Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một thiếu nữ chia sẻ niềm tin của mình với bạn học

Một thiếu nữ chia sẻ niềm tin của mình với bạn học

Một thiếu nữ chia sẻ niềm tin của mình với bạn học

CÁC em có muốn giúp bạn học hiểu rõ hơn về niềm tin dựa trên Kinh Thánh của mình không? Magdalena, một Nhân Chứng Giê-hô-va 18 tuổi, học sinh trung học ở Ba Lan, hay nói với các bạn học về niềm tin của mình. Vì thế các bạn thường xuyên hỏi những câu như: ‘Làm Nhân Chứng Giê-hô-va có nghĩa là gì?’ và ‘Bạn không tin Chúa Giê-su sao?’ Làm thế nào Magdalena đã có thể giúp các bạn? Em cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn và rồi hành động phù hợp với lời cầu nguyện của mình.—Gia-cơ 1:5.

Một ngày kia, Magdalena xin cô giáo, là người tôn trọng niềm tin của em, cho phép em trình chiếu video Nhân Chứng Giê-hô-va—Tổ chức nằm sau danh hiệu * cho cả lớp xem. Cô giáo chấp thuận. Magdalena nói với các bạn: “Tôi sẽ sắp xếp mời một người bạn đến trình bày trong vòng 90 phút. Chương trình bao gồm màn chiếu băng video và cuộc thảo luận về Nhân Chứng Giê-hô-va. Các bạn có muốn đến dự không?” Mọi người đều trả lời là muốn. Magdalena và Wojciech, một anh truyền giáo trọn thời gian nhiều kinh nghiệm, bắt đầu chuẩn bị cho chương trình hôm đó.

Họ dự định mở đầu chương trình với cuộc nói chuyện dài 20 phút dựa trên sách mỏng Nhân Chứng Giê-hô-va—Họ là ai? Họ tin gì?* và tiếp theo là phần trả lời các thắc mắc. Sau đó video sẽ được chiếu tại thư viện nhà trường. Mỗi học sinh được tặng một món quà—một bao thư lớn đựng một ít sách mỏng, sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực,* vài tờ giấy nhỏ và tạp chí.

Hôm đó, số người tham gồm có cô giáo, 14 bạn học, và 4 học sinh khác tình cờ có mặt trong thư viện. Trước tiên Wojciech giải thích rằng một số thi sĩ và văn sĩ Ba Lan đã dùng danh Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, trong các tác phẩm của họ. Anh cũng dẫn chứng vài sách giáo lý Công Giáo xưa có danh Đức Chúa Trời. Khi giải thích về hoạt động thời nay của Nhân Chứng Giê-hô-va, anh cho mọi người xem tài liệu nói về các văn phòng chi nhánh khác nhau và hình một số Phòng Hội Nghị.

Sau đó, một cuộc thảo luận hào hứng diễn ra. Magdalena và Wojciech dùng Kinh Thánh để trả lời mọi thắc mắc. Điều này gây được ấn tượng tốt với cử tọa và thuyết phục họ tin rằng Nhân Chứng Giê-hô-va không rao giảng theo ý riêng. Sau đây là một số câu hỏi đã được nêu lên, cùng với những câu trả lời.

Câu hỏi: Kinh Thánh có nhiều câu mơ hồ và dùng phép ẩn dụ nên có thể được diễn giải bằng nhiều cách khác nhau. Làm sao chúng ta có thể sống phù hợp với những dạy dỗ của Kinh Thánh được?

Trả lời: Một số người cho rằng Kinh Thánh giống như cây đàn vi-ô-lông, bạn có thể chơi bất cứ điệu nào bạn thích. Nhưng hãy nghĩ: Nếu bạn muốn hiểu lời tác giả, điều tốt nhất chẳng phải là hỏi người ấy sao? Không giống như những tác giả loài người không sống mãi, tác giả Kinh Thánh là Giê-hô-va Đức Chúa Trời, một Đấng hằng sống. (Rô-ma 1:20; 1 Cô-rinh-tô 8:5, 6) Văn cảnh của câu Kinh Thánh có thể giúp giải thích cho đúng. Ngoài ra, nhiều nơi khác nhau trong Kinh Thánh thường đề cập đến cùng một đề tài, do đó chúng ta có thể hiểu được nhờ so sánh các câu Kinh Thánh này với nhau. Như thế chúng ta để cho Đức Chúa Trời hướng dẫn tư tưởng, như thể là chính Ngài đang giảng giải câu Kinh Thánh cho chúng ta. Khi làm thế, chúng ta có thể hiểu và sống phù hợp theo ý Ngài như đã được ghi trong Kinh Thánh.

