Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bị ngược đãi nhưng vui mừng

Bị ngược đãi nhưng vui mừng

Bị ngược đãi nhưng vui mừng

“Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước”.—MA-THI-Ơ 5:11.

1. Chúa Giê-su bảo đảm điều gì với các môn đồ liên quan đến hạnh phúc và sự ngược đãi?

LẦN đầu tiên khi phái các sứ đồ đi rao giảng về Nước Trời, Chúa Giê-su cảnh báo rằng họ sẽ bị chống đối. Ngài bảo họ: “Các ngươi lại sẽ bị thiên-hạ ghen-ghét vì danh ta”. (Ma-thi-ơ 10:5-18, 22) Tuy nhiên, trước đó trong Bài Giảng trên Núi, ngài bảo đảm với các sứ đồ và những người khác rằng sự chống đối đó không nhất thiết gây nguy hại cho niềm hạnh phúc sâu sắc của họ. Quả thật, Chúa Giê-su thậm chí liên kết hạnh phúc với việc bị bắt bớ, ngược đãi vì là tín đồ Đấng Christ! Làm sao việc ngược đãi có thể mang lại hạnh phúc?

Chịu bắt bớ vì sự công bình

2. Theo Chúa Giê-su và sứ đồ Phi-e-rơ, việc chịu khổ nào mang lại hạnh phúc?

2 Mối phúc thứ tám Chúa Giê-su nêu ra là: “Phước cho những kẻ chịu bắt-bớ vì sự công-bình, vì nước thiên-đàng là của những kẻ ấy!” (Ma-thi-ơ 5:10) Việc chịu khổ tự nó không có gì là đáng khen. Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Mình làm điều ác, bị đánh mà hay nhịn-chịu, thì có đáng khoe gì? Nhưng nếu anh em làm lành, mà nhịn-chịu sự khốn-khó, ấy là một ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời”. Ông nói thêm: “Trong anh em chớ có ai chịu khổ như kẻ giết người, như kẻ trộm-cướp, như kẻ hung-ác, như kẻ thày-lay việc người khác. Nhưng nếu có ai vì làm tín-đồ Đấng Christ mà chịu khổ, thì đừng hổ-thẹn; thà hãy vì danh ấy ngợi-khen Đức Chúa Trời là hơn”. (1 Phi-e-rơ 2:20; 4:15, 16) Theo lời của Chúa Giê-su thì việc chịu khổ vì sự công bình mới mang lại hạnh phúc.

3. (a) Chịu ngược đãi vì sự công bình có nghĩa gì? (b) Sự ngược đãi có hiệu quả nào đối với tín đồ Đấng Christ thời ban đầu?

3 Sự công bình thật được đánh giá dựa trên việc tuân theo ý muốn và mệnh lệnh của Đức Chúa Trời. Do đó chịu khổ vì sự công bình nghĩa là chịu khổ vì cưỡng lại áp lực vi phạm tiêu chuẩn hoặc đòi hỏi của Đức Chúa Trời. Các sứ đồ bị những nhà lãnh đạo Do Thái ngược đãi vì họ không chịu ngừng rao giảng nhân danh Chúa Giê-su. (Công-vụ 4:18-20; 5:27-29, 40) Điều này có làm họ mất niềm vui hay ngưng rao giảng không? Hoàn toàn không! “Các sứ-đồ từ tòa công-luận ra, đều hớn-hở về mình đã được kể là xứng-đáng chịu nhục vì danh Đức Chúa Jêsus. Ngày nào cũng vậy, tại trong đền-thờ hoặc từng nhà, sứ-đồ cứ dạy-dỗ rao-truyền mãi về Tin-lành của Đức Chúa Jêsus, tức là Đấng Christ”. (Công-vụ 5:41, 42) Sự ngược đãi đó đã mang lại niềm vui và càng khiến họ sốt sắng trong việc rao giảng. Sau đó, các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu bị dân Rô-ma ngược đãi vì từ chối không tham gia việc thờ hoàng đế.

