Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng tôi cương quyết chọn sự cai trị của Đức Chúa Trời

Chúng tôi cương quyết chọn sự cai trị của Đức Chúa Trời

Tự Truyện

Chúng tôi cương quyết chọn sự cai trị của Đức Chúa Trời

DO MICHAL ŽOBRÁK KỂ LẠI

Sau một tháng biệt giam, tôi bị lôi ra gặp người thẩm vấn. Chẳng bao lâu, mặt ông đỏ lên và quát tháo: “Mày là gián điệp, gián điệp của Mỹ!” Điều gì đã làm cho ông giận dữ như thế? Ông vừa hỏi tôi theo đạo gì, và tôi đã trả lời: “Tôi là Nhân Chứng Giê-hô-va”.

SỰ VIỆC kể trên đã xảy ra hơn nửa thế kỷ. Lúc ấy xứ tôi ở dưới sự cai trị của chính phủ vô thần. Nhưng nhiều năm trước đó chúng tôi từng gặp sự chống đối dữ dội đối với công việc dạy dỗ Kinh Thánh của tín đồ Đấng Christ.

Chịu hậu quả đau đớn của chiến tranh

Tôi được tám tuổi khi Thế Chiến I bùng nổ vào năm 1914. Khi ấy làng Zálužice của tôi sống dưới chế độ quân chủ thuộc Đế Quốc Áo-Hung. Chiến tranh không những thay đổi cục diện thế giới mà còn đột ngột chấm dứt tuổi thơ của tôi. Cha tôi là quân nhân, đã bị tử trận ngay năm đầu của cuộc chiến; để lại mẹ, hai em gái và tôi trong cảnh nghèo túng, khốn khổ. Là trưởng nam, không lâu sau tôi phải đảm đương nhiều trách nhiệm tại nông trại nhỏ của gia đình và các việc trong nhà. Ngay từ lúc còn nhỏ, tôi rất sùng đạo. Thậm chí ông mục sư thuộc Giáo Hội Cải Cách (phái Calvin) nhờ tôi thay ông dạy các bạn cùng trường khi ông đi vắng.

Đến năm 1918, cuộc Đại Chiến chấm dứt, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Đế Quốc Áo-Hung bị lật đổ, và chúng tôi trở thành công dân của Cộng Hòa Czechoslovakia. Không lâu sau, nhiều người trong vùng chúng tôi từng di cư sang Hoa Kỳ đã hồi hương. Trong số đó có Michal Petrík, anh đến làng chúng tôi vào năm 1922. Khi anh đến thăm một gia đình trong khu xóm chúng tôi, mẹ và tôi cũng được mời dự.

Sự cai trị của Đức Chúa Trời trở nên thật đối với chúng tôi

Anh Michal là Học Viên Kinh Thánh, tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va thời đó, và anh đã nói về những đề tài Kinh Thánh quan trọng khiến tôi chú ý. Đề tài nổi bật nhất là Nước Đức Giê-hô-va sắp đến để cai trị. (Đa-ni-ên 2:44) Khi anh nói là sẽ có một buổi họp đạo Đấng Christ tại làng Záhor vào Chủ Nhật tới, tôi quyết tâm đến dự. Tôi thức dậy lúc 4 giờ sáng, đi bộ khoảng tám kilômét đến nhà người bà con để mượn xe đạp. Sau khi vá bánh xe xẹp, tôi đạp xe 24 kilômét nữa mới đến Záhor. Tôi không biết buổi họp sẽ tổ chức nơi đâu, nên tôi đạp xe từ từ trên một con đường. Rồi thì tôi nhận ra tiếng nhạc một bài hát Nước Trời đang hát vang ra từ một căn nhà. Lòng tôi vui mừng rộn rã. Sau khi vào nhà giải thích lý do mà tôi đến, gia đình ấy mời tôi cùng ăn sáng, rồi sau đó đưa tôi đi họp. Dù phải vừa đạp xe vừa đi bộ 32 kilômét nữa để về nhà, tôi không cảm thấy mệt mỏi chút nào.—Ê-sai 40:31.

