Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Trung thành và kiên định trước sau như một

Trung thành và kiên định trước sau như một

Trung thành và kiên định trước sau như một

Ở miền nam Ba Lan, gần biên giới Slovakia và Cộng Hòa Czech, có một thị trấn nhỏ mang tên Wisła. Dù có lẽ chưa bao giờ bạn nghe nói về Wisła, nhưng nơi đây có một lịch sử mà hẳn những tín đồ thật của Đấng Christ sẽ thấy hết sức thú vị. Đó là một lịch sử được đánh dấu bởi sự trung kiên và lòng sốt sắng trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va. Như thế nào?

WISŁA tọa lạc trên một vùng núi được thiên nhiên ban tặng những cảnh đẹp tuyệt vời. Nhiều con suối chảy xiết đổ về Sông Vistula uốn lượn qua vùng rừng núi và thung lũng. Những con người thân thiện cùng với đặc điểm khí hậu độc đáo khiến Wisła trở thành một trung tâm y khoa có tiếng, một điểm nghỉ hè và khu vui chơi vào mùa đông.

Dường như vùng dân cư này lần đầu tiên mang tên Wisła là vào thập niên 1590. Một xưởng cưa được lập nên, và chẳng bao lâu khu đồi trọc này có người đến định cư. Họ chăn nuôi cừu, gia súc và canh tác đất đai. Tuy nhiên, những thường dân này bị xoáy vào cơn lốc thay đổi tôn giáo. Vùng này bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự cải cách tôn giáo do ông Martin Luther khởi xướng. Theo nhà nghiên cứu Andrzej Otczyk thì đạo Luther trở thành “Quốc giáo vào năm 1545”. Thế nhưng, Cuộc Chiến Ba Mươi Năm và Phong Trào Chống Cải Cách sau đó đã hoàn toàn thay đổi tình thế. Ông Otczyk cho biết thêm: “Vào năm 1654, tất cả nhà thờ của đạo Tin Lành cũng như Kinh Thánh và sách đạo đều bị tịch thu, ngay cả các buổi lễ cũng bị cấm”. Tuy vậy, đa phần dân địa phương vẫn theo đạo Luther.

Hạt giống lẽ thật đầu tiên

Vui mừng thay, một cuộc cải cách tôn giáo quan trọng hơn sẽ đến. Vào năm 1928, hai Học Viên Kinh Thánh sốt sắng, tên trước đây của Nhân Chứng Giê-hô-va, đã gieo những hạt giống lẽ thật đầu tiên. Năm sau đó, anh Jan Gomola đã đến Wisła với máy hát đĩa cầm tay để phát những bài diễn văn về Kinh Thánh được thâu sẵn. Rồi anh chuyển đến một thung lũng gần đó và gặp anh Andrzej Raszka, một người dân vùng cao có vóc người thấp, vạm vỡ, chú ý lắng nghe và sẵn lòng hưởng ứng thông điệp lẽ thật. Raszka liền lấy Kinh Thánh của mình ra để kiểm chứng nội dung của các bài diễn văn. Sau đó anh thốt lên: “Người anh em ơi, cuối cùng tôi đã tìm thấy lẽ thật! Tôi đã tìm kiếm câu trả lời từ khi còn ở trong những chiến hào hồi Thế Chiến I!”

Tràn đầy lòng nhiệt thành, Raszka dẫn Gomola đến gặp những người bạn của anh là Jerzy và Andrzej Pilch, họ háo hức hưởng ứng thông điệp Nước Trời. Anh Andrzej Tyrna, học lẽ thật ở Pháp, đã giúp những người này hiểu sâu hơn về thông điệp của Đức Chúa Trời. Không lâu sau, họ báp têm. Để giúp nhóm Học Viên Kinh Thánh ít ỏi ở Wisła, anh em ở những thị trấn lân cận đã đến vùng này vào giữa thập niên 1930. Kết quả thật đáng kinh ngạc.

Số người mới chú ý gia tăng đáng kể. Các gia đình theo đạo Luther có thói quen đọc Kinh Thánh tại nhà. Như vậy khi nghe những lý lẽ dựa vào Kinh Thánh đầy thuyết phục về giáo lý lửa địa ngục và Chúa Ba Ngôi, nhiều người thấy rõ sự khác biệt giữa lẽ thật và giáo lý sai lầm. Nhiều gia đình đã chọn từ bỏ sự dạy dỗ của tôn giáo giả. Nhờ thế đến năm 1939 hội thánh ở Wisła lên đến 140 người. Tuy vậy, điều đáng ngạc nhiên là hầu hết những người lớn trong hội thánh đều chưa báp têm. Chị Helena, một trong những Nhân Chứng đầu tiên, nói: “Điều này không có nghĩa là các công bố chưa báp têm không thể đứng về phía Đức Giê-hô-va”. Chị nói tiếp: “Trong những cuộc thử thách đức tin sắp phải đương đầu, họ đã chứng tỏ lòng trung kiên”.

