Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được lợi ích nhờ theo đuổi giá trị thiêng liêng

Được lợi ích nhờ theo đuổi giá trị thiêng liêng

Được lợi ích nhờ theo đuổi giá trị thiêng liêng

“Kẻ tham tiền-bạc chẳng hề chán-lắc tiền-bạc; kẻ ham của-cải chẳng hề chán về huê-lợi”.—Truyền-đạo 5:10.

LÀM VIỆC quá sức có thể bị căng thẳng, mà căng thẳng thì gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, đôi khi dẫn đến tử vong. Tại nhiều xứ, nhiều gia đình lâm vào cảnh tan đàn xẻ nghé bởi nạn ly dị. Đằng sau những bi kịch đó thường là do việc quá chú trọng đến của cải vật chất. Thay vì vui hưởng những gì mình có, một người có thể bị cuốn vào việc tìm kiếm của cải vật chất, khiến người ấy luôn muốn có thêm bất chấp phải trả giá bằng hạnh phúc của mình. Một sách cẩm nang cho biết: “Cố cho ‘bằng chị bằng em’ là xu hướng phổ biến hiện nay, dù rằng người ‘chị em’ đó, vì tham công tiếc việc, có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim ở tuổi trung niên”.

Lòng ham muốn có thêm của một người có thể trở nên vô độ, tước đi niềm vui mà lẽ ra người ấy được hưởng. Về mặt này, bản chất yếu đuối của con người thường bị khai thác bởi một nguồn lực mạnh mẽ—quảng cáo! Chương trình truyền hình đầy dẫy quảng cáo thôi thúc bạn mua những thứ mà có lẽ bạn không cần đến, thậm chí không mua nổi. Tất cả các yếu tố này có thể dẫn đến mối nguy hại lớn.

Sự tham muốn vô độ về vật chất có thể ảnh hưởng cách tinh vi và nguy hiểm trên chúng ta về cả phương diện thể chất lẫn đạo đức. Như Vua Sa-lô-môn khôn ngoan nhận xét: “Lòng bình-tịnh là sự sống của thân-thể”. (Châm-ngôn 14:30) Trái lại, việc nỗ lực quá sức, sự lo lắng và áp lực do tích lũy của cải vật chất có thể hủy hoại sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Các mối quan hệ cũng bị ảnh hưởng khi mục tiêu tìm kiếm vật chất chế ngự đời sống chúng ta. Một khi đời sống gia đình và xã hội của một người xuống dốc thì phẩm chất đời sống của người đó cũng đi xuống.

Tính ưu việt của giá trị thiêng liêng

Nhiều thế kỷ trước đây, sứ đồ Phao-lô khuyên: “Đừng làm theo đời nầy”. (Rô-ma 12:2) Thế gian yêu mến những ai làm theo tiêu chuẩn của nó. (Giăng 15:19) Khuynh hướng của thế gian là thu hút các giác quan của bạn—nghe, ngửi, nhìn, sờ, nếm—khiến bạn buông theo lối sống duy vật. Đặc biệt, sự “mê-tham của mắt” được khai thác nhằm lôi cuốn bạn và mọi người chạy theo của cải vật chất.—1 Giăng 2:15-17.

Tuy nhiên, có những giá trị vượt trội hơn danh vọng, tiền tài và sự giàu có. Cách đây nhiều thế kỷ, Vua Sa-lô-môn từng tích lũy mọi của cải ông muốn trên thế gian. Ông có nhiều nhà, vườn tược, vườn cây trái, tôi trai tớ gái, bầy bò và chiên, con hát trai và gái, cùng với nhiều vàng bạc. Sa-lô-môn làm cho tài sản của mình tăng nhiều gấp bội so với những người sống trước đó. Có thể nói là ông giàu không thể tưởng. Sa-lô-môn có hầu hết mọi thứ ông muốn. Vậy mà khi nhìn xem thành quả của mình, ông nói: “Mọi điều đó là sự hư-không và theo luồng gió thổi”.—Truyền-đạo 2:1-11.

Được ban cho sự khôn ngoan vượt trội, Sa-lô-môn biết rằng theo đuổi những giá trị thiêng liêng mang lại nhiều sự thỏa lòng hơn. Vì vậy, ông viết: “Chúng ta hãy nghe lời kết của lý-thuyết này: Khá kính-sợ Đức Chúa Trời và giữ các điều-răn Ngài; ấy là trọn phận-sự của ngươi”.—Truyền-đạo 12:13.

