Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Phải trái—Làm thế nào quyết định được?

Phải trái—Làm thế nào quyết định được?

Phải trái—Làm thế nào quyết định được?

AI CÓ thẩm quyền quyết định điều gì là phải, điều gì là trái? Ngay từ đầu lịch sử nhân loại, vấn đề này đã được đặt ra. Theo lời tường thuật của sách Sáng-thế Ký trong Kinh Thánh, Đức Chúa Trời đã gọi một cây trong vườn Ê-đen là “cây biết điều thiện và điều ác”. (Sáng-thế Ký 2:9) Ngài ra lệnh cho cặp vợ chồng đầu tiên không được ăn trái của cây này. Nhưng kẻ thù của Đức Chúa Trời, Sa-tan Ma-quỉ, gợi ý rằng nếu ăn trái cây đó thì mắt họ “mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”.—Sáng-thế Ký 2:16, 17; 3:1, 5; Khải-huyền 12:9.

A-đam và Ê-va phải quyết định: Nên tuân theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về điều thiện và điều ác, hay làm theo tiêu chuẩn của riêng mình? (Sáng-thế Ký 3:6) Họ đã chọn bất tuân Đức Chúa Trời và ăn trái cây đó. Hành động đơn giản này nói lên điều gì? Qua việc không tôn trọng những giới hạn do Đức Chúa Trời đặt ra, họ cho rằng sẽ tốt hơn nếu họ và con cháu tự đặt ra tiêu chuẩn về điều phải và điều trái. Nhân loại đã thành công đến mức nào khi cố gắng hành xử quyền vốn thuộc về Đức Chúa Trời?

Những quan điểm khác nhau

Sau khi nói về những học thuyết của các nhà tư tưởng lỗi lạc qua nhiều thế kỷ, sách Encyclopædia Britannica (Bách khoa tự điển Anh Quốc) cho biết, từ thời triết gia Hy Lạp Socrates đến thế kỷ 20, luôn có “nhiều cuộc tranh cãi về thực chất của điều thiện và đâu là tiêu chuẩn để phân biệt phải trái”.

Chẳng hạn, trường phái Sophist—nhóm gồm những giáo sư Hy Lạp nổi tiếng trong thế kỷ thứ năm TCN—dạy rằng tiêu chuẩn về điều phải và điều trái dựa trên quan điểm của đa số quần chúng. Một vị giáo sư trong nhóm đó nói: “Điều gì được dân của một thành coi là đúng và tốt thì trở nên đúng và tốt đối với dân thành đó. Chừng nào họ còn nghĩ như vậy thì chừng nấy nó vẫn đúng”. Theo quan điểm này, anh Jodie được nói đến ở bài trước nên giữ lấy món tiền vì rất có thể đa số người trong cộng đồng của anh, hay “thành”, cũng sẽ làm như vậy.

Ông Immanuel Kant, triết gia nổi danh của thế kỷ 18, thì lại nghĩ khác. Tờ báo Issues in Ethics (Những vấn đề về luân lý học) nói: “Ông Immanuel Kant và những người giống ông... đề cao quyền tự chọn cá nhân”. Chiếu theo quan điểm của ông Kant, sự chọn lựa của anh Jodie hoàn toàn tùy thuộc nơi anh, miễn là không xâm phạm quyền lợi người khác. Tiêu chuẩn của anh không nên lệ thuộc quan điểm của đa số quần chúng.

Vậy thì anh Jodie đã quyết định thế nào? Anh chọn quan điểm thứ ba: Đó là áp dụng lời dạy của Chúa Giê-su Christ, đấng có những tiêu chuẩn đạo đức mà cả tín đồ của ngài lẫn người ngoài đạo đều khâm phục. Ngài dạy: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ”. (Ma-thi-ơ 7:12) Anh đã trao số tiền 82.000 Mỹ kim cho khách hàng khiến bà rất ngạc nhiên. Khi được hỏi tại sao không lấy số tiền đó, anh cho biết mình là Nhân Chứng Giê-hô-va và nói: “Vì không phải tiền của tôi”. Anh xem trọng lời của Chúa Giê-su được ghi lại trong Kinh Thánh nơi Ma-thi-ơ 19:18: ‘Đừng trộm-cắp’.