Tôi bị thu hút bởi những lời giải thích thật rõ ràng của Nhân Chứng Giê-hô-va dựa vào Kinh Thánh. Triển vọng được vui hưởng cuộc sống trọn vẹn và thỏa nguyện dưới sự cai trị của Đức Chúa Trời đã động đến lòng tôi. (Thi-thiên 104:28) Mẹ và tôi quyết định viết thư xin rút tên ra khỏi nhà thờ. Điều này đã gây nhiều xôn xao trong làng. Một số người thậm chí không muốn nói chuyện với chúng tôi trong một thời gian, bù lại chúng tôi có được sự kết hợp tốt với nhiều Nhân Chứng trong vùng. (Ma-thi-ơ 5:11, 12) Không lâu sau, tôi làm báp têm tại Sông Uh.

Thánh chức trở nên lối sống của chúng tôi

Chúng tôi tìm mọi cơ hội để rao giảng về Nước của Đức Giê-hô-va. (Ma-thi-ơ 24:14) Chúng tôi đặc biệt tập trung vào những đợt rao giảng được tổ chức kỹ lưỡng vào ngày Chủ Nhật. Thông thường những người sống vào thời đó thức dậy sớm, nên chúng tôi có thể bắt đầu rao giảng khá sớm. Rồi muộn hơn trong ngày, chúng tôi tổ chức buổi họp công cộng. Những người giảng dạy Kinh Thánh thường nói ứng khẩu. Họ lưu ý về số người chú ý đến dự, những người đó theo đạo gì và quan tâm đến vấn đề nào.

Những lẽ thật Kinh Thánh mà chúng tôi rao giảng đã mở mắt nhiều người có lòng thành thật. Không lâu sau khi báp têm, tôi rao giảng tại làng Trhovište. Tại một căn nhà, tôi nói chuyện với một người đàn bà rất tử tế và thân thiện tên là Zuzana Moskal. Bà và gia đình theo phái Calvin như tôi lúc trước. Dù quen thuộc với Kinh Thánh, bà vẫn còn nhiều thắc mắc mà chưa tìm được câu trả lời. Chúng tôi thảo luận cả giờ đồng hồ, và tôi để lại cho bà quyển The Harp of God (Đàn cầm của Đức Chúa Trời). *

Gia đình Moskal liền đọc chung sách Đàn cầm trong buổi đọc Kinh Thánh thường xuyên của gia đình. Nhiều gia đình khác trong làng đó cũng chú ý và bắt đầu dự các buổi họp của chúng tôi. Mục sư phái Calvin mạnh mẽ lên tiếng cảnh báo, kêu gọi tẩy chay chúng tôi và các sách báo của chúng tôi. Sau đó một số người chú ý đề nghị ông đến dự nhóm họp của chúng tôi để chứng minh các dạy dỗ của chúng tôi là sai qua một cuộc thảo luận công khai.

Mục sư đã đến, nhưng ông không thể dựa vào Kinh Thánh đưa ra một luận cứ nào chứng minh cho sự dạy dỗ của ông. Để bào chữa, ông nói: “Chúng ta không thể tin hết tất cả những gì ghi trong Kinh Thánh, vì do con người viết ra và những câu hỏi về tôn giáo có thể giải thích bằng những cách khác nhau”. Cuộc thảo luận đó là một bước ngoặt cho nhiều người. Một số nói với mục sư là vì ông không tin Kinh Thánh nên họ sẽ không đến nghe bài giảng của ông nữa. Vì thế, họ cắt đứt liên hệ với Giáo Phái Calvin, và khoảng 30 người trong làng đã cương quyết ủng hộ lẽ thật Kinh Thánh.

Rao giảng tin mừng về Nước Trời đã trở thành lối sống của chúng tôi; nên khi tìm một người bạn đời, điều tự nhiên là tôi tìm nơi một gia đình mạnh về thiêng liêng. Tôi gặp Mária là con gái của Ján Petruška, một người nhận lẽ thật ở Hoa kỳ và là bạn cùng rao giảng với tôi. Giống như cha cô, Mária sốt sắng làm chứng với mọi người, và điều đó đã làm tôi cảm phục. Chúng tôi thành hôn năm 1936, và Mária là người bạn đời chung thủy của tôi suốt 50 năm cho đến lúc qua đời vào năm 1986. Năm 1938, đứa con trai duy nhất của chúng tôi là Eduard ra đời. Lúc ấy, một cuộc chiến khác ở Âu Châu dường như không thể tránh được. Điều đó ảnh hưởng thế nào đến việc rao giảng của chúng tôi?