4. Tín đồ Đấng Christ bị ngược đãi vì một số lý do nào?

4 Thời nay, Nhân Chứng Giê-hô-va bị ngược đãi vì không chịu ngừng rao giảng ‘tin-lành về nước Đức Chúa Trời’. (Ma-thi-ơ 24:14) Khi các buổi họp đạo Đấng Christ bị cấm, họ thà chịu khổ chứ không ngưng hội họp theo như mệnh lệnh Kinh Thánh. (Hê-bơ-rơ 10:24, 25) Họ bị ngược đãi vì sự trung lập của tín đồ Đấng Christ hoặc vì từ chối không lạm dụng máu. (Giăng 17:14; Công-vụ 15:28, 29) Tuy nhiên, nhờ giữ lập trường này vì sự công bình, dân Đức Chúa Trời ngày nay được hưởng nhiều sự bình an và hạnh phúc trong lòng.—1 Phi-e-rơ 3:14.

Bị sỉ nhục vì cớ Đấng Christ

5. Dân của Đức Giê-hô-va ngày nay bị ngược đãi vì lý do cơ bản nào?

5 Mối phúc thứ chín Chúa Giê-su bàn đến trong Bài Giảng trên Núi cũng liên quan đến vấn đề ngược đãi. Ngài nói: “Khi nào vì cớ ta mà người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ, và lấy mọi điều dữ nói vu cho các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước”. (Ma-thi-ơ 5:11) Lý do cơ bản tại sao dân Đức Giê-hô-va bị ngược đãi là vì họ không thuộc về hệ thống gian ác hiện nay. Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Nếu các ngươi thuộc về thế-gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế-gian và ta đã lựa-chọn các ngươi giữa thế-gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi”. (Giăng 15:19) Tương tự, sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Họ thấy anh em chẳng cùng họ theo sự dâm-dật bậy-bạ ấy, thì họ lấy làm lạ và gièm-chê”.—1 Phi-e-rơ 4:4.

6. (a) Tại sao những người xức dầu còn sót lại và bạn đồng đạo của họ bị sỉ nhục và ngược đãi? (b) Sự sỉ nhục đó có làm chúng ta mất niềm vui không?

6 Chúng ta thấy rằng tín đồ Đấng Christ thời ban đầu bị ngược đãi vì không ngưng rao giảng nhân danh Chúa Giê-su. Đấng Christ giao sứ mệnh cho môn đồ: “Các ngươi sẽ... làm chứng về ta... cho đến cùng trái đất”. (Công-vụ 1:8) Những anh em trung thành được xức dầu còn sót lại của Đấng Christ, với sự ủng hộ của những người bạn đồng đạo thuộc đám đông “vô-số người”, đã sốt sắng thi hành sứ mệnh đó. (Khải-huyền 7:9) Vì thế, Sa-tan tranh chiến “cùng con-cái khác của người [con cái của “người đàn-bà”, tổ chức của Đức Chúa Trời phần ở trên trời], là những kẻ vẫn giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jêsus”. (Khải-huyền 12:9, 17) Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta làm chứng về Chúa Giê-su, Vua đang cai trị của chính phủ Nước Trời, là Nước sẽ hủy diệt các chính phủ loài người hiện cản trở thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời. (Đa-ni-ên 2:44; 2 Phi-e-rơ 3:13) Vì thế chúng ta bị sỉ nhục và ngược đãi, nhưng vui mừng chịu khổ vì danh Đấng Christ.—1 Phi-e-rơ 4:14.

7, 8. Kẻ chống đối nói vu điều gì cho tín đồ Đấng Christ thời ban đầu?

7 Chúa Giê-su nói rằng môn đồ ngài nên xem mình có phước dù bị người ta “lấy mọi điều dữ nói vu cho” vì cớ ngài. (Ma-thi-ơ 5:11) Điều này chắc chắn đã xảy ra cho các tín đồ Đấng Christ thời ban đầu. Khi sứ đồ Phao-lô bị bắt giam ở Rô-ma, khoảng năm 59-61 CN, những người lãnh đạo Do Thái ở đó nói về tín đồ Đấng Christ: “Về phần đạo nầy, chúng tôi biết người ta hay chống-nghịch khắp mọi nơi”. (Công-vụ 28:22) Phao-lô và Si-la bị vu cho tội “gây thiên-hạ nên loạn-lạc”, “nghịch mạng Sê-sa”.—Công-vụ 17:6, 7.

