Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm thế nào “người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp”?

Làm thế nào “người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp”?

Làm thế nào “người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp”?

“CÓ LẼ bạn đã từng nghe câu nói ấm lòng của Chúa Giê-su: ‘Người nhu-mì sẽ hưởng được đất’. Nhưng xem xét cách con người đối xử với nhau và những gì họ đã gây ra cho trái đất, theo bạn, sẽ còn gì để người nhu mì, hay người hiền từ, thừa hưởng không?”—Ma-thi-ơ 5:5; Thi-thiên 37:11.

Chị Myriam, một Nhân Chứng Giê-hô-va, đã dùng câu hỏi này để gợi chuyện về Kinh Thánh. Người đối thoại cho biết nếu Chúa Giê-su đã hứa như vậy, hẳn bấy giờ trái đất đáng được gọi là di sản chứ không phải là một nơi hoang tàn hay một đống đổ nát không thể cư ngụ.

Đó quả là một câu trả lời lạc quan. Nhưng có lý do chính đáng hay không để có quan điểm tích cực như thế? Chắc chắn có, vì Kinh Thánh cho chúng ta những lý do vững chắc để tin rằng lời hứa đó sẽ thành hiện thực. Thật ra, lời hứa đó liên quan mật thiết với ý định của Đức Chúa Trời đối với nhân loại và trái đất. Và chúng ta có lời bảo đảm rằng điều gì Đức Chúa Trời đã định, Ngài sẽ thực hiện. (Ê-sai 55:11) Vậy, ý định nguyên thủy của Đức Chúa Trời đối với nhân loại là gì, và ý định ấy sẽ được hoàn thành như thế nào?

Ý định muôn thuở của Đức Chúa Trời đối với trái đất

Giê-hô-va Đức Chúa Trời tạo dựng trái đất với một mục đích rõ ràng. “Đức Giê-hô-va, là Đấng đã dựng nên các từng trời, tức là Đức Chúa Trời đã tạo-thành đất và làm ra nó, đã lập nó cho bền-vững, chẳng phải dựng nên là trống-không, bèn đã làm nên để dân ở, phán như vầy: Ta là Đức Giê-hô-va, không có Đấng nào khác!” (Ê-sai 45:18) Như vậy, trái đất được tạo ra với chủ ý là để con người cư ngụ. Hơn nữa, theo ý định của Đức Chúa Trời trái đất sẽ là nơi ở vĩnh viễn của loài người. “Ngài sáng-lập đất trên các nền nó; đất sẽ không bị rúng-động đến đời đời”.—Thi-thiên 104:5; 119:90.

Ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất cũng được thấy rõ qua nhiệm vụ Ngài giao cho cặp vợ chồng đầu tiên. Đức Giê-hô-va phán với A-đam và Ê-va: “Hãy sanh-sản, thêm nhiều, làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng, hãy quản-trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành-động trên mặt đất”. (Sáng-thế Ký 1:28) Trái đất, mà Đức Chúa Trời tín nhiệm ban cho A-đam và Ê-va, sẽ là nơi ở vĩnh viễn cho họ và con cháu họ. Nhiều thế kỷ sau, người viết Thi-thiên tuyên bố: “Các từng trời thuộc về Đức Giê-hô-va; nhưng Ngài đã ban đất cho con cái loài người”.—Thi-thiên 115:16.

Để thực hiện triển vọng tuyệt vời ấy, A-đam và Ê-va, cũng như con cháu họ, mỗi người đều phải thừa nhận Giê-hô-va Đức Chúa Trời—Đấng Tạo Hóa và Đấng Ban Sự Sống—là Chúa Tối Thượng và phải sẵn lòng vâng lời Ngài. Đức Giê-hô-va đã không mập mờ về vấn đề này khi ban mệnh lệnh: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”. (Sáng-thế Ký 2:16, 17) Để tiếp tục sống trong vườn Ê-đen, A-đam và Ê-va phải vâng theo mệnh lệnh đơn giản và rõ ràng ấy. Làm thế là họ biểu hiện lòng biết ơn đối với tất cả những gì mà Cha trên trời đã ban cho.