Kho tàng được tìm thấy trong Lời Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, có giá trị hơn bạc vàng. (Châm-ngôn 16:16) Những lẽ thật sâu sắc, được ví như bửu vật, nằm trong Kinh Thánh để bạn tìm kiếm. Bạn có sẵn sàng đào sâu để tìm chúng không? (Châm-ngôn 2:1-6) Đấng Tạo Hóa—Nguồn của các giá trị thật sự có ích—khuyến khích bạn làm thế, và Ngài sẽ giúp bạn. Bằng cách nào?

Đức Giê-hô-va ban những viên đá quý lẽ thật qua Lời Ngài, thánh linh, và tổ chức Ngài. (Thi-thiên 1:1-3; Ê-sai 48:17, 18; Ma-thi-ơ 24:45-47; 1 Cô-rinh-tô 2:10) Xem xét kỹ những viên đá quý hiếm và vô giá này sẽ giúp bạn sáng suốt chọn lựa lối sống tốt và có ích nhất. Điều này không phải là khó vì Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa, biết chúng ta cần gì để thật sự hạnh phúc.

Kinh Thánh ủng hộ giá trị cao cả

Những lời khuyên khôn ngoan trong Kinh Thánh đều thực tế và không gì sánh bằng. Các tiêu chuẩn đạo đức mà Kinh Thánh ủng hộ vượt xa hẳn tiêu chuẩn của loài người. Những lời khuyên trong sách này luôn có ích qua mọi thời đại. Một số lời khuyên khôn ngoan trong Kinh Thánh là phải siêng năng làm việc, ăn ở lương thiện, khéo chi tiêu, và không lười biếng.—Châm-ngôn 6:6-8; 20:23; 31:16.

Phù hợp với điều này, Chúa Giê-su nói: “Các ngươi chớ chứa của-cải ở dưới đất, là nơi có sâu-mối, ten-rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của-cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu-mối, ten-rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy”.—Ma-thi-ơ 6:19, 20.

Lời khuyên hợp thời cách đây 2.000 năm vẫn còn giá trị cho đến ngày nay. Thay vì bị cuốn vào sự ham muốn có thêm về vật chất, chúng ta có thể được lợi ích ngay bây giờ khi theo đuổi một lối sống cao quý hơn. Bí quyết là tích trữ của cải thiêng liêng dẫn đến đời sống thật sự hạnh phúc và mãn nguyện. Bằng cách nào? Bằng cách đọc và áp dụng những gì được dạy trong Lời Đức Chúa Trời.

Theo đuổi các giá trị thiêng liêng mang lại phần thưởng

Khi sống đúng theo các giá trị thiêng liêng, chúng ta được lợi ích về mặt thể chất, tình cảm và tinh thần. Như tầng ozone bao bọc trái đất và che chở chúng ta khỏi tia nắng độc hại của mặt trời, các nguyên tắc đạo đức lành mạnh bảo vệ chúng ta bằng cách phơi bày những ảnh hưởng nguy hại của chủ nghĩa vật chất. Sứ đồ Phao-lô viết: “Kẻ muốn nên giàu-có, ắt sa vào sự cám-dỗ, mắc bẫy-dò, ngã trong nhiều sự tham-muốn vô-lý thiệt-hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy-diệt hư-mất. Bởi chưng sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau-đớn”.—1 Ti-mô-thê 6:9, 10.

Lòng ham muốn giàu có cám dỗ người ta tìm kiếm thêm của cải, địa vị và quyền lực. Thường những phương cách gian xảo và bất lương là những bước để đạt được mục đích. Việc theo đuổi vật chất có thể cướp mất của một người thời gian, sức lực, khả năng và ngay cả giấc ngủ ngon. (Truyền-đạo 5:12) Ham muốn có thêm sẽ cản trở sự tiến bộ về thiêng liêng. Chúa Giê-su Christ, người vĩ đại nhất đã từng sống trên đất, cho thấy rõ một lối sống tốt hơn: “Phước cho những kẻ có lòng khó-khăn [“người ý thức về nhu cầu thiêng liêng”, NW]”. (Ma-thi-ơ 5:3) Ngài biết sự giàu có về thiêng liêng mang lại phần thưởng lâu dài và có giá trị vượt xa của cải tạm thời.—Lu-ca 12:13-31.

Giàu có về thiêng liêng thật sự có ích không?

Anh Greg kể: “Cha mẹ tôi cố gắng thuyết phục tôi rằng sống theo các giá trị thiêng liêng là điều không thực tế. Nhưng nhờ theo đuổi mục tiêu thiêng liêng, tôi vô cùng bình an vì không bị căng thẳng do đua tranh tìm kiếm của cải”.