Sự trung lập của tín đồ Đấng Christ bị thử thách

Khi Thế Chiến II bắt đầu, Slovakia, lúc ấy trở thành một quốc gia độc lập, thuộc dưới quyền ảnh hưởng của Quốc Xã, nhưng chính quyền không có một hành động cụ thể nào chống tổ chức Nhân Chứng Giê-hô-va. Dĩ nhiên là chúng tôi phải hoạt động bí mật, các ấn phẩm thì bị kiểm duyệt. Dù vậy, chúng tôi tiếp tục kín đáo thi hành thánh chức.—Ma-thi-ơ 10:16.

Khi cuộc chiến trở nên sôi động hơn, tôi bị bắt nhập ngũ, dù đã trên 35 tuổi. Tôi từ chối tham gia chiến tranh vì lập trường trung lập của tín đồ Đấng Christ. (Ê-sai 2:2-4) Mừng thay, trước khi giới thẩm quyền quyết định về cách xử lý tôi, thì tất cả những người thuộc lớp tuổi của tôi đều được cho về.

Nhận thấy đời sống các anh chị ở thành phố chật vật hơn chúng tôi nơi nông thôn, nên chúng tôi muốn chia sẻ những gì mình có. (2 Cô-rinh-tô 8:14) Vì thế, chúng tôi mang thật nhiều thức ăn có thể mang được đến vùng Bratislava, một chuyến hành trình dài 500 kilômét. Tình bạn và tình yêu thương khắng khít giữa tín đồ Đấng Christ hình thành vào những năm chiến tranh đã nâng đỡ chúng tôi trong những năm khó khăn sau đó.

Nhận được sự khích lệ cần thiết

Sau Thế Chiến II, Slovakia một lần nữa sáp nhập lại với Czechoslovakia. Từ năm 1946 đến 1948, những đại hội toàn quốc của Nhân Chứng Giê-hô-va được tổ chức tại Brno hoặc tại Prague. Chúng tôi từ vùng đông Slovakia di chuyển trên chuyến xe lửa đặc biệt dành cho các đại biểu dự đại hội. Có thể gọi đây là đoàn xe lửa ca hát vì chúng tôi ca hát trong suốt đoạn đường.—Công-vụ 16:25.

Tôi đặc biệt nhớ đến đại hội năm 1947 ở Brno, với sự hiện diện của ba anh giám thị từ trụ sở trung ương quốc tế, trong đó có anh Nathan H. Knorr. Để loan báo bài diễn văn công cộng, nhiều người trong chúng tôi đeo bảng thông báo tựa đề bài giảng và đi quanh đường phố. Con trai chúng tôi là Eduard, lúc đó mới chín tuổi, cháu rất buồn vì không nhận được tấm bảng nào. Vì thế các anh đã làm bảng nhỏ hơn không những cho cháu mà còn cho nhiều em trẻ khác. Nhóm người trẻ này đã đóng góp nhiều trong việc loan báo bài giảng đó!

Tháng 2 năm 1948, chế độ khác lên nắm quyền. Chúng tôi biết rằng việc chính quyền ngăn trở thánh chức chỉ là vấn đề thời gian. Một đại hội tổ chức tại Prague vào tháng 9 năm 1948, chúng tôi xúc động mạnh khi tiên liệu là sẽ có một sự cấm đoán khác đối với việc nhóm họp, chỉ ba năm sau khi được tự do hội họp. Trước khi rời đại hội chúng tôi thông qua một nghị quyết, sau đây là một phần trích của nghị quyết đó: “Chúng ta, là Nhân Chứng Giê-hô-va, nhóm lại trong kỳ đại hội này,... quyết tâm gia tăng hơn nữa công việc đầy thỏa nguyện này, và nhờ vào ân điển của Chúa mà bền lòng trong mọi hoàn cảnh để công bố tin mừng về Nước Đức Chúa Trời với lòng sốt sắng bội phần”.