Quan điểm của đa số có đáng tin cậy không?

Rất có thể nhiều người cho rằng anh Jodie ngu xuẩn vì quá lương thiện. Nhưng quan điểm của đa số không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Giả sử bạn sống trong một xã hội mà đa số quần chúng chấp nhận tập tục giết trẻ em để tế thần như ở một số xã hội xa xưa, có phải chính vì thế mà tập tục đó là đúng chăng? (2 Các Vua 16:3) Còn nếu bạn sinh trưởng trong một xã hội xem tục ăn thịt người là một hành vi hợp đạo đức thì sao? Phải chăng điều đó có nghĩa việc ăn thịt người không hẳn là sai? Không phải vì phổ biến mà một tập tục trở nên đúng. Từ xưa, Kinh Thánh đã cảnh báo về cạm bẫy này: “Ngươi chớ hùa đảng đông đặng làm quấy”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 23:2.

Chúa Giê-su cho thấy rõ một lý do khác cần phải cẩn thận khi dựa theo quan điểm của đa số để phân biệt phải trái. Ngài vạch mặt “vua-chúa thế-gian nầy” là Sa-tan. (Giăng 14:30; Lu-ca 4:6) Hắn lợi dụng vị thế đó để “dỗ-dành cả thiên-hạ”. (Khải-huyền 12:9) Do đó, nếu chỉ dựa theo quan điểm phổ biến để định tiêu chuẩn phải trái, có thể bạn đã vô tình chấp nhận quan điểm của Sa-tan về đạo lý và chắc chắn sẽ gặt lấy tai họa.

Phán đoán riêng có đáng tin cậy không?

Vậy, mỗi cá nhân có nên tự quyết định cho mình điều phải và điều trái hay không? Kinh Thánh nói: “Chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con”. (Châm-ngôn 3:5) Tại sao không? Vì do di truyền, toàn thể nhân loại đều có một khuyết điểm chung khiến sự phán đoán của chúng ta bị lệch lạc. Khi A-đam và Ê-va phản nghịch Đức Chúa Trời, họ đã chấp nhận tiêu chuẩn của Sa-tan, kẻ phản bội ích kỷ, và chọn hắn làm cha thiêng liêng. Rồi họ truyền lại cho con cháu khuyết điểm là cái lòng dối trá hoặc phản trắc—biết điều gì là phải, nhưng lại có khuynh hướng đeo đuổi điều trái.—Sáng-thế Ký 6:5; Rô-ma 5:12; 7:21-24.

Về vấn đề luân lý, sách Encyclopædia Britannica nhận xét: “Không có gì ngạc nhiên khi người ta biết nên làm điều gì cho phải đạo, nhưng rồi lại hành động theo tư lợi. Làm thế nào giúp họ có được động lực để làm điều phải, đây là một vấn đề nan giải đối với nền luân lý học của phương Tây”. Về điều này, Kinh Thánh nói rất đúng: “Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa: ai có thể biết được?” (Giê-rê-mi 17:9) Lẽ nào bạn lại tin tưởng một người vừa dối trá vừa xấu xa?