Còn trẻ em thì sao? Các em đã thấy cha mẹ mình tìm ra lẽ thật. Anh Franciszek Branc kể: “Khi cha tôi biết là mình đã tìm thấy lẽ thật, cha bắt đầu khắc ghi lẽ thật đó vào lòng anh em tôi. Lúc đó, tôi lên tám, còn anh tôi lên mười. Cha đặt những câu hỏi đơn giản cho chúng tôi như: ‘Đức Chúa Trời là ai, danh Ngài là gì? Các con biết gì về Chúa Giê-su Christ?’ Chúng tôi phải viết ra câu trả lời và chứng minh bằng các câu Kinh Thánh”. Một anh Nhân Chứng nói: “Vì cha mẹ tôi sẵn lòng hưởng ứng thông điệp Nước Trời và rời bỏ đạo Luther vào năm 1940 nên tôi bị chống đối và đánh đập ở trường. Tôi rất biết ơn cha mẹ đã khắc ghi nguyên tắc Kinh Thánh vào lòng tôi. Sự dạy dỗ hết sức quan trọng này đã giúp tôi vượt qua được những lúc khó khăn”.

Đức tin bị thử thách

Khi Thế Chiến II bùng nổ và Quốc Xã chiếm đóng vùng này, họ quyết tâm diệt sạch Nhân Chứng Giê-hô-va. Trước hết, người lớn—đặc biệt là những người cha—được kêu gọi ký vào danh sách trở thành công dân Đức để hưởng được những đặc lợi. Các Nhân Chứng từ chối đứng về phía Quốc Xã. Nhiều anh và những người đang học hỏi ở độ tuổi nhập ngũ phải đương đầu với tình thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc gia nhập quân đội, hoặc giữ trung lập tuyệt đối nhưng phải gánh chịu hình phạt nặng nề. Anh Andrzej Szalbot, bị Mật Vụ Đức (Gestapo) bắt vào năm 1943, giải thích: “Từ chối gia nhập quân ngũ đồng nghĩa với việc bị đưa vào trại tập trung, thường là trại Auschwitz. Dù chưa báp têm nhưng tôi biết đến lời bảo đảm của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 10:28, 29. Tôi biết rằng nếu có chết vì đức tin nơi Đức Giê-hô-va, Ngài có thể làm tôi sống lại”.

Đầu năm 1942, 17 anh ở Wisła bị Quốc Xã bắt giam. Trong vòng ba tháng, 15 anh bị chết trong trại Auschwitz. Điều này ảnh hưởng thế nào đến những Nhân Chứng còn lại ở Wisła? Thay vì khiến họ bỏ đức tin, điều này càng giúp họ cương quyết gắn bó với Đức Giê-hô-va! Suốt sáu tháng sau, số người công bố ở Wisła đã gia tăng gấp đôi. Không lâu sau lại có thêm nhiều người bị bắt. Cả thảy có 83 người— gồm các anh chị, người đang học hỏi và trẻ em—bị ảnh hưởng từ lực lượng tàn phá của Hitler. Năm mươi ba người đã bị đưa đến các trại tập trung (chủ yếu là Auschwitz) hoặc trại lao động khổ sai tại các hầm mỏ và mỏ đá ở Ba Lan, Đức và Bohemia.

Trung thành và kiên định

Ở trại Auschwitz, Quốc Xã cố dụ dỗ các Nhân Chứng bằng cách hứa sẽ thả họ ngay. Một lính gác SS nói với một anh: “Chỉ cần ký vào giấy từ bỏ Học Viên Kinh Thánh, ông sẽ được thả và có thể về nhà”. Lời đề nghị đó được lặp lại nhiều lần nhưng không làm lung lay lòng trung thành của anh với Đức Giê-hô-va. Hậu quả là anh bị đánh đập, chế giễu và lao động khổ sai ở trại Auschwitz lẫn trại Mittelbau-Dora ở Đức. Ngay trước ngày giải phóng, anh này thoát chết trong đường tơ kẽ tóc khi trại giam bị oanh tạc.

Anh Paweł Szalbot, một Nhân Chứng mới chết gần đây, từng nhớ: “Trong các cuộc thẩm vấn, Mật Vụ Đức luôn hỏi đi hỏi lại tại sao tôi không chịu gia nhập quân đội Đức và ra dấu tôn vinh Hitler”. Sau khi giải thích về lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ dựa trên Kinh Thánh, anh bị án phải làm việc tại một xưởng sản xuất vũ khí. “Dĩ nhiên, lương tâm không cho phép tôi làm công việc này, vì vậy tôi bị đưa đến làm việc ở một hầm mỏ”. Nhưng anh vẫn trung thành.

Những người không bị giam—phụ nữ và trẻ em—đã gửi đồ ăn đến các anh em trong trại Auschwitz. “Vào mùa hè, chúng tôi hái một loại dâu trong rừng để đổi lấy lúa mì. Các chị nướng nhiều ổ bánh mì và ngâm trong mỡ. Rồi gửi lần đến cho các anh em cùng đạo ở trong tù”, một anh lúc đó còn trẻ nói.