Câu hỏi: Có sự khác biệt nào giữa Nhân Chứng Giê-hô-va và tín đồ Đấng Christ?

Trả lời: Chúng tôi tín đồ Đấng Christ! Nhưng thay vì chỉ xưng mình là tín đồ Đấng Christ, Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng sống phù hợp với niềm tin của họ và những gì Đức Chúa Trời dạy vì lợi ích của họ. (Ê-sai 48:17, 18) Vì mọi sự dạy dỗ của Nhân Chứng đều dựa trên Kinh Thánh nên họ biết họ có lẽ thật.—Ma-thi-ơ 7:13, 14, 21-23.

Câu hỏi: Tại sao các bạn cố đến nói với những người hoàn toàn xa lạ? Điều đó chẳng phải là ép người khác chấp nhận niềm tin của mình hay sao?

Trả lời: Khi một người đi đường lịch sự đến nói chuyện với bạn và hỏi ý kiến bạn về điều gì đó, như vậy có gì là sai trái không? (Giê-rê-mi 5:1, Sô-phô-ni 2:2, 3) (Tiếp đó Wojciech và Magdalena trình diễn cách họ hỏi ý kiến những người đi đường xem Đức Chúa Trời có quan tâm đến những người đau khổ vì trận lụt gần đây ở Ba Lan không.) Sau khi nghe họ trả lời rồi, chúng tôi mới hướng sự chú ý của họ đến Kinh Thánh. Nếu người ta không muốn nói chuyện, chúng tôi chỉ chào rồi đi. (Ma-thi-ơ 10:11-14) Như vậy có phải là ép người ta nói chuyện không? Chẳng lẽ người ta đừng nên nói chuyện với nhau hay sao?

Câu hỏi: Tại sao bạn không giữ các ngày lễ?

Trả lời: Chúng tôi chỉ giữ một lễ duy nhất theo Kinh Thánh, đó là Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su Christ. (1 Cô-rinh-tô 11:23-26) Còn về các ngày lễ nói chung, bạn có thể tìm hiểu nguồn gốc bằng cách tham khảo các bách khoa tự điển và những tài liệu đáng tin cậy khác. Nếu tra cứu, bạn sẽ hiểu rõ tại sao chúng tôi không giữ các lễ đó.—2 Cô-rinh-tô 6:14-18.

Nhiều câu hỏi khác cũng đã được giải đáp. Cuộc thảo luận kéo dài đến nỗi màn trình chiếu video phải hoãn lại.

Phản ứng của các học sinh là gì? Hãy nghe Magdalena kể: “Tôi thật ngạc nhiên khi thấy một số bạn thường ngày hay chọc phá và chế giễu người khác nay lại hỏi những câu nghiêm túc. Dù họ cho mình là vô thần, nhưng trong cuộc thảo luận họ bày tỏ đức tin nơi Đức Chúa Trời!” Cử tọa đã vui vẻ nhận quà—tổng cộng 35 sách, 63 sách mỏng, và 34 tạp chí đã được phân phát.

Một cuộc trình bày ở trường quả đã tạo được những kết quả thật tốt đẹp, vì không những giúp các bạn học của Magdalena hiểu biết hơn về Nhân Chứng Giê-hô-va mà còn khuyến khích nhiều người trẻ suy nghĩ về ý nghĩa đời sống. Sao em không cố gắng giúp các bạn học biết thêm về niềm tin của mình?

[Chú thích]

^ đ. 3 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Hình nơi trang 31]

Magdalena và Wojciech chuẩn bị cho cuộc thảo luận