Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Địa Đàng—Niềm hy vọng cho bạn?

Địa Đàng—Niềm hy vọng cho bạn?

Địa Đàng—Niềm hy vọng cho bạn?

“Tôi biết một người trong Đấng Christ... được đem lên đến chốn Ba-ra-đi”.—2 CÔ-RINH-TÔ 12:2-4.

1. Những lời hứa nào trong Kinh Thánh đã thu hút nhiều người?

BA-RA-ĐI! Địa Đàng! Bạn còn nhớ cảm xúc của mình khi lần đầu tiên nghe nói đến lời hứa của Đức Chúa Trời về Địa Đàng không? Có lẽ bạn nhớ lúc được học biết ‘kẻ mù sẽ mở mắt, kẻ điếc sẽ rỗng tai và những dòng nước trào lên trong đồng vắng’ tạo quang cảnh xanh tươi. Còn lúc được biết muông sói sẽ ở với chiên con, beo nằm với dê con thì sao? Bạn không nức lòng mừng rỡ sao khi biết rằng những người thân quá cố sẽ sống lại với triển vọng sống mãi trong Địa Đàng?—Ê-sai 11:6; 35:5, 6; Giăng 5:28, 29.

2, 3. (a) Tại sao có thể nói niềm hy vọng dựa vào Kinh Thánh không phải là vô căn cứ? (b) Một cơ sở khác cho niềm hy vọng ấy là gì?

2 Hy vọng của bạn không phải là vô căn cứ. Bạn có lý do để tin những lời hứa trong Kinh Thánh về Địa Đàng. Chẳng hạn, bạn tin lời Chúa Giê-su nói với tên trộm đang bị đóng đinh: “Ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi”. (Lu-ca 23:43) Bạn tin cậy lời hứa này: “Theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ-đợi trời mới đất mới, là nơi sự công-bình ăn-ở”. Và bạn cũng tin lời Đức Chúa Trời hứa sẽ lau ráo hết nước mắt chúng ta, sẽ không còn sự chết, than khóc, kêu ca hay là đau đớn nữa. Điều này có nghĩa là Địa Đàng sẽ được khôi phục!—2 Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 21:4.

3 Một cơ sở khác cho niềm tin về Địa Đàng này là tình trạng mà tín đồ Đấng Christ trên toàn cầu ngày nay đang vui hưởng. Tình trạng nào? Đó là địa đàng thiêng liêng mà Đức Chúa Trời đã lập và đưa dân Ngài vào. Có thể từ “địa đàng thiêng liêng” nghe có vẻ trừu tượng, khó hiểu nhưng địa đàng đó đã được báo trước và nay có thật.

Một sự hiện thấy về địa đàng

4. Đoạn 2 Cô-rinh-tô 12:2-4 nói đến sự hiện thấy nào, và có lẽ của ai?

4 Hãy lưu ý đến điều sứ đồ Phao-lô viết liên quan đến địa đàng này: “Tôi biết một người trong Đấng Christ... đã được đem lên đến từng trời thứ ba... Tôi biết người đó (hoặc trong thân-thể người, hoặc ngoài thân-thể người, tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết) được đem lên đến chốn Ba-ra-đi, ở đó, nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra”. (2 Cô-rinh-tô 12:2-4, chúng tôi viết nghiêng). Đoạn Kinh Thánh này nằm ngay sau phần Phao-lô bảo vệ tư cách sứ đồ của ông. Hơn nữa theo Kinh Thánh, ngoài Phao-lô không ai khác nói tới kinh nghiệm như thế. Do đó, rất có thể người có sự hiện thấy đó chính là Phao-lô. Trong sự hiện thấy này, “Ba-ra-đi”, hay địa đàng, mà ông được đem đến đó là gì?—2 Cô-rinh-tô 11:5, 23-31.

5. “Từng trời thứ ba” không phải là gì, và vì vậy “Ba-ra-đi” hay địa đàng mà Phao-lô nhìn thấy mang nghĩa gì?

