Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Con người có thể sống bao lâu?

Con người có thể sống bao lâu?

Con người có thể sống bao lâu?

VÀO ngày 3 tháng 3 năm 1513, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Juan Ponce de León bắt đầu một cuộc hành trình đáng chú ý. Ông giương buồm khởi hành từ Puerto Rico với hy vọng đến được đảo Bimini. Theo truyền thuyết, ông muốn tìm kiếm một dòng suối mầu nhiệm—Suối Trường Xuân. Nhưng cuối cùng ông đã đến một nơi nay là tiểu bang Florida của Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, ông không hề tìm thấy dòng suối đó vì nó không có thật.

Ngày nay, thông thường một người sống không quá 70 hay 80 tuổi. Dù vào thời Kinh Thánh, người ta có tuổi thọ rất cao nhưng theo sách 2002 Guinness Book of World Records (Kỷ lục thế giới Guinness 2002), người thọ nhất từ xưa tới nay sống được 122 năm và 164 ngày. (Sáng-thế Ký 5:3-32) Tuy nhiên, chuyên gia đạo đức sinh học John Harris nói: “Các cuộc nghiên cứu mới đây đã hé ra tia hy vọng về một thế giới mà trong đó tuổi già, và ngay cả sự chết, không còn là định mệnh nữa”. Một số nhà nghiên cứu ở thế kỷ 21 này đã nói đến “sự bất tử thật sự”, “tuổi thọ của con người vào năm 2099 không còn bị giới hạn nữa”, “khả năng khiến tế bào phân chia không ngừng” và những lời giống như vậy.

Trong cuốn The Dream of Eternal Life (Giấc mơ trường sinh), tác giả Mark Benecke viết: “Trong một đời người, hầu như toàn bộ cơ thể được tái tạo nhiều lần... Cứ khoảng bảy năm, chúng ta lại được thay mới toàn diện theo đúng nghĩa của từ đó”. Tuy nhiên, quá trình này không tiếp tục mãi bởi vì tế bào ngưng phân chia sau một số lần nhất định. Nếu không bị như thế thì theo ông Benecke, “cơ thể con người có thể tiếp tục tự tái tạo trong một thời gian rất dài, thậm chí đến vô tận”.

Cũng hãy lưu ý khả năng kỳ lạ của bộ não người. Trong một đời người khá ngắn ngủi, chúng ta chỉ sử dụng một phần rất nhỏ tiềm năng của bộ não. Theo cuốn Encyclopædia Britannica (xuất bản năm 1976, Tập 12, trang 998), bộ não người “được phú cho một tiềm năng lớn hơn nhiều so với mức có thể được sử dụng trong một đời người”. Cuốn sách How the Brain Learns (Cách bộ não học hỏi, xuất bản lần thứ hai vào năm 2001, trang 78) của David A. Sousa viết: “Bộ não có khả năng thu thập thông tin hầu như vô giới hạn”.

Tại sao các nhà nghiên cứu không thể tìm ra nguyên nhân về mặt sinh lý của sự chết? Tại sao bộ não người có tiềm năng lớn như thế? Phải chăng chúng ta được tạo ra để thâu thập sự hiểu biết mãi mãi? Và tại sao chúng ta có khái niệm về sự sống vĩnh cửu?

Kinh Thánh cho biết: “[Đức Chúa Trời] khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công-việc Đức Chúa Trời làm từ ban-đầu đến cuối-cùng, người không thế hiểu được”. (Truyền-đạo 3:11) Những lời này chứng tỏ Đức Chúa Trời đã đặt ý tưởng sống đời đời trong lòng chúng ta, và chúng ta sẽ luôn luôn có nhiều điều để học hỏi về Đức Chúa Trời và công việc của Ngài. Thật vậy, nếu được sống hàng tỉ năm—sống mãi mãi—chúng ta sẽ luôn có thể học hỏi thêm về những công trình sáng tạo kỳ diệu của Đức Chúa Trời.

Những lời của Chúa Giê-su Christ cũng cho thấy con người có thể trường sinh bất tử. Ngài nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”. (Giăng 17:3, chúng tôi viết nghiêng). Bạn nghĩ thế nào? Bạn có muốn trường sinh bất tử không?

[Các hình nơi trang 3]

Juan Ponce de León muốn tìm kiếm suối trường xuân

[Nguồn tư liệu]

Ponce de León: Harper’s Encyclopædia of United States History