Tổng cộng có 53 Nhân Chứng ở Wisła bị đưa đến trại tập trung và làm lao động khổ sai. Ba mươi tám người đã bị chết.

Một thế hệ trẻ hơn xuất hiện

Con cái của Nhân Chứng Giê-hô-va cũng bị Quốc Xã ngược đãi. Một số em và mẹ của mình bị đưa đến các trại tạm giữ ở Bohemia. Những em khác bị bắt khỏi gia đình và đưa đến trại nổi tiếng tàn bạo để nhốt trẻ em ở Lodz.

Ba em trai trong số đó kể lại: “Trong chuyến đầu tiên đến Lodz, quân Đức bắt mười đứa chúng tôi, tuổi từ năm đến chín. Chúng tôi khích lệ lẫn nhau qua lời cầu nguyện và thảo luận những đề tài Kinh Thánh. Thật không dễ để chịu đựng”. Vào năm 1945, tất cả trẻ em được trở về nhà. Các em vẫn sống nhưng gầy mòn và bị khủng hoảng tinh thần. Tuy vậy, không gì có thể phá đổ lòng trung kiên của các em.

Tiếp đến là gì?

Khi Thế Chiến II gần kết thúc, Nhân Chứng ở Wisła vẫn giữ được đức tin mạnh và sẵn sàng bắt đầu lại công việc rao giảng với lòng nhiệt thành và cương quyết. Các anh hợp thành nhiều nhóm, đến thăm, rao giảng và phân phát sách báo, lan rộng đến cả những người sống cách Wisła khoảng 40 kilômét. “Không lâu sau, có ba hội thánh hoạt động trong thị trấn này”, anh Jan Krzok cho biết. Tuy nhiên, sự tự do tôn giáo chẳng được bao lâu.

Vào năm 1950, chính quyền vô thần đã thay thế Quốc Xã và cấm đoán hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Ba Lan. Vì vậy, anh em tại đây phải hết sức khôn khéo trong thánh chức. Thỉnh thoảng họ lấy cớ mua gia súc hoặc thóc lúa để đến nhà người ta. Các buổi họp thường được tổ chức thành những nhóm nhỏ vào ban đêm. Tuy nhiên, nhân viên an ninh tìm cách bắt nhiều người thờ phượng Đức Giê-hô-va, gán cho họ tội làm việc cho một tổ chức gián điệp nước ngoài—lời buộc tội hoàn toàn vô căn cứ. Một số nhân viên vừa mỉa mai vừa đe dọa anh Paweł Pilch: “Hitler không phá đổ được lòng trung kiên của ông, nhưng chúng tôi sẽ làm được”. Tuy vậy, trong suốt năm năm lao tù anh vẫn tiếp tục trung thành với Đức Giê-hô-va. Khi một vài Nhân Chứng trẻ từ chối ký vào hồ sơ chính trị, họ đã bị đuổi học hoặc mất việc.

Đức Giê-hô-va luôn ở cùng họ

Năm 1989 đã có sự thay đổi chính trị, Nhân Chứng Giê-hô-va được chính thức công nhận tại Ba Lan. Những người kiên định thờ phượng Đức Giê-hô-va ở Wisła gia tăng thánh chức của họ. Điều này được thấy qua con số những người làm tiên phong, tức người truyền giáo trọn thời gian. Khoảng 100 anh chị ở vùng này bắt đầu công việc tiên phong. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi thị trấn này được gọi là Xưởng Tiên Phong.

Kinh Thánh nói về sự trợ giúp của Đức Chúa Trời cho dân Ngài thời xưa: “Khi loài người dấy nghịch chúng ta,... Nếu Đức Giê-hô-va không binh-vực chúng ta, ắt chúng nó đã nuốt sống chúng ta rồi”. (Thi-thiên 124:2, 3) Thời nay, dù tình trạng thờ ơ và xu hướng theo lối sống vô luân của thế gian lan tràn khắp nơi, những người Wisła thờ phượng Đức Giê-hô-va cố gắng giữ lòng trung kiên của họ và được ban thưởng dồi dào. Các thế hệ Nhân Chứng nối tiếp trong vùng đã chứng thực lời sứ đồ Phao-lô: “Nếu Đức Chúa Trời vùa-giúp chúng ta, thì còn ai nghịch với chúng ta?”—Rô-ma 8:31.

[Hình nơi trang 26]

Chị Emilia Krzok cùng các con là Helena, Emilia và Jan bị đưa đến trại tạm giữ ở Bohemia

[Hình nơi trang 26]

Khi từ chối đi lính, anh Paweł Szalbot bị đưa đến một hầm mỏ để làm việc

[Hình nơi trang 27]

Dù nhiều anh bị đưa đến và bị chết trong trại Auschwitz, nhưng công việc thánh chức tại Wisła vẫn không ngừng phát triển

[Hình nơi trang 28]

Anh Paweł Pilch và anh Jan Polok từng bị đưa đến trại nhốt trẻ em ở Lodz

[Nguồn tư liệu nơi trang 25]

Dâu và hoa: © R.M. Kosinscy / www.kosinscy.pl