Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va, Đấng dò xét lòng

Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va, Đấng dò xét lòng

Hãy tìm kiếm Đức Giê-hô-va, Đấng dò xét lòng

“Hãy tìm-kiếm ta, thì các ngươi sẽ sống!”—A-MỐT 5:4.

1, 2. Khi Kinh Thánh nói Đức Giê-hô-va “nhìn-thấy trong lòng”, điều đó có nghĩa gì?

GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI bảo nhà tiên tri Sa-mu-ên: “Loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê-hô-va nhìn-thấy trong lòng”. (1 Sa-mu-ên 16:7) Đức Giê-hô-va “nhìn-thấy trong lòng” như thế nào?

2 Trong Kinh Thánh, lòng thường tượng trưng cho con người bề trong—những mong ước, ý tưởng, cảm xúc và tình cảm của người ấy. Vì thế khi Kinh Thánh nói Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng, điều đó có nghĩa là Ngài nhìn thấu qua ngoại diện và chú ý vào con người thật sự bên trong.

Đức Chúa Trời dò xét Y-sơ-ra-ên

3, 4. Theo A-mốt 6:4-6, có tình trạng nào trong nước Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái?

3 Khi Đấng dò xét lòng nhìn xuống nước Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái vào thời A-mốt, Ngài thấy gì? A-mốt 6:4-6 nói đến những người “nằm ngủ trên giường ngà và duỗi dài trên ghế dài mình”. Họ đang “ăn những chiên con chọn ra trong bầy và những bò con mập trong chuồng”. Những người đó “bày-vẽ ra những đồ nhạc-khí cho mình” và “uống rượu trong những chén lớn”.

4 Thoạt nhìn, cảnh này trông có vẻ thích mắt. Trong cảnh an nhàn với nhà cửa đầy đủ tiện nghi, những người giàu thưởng thức đồ ăn thức uống ngon nhất và được tiêu khiển bởi những nhạc khí hay nhất. Họ cũng có “giường ngà”. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều đồ bằng ngà voi được chạm trỗ thật sắc xảo tại Sa-ma-ri, thủ đô nước Y-sơ-ra-ên. (1 Các Vua 10:22) Rất có thể, nhiều thứ này được khảm lên đồ đạc và vách nhà.

5. Tại sao Đức Chúa Trời phật lòng về dân Y-sơ-ra-ên vào thời A-mốt?

5 Có phải Đức Giê-hô-va phật lòng vì dân Y-sơ-ra-ên sống an nhàn sung túc, thưởng thức những thức ăn hương vị, uống rượu ngon và nghe những điệu nhạc du dương không? Dĩ nhiên là không! Xét cho cùng, Ngài cung cấp dư dật những thứ đó để cho con người vui hưởng. (1 Ti-mô-thê 6:17) Điều làm Đức Giê-hô-va phật lòng chính là những ham muốn sai trái và lòng gian ác của họ, cũng như thái độ bất kính đối với Đức Chúa Trời, và thiếu lòng yêu thương đối với những anh em Y-sơ-ra-ên.

6. Y-sơ-ra-ên ở trong tình trạng nào về thiêng liêng vào thời A-mốt?

6 Những người ‘duỗi dài trên ghế dài mình; ăn những chiên con chọn ra trong bầy, uống rượu, và bày-vẽ ra những đồ nhạc-khí’ sẽ gặp điều bất ngờ. Những người đó bị chất vấn: “Các ngươi làm cho ngày hoạn-nạn xa ra” chăng? Đáng lẽ phải đau buồn nhiều về tình trạng ở Y-sơ-ra-ên, nhưng họ “không lo đến tai-nạn của Giô-sép”. (A-mốt 6:3-6) Nhìn thấu qua sự phồn thịnh về kinh tế của quốc gia này, Đức Giê-hô-va thấy rằng Giô-sép—tức Y-sơ-ra-ên—đang lâm vào tình trạng thê thảm về thiêng liêng. Thế nhưng dân chúng vẫn bình thản sinh hoạt như không có gì xảy ra. Ngày nay nhiều người có thái độ tương tự. Họ có thể nhìn nhận rằng đây là thời kỳ khó khăn, nhưng miễn là cá nhân họ không bị ảnh hưởng, thì họ chẳng quan tâm gì đến sự khốn khổ của người khác, và không chú ý gì đến vấn đề thiêng liêng.