Các giá trị thiêng liêng cũng xây đắp mối quan hệ cá nhân trở nên tốt hơn. Những người bạn chân thật được thu hút đến với nhau vì bản tính chứ không phải vì của cải. Kinh Thánh khuyên: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 13:20) Ngoài ra, một gia đình thành công được xây đắp trên sự khôn ngoan và tình yêu thương chứ không phải vật chất.—Ê-phê-sô 5:22–6:4.

Bẩm sinh, chúng ta không tự nhiên biết về các giá trị. Chúng ta phải học từ người khác hoặc từ nguồn cao hơn. Đó là lý do tại sao sự giáo dục dựa trên Kinh Thánh có thể hoàn toàn thay đổi quan điểm của chúng ta về vật chất. Anh Don, một người từng quản lý ngân hàng, nói: “Tôi được giúp để xác định lại những giá trị mà tôi cho là quan trọng và tập hài lòng với những điều đáp ứng nhu cầu cơ bản”.

Theo đuổi sự giàu có lâu dài về thiêng liêng

Các giá trị thiêng liêng nhấn mạnh đến những phần thưởng về lâu về dài chứ không phải sự mãn nguyện tạm thời. Phao-lô viết: “Sự thấy được [vật chất] chỉ là tạm-thời, mà sự không thấy được [thiêng liêng] là đời đời không cùng vậy”. (2 Cô-rinh-tô 4:18) Đành rằng theo đuổi của cải vật chất có thể thỏa mãn những ước muốn nhất thời, nhưng lòng tham không mang đến hạnh phúc lâu dài. Tuy nhiên, các giá trị thiêng liêng thì tồn tại mãi.—Châm-ngôn 11:4; 1 Cô-rinh-tô 6:9, 10.

Kinh Thánh lên án thái độ rất phổ biến ngày nay là quá chú trọng đến của cải vật chất và dạy chúng ta kiềm chế ham muốn ích kỷ bằng cách giữ con mắt đơn giản. Lời của Đức Chúa Trời tập trung vào những điều quan trọng và tốt lành hơn, tức sự giàu có về thiêng liêng. (Phi-líp 1:10) Kinh Thánh cho thấy rõ tính tham lam thật ra là tôn thờ chính mình. Khi áp dụng những gì học được nơi Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có nhiều hạnh phúc hơn. Quan điểm của chúng ta thay đổi từ thái độ muốn được nhận sang thái độ biết san sẻ. Quả là một động cơ mạnh mẽ khiến chúng ta thay thế sự tham muốn vật chất bằng các giá trị thiêng liêng!

Thật ra, ở một mức độ nào đó, tiền bạc có thể che chở chúng ta. (Truyền-đạo 7:12) Nhưng Kinh Thánh nói một cách thực tế: “Sự giàu-có... chẳng còn nữa rồi; vì nó quả hẳn có mọc cánh, và bay lên trên trời như chim ưng vậy”. (Châm-ngôn 23:5) Từ trước đến nay, người ta dâng quá nhiều thứ lên “bàn thờ” chủ nghĩa vật chất—sức khỏe, gia đình và ngay cả một lương tâm tốt—và phải chịu hậu quả tai hại. Ngược lại, theo đuổi những điều thuộc về thiêng liêng sẽ thỏa mãn nhu cầu tối cần của chúng ta—cần tình thương, cần đời sống có mục đích và cần được thờ phượng Giê-hô-va, Đức Chúa Trời đầy yêu thương. Lời Ngài cũng hướng chúng ta về một địa đàng, nơi người hoàn toàn sẽ được sống vĩnh cửu. Đó là niềm hy vọng dành cho chúng ta mà Đức Chúa Trời đã hứa.

Chẳng bao lâu nữa, ước muốn của nhân loại về cuộc sống thịnh vượng sẽ thành hiện thực trong thế giới mới của Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 145:16) Lúc đó, cả trái đất sẽ “đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va”. (Ê-sai 11:9) Các giá trị thiêng liêng sẽ được mọi người chấp nhận. Chủ nghĩa duy vật cùng các vết tích của nó sẽ hoàn toàn bị loại trừ. (2 Phi-e-rơ 3:13) Rồi những điều làm cho cuộc sống hết sức có ý nghĩa—sức khỏe hoàn toàn, công việc làm vừa ý, giải trí lành mạnh, mối quan hệ nồng ấm trong gia đình và tình bạn vững bền với Đức Chúa Trời—sẽ mãi mãi mang lại hạnh phúc thật cho nhân loại.

