Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một sự giáo huấn kéo dài cả đời

Một sự giáo huấn kéo dài cả đời

Tự Truyện

Một sự giáo huấn kéo dài cả đời

DO HAROLD GLUYAS KỂ LẠI

Kỷ niệm về một cảnh tượng thời thơ ấu vẫn ấp ủ mãi bên tôi hơn 70 năm qua. Lúc đó tôi đang ngồi ở nhà bếp của mẹ, nhìn nhãn hiệu “Trà Ceylon”, có hình ảnh vài phụ nữ hái lá trà trên cánh đồng xanh tươi ở Ceylon (nay là Sri Lanka). Vì xứ Ceylon quá xa nơi chúng tôi sinh sống tại vùng đất khô cằn ở bang South Australia, nên hình ảnh này đã khơi dậy trí tưởng tượng của tôi. Ceylon hẳn là một xứ đẹp đẽ và đầy hứng thú! Lúc đó tôi đâu có ngờ rằng mình sẽ sống 45 năm làm công việc giáo sĩ trên hòn đảo xinh đẹp ấy.

VÀO tháng 4 năm 1922, tôi ra đời trong một thế giới thật khác hẳn với thế giới thời nay. Gia đình tôi làm việc trong cánh đồng ngũ cốc hiu quạnh gần thị trấn Kimba ở miền quê hẻo lánh, nằm giữa lục địa Úc mênh mông và ở rìa phía nam của đại sa mạc vùng hoang dã. Đời sống đầy chông gai trắc trở, luôn phải đối phó với hạn hán, tai vạ sâu bọ, và sức nóng như thiêu như đốt. Mẹ làm lụng vất vả để chăm sóc cha và sáu anh chị em chúng tôi trong căn chòi che bằng những tấm thiếc.

Tuy nhiên, vùng hoang dã này đối với tôi là nơi tự do và đầy hứng thú. Lúc còn nhỏ tôi nhớ đã trố mắt nhìn những đàn bò thiến mạnh mẽ ăn trụi những bụi rậm hoặc tiếng rít của những cơn bão bụi dày đặc che phủ miền thôn dã. Vậy sự hiểu biết của tôi về đời sống nói chung thật sự đã bắt đầu từ lâu trước khi tôi đi học ở ngôi trường nhỏ chỉ có một ông thầy, cách nhà năm cây số.

Cha mẹ tôi là người sùng đạo dù không bao giờ đi nhà thờ—lý do chính là vì khoảng cách từ nông trại của chúng tôi đến thị trấn quá xa. Dầu vậy, vào đầu thập niên 1930, mẹ bắt đầu lắng nghe những bài giảng dựa trên Kinh Thánh của Thẩm Phán Rutherford, được loan truyền mỗi tuần qua đài phát thanh ở Adelaide. Vì nghĩ rằng Thẩm Phán Rutherford là người truyền giáo ở Adelaide nên tôi không chú ý nhiều. Nhưng mỗi tuần mẹ thiết tha trông chờ chương trình phát thanh của ông Rutherford và chăm chú lắng nghe tiếng nói rè rè phát ra từ máy radio cổ chạy bằng pin.

Một chiều nọ thật oi bức, bụi bậm, một xe tải nhỏ ngừng trước nhà chúng tôi, rồi hai người đàn ông ăn mặc tươm tất bước ra. Họ là Nhân Chứng Giê-hô-va. Mẹ lắng nghe thông điệp của họ và đóng góp tiền khi nhận một số sách, rồi mẹ đọc ngay sau đó. Các sách này đã gây ấn tượng hết sức sâu sắc đối với mẹ, nên không lâu sau mẹ nhờ cha chở đến nhà những người láng giềng để nói cho họ biết về những gì mẹ học được.

Lợi ích của những ảnh hưởng tích cực

Ít lâu sau đó, môi trường khắc nghiệt của vùng hoang dã này buộc chúng tôi phải dọn đến thành phố Adelaide, cách đó 500 kilômét. Gia đình chúng tôi bắt đầu kết hợp với Hội Thánh Adelaide của Nhân Chứng Giê-hô-va và nhờ đó đã tiến bộ về thiêng liêng. Vì dời chỗ ở nên tôi đã nghỉ học lúc chỉ mới 13 tuổi, khi vừa học xong lớp bảy. Tính tôi dễ dãi và điều này dễ khiến cho tôi sao lãng những điều thiêng liêng nếu không có sự giúp đỡ của nhiều anh tốt bụng—những người tiên phong, tức người truyền giáo trọn thời gian. Các anh này đã ân cần quan tâm đến tôi.