8 Viết về tín đồ Đấng Christ vào thời Đế Chế La Mã, sử gia K. S. Latourette nói: “Có nhiều lời vu cáo. Vì không tham gia các nghi lễ ngoại giáo, tín đồ Đấng Christ bị gán vào hạng vô thần. Qua việc tránh tham gia vào nhiều sinh hoạt cộng đồng—các lễ hội ngoại giáo, những thú vui công cộng...—họ bị nhạo báng là bọn ghét loài người.... Người ta nói rằng nam nữ gặp nhau vào ban đêm... và có quan hệ bừa bãi.... Vì chỉ có những người tin đạo hiện diện khi [Lễ Tưởng Niệm sự chết của Đấng Christ] được cử hành, người ta đồn rằng tín đồ Đấng Christ thường dâng hài nhi để tế thần và uống máu ăn thịt đứa bé”. Ngoài ra, vì không tham gia việc thờ hoàng đế, các tín đồ thời ban đầu bị vu cáo là kẻ thù của chính quyền.

9. Tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất phản ứng ra sao trước những lời vu cáo, và tình trạng ngày nay thì sao?

9 Những lời vu cáo đó không cản trở tín đồ Đấng Christ thời ban đầu thi hành sứ mệnh rao giảng tin mừng về Nước Trời. Năm 60-61 CN, Phao-lô có thể nói về “tin-lành” có ‘kết-quả và tấn-bộ trong cả thế-gian’ và đã được “giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời”. (Cô-lô-se 1:5, 6, 23) Ngày nay cũng vậy, Nhân Chứng Giê-hô-va đang bị vu cáo giống như tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Song, ngày nay công việc rao giảng thông điệp Nước Trời phát triển mạnh và mang lại nhiều hạnh phúc cho những ai tham gia việc này.

Vui vẻ chịu sự ngược đãi giống các đấng tiên tri

10, 11. (a) Chúa Giê-su kết thúc lời giảng về mối phúc thứ chín như thế nào? (b) Tại sao các tiên tri bị ngược đãi? Hãy cho thí dụ.

10 Chúa Giê-su kết thúc lời giảng về mối phúc thứ chín như sau: “Hãy vui-vẻ,... bởi vì người ta cũng từng bắt-bớ các đấng tiên-tri trước các ngươi như vậy”. (Ma-thi-ơ 5:12) Các tiên tri mà Đức Giê-hô-va phái đi để cảnh báo dân Y-sơ-ra-ên bất trung đã bị khinh khi và thường bị ngược đãi. (Giê-rê-mi 7:25, 26) Chứng nhận sự kiện này, sứ đồ Phao-lô viết: “Ta còn nói chi nữa? Vì nếu ta muốn nói về... các đấng tiên-tri, thì không đủ thì-giờ. Những người đó bởi đức-tin đã... chịu nhạo-cười, roi-vọt, lại cũng chịu xiềng-xích lao-tù nữa”.—Hê-bơ-rơ 11:32-38.

11 Dưới triều đại vua gian ác A-háp và vợ là Giê-sa-bên, nhiều tiên tri của Đức Giê-hô-va bị giết bởi gươm. (1 Các Vua 18:4, 13; 19:10) Tiên tri Giê-rê-mi bị cùm lại và sau đó bị quăng xuống hố bùn. (Giê-rê-mi 20:1, 2; 38:6) Tiên tri Đa-ni-ên bị ném vào hang sư tử. (Đa-ni-ên 6:16, 17) Tất cả các tiên tri này trước thời Đấng Christ đều bị ngược đãi vì đã bênh vực sự thờ phượng thánh sạch của Đức Giê-hô-va. Nhiều tiên tri bị các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái ngược đãi. Chúa Giê-su gọi các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là “con cháu những người giết các đấng tiên-tri”.—Ma-thi-ơ 23:31.

12. Là Nhân Chứng Giê-hô-va, tại sao chúng ta xem việc bị ngược đãi như các tiên tri thời xưa là một đặc ân?

12 Ngày nay, là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta thường bị ngược đãi vì sốt sắng rao giảng tin mừng về Nước Trời. Kẻ thù vu cáo chúng ta là “cải đạo quá khích”, nhưng chúng ta biết rằng những người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va trước thời chúng ta cũng bị chỉ trích như thế. (Giê-rê-mi 11:21; 20:8, 11) Chúng ta xem là đặc ân khi chịu khổ vì cùng một lý do như các tiên tri trung thành thời xưa. Môn đồ Gia-cơ viết: “Hỡi anh em, hãy lấy các đấng tiên-tri đã nhân danh Chúa mà nói, làm mẫu-mực về sự chịu khổ và nhịn-nhục cho mình. Anh em biết rằng những kẻ nhịn-nhục chịu khổ thì chúng ta xưng là có phước”.—Gia-cơ 5:10, 11.