5 Văn cảnh không cho thấy “từng trời thứ ba” chỉ bầu khí quyển, không gian hay một thế giới nào khác như giả định của các nhà vật lý thiên văn. Kinh Thánh thường dùng số ba để diễn đạt sự nhấn mạnh, cường độ, hoặc tính chất chắc chắn hơn. (Truyền-đạo 4:12; Ê-sai 6:3; Ma-thi-ơ 26:34, 75; Khải-huyền 4:8) Vì thế, cụm từ này có ý nói những gì ông Phao-lô nhìn thấy là điều rất cao quý, và được tôn lên. Điều đó mang nghĩa thiêng liêng.

6. Diễn biến lịch sử nào giúp chúng ta hiểu sự hiện thấy của Phao-lô?

6 Những lời tiên tri trước thời Phao-lô sẽ giúp chúng ta hiểu thêm. Khi dân của Đức Chúa Trời tỏ ra bất trung, Ngài quyết định phó mặc xứ Giu-đa của họ và đền thờ ở Giê-ru-sa-lem cho quân Ba-by-lôn. Điều đó đưa đến sự tàn phá xứ vào năm 607 TCN theo niên đại học Kinh Thánh. Lời tiên tri cho biết xứ sẽ bị bỏ hoang trong 70 năm, rồi Đức Chúa Trời sẽ cho phép những người Y-sơ-ra-ên biết ăn năn trở về khôi phục sự thờ phượng thật. Điều đó đã xảy ra từ năm 537 TCN. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:15, 62-68; 2 Các Vua 21:10-15; 24:12-16; 25:1-4; Giê-rê-mi 29:10-14) Còn xứ sở thì sao? Trong 70 năm hoang vu, đất đai trở thành nơi đầy gai góc, khô cằn nứt nẻ và là hang của chó rừng. (Giê-rê-mi 4:26; 10:22) Tuy nhiên có lời hứa này: “Đức Giê-hô-va đã yên-ủi Si-ôn; Ngài đã yên-ủi mọi nơi đổ-nát của nó. Ngài đã khiến đồng-vắng nên như vườn Ê-đen, nơi sa-mạc nên như vườn Đức Giê-hô-va [hoặc Địa Đàng, theo bản Septuagint]”.—Ê-sai 51:3.

7. Điều gì phải xảy ra sau thời hạn 70 năm hoang vu?

7 Lời hứa trên đã thành hiện thực sau thời hạn 70 năm. Với sự ban phước của Đức Chúa Trời, tình trạng của xứ đã được cải thiện. Hãy hình dung trong trí bạn: “Đồng vắng và đất khô-hạn sẽ vui-vẻ; nơi sa-mạc sẽ mừng-rỡ, và trổ hoa như bông hường. Nó trổ hoa nhiều và vui-mừng, cất tiếng hát hớn-hở... Kẻ què sẽ nhảy như con nai, lưỡi kẻ câm sẽ hát. Vì có những dòng nước trào lên trong đồng vắng, và những suối chảy ra trong nơi sa-mạc. Cát nóng sẽ biến ra hồ, ruộng khô sẽ biến thành suối nước. Hang chó đồng đã ở sẽ trở nên vùng sậy và lau”.—Ê-sai 35:1-7.