Với thời gian, ảnh hưởng của các anh sốt sắng này đã khơi dậy tính thiêng liêng tiềm ẩn trong lòng tôi. Tôi thích kết giao với họ và khâm phục tinh thần làm việc tích cực của họ. Vì vậy, khi có thông báo khuyến khích tham gia thánh chức trọn thời gian tại đại hội ở Adelaide tổ chức năm 1940, dù không dự trù trước, tôi đã nộp đơn. Lúc đó tôi còn chưa báp têm và có ít kinh nghiệm rao giảng. Dầu vậy, vài ngày sau tôi được mời gia nhập một nhóm nhỏ tiên phong ở Warrnambool, một thành phố nhỏ cách Adelaide hàng trăm cây số, ở bang Victoria kế bên.

Bất kể sự do dự lúc đầu này, không lâu sau tôi phát triển lòng yêu mến thánh chức rao giảng, và tôi vui sướng khi có thể nói rằng lòng yêu mến đó đã không suy giảm qua bao năm tháng. Thật ra đó là bước ngoặt đối với tôi, và tôi thật sự bắt đầu tiến bộ về mặt thiêng liêng. Tôi rút tỉa được giá trị của việc gần gũi với những người yêu chuộng những điều thiêng liêng. Tôi cũng nhận ra rằng ảnh hưởng tốt của họ có thể giúp chúng ta bộc lộ những đức tính tốt đẹp nhất bất kể trình độ học vấn của mình và những bài học rút tỉa được có thể ích lợi cho chúng ta suốt đời.

Được củng cố qua thử thách

Tôi làm tiên phong chỉ được một thời gian ngắn thì công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Úc bị cấm đoán. Vì không biết phải làm gì, tôi tìm sự hướng dẫn của các anh có trách nhiệm; các anh chỉ rõ rằng không có lệnh cấm nói chuyện với người ta về Kinh Thánh. Vậy cùng với những người tiên phong khác, tôi bắt đầu đi từ nhà này sang nhà kia với một thông điệp đơn giản trong Kinh Thánh. Điều này đã củng cố tinh thần của tôi để đương đầu với những thử thách sắp xảy ra.

Bốn tháng sau thì tôi được 18 tuổi và bị gọi để trình diện nhập ngũ. Tôi có cơ hội để bênh vực đức tin mình trước nhiều sĩ quan và quan tòa. Lúc đó, khoảng 20 anh đang ngồi tù ở Adelaide vì lập trường trung lập, và không lâu sau tôi cũng bị giam chung với họ. Chúng tôi phải làm việc nặng nhọc, khai thác đá và sửa chữa đường sá. Điều này đã giúp tôi phát triển những đức tính như bền bỉ chịu đựng và lòng cương quyết. Vì hạnh kiểm tốt và lập trường vững chắc, cuối cùng chúng tôi được nhiều lính gác tù tôn trọng.

Sau ít tháng tôi được thả ra; tôi lại được ăn ngon và tiếp tục làm tiên phong. Vì bạn làm tiên phong rất hiếm, nên các anh hỏi ý kiến tôi về việc rao giảng một mình ở vùng nông trại hẻo lánh thuộc bang South Australia. Tôi đồng ý và đáp tàu đến Bán Đảo Yorke, chỉ mang theo những sách báo rao giảng và chiếc xe đạp. Khi tới nơi, một gia đình chú ý Kinh Thánh chỉ cho tôi đến một nhà trọ nhỏ, nơi một người đàn bà đã đối xử ân cần với tôi như con của bà. Ban ngày tôi đạp xe trên những con đường đầy bụi bậm để rao giảng ở những làng nhỏ rải rác khắp bán đảo. Để có thể rao giảng ở những vùng xa xôi, thỉnh thoảng tôi nghỉ qua đêm tại những nhà trọ hay khách sạn nhỏ. Làm thế, tôi đạp xe hàng trăm cây số và có được nhiều kinh nghiệm hay. Tôi không bao giờ ngại đi rao giảng một mình, và khi cảm nghiệm sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va, tôi càng đến gần Ngài hơn.

Đối phó với cảm nghĩ thiếu khả năng

Năm 1946, tôi nhận được lá thư mời làm công việc lưu động với tư cách là tôi tớ phục vụ anh em (nay gọi là giám thị vòng quanh). Việc này gồm công tác thăm viếng các hội thánh được chỉ định trong một vòng quanh. Phải nói là công việc này thật khó khăn đối với tôi. Một ngày nọ tôi tình cờ nghe một anh nói: “Anh Harold không nói hay trên bục, nhưng anh rao giảng rất giỏi”. Nhận xét này đã khuyến khích tôi rất nhiều. Tôi biết rõ những giới hạn của mình về khả năng ăn nói và tổ chức, nhưng tôi tin rằng công việc rao giảng là hoạt động chính của tín đồ Đấng Christ.