Y-sơ-ra-ên—Một quốc gia đang suy đồi

7. Điều gì sẽ xảy ra nếu dân Y-sơ-ra-ên không nghe theo lời cảnh báo của Đức Chúa Trời?

7 Bất kể vẻ bề ngoài của nước này, sách A-mốt phác họa hình ảnh của một quốc gia đang suy đồi. Vì dân chúng không nghe theo lời cảnh cáo của Đức Chúa Trời và không sửa đổi quan điểm của mình, nên Đức Giê-hô-va sẽ để cho họ rơi vào tay kẻ thù. Người A-si-ri sẽ đến bắt lấy họ từ trên các ghế dài bằng ngà lộng lẫy mà kéo họ đến chốn lưu đày. Họ không còn hưởng nhàn nữa!

8. Y-sơ-ra-ên đã bắt đầu rơi vào tình trạng suy đồi về thiêng liêng như thế nào?

8 Làm sao dân Y-sơ-ra-ên đã rơi vào thảm trạng này? Mọi việc bắt đầu vào năm 997 TCN, khi con Vua Sa-lô-môn là Rô-bô-am lên nối ngôi cha và mười chi phái Y-sơ-ra-ên tách khỏi hai chi phái Giu-đa và Bên-gia-min. Vua đầu tiên của vương quốc Y-sơ-ra-ên mười chi phái là Giê-rô-bô-am I, “con trai của Nê-bát”. (1 Các Vua 11:26) Giê-rô-bô-am thuyết phục dân chúng trong lãnh thổ của ông rằng việc đi đến Giê-ru-sa-lem để thờ phượng Đức Giê-hô-va là điều quá khó nhọc cho họ. Thật ra, ông không mấy quan tâm đến sự an lạc của người dân, mà đang lo bảo vệ quyền lợi riêng tư của mình. (1 Các Vua 12:26) Giê-rô-bô-am lo ngại rằng nếu người Y-sơ-ra-ên tiếp tục kéo nhau về đền thờ tại Giê-ru-sa-lem để dự các lễ hội hàng năm tôn thờ Đức Giê-hô-va, thì cuối cùng họ sẽ chuyển sang trung thành với nước Giu-đa. Nhằm ngăn ngừa điều này, Giê-rô-bô-am đã dựng lên hai con bò vàng, một con ở Đan và một con ở Bê-tên. Vì thế sự thờ bò trở thành quốc giáo ở nước Y-sơ-ra-ên.—2 Sử-ký 11:13-15.

9, 10. (a) Vua Giê-rô-bô-am I đã lập những lễ nào? (b) Đức Chúa Trời nghĩ thế nào về các lễ hội tổ chức ở Y-sơ-ra-ên vào thời Vua Giê-rô-bô-am II?

9 Giê-rô-bô-am cố làm cho đạo mới mang vẻ đáng tôn trọng. Ông lập những buổi lễ tương tự như những lễ hội được tổ chức tại Giê-ru-sa-lem. Nơi 1 Các Vua 12:32, có ghi: “Người [Giê-rô-bô-am] lại định lập trong tuần tháng tám ngày rằm, một lễ giống như lễ người ta thường dự trong xứ Giu-đa, và người dâng các của-lễ trên bàn-thờ. Người cũng làm như vậy tại Bê-tên”.