Một dân được khôi phục và thay đổi

8. Làm sao chúng ta biết Ê-sai chương 35 chủ yếu nói về người?

8 Quả là một thay đổi lớn! Từ tình trạng hoang vu trở nên địa đàng! Tuy nhiên, lời tiên tri này và một số lời tiên tri đáng tin cậy khác cho thấy không chỉ đất đai mà con người cũng có sự thay đổi, tựa như đất hoang vu trở nên trù phú. Tại sao chúng ta có thể nói như thế? Vì Ê-sai chủ yếu đang nói về “những kẻ Đức Giê-hô-va đã chuộc” rằng họ sẽ trở về xứ giữa tiếng “ca-hát” và được “vui-vẻ mừng-rỡ”. (Ê-sai 35:10) Như vậy, câu này nói về người chứ không phải đất. Hơn nữa, ở đoạn khác nói về dân sự sẽ trở về Si-ôn, Ê-sai báo trước: “Những kẻ ấy được xưng là cây của sự công-bình, là cây Đức Giê-hô-va đã trồng... Vả, như đất làm cho cây mọc lên,... thì Chúa Giê-hô-va cũng sẽ làm cho sự công-bình và sự khen-ngợi nứt ra trước mặt mọi dân-tộc”. Ông cũng nói về dân Đức Chúa Trời: “Đức Giê-hô-va sẽ cứ dắt-đưa ngươi;... làm cho cứng-mạnh các xương ngươi, ngươi sẽ như vườn năng tưới”. (Ê-sai 58:11; 61:3, 11; Giê-rê-mi 31:10-12) Vậy, như tình trạng của đất theo nghĩa đen được cải thiện, dân Y-sơ-ra-ên hồi hương cũng được thay đổi.

9. Ông Phao-lô đã thấy địa đàng nào, và khi nào điều đó được ứng nghiệm?

9 Sự kiện lịch sử này là kiểu mẫu giúp chúng ta hiểu sự hiện thấy của Phao-lô. Sự hiện thấy ấy hẳn liên quan đến hội thánh đạo Đấng Christ từng được ông gọi là “ruộng của Đức Chúa Trời cày” và ruộng đó phải trù phú. (1 Cô-rinh-tô 3:9) Khi nào sự hiện thấy sẽ ứng nghiệm? Ông Phao-lô nói điều đó là “sự Chúa đã tỏ ra”, tức sự mặc khải, một điều sẽ xảy ra trong tương lai. Phao-lô cũng biết rằng sau khi ông qua đời, sự bội đạo sẽ phát triển mạnh. (2 Cô-rinh-tô 12:1; Công-vụ 20:29, 30; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 7) Khi sự bội đạo lan tràn và các tín đồ thật dường như bị lấn át thì khó có thể ví họ như một khu vườn xanh tốt. Nhưng sẽ đến lúc sự thờ phượng thật được tôn lên cao trở lại. Khi ấy, dân Đức Chúa Trời sẽ được khôi phục và “người công-bình sẽ chói-rạng như mặt trời trong nước của Cha mình”. (Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43) Điều này đã xảy ra vài năm sau khi Nước Trời được thành lập trên trời. Những thập kỷ qua đã chứng minh dân Đức Chúa Trời quả thật đang sống trong địa đàng thiêng liêng mà Phao-lô đã được cho thấy trước.

10, 11. Dù bất toàn, tại sao có thể nói chúng ta đang ở trong địa đàng thiêng liêng?

10 Thế nhưng, chúng ta biết mỗi cá nhân đều là người bất toàn, vì vậy không lạ gì thỉnh thoảng vẫn có vấn đề nảy sinh như đã xảy ra giữa các tín đồ Đấng Christ thời Phao-lô. (1 Cô-rinh-tô 1:10-13; Phi-líp 4:2, 3; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:6-14) Tuy nhiên, hãy suy xét kỹ về địa đàng thiêng liêng mà chúng ta đang hưởng. Trước kia chúng ta đau ốm về thiêng liêng, nay đã được chữa lành. Tương phản với tình trạng nghèo đói về thiêng liêng trước kia, nay chúng ta được nuôi dưỡng đầy đủ. Là dân Đức Chúa Trời, chúng ta được Ngài chấp nhận và ban phước dồi dào, thay vì phải vất vả như thể sống trong vùng đất khô cằn về thiêng liêng. (Ê-sai 35:1, 7) Thay vì mù trong sự tăm tối về mặt thiêng liêng, chúng ta thấy ánh sáng của tự do và ân huệ của Đức Chúa Trời. Nhiều người trước kia điếc theo nghĩa bóng, không hiểu gì về các lời tiên tri trong Kinh Thánh, thì nay đã được nghe và hiểu. (Ê-sai 35:5) Chẳng hạn, hàng triệu Nhân Chứng Giê-hô-va trên thế giới đã được học từng câu một trong lời tiên tri của Đa-ni-ên, và xem xét kỹ từng chương của sách Ê-sai. Chẳng phải những thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng ấy là bằng chứng cho thấy chúng ta đang ở trong địa đàng thiêng liêng sao?