[Khung/​Hình nơi trang 6]

Khéo chi tiêu!

Xác định nhu cầu. Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện: “Xin cho chúng tôi ngày nào đủ bánh ngày ấy”. (Lu-ca 11:3, chúng tôi viết nghiêng). Đừng để cho điều mình muốn hôm nay trở thành nhu cầu của ngày mai. Hãy nhớ cuộc sống của bạn không tùy thuộc vào của cải bạn có.—Lu-ca 12:16-21.

Lập kế hoạch chi tiêu. Tránh tùy tiện mua sắm. Kinh Thánh nói: “Các ý-tưởng của người cần-mẫn dẫn đến sự dư-dật; còn những kẻ khờ-dại [“vội vàng hấp tấp”, Tòa Tổng Giám Mục] chỉ chạy đến điều thiếu-thốn”. (Châm-ngôn 21:5) Chúa Giê-su khuyên nên tính phí tổn trước khi có một quyết định quan trọng liên quan đến tài chính.—Lu-ca 14:28-30.

Tránh nợ nần không cần thiết. Nếu có thể, hãy hết sức cố gắng để dành tiền trước khi mua thay vì trả góp. Một câu châm ngôn nói như sau: “Kẻ nào mượn là tôi-tớ của kẻ cho mượn”. (Châm-ngôn 22:7) Qua việc tập kiềm chế những ước muốn và không xài quá mức đã định, bạn có thể đủ tiền mua ngay cả những món đồ có giá trị hơn.

Tránh xài phí. Khi bảo quản kỹ đồ đạc, bạn có thể sử dụng được lâu hơn và khỏi phải tốn tiền mua cái khác. Chúa Giê-su tỏ thái độ đúng đắn về việc không phung phí những gì ngài dùng.—Giăng 6:10-13.

Đặt ưu tiên những điều quan trọng. Một người khôn ngoan sẽ “lợi-dụng thì-giờ” để theo đuổi những mục tiêu quan trọng hơn.—Ê-phê-sô 5:15, 16.

[Khung/​Hình nơi trang 7]

Học từ kinh nghiệm—Nhưng có cách tốt hơn

Kinh nghiệm cá nhân—dù tốt hay xấu—đều cho chúng ta những bài học giá trị. Nhưng kinh nghiệm có thật là người thầy giỏi nhất như người ta thường nói không? Không, có một nguồn hướng dẫn tốt hơn. Người viết Thi-thiên cho biết nguồn này khi cầu nguyện: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường-lối tôi”.—Thi-thiên 119:105, chúng tôi viết nghiêng.

Tại sao học từ sự dạy dỗ của Đức Chúa Trời tốt hơn nhiều so với học từ kinh nghiệm cá nhân? Trước tiên, việc học từ kinh nghiệm có thể gây đau khổ và phải trả giá đắt. Kế đến, điều này không cần thiết. Đức Chúa Trời nói với dân Y-sơ-ra-ên xưa: “Than ôi! ước gì ngươi đã để ý đến các điều-răn ta! thì sự bình-an ngươi như sông, và sự công-bình ngươi như sóng biển”.—Ê-sai 48:18.

Lý do khiến Lời Đức Chúa Trời nổi bật hơn các sự dạy dỗ khác là vì Lời Ngài ghi lại chính xác nhất các kinh nghiệm xưa nhất của nhân loại. Có lẽ bạn nhận thấy rằng việc rút kinh nghiệm từ những thành công và thất bại của người khác mà không phải đau khổ thì tốt hơn việc đi theo vết xe đổ của họ. (1 Cô-rinh-tô 10:6-11) Điều quan trọng hơn là qua Kinh Thánh, Đức Chúa Trời ban cho chúng ta những điều luật và nguyên tắc hướng dẫn tốt nhất, đáng tin cậy không gì sánh bằng. “Luật-pháp của Đức Giê-hô-va là trọn-vẹn,... Sự chứng-cớ Đức Giê-hô-va là chắc-chắn, làm cho kẻ ngu-dại [“thiếu kinh nghiệm”, NW] trở nên khôn-ngoan”. (Thi-thiên 19:7, chúng tôi viết nghiêng). Chắc chắn, học từ sự khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa yêu thương là cách tốt nhất.

[Các hình nơi trang 4]

Thế gian muốn bạn buông theo lối sống duy vật

[Hình nơi trang 5]

Kho tàng được tìm thấy trong Kinh Thánh có giá trị hơn vàng bạc