Khi cố ý không vâng lời Đức Chúa Trời qua việc vi phạm mệnh lệnh của Ngài, A-đam và Ê-va thực ra đã từ bỏ Đấng ban cho họ mọi thứ. (Sáng-thế Ký 3:6) Hành động như thế, họ không những đã đánh mất tổ ấm Địa Đàng xinh đẹp của chính họ mà còn của cả con cháu họ nữa. (Rô-ma 5:12) Sự bất tuân của cặp vợ chồng đầu tiên có phá hỏng ý định ban đầu của Đức Chúa Trời khi tạo ra trái đất không?

Đức Chúa Trời không hề thay đổi

Qua nhà tiên tri Ma-la-chi, Đức Chúa Trời tuyên bố: “Ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay-đổi”. (Ma-la-chi 3:6) Bình luận về câu này, học giả Kinh Thánh người Pháp tên L. Fillion nhận xét rằng lời tuyên bố này liên quan mật thiết với việc Đức Chúa Trời luôn hoàn thành những lời đã hứa. Ông Fillion viết: “Đức Giê-hô-va đã có thể hủy diệt dân bội nghịch của Ngài, nhưng vì là Đấng không thay đổi lời hứa, bất chấp mọi việc, Ngài vẫn trung tín giữ lời”. Lời hứa của Đức Chúa Trời, dù đối với từng cá nhân, với một dân tộc hay với cả nhân loại, sẽ không bị quên lãng nhưng sẽ được thực hiện đúng thời điểm. “Ngài nhớ đến sự giao-ước Ngài luôn luôn, hồi-tưởng lời phán dặn Ngài cho đến ngàn đời”.—Thi-thiên 105:8.

Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va không thay đổi ý định nguyên thủy của Ngài đối với trái đất? Chúng ta chắc chắn về điều này vì Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời được soi dẫn, từ đầu đến cuối thường đề cập đến ý định ban trái đất cho loài người biết vâng lời. (Thi-thiên 25:13; 37:9, 22, 29, 34) Hơn nữa, Kinh Thánh miêu tả những người được Đức Giê-hô-va ban phước đang sống yên ổn, ai nấy đều ngồi “dưới cây nho mình và dưới cây vả mình, không ai làm cho lo-sợ”. (Mi-chê 4:4; Ê-xê-chi-ên 34:28) Dân được chọn của Ngài “sẽ xây nhà và ở, trồng vườn nho và ăn trái”. Họ sẽ hưởng sự thanh bình ngay cả với các loài thú hoang.—Ê-sai 11:6-9; 65:21, 25.

Kinh Thánh còn cho chúng ta thấy trước ý định của Đức Chúa Trời qua một cách khác. Dưới triều Vua Sa-lô-môn, dân Y-sơ-ra-ên đã hưởng một thời kỳ thanh bình và thịnh vượng. “Trọn đời vua Sa-lô-môn trị-vì, dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên ăn-ở yên-ổn vô-sự từ Đan cho đến Bê-e-Sê-ba, ai nấy đều ở dưới cây nho và cây vả mình”. (1 Các Vua 4:25) Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su là đấng “hơn vua Sa-lô-môn”, và người viết Thi-thiên đã tiên tri về triều đại của ngài: “Trong ngày vua ấy, người công-bình sẽ hưng-thịnh, cũng sẽ có bình-an dư-dật cho đến chừng mặt trăng không còn”. Lúc bấy giờ, “sẽ có dư-dật ngũ-cốc trên đất và trên đỉnh các núi”.—Lu-ca 11:31; Thi-thiên 72:7, 16.

Trung tín với lời Ngài, Giê-hô-va Đức Chúa Trời cam đoan là di sản đã hứa không những tồn tại mà còn được phục hồi vẻ đẹp lộng lẫy vốn có. Nơi Khải-huyền 21:4, Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta biết trong thế giới mới đã hứa, Đức Chúa Trời “sẽ lau ráo hết nước mắt khỏi mắt [loài người], sẽ không có sự chết, cũng không có than-khóc, kêu-ca, hay là đau-đớn nữa”. Điều được hứa đó không gì khác hơn là Địa Đàng.—Lu-ca 23:43.