11 Cũng hãy nghĩ đến những thay đổi trong nhân cách của những người có lòng thành thật thuộc mọi tầng lớp xã hội khi họ cố gắng học và làm theo Lời Đức Chúa Trời. Họ đã nỗ lực từ bỏ tính khí hung dữ trước kia của mình. Có lẽ chính bạn đã thực hiện điều đó và đạt kết quả khả quan, và các anh em đồng đức tin của bạn cũng vậy. (Cô-lô-se 3:8-14) Do đó, khi sinh hoạt với hội thánh Nhân Chứng Giê-hô-va, bạn đang kết hợp với những người đã thay đổi để trở nên hiền hòa và dễ mến hơn. Đúng là họ chưa hoàn toàn nhưng chắc chắn họ không có những tính cách như sư tử hung tợn hoặc thú dữ. (Ê-sai 35:9) Tình anh em hòa thuận ấy nói lên điều gì? Rõ ràng, chúng ta đang vui hưởng một tình trạng có thể được gọi cách chính đáng là địa đàng thiêng liêng. Và đó là hình bóng của Địa Đàng theo nghĩa đen mà chúng ta sẽ được hưởng nếu tiếp tục trung thành với Đức Chúa Trời.

12, 13. Chúng ta phải làm gì để tiếp tục được ở trong địa đàng thiêng liêng?

12 Tuy nhiên, chúng ta chớ quên một điều. Đức Chúa Trời đã phán với dân Y-sơ-ra-ên: “Phải gìn-giữ hết thảy điều-răn mà ta truyền cho các ngươi ngày nay, để các ngươi được mạnh-mẽ, vào nhận lấy xứ”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:8) Xứ ấy cũng được nhắc đến nơi Lê-vi Ký 20:22, 24: “Các ngươi hãy gìn-giữ làm theo những luật-pháp và mạng-lịnh ta, hầu cho xứ mà ta dẫn các ngươi đến ở không mửa các ngươi ra. Ta đã phán cùng các ngươi rằng: Ấy là các ngươi sẽ được xứ của dân đó; ta cho các ngươi xứ ấy đặng làm sản-nghiệp; ấy là một xứ đượm sữa và mật”. Rõ ràng, muốn được ở trong Đất Hứa, dân Y-sơ-ra-ên phải giữ mối quan hệ tốt với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chính vì họ không vâng lời nên Ngài mới để quân Ba-by-lôn chinh phục và đày họ khỏi xứ sở xinh đẹp đó.

13 Hẳn có nhiều điều khiến chúng ta rất thích địa đàng thiêng liêng. Môi trường dễ chịu, bầu không khí bình an. Anh em hòa thuận vì đã gắng sức từ bỏ những tính khí dữ dằn. Mọi người đều cố gắng tử tế và sẵn lòng giúp đỡ. Tuy nhiên, muốn tiếp tục ở trong địa đàng này, việc giữ mối quan hệ tốt với các thành viên trong đó thôi không đủ. Bạn còn phải có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va và thực thi ý muốn Ngài. (Mi-chê 6:8) Nếu không nỗ lực gìn giữ mối quan hệ đó, dù đã tình nguyện bước vào địa đàng thiêng liêng, bạn vẫn có thể trôi dạt ra ngoài lúc nào không biết, hoặc thậm chí bị loại.