10 Đức Giê-hô-va không bao giờ chấp nhận những lễ hội tà giáo như thế. Ngài chắc chắn đã cho thấy rõ quan điểm này qua A-mốt hơn một thế kỷ sau trong triều đại của Giê-rô-bô-am II, là người đã lên làm vua nước mười chi phái Y-sơ-ra-ên vào khoảng năm 844 TCN. (A-mốt 1:1) Theo A-mốt 5:21-24, Đức Chúa Trời nói rằng: “Ta ghét; ta khinh-dể những kỳ lễ của các ngươi; ta không đẹp lòng về những hội trọng-thể của các ngươi đâu. Dầu các ngươi dâng những của-lễ thiêu và của-lễ chay cho ta, ta sẽ không nhận lấy; ta chẳng đoái-xem những con thú mập về của-lễ thù-ân các ngươi. Hãy làm cho tiếng của bài hát các ngươi xa khỏi ta! Ta không khứng nghe tiếng đàn cầm của các ngươi. Thà hãy làm cho sự chánh trực chảy xuống như nước, và sự công-bình như sông lớn cuồn-cuộn”.

Sự tương đồng ngày nay

11, 12. Có điểm tương đồng nào giữa sự thờ phượng ở xứ Y-sơ-ra-ên xưa và sự thờ phượng của khối đạo xưng theo Đấng Christ?

11 Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đã dò xét lòng của những người tham gia các kỳ lễ của Y-sơ-ra-ên và không chấp nhận những ngày lễ cùng với lễ vật của họ. Ngày nay cũng thế, Đức Chúa Trời không chấp nhận những ngày lễ ngoại giáo của các đạo xưng theo Đấng Christ, như Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh. Đối với những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, sự công chính và bất chính không hội hiệp nhau được, sự sáng và sự tối không thông đồng nhau được.—2 Cô-rinh-tô 6:14-16.

12 Ngoài ra, còn có thêm những điểm tương đồng giữa sự thờ phượng mà dân Y-sơ-ra-ên thờ bò đã thực hành và sự thờ phượng của các đạo xưng theo Đấng Christ. Mặc dù một số tín đồ các đạo xưng theo Đấng Christ chấp nhận lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời, nhưng sự thờ phượng của các đạo ấy tự nó không được thúc đẩy bởi tình yêu thương chân thật dành cho Đức Chúa Trời. Nếu có thì họ đã nhất định thờ phượng Đức Giê-hô-va với “tâm-thần và lẽ thật” vì đó là sự thờ phượng làm Ngài vui lòng. (Giăng 4:24) Hơn nữa, các đạo xưng theo Đấng Christ đã không “làm cho sự chánh trực chảy xuống như nước, và sự công-bình như sông lớn cuồn-cuộn”. Thay vì thế, họ luôn luôn làm lu mờ các đòi hỏi về đạo đức của Đức Chúa Trời. Họ dung túng sự tà dâm và những tội lỗi trắng trợn khác, thậm chí còn chấp nhận cả những cuộc hôn nhân giữa người đồng tính luyến ái nữa!

‘Hãy ưa điều lành’

13. Tại sao chúng ta cần phải làm theo lời ghi nơi A-mốt 5:15?

13 Đối với những ai mong mỏi thờ phượng đúng ý Ngài, Đức Giê-hô-va nói rằng: “Hãy ghét điều dữ mà ưa điều lành”. (A-mốt 5:15) Ưa và ghét là hai cảm xúc mạnh mẽ phát sinh từ lòng. Vì lòng người thì dối trá, nên chúng ta phải làm hết sức mình để gìn giữ lòng. (Châm-ngôn 4:23; Giê-rê-mi 17:9) Nếu để cho lòng ấp ủ những ham muốn sai lầm, chúng ta có thể bắt đầu ưa điều dữ và ghét điều lành. Và nếu chúng ta hành động theo những ham muốn ấy qua những thực hành tội lỗi, thì dù có tỏ lòng sốt sắng đến mức nào đi nữa cũng sẽ không giúp chúng ta được lại ân huệ của Đức Chúa Trời. Vậy chúng ta hãy cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ để “ghét điều dữ mà ưa điều lành”.