Năm 1947 anh em rất hào hứng về cuộc viếng thăm của anh Nathan Knorr và anh Milton Henschel từ trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn. Đây là cuộc viếng thăm đầu tiên kể từ khi anh Rutherford đến thăm vào năm 1938. Một đại hội lớn được tổ chức ở Sydney nhân cuộc viếng thăm của hai anh này. Giống như nhiều người tiên phong trẻ khác, tôi chú ý đến khóa huấn luyện giáo sĩ của Trường Kinh Thánh Tháp Canh Ga-la-át mới được mở gần đây ở South Lansing, New York, Hoa Kỳ. Một số người trong chúng tôi có mặt lúc ấy thắc mắc: Trường này có đòi hỏi học vấn cao là điều kiện để ghi tên? Tuy nhiên, anh Knorr giải thích rằng nếu chúng tôi có thể đọc một bài trong tạp chí Tháp Canh và nhớ những điểm chính thì chúng tôi chắc sẽ thành công ở Trường Ga-la-át.

Vì có trình độ học vấn giới hạn, tôi cảm thấy mình không hội đủ điều kiện. Thật ngạc nhiên khi vài tháng sau tôi được mời nộp đơn dự khóa huấn luyện ở Trường Ga-la-át. Sau đó, tôi được nhận vào khóa thứ 16, tổ chức vào năm 1950. Đây là một kinh nghiệm tuyệt vời đã giúp tôi có lòng tự tin rất nhiều. Điều này chứng tỏ cho tôi thấy rằng học thức cao không phải là yếu tố chính để thành công. Trái lại, sự chuyên cần và phục tùng là những đòi hỏi chính. Các giảng viên khuyến khích chúng tôi cố gắng hết sức. Tôi nghe theo lời khuyên đó và dần dần tiến bộ nên có thể theo kịp khóa học.

Từ lục địa khô cằn đến hòn ngọc giữa biển

Sau khi tốt nghiệp, tôi và hai anh người Úc được chỉ định đến Ceylon (nay là Sri Lanka). Chúng tôi đến thủ đô Colombo vào tháng 9 năm 1951. Khí hậu vừa nóng vừa ẩm; sự hòa lẫn giữa cảnh tượng, âm thanh và mùi thơm mới lạ đập vào các giác quan của chúng tôi. Khi chúng tôi bước xuống khỏi tàu, một trong những giáo sĩ đang phục vụ ở xứ đó ra chào đón và trao cho tôi tờ giấy mời thông báo bài diễn văn công cộng sẽ được trình bày vào Chủ Nhật tuần sau tại quãng trường thành phố. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy tên của diễn giả trên giấy mời ấy chính là tôi! Các bạn có thể tưởng tượng nỗi lo lắng của tôi. Nhưng những năm làm tiên phong ở Úc đã dạy tôi một điều, đó là luôn sẵn sàng đảm nhận bất cứ công việc nào được giao phó. Nhờ Đức Giê-hô-va giúp đỡ, tôi đã thành công trong việc trình bày bài diễn văn công cộng. Cùng với bốn anh độc thân sống tại nhà giáo sĩ ở Colombo lúc đó, ba người chúng tôi bắt đầu học tiếng Sinhala, một ngôn ngữ rất khó học, và tham gia thánh chức rao giảng. Phần nhiều chúng tôi rao giảng một mình và vui mừng khi thấy người dân địa phương vừa lịch sự vừa hiếu khách. Không lâu sau số người đến dự buổi họp bắt đầu gia tăng.

Thời gian trôi qua, tôi bắt đầu suy nghĩ chín chắn đến một nữ tiên phong xinh đẹp tên là Sybil mà tôi gặp khi đáp tàu đến dự Trường Ga-la-át. Lúc ấy cô trên đường đi dự đại hội quốc tế ở New York. Sau này Sybil dự khóa thứ 21 của Trường Ga-la-át và được chỉ định đến Hồng Kông vào năm 1953. Tôi quyết định viết thư cho cô ấy, rồi chúng tôi thư từ qua lại cho đến năm 1955 thì Sybil đến Ceylon, và chúng tôi kết hôn.

