay bằng cách khác, họ có thể tỏ ý không hài lòng đối với một người trẻ. Làm thế, nhiều người nghĩ rằng họ đang thúc đẩy người trẻ phát huy tiềm năng tối đa của mình. Nhưng cách này thường có hiệu quả ngược lại, vì người trẻ có thể không muốn làm gì nữa hoặc cảm thấy mình yếu kém không thể đạt được tiêu chuẩn.

17. Tại sao chúng ta nên tìm cơ hội để khen người khác?

17 Tuy nhiên, không nên dùng lời khen chỉ nhằm mục đích đưa ra lời khuyên sau đó. Lời khen thành thật giúp phát huy tình yêu mến nồng thắm trong gia đình và hội thánh, như thế khuyến khích người trẻ tìm đến các anh chị có kinh nghiệm để được lời khuyên. Vậy, thay vì để văn hóa ảnh hưởng đến cách chúng ta cư xử với người khác, hãy “mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật”. Hãy khen ngợi như Đức Giê-hô-va khen ngợi.—Ê-phê-sô 4:24.

18. (a) Các em trẻ, em nên nghĩ thế nào về lời khuyên của người lớn? (b) Tại sao người lớn cẩn thận về cách họ cho lời khuyên?

18 Mặt khác, hỡi các em trẻ, chớ cho rằng khi người lớn sửa dạy hay khuyên bảo điều gì, có nghĩa là họ không thích em. (Truyền-đạo 7:9) Trái lại, rất có thể họ được thúc đẩy bởi lòng quan tâm và yêu mến sâu đậm đối với em. Bằng không, tại sao họ lại phải bỏ công nói chuyện với em về vấn đề đó? Biết rõ tác động của lời nói, người lớn—nhất là các trưởng lão hội thánh—thường dành nhiều thì giờ để suy nghĩ và cầu nguyện trước khi đưa ra lời khuyên, vì họ chỉ muốn làm điều tốt cho người khác.—1 Phi-e-rơ 5:5.

“Chúa đầy lòng thương-xót và nhân-từ”

19. Tại sao những người từng thất vọng có thể trông cậy vào sự nâng đỡ của Đức Giê-hô-va?

19 Kinh nghiệm không hay có thể khiến một số người cảm thấy bày tỏ lòng yêu mến nồng thắm chỉ dẫn đến thất vọng mà thôi. Họ phải can đảm và có lòng tin vững chắc để thổ lộ lòng mình với người khác. Nhưng họ chớ quên rằng Đức Giê-hô-va “chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta”. Ngài kêu gọi chúng ta đến gần Ngài. (Công-vụ 17:27; Gia-cơ 4:8) Ngài cũng hiểu là chúng ta lo sợ bị tổn thương, và Ngài hứa sẽ nâng đỡ và giúp chúng ta. Người viết Thi-thiên là Đa-vít bảo đảm với chúng ta: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối”.—Thi-thiên 34:18.

20, 21. (a) Làm sao chúng ta biết mình có thể có mối quan hệ gần gũi với Đức Giê-hô-va? (b) Cần điều gì để hưởng mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va?

20 Tình bạn thân mật với Đức Giê-hô-va là mối quan hệ quan trọng nhất chúng ta có thể vun trồng. Nhưng có thể nào có được quan hệ như thế không? Chắc chắn. Kinh Thánh cho biết về những người công bình, cả nam lẫn nữ, đã cảm thấy thân thiết như thế nào với Cha trên trời. Lời phát biểu nhiệt tình của họ đã được bảo tồn để giúp chúng ta tin rằng chúng ta cũng có thể đến gần Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 23, 34, 139; Giăng 16:27; Rô-ma 15:4.

21 Những đòi hỏi của Đức Giê-hô-va để có được sự mật thiết với Ngài đều ở trong tầm tay của mọi người. Đa-vít hỏi: “Hỡi Đức Giê-hô-va, ai sẽ ngụ trong đền-tạm Ngài?” “Ấy là kẻ đi theo sự ngay-thẳng, làm điều công-bình, và nói chân-thật trong lòng mình”. (Thi-thiên 15:1, 2; 25:14) Khi thấy rằng việc phụng sự Đức Chúa Trời mang lại kết quả tốt và khiến chúng ta có được sự hướng dẫn và bảo vệ của Ngài, chúng ta sẽ biết được rằng “Chúa đầy lòng thương-xót và nhân-từ”.—Gia-cơ 5:11.

22. Đức Giê-hô-va muốn dân Ngài hưởng mối quan hệ nào?

22 Chúng ta được ân phước lớn biết bao là Đức Giê-hô-va muốn có mối quan hệ cá nhân với loài người bất toàn! Vậy chẳng phải chúng ta nên bày tỏ lòng yêu mến nồng thắm đối với nhau sao? Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, mỗi người chúng ta có thể góp phần đồng thời vui hưởng tình yêu thương mềm mại, nồng thắm, đặc điểm của đoàn thể anh em tín đồ Đấng Christ. Dưới sự cai trị của Nước Trời, mọi người sống trên đất sẽ cảm nhận được tình yêu thương này mãi mãi.

Bạn có thể giải thích không?

• Trong hội thánh đạo Đấng Christ phải có bầu không khí nào?

• Làm sao mỗi người chúng ta có thể góp phần phát huy tình yêu mến nồng thắm trong hội thánh?

• Làm thế nào lời khen thành thật giúp phát huy tình yêu mến nồng thắm?

• Tình yêu thương nhân từ của Đức Giê-hô-va nâng đỡ và giữ vững chúng ta như thế nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Tình yêu thương giữa tín đồ Đấng Christ không phải chỉ là bổn phận

[Các hình nơi trang 16, 17]

Bạn có thể “mở rộng” lòng yêu mến của mình không?

[Hình nơi trang 18]

Bạn thường phê phán hay khuyến khích?