14, 15. (a) Ở Y-sơ-ra-ên, ai trong số những người làm lành, nhưng một số bị đối xử ra sao? (b) Chúng ta có thể khuyến khích những người hiện đang phụng sự trọn thời gian như thế nào?

14 Không phải người Y-sơ-ra-ên nào cũng làm điều dữ trước mắt Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn như Ô-sê và A-mốt đã “ưa điều lành” và trung thành phụng sự Đức Chúa Trời với tư cách những nhà tiên tri. Những người khác thì hứa nguyện làm người Na-xi-rê. Trong suốt thời gian làm người Na-xi-rê, họ kiêng những sản phẩm chế biến từ nho, nhất là rượu. (Dân-số Ký 6:1-4) Những người Y-sơ-ra-ên khác xem đường lối hy sinh của những người làm điều lành ấy như thế nào? Câu trả lời khó mà có thể tưởng tượng được, cho thấy mức độ suy đồi về thiêng liêng của quốc gia này. A-mốt 2:12 nói: “Các ngươi đã cho các người Na-xi-rê uống rượu, và cấm các kẻ tiên-tri rằng: Chớ nói tiên-tri!”

15 Khi thấy gương mẫu trung thành của người Na-xi-rê và các nhà tiên tri, những người Y-sơ-ra-ên ấy đáng lẽ phải hổ thẹn và muốn thay đổi đường lối của mình. Nhưng ngược lại, họ tìm cách ngăn cản những người trung thành tôn vinh Đức Chúa Trời. Chúng ta chớ bao giờ thúc giục các anh em tín đồ Đấng Christ nào hiện đang là người tiên phong, giáo sĩ, giám thị lưu động, hoặc thành viên thuộc gia đình Bê-tên ngưng công việc phụng sự trọn thời gian chỉ để trở lại cái gọi là lối sống bình thường. Thay vì thế, chúng ta hãy khuyến khích họ tiếp tục trong công việc tốt lành này!

16. Tại sao tình trạng dân Y-sơ-ra-ên vào thời Môi-se khá hơn trong thời A-mốt?

16 Mặc dù nhiều người Y-sơ-ra-ên hưởng thụ một cuộc sống sung túc vào thời A-mốt, họ “không giàu-có nơi Đức Chúa Trời”. (Lu-ca 12:13-21) Trong 40 năm ở đồng vắng, tổ tiên của họ chỉ có ma-na để ăn. Họ không có tiệc yến bằng bò con mập béo hoặc lười biếng duỗi dài trên những tràng kỷ bằng ngà. Tuy nhiên, Môi-se đã chí lý khi nói với họ: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đã ban phước cho mọi công-việc làm của tay ngươi.... Trong bốn mươi năm nầy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi; ngươi không thiếu chi hết. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 2:7) Đúng thế, dân Y-sơ-ra-ên trong đồng vắng luôn luôn có các thứ họ thật sự cần. Điều chính yếu là họ có sự yêu thương, che chở và ân phước của Đức Chúa Trời!

17. Tại sao Đức Giê-hô-va dẫn dân Y-sơ-ra-ên thời ban đầu vào Đất Hứa?

17 Đức Giê-hô-va nhắc những người đương thời với A-mốt rằng Ngài đã đưa tổ tiên họ vào Đất Hứa và giúp loại trừ mọi kẻ thù. (A-mốt 2:9, 10) Nhưng tại sao Đức Giê-hô-va đã dẫn dân Y-sơ-ra-ên thời ban đầu đó ra khỏi xứ Ê-díp-tô để vào vùng đất hứa? Có phải là để họ được sống xa hoa nhàn hạ rồi từ bỏ Đấng Tạo Hóa của mình không? Không! Mà lý do là để họ có thể thờ phượng Ngài với tư cách một dân tộc được tự do và thanh sạch về thiêng liêng. Nhưng dân cư vương quốc Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái đã không ghét điều dữ và ưa điều lành. Chẳng những thế mà họ còn tôn vinh các tượng chạm chứ không phải Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Thật đáng hổ thẹn!