Những lý do sâu xa để hạnh phúc

13. (a) Tại sao chúng ta không nản lòng trước sự ngược đãi? (b) Điều gì giúp chúng ta đứng vững, và như vậy chứng tỏ gì?

13 Chẳng những không bị nản lòng trước sự ngược đãi, chúng ta còn được an ủi vì biết rằng mình đang noi theo dấu chân các tiên tri, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, và chính Chúa Giê-su Christ. (1 Phi-e-rơ 2:21) Qua Kinh Thánh, chúng ta có được niềm thỏa nguyện sâu sắc, chẳng hạn như những lời sau đây của sứ đồ Phi-e-rơ: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử-thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ-nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh-hiển và Thánh-Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em”. (1 Phi-e-rơ 4:12, 14) Qua kinh nghiệm chúng ta biết được rằng mình chỉ đứng vững được trước sự ngược đãi là nhờ có thánh linh Đức Giê-hô-va ngự trên chúng ta và củng cố chúng ta. Sự hỗ trợ của thánh linh là bằng chứng cho thấy chúng ta có ân phước của Đức Giê-hô-va, và điều này mang lại niềm hạnh phúc lớn.—Thi-thiên 5:12; Phi-líp 1:27-29.

14. Chúng ta có những lý do nào để vui mừng khi bị ngược đãi vì sự công bình?

14 Một lý do khác tại sao sự chống đối và ngược đãi vì sự công bình lại khiến chúng ta hạnh phúc là bởi điều đó chứng tỏ chúng ta đang sống đúng tư cách tín đồ thật của Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hết thảy mọi người muốn sống cách nhân-đức trong Đức Chúa Jêsus-Christ, thì sẽ bị bắt-bớ”. (2 Ti-mô-thê 3:12) Chúng ta hết sức vui sướng vì biết rằng việc giữ lòng trung kiên trước thử thách đưa ra câu trả lời cho lời tuyên bố của Sa-tan là tất cả tạo vật của Đức Giê-hô-va đều phụng sự Ngài vì tư lợi. (Gióp 1:9-11; 2:3, 4) Chúng ta vui mừng là mình có phần, dù rất nhỏ, trong việc biện minh cho quyền tối thượng công bình của Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 27:11.

Hãy nức lòng mừng rỡ về phần thưởng

15, 16. (a) Chúa Giê-su cho chúng ta lý do nào để “vui-vẻ, và nức lòng mừng-rỡ”? (b) Phần thưởng nào ở trên trời được dành sẵn cho các tín đồ xức dầu, và bạn đồng đạo thuộc lớp “chiên khác” của họ cũng được thưởng như thế nào?

15 Chúa Giê-su đưa ra thêm một lý do để vui mừng khi bị vu khống và ngược đãi như các tiên tri thời xưa. Ở phần cuối lời giảng về mối phúc thứ chín, ngài nói: “Hãy vui-vẻ, và nức lòng mừng-rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời sẽ lớn lắm”. (Ma-thi-ơ 5:12) Sứ đồ Phao-lô viết: “Tiền công của tội-lỗi là sự chết; nhưng sự ban-cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus-Christ, Chúa chúng ta”. (Rô-ma 6:23) Đúng vậy, ‘phần thưởng lớn’ là sự sống, và đó không phải là tiền công mà chúng ta có thể kiếm được, nhưng đó là sự ban cho. Chúa Giê-su nói rằng phần thưởng đó “ở trên trời” vì đến từ Đức Giê-hô-va.

16 Những người xức dầu được ban cho “mão triều-thiên của sự sống”, trong trường hợp của họ nghĩa là sự sống bất tử với Đấng Christ ở trên trời. (Gia-cơ 1:12, 17) Những người với hy vọng sống trên đất, tức các “chiên khác”, trông chờ được hưởng sự sống đời đời trong địa đàng. (Giăng 10:16; Khải-huyền 21:3-5) Đối với cả hai lớp người này, “phần thưởng” không phải do công sức mà đạt được. Cả hai nhóm này nhận được phần thưởng do “ân-điển quá đỗi” của Đức Giê-hô-va, là điều đã khiến sứ đồ Phao-lô cảm kích thốt lên: “Tạ ơn Đức Chúa Trời, vì sự ban-cho của Ngài không xiết kể”.—2 Cô-rinh-tô 9:14, 15.

