Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Ai là “Đức Chúa Trời chân-thật và là sự sống đời đời”?

Ai là “Đức Chúa Trời chân-thật và là sự sống đời đời”?

Ai là “Đức Chúa Trời chân-thật và là sự sống đời đời”?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, Cha của Chúa Giê-su Christ, là Đức Chúa Trời chân thật. Ngài là Đấng Tạo Hóa, Đấng ban sự sống đời đời cho những ai yêu mến Ngài. Những người đọc và tin Kinh Thánh sẽ trả lời như vậy cho câu hỏi mà tựa đề nêu. Quả vậy, chính Chúa Giê-su nói: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”.—Giăng 17:3, chúng tôi viết nghiêng.

Thế nhưng, nhiều người thường đi lễ nhà thờ lại hiểu khác. Những lời nơi tựa đề là phần được trích từ 1 Giăng 5:20: “Chúng ta ở trong Đấng chân-thật, là ở trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Con của Ngài. Ấy chính Ngài là Đức Chúa Trời chân-thật và là sự sống đời đời”.

Những người tin giáo lý Chúa Ba Ngôi cho rằng đại từ chỉ định “ấy” (houʹtos) ám chỉ chủ thể ngay trước chữ đó, tức Chúa Giê-su Christ. Họ khẳng định Chúa Giê-su là “Đức Chúa Trời chân-thật và là sự sống đời đời”. Tuy nhiên, cách giải thích này mâu thuẫn với những phần khác của Kinh Thánh và nhiều học giả có uy tín không chấp nhận quan điểm theo giáo lý Chúa Ba Ngôi. Ông B. F. Westcott, một học giả của trường Đại Học Cambridge, viết: “Điều hợp lý nhất là [đại từ houʹtos] ám chỉ chủ thể chính yếu mà sứ đồ này nghĩ đến, chứ không ám chỉ chủ thể đứng ngay trước nó”. Vậy là sứ đồ Giăng nghĩ đến Cha của Chúa Giê-su. Nhà thần học người Đức, Erich Haupt viết: “Chúng ta phải xác định xem từ [houʹtos] trong vế thứ hai của câu này ám chỉ chủ thể đứng ngay trước nó... hay là chủ thể đứng trước đó nữa, tức Đức Chúa Trời... Làm chứng về một Đức Chúa Trời chân thật dường như phù hợp với những lời cảnh báo cuối cùng về sự thờ hình tượng hơn là làm chứng Chúa Giê-su là thần”.

Ngay cả sách A Grammatical Analysis of the Greek New Testament (Phân tích văn phạm tiếng Hy Lạp của phần Tân Ước) do Học Viện Thánh Kinh Tông Tòa ở Rome xuất bản, cho biết: “[Houʹtos]: vì là phần nổi bật của [các câu] 18-20, nên đại từ này hầu như chắc chắn ám chỉ Đức Chúa Trời chân thật, tương phản với tà thần ngoại giáo (câu 21)”.

Nói chung, từ houʹtos thường được dịch là “ấy” hoặc “người”, không ám chỉ chủ thể đứng ngay trước nó. Các câu Kinh Thánh khác làm sáng tỏ điểm này. Nơi 2 Giăng 7, cũng do sứ đồ Giăng viết, có nói: “Trong thế-gian đã rải nhiều kẻ dỗ-dành, là kẻ chẳng xưng Đức Chúa Jêsus-Christ lấy xác-thịt mà đến: ấy [houʹtosʹ] đó thật là kẻ dỗ-dành và kẻ địch lại Đấng Christ”. Đại từ trong câu này không hề ám chỉ chủ thể đứng gần nhất, tức Chúa Giê-su. Rõ ràng, đại từ “ấy” ám chỉ những người từ chối Chúa Giê-su. Họ được gọi chung là “kẻ dỗ-dành và kẻ địch lại Đấng Christ”.

Trong sách Phúc Âm của ông, sứ đồ Giăng viết: “Trong hai người đã nghe điều Giăng nói và đi theo Đức Chúa Jêsus đó, một là Anh-rê, em của Si-môn Phi-e-rơ. Trước hết người [houʹtos] gặp anh mình là Si-môn”. (Giăng 1:40, 41, chúng tôi viết nghiêng). Rõ ràng, từ “người” ở đây không nói về nhân vật được nhắc đến ngay trước đó mà phải hiểu là Anh-rê. Nơi 1 Giăng 2:22, sứ đồ cũng dùng đại từ đó theo cách tương tự.

Những câu Kinh Thánh trên xác nhận lời của học giả về ngôn ngữ Hy Lạp, Daniel Wallace, khi nói về đại từ chỉ định trong tiếng Hy Lạp: “Chủ thể gần đại từ [houʹtos] nhất không nhất thiết là chủ thể tác giả nghĩ đến khi dùng đại từ ấy”.

“Đấng chân-thật”

Theo lời sứ đồ Giăng, “Đấng chân-thật” là Đức Giê-hô-va, Cha của Chúa Giê-su Christ. Chỉ mình Ngài là Đức Chúa Trời thật và là Đấng Tạo Hóa. Sứ đồ Phao-lô xác nhận: “Về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, là Đức Chúa Cha, muôn vật bởi Ngài mà ra”. (1 Cô-rinh-tô 8:6; Ê-sai 42:8) Một lý do khác chứng tỏ Đức Giê-hô-va là “Đấng chân-thật” được nói đến nơi 1 Giăng 5:20, chính Ngài là Nguồn của lẽ thật. Người viết Thi-thiên gọi Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời chân-thật” vì Ngài trung tín trong mọi việc và không hề nói dối. (Thi-thiên 31:5; Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6; Tít 1:2) Khi nhắc về Cha trên trời, người Con nói: “Lời Cha tức là lẽ thật”. Về những gì ngài dạy, Chúa Giê-su nói: “Đạo-lý của ta chẳng phải bởi ta, nhưng bởi Đấng đã sai ta đến”.—Giăng 7:16; 17:17.

Đức Giê-hô-va cũng là “sự sống đời đời”. Ngài là Nguồn sự sống, và đã ban món quà này như một ân điển qua Đấng Christ. (Thi-thiên 36:9; Rô-ma 6:23) Điều đáng lưu ý là sứ đồ Phao-lô nói về Đức Chúa Trời như là “Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”. (Hê-bơ-rơ 11:6, chúng tôi viết nghiêng). Đức Chúa Trời ban thưởng cho Con Ngài qua việc làm cho Chúa Giê-su sống lại. Ngài cũng sẽ thưởng sự sống đời đời cho những ai hết lòng phụng sự Ngài.—Công-vụ 26:23; 2 Cô-rinh-tô 1:9.

Vậy, chúng ta có thể đi đến kết luận nào? Chính Đức Giê-hô-va chứ không ai khác là “Đức Chúa Trời chân-thật và là sự sống đời đời”. Chỉ mình Ngài đáng được các tạo vật của Ngài thờ phượng cách chuyên độc.—Khải-huyền 4:11.