“Kẻ thù của Nhà Nước”

Chỉ hai tháng sau đại hội ở Prague, công an chìm đã bố ráp nhà Bê-tên gần thành phố Prague. Họ chiếm hữu tài sản, tịch thu các ấn phẩm mà họ tìm được, bắt giữ tất cả các thành viên nhà Bê-tên và một số anh khác. Nhưng còn nhiều điều khác nữa sắp xảy ra.

Vào đêm mồng 3 rạng 4 tháng 2 năm 1952, lực lượng an ninh lùng khắp nước và bắt hơn 100 Nhân Chứng kể cả tôi. Khoảng ba giờ sáng, công an đánh thức cả gia đình tôi, và không nêu lý do, họ bảo tôi đi với họ. Tôi bị xiềng, bịt mắt và tống lên xe cùng với một số người khác. Cuối cùng tôi bị biệt giam.

Cả tháng trôi qua không có ai nói chuyện với tôi. Tôi chỉ thấy có người lính canh thảy một ít thức ăn qua lỗ nhỏ ở cánh cửa. Rồi họ điệu tôi lên thẩm vấn như đã kể ở phần đầu. Sau khi gán cho tôi là gián điệp, ông nói tiếp: “Tôn giáo là điên rồ. Không có Chúa, có Trời nào cả! Chúng tao không để mày lừa bịp giai cấp công nhân đâu. Mày sẽ bị treo cổ hay chết rục xác trong tù. Và nếu Chúa Trời của mày bén mảng tới đây, chúng tao cũng giết luôn!”

Giới thẩm quyền biết rằng không có một luật lệ rõ ràng nào cấm các hoạt động của tín đồ Đấng Christ, vì thế họ muốn liệt hoạt động của chúng tôi vào loại không hợp pháp bằng cách gán ghép chúng tôi là “kẻ thù của Nhà Nước” và là tình báo cho nước ngoài. Để làm điều đó, họ cần phải đánh đổ ý chí và bắt chúng tôi “nhận” tội danh mà họ gán ghép. Sau đêm thẩm vấn đó, tôi không được phép ngủ. Vài giờ sau, tôi lại bị thẩm vấn. Lần này viên thẩm tra muốn tôi ký vào một tờ khai với những lời như sau: “Tôi là kẻ thù của nước Dân Chủ Czechoslovakia, đã không gia nhập [hợp tác xã nông trường] vì tôi chờ người Mỹ đến”. Khi từ chối ký tên vào tờ khai sai sự thật đó, tôi bị gửi đến khu cải huấn.

Tôi bị cấm không cho ngủ, nằm và ngay cả ngồi, nhưng chỉ được đứng hay đi qua đi lại mà thôi. Khi tôi đã kiệt sức và nằm trên nền xi măng, thì lính gác đưa tôi trở lại phòng thẩm vấn. “Mày chịu ký tên chưa?” người thẩm vấn hỏi. Lại một lần nữa tôi từ chối, ông đấm vào mặt tôi, khiến máu chảy ra. Ông gằn giọng kêu lính gác: “Nó muốn tự tử, hãy canh chừng đừng để nó tự tử!” Rồi tôi lại bị biệt giam. Trong sáu tháng liền, nhiều lần tôi bị thẩm vấn như thế. Không có sự thuyết phục hay mưu kế nào nhằm làm cho tôi nhận là kẻ thù của Nhà Nước lại có thể làm yếu đi quyết tâm của tôi trong việc giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va.

Một tháng trước khi tôi phải ra tòa, một công tố viên từ Prague đến thẩm vấn mỗi người trong nhóm gồm 12 người chúng tôi. Ông hỏi tôi: “Anh sẽ làm gì nếu các đế quốc Tây Phương tấn công đất nước này?” “Như tôi đã làm khi nước này cùng với Hitler tấn công Liên Xô. Lúc đó tôi không tham chiến và bây giờ cũng vậy, tôi đứng trung lập vì là tín đồ Đấng Christ”. Sau đó, ông nói với tôi: “Chúng tôi không thể khoan dung Nhân Chứng Giê-hô-va. Chúng tôi cần có binh lính khi đế quốc Tây Phương tấn công, và chúng tôi cần binh lính để giải phóng giai cấp công nhân ở phương Tây”.