14. Những sự cung cấp nào sẽ giúp chúng ta tiếp tục ở trong địa đàng thiêng liêng?

14 Để giữ mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời, một yếu tố quan trọng là tiếp tục nuôi mình bằng Lời Ngài. Hãy lưu ý những lời ví von nơi Thi-thiên 1:1-3: “Phước cho người nào chẳng theo mưu-kế của kẻ dữ... Song lấy làm vui-vẻ về luật-pháp của Đức Giê-hô-va, và suy-gẫm luật-pháp ấy ngày và đêm. Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sanh bông-trái theo thì-tiết, lá nó cũng chẳng tàn-héo; mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”. Một nguồn thức ăn thiêng liêng khác là các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh do lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan cung cấp.—Ma-thi-ơ 24:45-47.

Củng cố niềm hy vọng về Địa Đàng

15. Tại sao Môi-se không được hướng dẫn dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, nhưng ông đã được nhìn thấy gì?

15 Cũng hãy xem xét một hình ảnh khác về Địa Đàng tương lai. Sau 40 năm lang thang trong đồng vắng, dân Y-sơ-ra-ên được Môi-se dẫn tới đồng bằng Mô-áp ở phía đông Sông Giô-đanh. Vì lỗi lầm trước đây, Môi-se không được Đức Giê-hô-va dùng để hướng dẫn dân sự băng qua sông. (Dân-số Ký 20:7-12; 27:12, 13) Ông nài xin Đức Chúa Trời: “Tôi xin Chúa cho phép tôi đi qua xem xứ tốt-tươi... bên kia sông Giô-đanh”. Dù không được vào xứ ấy nhưng sau khi lên Núi Phích-ga và nhìn thấy các vùng đất trong xứ, Môi-se hẳn nhận thấy đó quả là một “xứ tốt-tươi”. Bạn hình dung xứ sở ấy thế nào?—Phục-truyền Luật-lệ Ký 3:25-27.

16, 17. (a) Đất Hứa thời xưa khác với ngày nay như thế nào? (b) Vì sao chúng ta có thể tin rằng Đất Hứa từng giống như địa đàng?

16 Nếu chỉ dựa vào những gì thấy được ngày nay, có lẽ bạn sẽ hình dung xứ đó là một vùng sa mạc đầy cát và đá, khô cằn và nóng bỏng. Tuy nhiên, có lý do để tin rằng vào thời Kinh Thánh vùng đất ấy hoàn toàn khác hẳn. Theo nhật báo Scientific American, Tiến Sĩ Walter C. Lowdermilk, một chuyên gia về nước và đất, đã giải thích rằng đất trong xứ này đã “bị hủy hoại vì bị khai thác quá nhiều trong cả ngàn năm”. Nhà nông học này viết: “Việc vùng đất một thời trù phú đã trở thành ‘sa mạc’ là do lỗi của con người, chứ không phải của thiên nhiên”. Thật thế, các cuộc nghiên cứu của ông cho thấy “vùng đất này từng là một địa đàng xanh tươi”. Rõ ràng sự khai thác bừa bãi của con người đã hủy hoại “địa đàng xanh tươi” này. *

17 Cứ suy nghĩ về những điều đã đọc trong Kinh Thánh, bạn sẽ thấy kết luận đó rất hợp lý. Hãy nhớ lại những gì Đức Giê-hô-va đã bảo đảm với dân Ngài qua Môi-se: “Xứ các ngươi sẽ đi vào nhận lấy đó, là một xứ có núi và trũng, nhờ mưa trời mà được thấm tưới. Ấy là một xứ Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi săn-sóc”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:8-12.