17. Tại sao chúng ta có thể hạnh phúc thậm chí “nức lòng mừng-rỡ” khi bị ngược đãi?

17 Nói với tín đồ Đấng Christ, một số người này sắp bị ngược đãi tàn ác bởi Hoàng Đế Nero, sứ đồ Phao-lô viết: “Chúng ta cũng khoe mình trong hoạn-nạn nữa, vì biết rằng hoạn-nạn sanh sự nhịn-nhục, sự nhịn-nhục sanh sự rèn-tập, sự rèn-tập sanh sự trông-cậy. Vả, sự trông-cậy không làm cho hổ-thẹn”. Ông cũng nói: “Hãy vui-mừng trong sự trông-cậy, nhịn-nhục trong sự hoạn-nạn”. (Rô-ma 5:3-5; 12:12) Dù có hy vọng sống trên trời hay dưới đất, phần thưởng chúng ta nhận được nhờ đã trung thành trước thử thách thì vô cùng lớn so với bất cứ điều gì khác chúng ta đáng được hưởng. Trước viễn cảnh sống đời đời để phụng sự và ca ngợi Cha yêu thương là Đức Giê-hô-va dưới sự cai tri của Vua chúng ta là Chúa Giê-su Christ, niềm vui của chúng ta là vô tận. Vì thế chúng ta “nức lòng mừng-rỡ”.

18. Các dân tộc sẽ làm gì khi chúng ta tiến gần đến sự cuối cùng, và Đức Giê-hô-va sẽ hành động ra sao?

18 Trong một số nước, Nhân Chứng Giê-hô-va đã từng và vẫn còn bị ngược đãi. Trong lời tiên tri về sự kết liễu hệ thống mọi sự, Chúa Giê-su cảnh báo các tín đồ thật: “Các ngươi sẽ bị mọi dân ghen-ghét vì danh ta”. (Ma-thi-ơ 24:9, chúng tôi viết nghiêng). Khi chúng ta tiến gần đến sự cuối cùng, Sa-tan sẽ khích động các dân tộc biểu lộ lòng ghen ghét đối với dân của Đức Giê-hô-va. (Ê-xê-chi-ên 38:10-12, 14-16) Điều này sẽ báo hiệu thời điểm Đức Giê-hô-va ra tay hành động. “Ta sẽ làm sáng danh ta, sẽ tỏ mình ra thánh, và sẽ được nhận-biết trước mắt nhiều dân-tộc. Chúng nó sẽ biết rằng ta là Đức Giê-hô-va”. (Ê-xê-chi-ên 38:23) Vì thế, Đức Giê-hô-va sẽ làm thánh danh vĩ đại của Ngài và giải thoát dân Ngài khỏi sự ngược đãi. Bởi vậy, “phước cho người... chịu nổi sự thử-thách”.—Gia-cơ 1:12.

19. Trong lúc chờ đợi “ngày Đức Chúa Trời”, chúng ta nên làm gì?

19 “Ngày Đức Chúa Trời” càng lúc càng gần, chúng ta hãy vui mừng vì “được kể là xứng-đáng chịu nhục” vì danh Chúa Giê-su. (2 Phi-e-rơ 3:10-13; Công-vụ 5:41) Giống như tín đồ Đấng Christ thời ban đầu, mong sao chúng ta tiếp tục “dạy-dỗ rao-truyền mãi về tin-lành của Đức Chúa Jêsus” và chính phủ Nước ngài trong lúc chờ đợi phần thưởng mình trong thế giới mới công bình của Đức Giê-hô-va.—Công-vụ 5:42; Gia-cơ 5:11.

Để ôn lại

• Chịu khổ vì sự công bình có nghĩa gì?

• Sự ngược đãi có hiệu quả nào đối với tín đồ Đấng Christ thời ban đầu?

• Tại sao có thể nói rằng Nhân Chứng Giê-hô-va bị ngược đãi giống như các tiên tri thời xưa?

• Tại sao chúng ta có thể “vui-vẻ, và nức lòng mừng-rỡ” khi bị ngược đãi?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 16, 17]

‘Khi nào người ta mắng-nhiếc, bắt-bớ các ngươi, thì các ngươi sẽ được phước’

[Nguồn tư liệu]

Nhóm trong tù: Chicago Herald-American