Ngày 24-7-1953, chúng tôi bị đưa vào phòng xử án. Từng người trong số 12 người chúng tôi bị gọi ra trước một ban thẩm phán. Chúng tôi nắm lấy cơ hội làm chứng về đức tin mình. Sau lời đáp của chúng tôi trước những lời buộc tội sai trái, một luật sư đứng lên nói: “Tôi đã dự nhiều phiên xử tại tòa án này, thường thì thấy nhiều người thú tội, ăn năn và ngay cả khóc lóc. Nhưng khi rời nơi đây những người này sẽ còn mạnh hơn khi mới bước vào”. Sau đó, cả 12 người chúng tôi bị kết tội âm mưu chống lại Nhà Nước. Tôi lãnh bản án ba năm tù với tất cả tài sản đều bị quốc hữu hóa.

Không bị cản trở bởi tuổi già

Sau khi được thả về nhà, tôi vẫn bị công an chìm theo dõi. Bất chấp điều đó, tôi tiếp tục những hoạt động thần quyền và được trao trách nhiệm coi sóc về thiêng liêng trong hội thánh. Dù được phép ở trong căn nhà bị tịch thu của chúng tôi, nhưng mãi đến 40 năm sau, căn nhà mới chính thức được trao trả lại cho chúng tôi khi chế độ thay đổi.

Tôi không phải là người cuối cùng trong gia đình tôi bị ngồi tù. Tôi về nhà chỉ được ba năm thì Eduard bị bắt nhập ngũ. Vì lương tâm được Kinh Thánh huấn luyện, Eduard đã từ chối nên bị bắt bỏ tù. Nhiều năm sau, thậm chí cháu nội của tôi là Peter cũng trải qua kinh nghiệm đó dù sức khỏe cháu yếu.

Năm 1989, chế độ ở Czechoslovakia thay đổi. Tôi thật vui mừng được tự do rao giảng từng nhà sau 40 năm bị cấm đoán! (Công-vụ 20:20) Bao lâu mà sức khỏe còn cho phép, thì bấy lâu tôi thích thú làm công việc này. Nay tôi đã 98 tuổi, sức khỏe không còn như trước, nhưng tôi vui vì vẫn có thể làm chứng với người khác về những lời hứa tuyệt vời của Đức Giê-hô-va về tương lai.

Tôi có thể kể ra 12 vị lãnh đạo của năm quốc gia đã cai trị làng tôi; gồm những nhà độc tài, những chủ tịch và một vị vua. Nhưng không một người nào đưa ra được giải pháp lâu dài cho các vấn đề khó khăn mà người dân gặp phải dưới sự cai trị của họ. (Thi-thiên 146:3, 4) Tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va vì được biết về Ngài khi còn trẻ, nhờ thế mà tôi biết được giải pháp của Ngài qua Nước của Đấng Mê-si và tránh được một cuộc sống vô nghĩa, không có Đức Chúa Trời. Tôi đã tích cực rao giảng tin tốt lành nhất trong hơn 75 năm qua, nhờ đó tôi có mục tiêu trong đời, được thỏa nguyện và một hy vọng tươi sáng về sự sống đời đời trên đất. Tôi có thể mong mỏi gì hơn nữa? *

[Chú thích]

^ đ. 14 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản, nhưng nay không còn ấn hành nữa.

^ đ. 38 Buồn thay, khi bài này đang được chuẩn bị ấn hành, anh Michal Žobrák đã kiệt lực và từ trần trong sự trung thành với lòng tin chắc nơi niềm hy vọng sống lại.

[Hình nơi trang 26]

Ít lâu sau ngày cưới

[Hình nơi trang 26]

Với Eduard vào đầu thập niên 1940

[Hình nơi trang 27]

Loan báo về đại hội tại Brno, năm 1947