Nhiệm sở giáo sĩ đầu tiên của vợ chồng chúng tôi là thành phố Jaffna ở vùng cực bắc Sri Lanka. Giữa thập niên 1950, những sự bất đồng về chính trị bắt đầu phân chia những cộng đồng Sinhala và Tamil, đưa đến sự xung đột vũ trang trong những thập niên sau này. Thật ấm lòng biết bao khi thấy các Nhân Chứng Sinhala và Tamil đùm bọc nhau nhiều tháng trong những năm đầy khó khăn ấy! Những thử thách đó tinh luyện và củng cố đức tin của các anh em.

Rao giảng và dạy dỗ ở Sri Lanka

Thích nghi với những cộng đồng Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo cần tính nhẫn nại và kiên trì. Dầu vậy, chúng tôi dần dần hiểu cả hai nền văn hóa và quý những đức tính đáng mến của họ. Vì hiếm khi thấy những người ngoại quốc đi xe buýt địa phương, nên người ta thường nhìn chúng tôi cách hiếu kỳ. Sybil định sẽ đáp lại với vẻ mặt tươi cười. Thật vui khi thấy những gương mặt hiếu kỳ ấy nở nụ cười tươi đẹp!

Vào một dịp nọ, chúng tôi bị chặn tại một trạm kiểm soát. Sau khi hỏi chúng tôi từ đâu đến và đang đi đâu, người lính gác bắt đầu nêu ra những câu hỏi riêng tư hơn.

“Cô này là ai?”

“Đây là vợ tôi”, tôi đáp.

“Ông bà lấy nhau được bao lâu?”

“Đã được tám năm rồi”.

“Ông bà có con cái không?”

“Thưa, không”.

“Ối chà! Ông bà có đi gặp bác sĩ chưa?”

Sự hiếu kỳ tự nhiên này lúc đầu làm chúng tôi ngạc nhiên, nhưng với thời gian chúng tôi xem đó là sự biểu hiện lòng quan tâm chân thật mà dân địa phương tỏ ra đối với người khác. Thật ra đó là một trong những tính đáng mến nhất của họ. Một người chỉ cần đứng ở nơi công cộng trong chốc lát thì sẽ có người đến và ân cần hỏi là có cần giúp đỡ gì không.

Những đổi thay và hồi tưởng

Qua bao năm tháng, chúng tôi đã làm nhiều công việc ngoài nhiệm sở giáo sĩ ở Sri Lanka. Tôi được bổ nhiệm làm công việc vòng quanh và địa hạt đồng thời phục vụ với tư cách là thành viên của Ủy Ban Chi Nhánh. Đến năm 1996, tôi đã ngoài 70 tuổi và vui mừng khi nhìn lại hơn 45 năm làm công việc giáo sĩ ở Sri Lanka. Buổi họp đầu tiên tôi dự ở Colombo chỉ có khoảng 20 người hiện diện. Giờ đây con số đó đã lên đến hơn 3.500 người! Tôi và Sybil xem nhiều người đáng mến ấy là con cháu thiêng liêng. Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải thực hiện trong khắp xứ này—công việc đòi hỏi sức lực và khả năng của những người trẻ hơn chúng tôi. Nghĩ đến điều này, chúng tôi nhận lời mời của Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương để trở về Úc. Làm thế thì những cặp vợ chồng trẻ đủ khả năng có thể vô Sri Lanka với tư cách là giáo sĩ để thế chỗ chúng tôi.

Bây giờ tôi đã 82 tuổi rồi; vợ chồng chúng tôi vui mừng vì vẫn còn khỏe mạnh để tiếp tục thánh chức tiên phong đặc biệt ở Adelaide quê hương của tôi. Thánh chức rao giảng giúp cho tinh thần chúng tôi tỉnh táo, biết uyển chuyển và cũng giúp cho chúng tôi thích nghi với đời sống rất là khác biệt ở nước Úc này.

Đức Giê-hô-va vẫn tiếp tục chăm sóc mọi nhu cầu vật chất của chúng tôi, còn các anh chị em trong hội thánh địa phương yêu thương và hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Gần đây tôi nhận được nhiệm vụ mới, đó là làm thư ký hội thánh. Vì thế, tôi thấy là khi nỗ lực phụng sự Đức Giê-hô-va cách trung thành, Ngài không ngừng huấn luyện tôi. Nhìn lại bao năm tháng, tôi luôn hết sức ngạc nhiên là một cậu bé mộc mạc, dễ dãi sống ở vùng hoang dã lại có thể nhận được sự giáo huấn tuyệt vời như thế—một sự giáo dục kéo dài cả đời.

[Hình nơi trang 26]

Vào ngày cưới của chúng tôi, năm 1955

[Hình nơi trang 27]

Đi rao giảng với một anh địa phương, Rajan Kadirgamar, năm 1957

[Hình nơi trang 28]

Với Sybil ngày nay