18. Câu Ê-sai 35:2 hẳn đã giúp dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày hình dung thế nào về Đất Hứa?

18 Đất Hứa màu mỡ và xanh tốt đến độ chỉ cần nhắc đến một vài địa danh cũng đủ khiến người ta liên tưởng đến địa đàng. Điều đó được thể hiện rõ qua lời tiên tri nơi Ê-sai chương 35 vốn đã ứng nghiệm lần đầu khi dân Y-sơ-ra-ên từ Ba-by-lôn trở về. Ê-sai nói: “Nó trổ hoa nhiều và vui-mừng, cất tiếng hát hớn-hở. Sự vinh-hiển của Li-ban cùng sự tốt-đẹp của Cạt-mên và Sa-rôn sẽ được ban cho nó. Chúng sẽ thấy sự vinh-hiển Đức Giê-hô-va, và sự tốt-đẹp của Đức Chúa Trời chúng ta”. (Ê-sai 35:2) Những địa danh như Li-ban, Cạt-mên và Sa-rôn hẳn gợi lên trong trí người Y-sơ-ra-ên một quang cảnh xinh đẹp, trù phú.

19, 20. (a) Hãy miêu tả vùng Sa-rôn thời xưa. (b) Một cách để củng cố niềm hy vọng của chúng ta về Địa Đàng là gì?

19 Hãy nói về Sa-rôn, vùng đồng bằng duyên hải nằm giữa miền đồi Sa-ma-ri và Biển Lớn, tức Địa Trung Hải. (Xem hình nơi trang 10). Vùng này nổi tiếng về cảnh đẹp và sự trù phú. Vì có nguồn nước tưới dồi dào nên đất nơi đây thích hợp để chăn nuôi. Bên cạnh đó nó cũng có các khu rừng sồi ở phía bắc. (1 Sử-ký 27:29; Nhã-Ca 2:1; Ê-sai 65:10) Như vậy, Ê-sai 35:2 báo trước về một sự khôi phục, xứ sẽ trổ đầy hoa và trở nên như địa đàng. Lời tiên tri này cũng nói đến một địa đàng thiêng liêng vui tươi, hòa hợp với sự hiện thấy của Phao-lô sau này. Cuối cùng, cùng với những lời tiên tri khác, nó củng cố niềm hy vọng của chúng ta về một địa đàng tương lai cho nhân loại.

20 Khi được ở trong địa đàng thiêng liêng, chúng ta hãy vun đắp lòng biết ơn về điều này và củng cố niềm hy vọng về Địa Đàng tương lai. Bằng cách nào? Bằng cách tìm hiểu cặn kẽ hơn những gì mình đọc trong Kinh Thánh. Những lời miêu tả và tiên tri trong Kinh Thánh thường đề cập đến các địa danh cụ thể. Bạn có muốn nắm rõ hơn về những địa danh này và mối liên hệ giữa chúng không? Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào bạn có thể thực hiện điều này cách hữu hiệu.

[Chú thích]

^ đ. 16 Ông Denis Baly nói trong cuốn The Geography of the Bible (Địa lý thời Kinh Thánh) rằng: “Quần thể thực vật của vùng đất này hẳn đã thay đổi rất nhiều từ sau thời Kinh Thánh”. Nguyên nhân là gì? Theo ông Baly, “con người cần gỗ để làm chất đốt và xây dựng, vì thế... họ bắt đầu đốn cây nên đất không còn được bảo vệ khỏi sức tàn phá của thời tiết. Sự can thiệp của con người vào môi trường đã đưa đến hậu quả là khí hậu... dần dần trở thành nguyên nhân chính gây hủy hoại đất”.

Bạn còn nhớ không?

• Sứ đồ Phao-lô đã nhìn thấy “Ba-ra-đi” hay địa đàng nào trong sự hiện thấy?

Ê-sai chương 35 ứng nghiệm lần đầu ra sao, và liên quan thế nào đến sự hiện thấy của Phao-lô?

• Làm sao chúng ta có thể vun đắp lòng biết ơn về địa đàng thiêng liêng và củng cố niềm hy vọng về Địa Đàng tương lai?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

Đồng bằng Sa-rôn, một vùng đất trù phú trong Đất Hứa

[Nguồn tư liệu]

Pictorial Archive (Near Eastern History) Est.

[Hình nơi trang 12]

Môi-se đã nhận thấy đó là một “xứ tốt-tươi”