Đức Giê-hô-va thăm phạt

18. Tại sao Đức Giê-hô-va giải thoát chúng ta về mặt thiêng liêng?

18 Đức Chúa Trời không bỏ qua hành vi ô nhục của dân Y-sơ-ra-ên. Ngài nêu rõ lập trường khi nói: “Ta sẽ thăm-phạt các ngươi vì mọi sự gian-ác các ngươi”. (A-mốt 3:2) Những lời đó hẳn khiến chúng ta suy ngẫm về sự giải cứu của chính mình khỏi ách nô lệ của Ê-díp-tô thời nay, tức hệ thống gian ác hiện tại. Đức Giê-hô-va đã giải thoát chúng ta về thiêng liêng không phải để chúng ta có thể theo đuổi những mục tiêu vị kỷ. Ngài làm thế để chúng ta có thể chân thành ca ngợi Ngài với tư cách một dân tộc tự do thực hành sự thờ phượng thanh sạch. Và mọi người trong chúng ta sẽ phải chịu trách nhiệm về cách chúng ta sử dụng sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho.—Rô-ma 14:12.

19. Theo A-mốt 4:4, 5, đa số dân Y-sơ-ra-ên đã bắt đầu ưa điều gì?

19 Đáng buồn thay, đa số dân Y-sơ-ra-ên đã lờ đi thông điệp mạnh mẽ của A-mốt. Nhà tiên tri vạch trần tình trạng bệnh hoạn về thiêng liêng của lòng họ qua những lời ghi nơi A-mốt 4:4, 5: “Hãy đi đến Bê-tên, và phạm tội; hãy đi đến Ghinh-ganh, và phạm tội thêm!... Hỡi con-cái Y-sơ-ra-ên, vì các ngươi ưa-thích điều đó”. Dân Y-sơ-ra-ên đã không vun trồng những ước muốn đúng đắn. Họ đã không gìn giữ lòng mình. Hậu quả là đa số dân Y-sơ-ra-ên đã bắt đầu ưa điều dữ và ghét điều lành. Những người bướng bỉnh, thờ bò đó đã không thay đổi. Đức Giê-hô-va sẽ thăm phạt, và họ sẽ chết trong tội lỗi của mình!

20. Làm thế nào một người có thể theo con đường phù hợp với A-mốt 5:4?

20 Chắc hẳn không dễ cho bất cứ ai sống ở Y-sơ-ra-ên vào thời đó giữ được lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Đi ngược xu thế chung là điều khó, như tín đồ Đấng Christ ngày nay, cả già lẫn trẻ, đều biết rõ. Thế nhưng, tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và ước muốn làm Ngài vui lòng đã thúc đẩy một số người Y-sơ-ra-ên thực hành sự thờ phượng thật. Đức Giê-hô-va đã đưa ra cho họ lời mời nồng nhiệt được ghi lại nơi A-mốt 5:4: “Hãy tìm-kiếm ta, thì các ngươi sẽ sống!” Ngày nay, Đức Chúa Trời cũng tỏ lòng thương xót đối với những ai ăn năn và tìm kiếm Ngài bằng cách tiếp thu sự hiểu biết chính xác về Lời Ngài và rồi làm theo ý Ngài. Theo con đường này không phải dễ, nhưng làm thế sẽ dẫn đến sự sống đời đời.—Giăng 17:3.

