Độc giả thắc mắc
Độc giả thắc mắc
Khi Chúa Giê-su dạy các môn đồ “cho vay, nhưng đừng cầu lợi” (Bản dịch Trần Đức Huân), cũng “không trông kẻ khác báo đền” (Bản dịch An Sơn Vị), phải chăng ý ngài là các môn đồ không nên đòi lại ngay cả tiền vốn?
Lời của Chúa Giê-su nơi Lu-ca 6:35 được hiểu rõ hơn khi đặt trong bối cảnh của Luật Pháp Môi-se. Theo luật này, Đức Chúa Trời ra lệnh dân Y-sơ-ra-ên phải cho người lân cận trong vòng dân tộc họ vay mượn khi người này lâm vào cảnh thiếu thốn và cần sự giúp đỡ. (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:25; Lê-vi Ký 25:35-37; Ma-thi-ơ 5:42) Số tiền này không nhằm mục đích thương mại hoặc làm ăn buôn bán. Trái lại, số tiền cho vay không lấy lời này là để giúp đỡ người qua cơn nghèo khó hay gặp nạn. Xét cho cùng, lợi dụng sự sa sút về kinh tế của người lân cận là vô tâm. Tuy vậy, người cho vay vẫn có quyền lấy lại tiền vốn, hoặc đôi khi có thể yêu cầu vật thế chấp.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:10, 11.
Không chỉ ủng hộ Luật Pháp, Chúa Giê-su thậm chí còn áp dụng luật này cách rộng rãi hơn khi nói rằng người cho vay không nên “trông kẻ khác báo đền”. Như dân Y-sơ-ra-ên, đôi khi tín đồ Đấng Christ cũng bị suy sụp về kinh tế hoặc lâm vào những hoàn cảnh khác khiến họ trở nên thiếu thốn, thậm chí nghèo túng. Nếu một anh em cùng đức tin ở trong tình trạng khốn khó như thế tìm kiếm sự trợ giúp về tài chính, chẳng phải giúp đỡ người ấy là một điều nhân từ hay sao? Như vậy, tình yêu thương chân thật sẽ thúc đẩy một tín đồ giúp người anh em cùng đạo bị rơi vào tình trạng khó khăn ngoài ý muốn về tài chính. (Châm-ngôn 3:27) Thay vì cho vay, điều có thể làm là tặng cho người gặp khó khăn đó một số tiền, dù ít hơn số tiền người ấy cần vay.—Thi-thiên 37:21.
Vào thế kỷ thứ nhất CN, sứ đồ Phao-lô và Ba-na-ba nhận sứ mạng đem tiền đóng góp của anh em từ Tiểu Á đến cho các anh em gặp đói kém ở xứ Giu-đê. (Công-vụ 11:28-30) Ngày nay cũng vậy, khi xảy ra tai họa, tín đồ Đấng Christ thường gửi những thứ cần thiết cho anh em cùng đức tin đang gặp hoạn nạn. Khi hành động như vậy, họ làm chứng tốt cho những người khác. (Ma-thi-ơ 5:16) Hiển nhiên, cần phải xem xét thái độ và hoàn cảnh của người yêu cầu giúp đỡ. Tại sao người đó cần sự trợ giúp? Phao-lô viết những lời đáng ghi nhớ: “Nếu ai không khứng làm việc, thì cũng không nên ăn nữa”.—2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:10.
Nếu một anh muốn vay mượn nhưng không ở trong tình trạng thật sự thiếu thốn, mà chỉ muốn được giúp đỡ tạm thời để vực lại sự thất bại về kinh tế, có lẽ một tín đồ sẽ chấp nhận cho vay và không lấy lời. Trong tình trạng này, cho vay rồi lấy lại tiền vốn thì không trái với lời của Chúa Giê-su nơi Lu-ca 6:35. Hai bên nên lập một tờ giao kết và người mượn nên hết sức cố gắng hoàn lại số tiền theo những điều được thỏa thuận. Thật thế, tình yêu thương tín đồ Đấng Christ nên thúc đẩy người có điều kiện cho vay, và người mượn cố gắng hoàn lại số tiền mình vay.
Người muốn cho vay (hoặc tặng một số tiền) cũng nên xem xét hoàn cảnh gia đình mình. Chẳng hạn, điều này có ảnh hưởng gì đến điều ưu tiên mà Kinh Thánh đòi hỏi là chăm sóc đến nhu cầu của các thành viên trong gia đình không? (2 Cô-rinh-tô 8:12; 1 Ti-mô-thê 5:8) Tuy vậy, các tín đồ Đấng Christ tìm cơ hội để bày tỏ tình yêu thương lẫn nhau một cách cụ thể và phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh.—Gia-cơ 1:27; 1 Giăng 3:18; 4:7-11.