Làm thế nào nhận được di sản đã hứa?

Việc biến đổi trái đất thành địa đàng sẽ được thực hiện bởi một chính phủ cai trị từ trên trời, tức Nước Trời do Chúa Giê-su Christ làm Vua. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Trước tiên, Nước ấy sẽ “hủy-phá những kẻ đã hủy-phá thế-gian”. (Khải-huyền 11:18; Đa-ni-ên 2:44) Tiếp đến, với tư cách là “Chúa Bình-an”, Chúa Giê-su Christ sẽ làm ứng nghiệm lời tiên tri này: “Quyền cai-trị và sự bình-an của Ngài cứ thêm mãi không thôi”. (Ê-sai 9:5, 6) Dưới triều Vua ấy, hàng triệu người—kể cả những người được sống lại—sẽ có cơ hội thừa hưởng đất.—Giăng 5:28, 29; Công-vụ 24:15.

Ai có triển vọng hưởng được di sản tuyệt vời đó? Hãy xem xét những lời của Chúa Giê-su: “Phước cho những kẻ nhu-mì, vì sẽ hưởng được đất!” (Ma-thi-ơ 5:5) Nhu mì hay hiền từ có nghĩa gì? Thông thường các tự điển định nghĩa “nhu mì” hay “hiền từ” là dịu dàng, đức độ, mềm mại, trầm lặng. Tuy nhiên, nguyên ngữ Hy Lạp có ý nghĩa sâu xa hơn. Theo cuốn New Testament Wordbook của ông William Barclay, trong từ ấy “ẩn chứa sự dịu dàng, nhưng bên trong sự dịu dàng này là sức mạnh của gang thép”. Nó biểu thị tinh thần của một người có thể chịu đựng sự tổn thương mà không cưu mang lòng oán giận hoặc có ý nghĩ trả đũa, đó là kết quả của một mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời, và mối quan hệ ấy trở thành nguồn sức mạnh cho người đó.—Ê-sai 12:2; Phi-líp 4:13.

Người nhu mì hay người hiền từ khiêm tốn chấp nhận những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời trong mọi khía cạnh của đời sống; người đó không khăng khăng giữ quan điểm của mình hoặc hùa theo ý kiến người khác. Người đó cũng dễ tiếp nhận lời khuyên, sẵn lòng nghe theo sự dạy dỗ của Đức Giê-hô-va. Vua Đa-vít, người viết Thi-thiên nói: “[Đức Giê-hô-va] sẽ dẫn kẻ hiền-từ cách chánh-trực, chỉ-dạy con đường Ngài cho người nhu-mì”.—Thi-thiên 25:9; Châm-ngôn 3:5, 6.

Liệu bạn sẽ có mặt trong số những người “nhu-mì” và “hiền-từ” hưởng được đất làm cơ nghiệp không? Hiểu biết về Đức Giê-hô-va và ý định Ngài qua việc siêng năng tìm hiểu Kinh Thánh, cũng như thực hành những gì học được, bạn sẽ có triển vọng nhận Địa Đàng làm di sản và sống ở đó mãi mãi.—Giăng 17:3.

[Hình nơi trang 5]

Ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất được thấy rõ qua nhiệm vụ Ngài giao cho A-đam và Ê-va

[Hình nơi trang 6, 7]

Sự thanh bình và yên ổn dưới triều Vua Sa-lô-môn cho thấy trước di sản đã hứa

[Nguồn tư liệu]

Đàn cừu và ngọn đồi ở hậu cảnh: Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.; linh dương sừng kiếm Ả-rập: Hai-Bar, Yotvata, Israel; nông dân cày ruộng: Garo Nalbandian

[Hình nơi trang 7]

Một thế giới mới công bình đang ở trước mắt—bạn sẽ có mặt ở đấy không?