Thịnh vượng bất kể nạn đói kém về thiêng liêng

21. Nạn đói kém nào xảy đến cho những ai không thực hành sự thờ phượng thật?

21 Điều gì sẽ xảy đến cho những người không ủng hộ sự thờ phượng thật? Loại đói kém nguy hại nhất—sự đói kém thiêng liêng! Chúa Tối Thượng Giê-hô-va phán: “Nầy, những ngày sẽ đến, là khi ta khiến sự đói-kém đến trong đất, chẳng phải là đói về bánh, cũng chẳng phải khát về nước, bèn là về nghe lời của Đức Giê-hô-va”. (A-mốt 8:11) Các đạo xưng theo Đấng Christ đang quằn quại trong cơn đói kém thiêng liêng đó. Song, những người có lòng ngay thẳng trong các đạo ấy thấy được sự thịnh vượng thiêng liêng của dân Đức Chúa Trời, và đang kéo đến tổ chức Đức Giê-hô-va. Lời Đức Giê-hô-va cho thấy một cách thích hợp sự tương phản giữa tình trạng của khối đạo xưng theo Đấng Christ và tình trạng trong vòng tín đồ thật của Đấng Christ: “Nầy, các tôi-tớ ta sẽ ăn, còn các ngươi thì đói; nầy, tôi-tớ ta sẽ uống, còn các ngươi thì khát; nầy, tôi-tớ ta sẽ được vui-vẻ, còn các ngươi thì bị nhuốc-nhơ”.—Ê-sai 65:13.

22. Tại sao chúng ta có lý do để vui mừng?

22 Là tôi tớ Đức Giê-hô-va, cá nhân chúng ta có quý trọng những sự cung cấp và ân phước về thiêng liêng mà chúng ta nhận được không? Khi nghiên cứu các ấn phẩm về Kinh Thánh cũng như của đạo Đấng Christ và tham dự các buổi họp hội thánh, hội nghị và đại hội, chúng ta thật sự cảm thấy như muốn reo mừng vì lòng đầy vui vẻ! Chúng ta vui mừng có sự hiểu biết rõ ràng về Lời Đức Chúa Trời, kể cả lời tiên tri được Ngài soi dẫn qua A-mốt.

23. Những ai tôn vinh Đức Chúa Trời được hưởng điều gì?

23 Đối với tất cả những người yêu thương Đức Chúa Trời và muốn tôn vinh Ngài, lời tiên tri của A-mốt chứa đựng thông điệp đầy hy vọng. Dù hiện đang ở trong tình trạng kinh tế ra sao hoặc phải đương đầu với khó khăn nào đi nữa trong thế gian hỗn loạn này, là người yêu thương Đức Chúa Trời, chúng ta đang vui hưởng các ân phước của Ngài và đồ ăn thiêng liêng tốt nhất. (Châm-ngôn 10:22; Ma-thi-ơ 24:45-47) Vì thế mọi vinh hiển thuộc về Đức Chúa Trời, Đấng ban mọi vật dư dật cho chúng ta được hưởng. Vậy mong sao chúng ta quyết tâm mãi mãi dâng lên Ngài lời ngợi khen chân thành. Đó sẽ là đặc ân đầy vui mừng cho chúng ta nếu tìm kiếm Đức Giê-hô-va, Đấng dò xét lòng.

Bạn trả lời ra sao?

• Vào thời A-mốt, Y-sơ-ra-ên ở trong tình trạng nào?

• Có sự tương đồng nào giữa tình trạng trong nước Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái và thời nay?

• Hiện nay có nạn đói kém nào đã được báo trước, nhưng ai không bị ảnh hưởng?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 21]

Nhiều người Y-sơ-ra-ên sống xa hoa nhưng không có sự thịnh vượng thiêng liêng

[Hình nơi trang 23]

Hãy khuyến khích những tôi tớ phụng sự trọn thời gian tiếp tục công việc lành

[Các hình nơi trang 24, 25]

Không có nạn đói kém về thiêng liêng trong vòng dân tộc hạnh phúc của Đức Giê-hô-va