Đành rằng ngay cả những người không có đức tin nơi Đức Chúa Trời cũng có thể ăn ở phải đạo và đặt ra những tiêu chuẩn luân lý thiết thực và đáng quý. Tuy nhiên, những nguyên tắc cao quý làm cơ sở cho các tiêu chuẩn đó thường phản ánh đạo lý của Kinh Thánh. Dù những người đó có lẽ phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời, nhưng suy nghĩ của họ cho thấy là họ vẫn phản ánh cá tính của Đức Chúa Trời. Điều này xác nhận những gì Kinh Thánh tiết lộ, đó là nhân loại được tạo nên “giống như hình Đức Chúa Trời”. (Sáng-thế Ký 1:27; Công-vụ 17:26-28) Sứ đồ Phao-lô nói: “Họ tỏ ra rằng việc mà luật-pháp dạy-biểu đã ghi trong lòng họ”.—Rô-ma 2:15.

Dĩ nhiên, biết điều phải là một chuyện, còn đủ nghị lực để làm điều phải lại là chuyện khác. Vậy, làm thế nào một người có đủ nghị lực để làm điều phải? Vì hành động xuất phát từ động lực trong lòng nên việc vun trồng tình yêu thương đối với Tác Giả Kinh Thánh, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, có thể giúp một người có thêm nghị lực.—Thi-thiên 25:4, 5.

Làm sao có được nghị lực để làm điều phải?

Bước đầu tiên để học yêu mến Đức Chúa Trời là tìm hiểu xem những điều răn của Ngài hợp lý và thực tiễn như thế nào. Sứ đồ Giăng nói: “Vì nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài. Điều-răn của Ngài chẳng phải là nặng-nề”. (1 Giăng 5:3) Ví dụ, Kinh Thánh chứa đựng những lời khuyên thực tiễn giúp người trẻ biết phân biệt phải trái khi đứng trước những quyết định như: Nên hay không nên uống rượu, dùng ma túy, hoặc quan hệ trước hôn nhân. Kinh Thánh cũng giúp vợ chồng biết cách giải quyết những bất đồng, và cung cấp cho cha mẹ sự hướng dẫn để nuôi dạy con cái. * Khi làm theo các tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh, cả người trẻ lẫn người lớn tuổi đều được lợi ích, cho dù họ thuộc tầng lớp xã hội, nền giáo dục hay nền văn hóa nào.

Giống như đồ ăn bổ dưỡng giúp bạn có sức khỏe làm việc, đọc Lời Đức Chúa Trời cho bạn nghị lực để sống theo tiêu chuẩn của Ngài. Chúa Giê-su ví lời phán của Đức Chúa Trời như đồ ăn. (Ma-thi-ơ 4:4) Ngài cũng nói: “Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến”. (Giăng 4:34) Nhờ nuôi mình bằng lời của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su được trang bị để chống lại cám dỗ và có những quyết định khôn ngoan.—Lu-ca 4:1-13.

Lúc đầu, có lẽ bạn sẽ thấy khó nuôi mình bằng Lời của Đức Chúa Trời và sống theo tiêu chuẩn của Ngài. Tuy nhiên, hãy nhớ lại khi còn nhỏ, có những món ăn tuy bạn không thích nhưng lại bổ dưỡng cho bạn. Muốn lớn lên khỏe mạnh, bạn phải tập ăn những món bổ dưỡng đó. Cũng vậy, bạn cần có thời gian để tập làm quen với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Nếu kiên trì, bạn sẽ dần dần yêu mến những tiêu chuẩn đó và trở nên mạnh mẽ về thiêng liêng. (Thi-thiên 34:8; 2 Ti-mô-thê 3:15-17) Bạn sẽ học tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và được thúc đẩy để “làm điều lành”.—Thi-thiên 37:3.

Có lẽ bạn sẽ không bao giờ gặp tình huống giống như anh Jodie. Tuy vậy, mỗi ngày bạn phải quyết định những vấn đề lớn nhỏ liên quan đến luân lý. Do đó Kinh Thánh khuyến giục: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va, chớ nương-cậy nơi sự thông-sáng của con; phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”. (Châm-ngôn 3:5, 6) Học tin cậy nơi Đức Giê-hô-va không những mang lại lợi ích ngay bây giờ mà còn mở ra cho bạn triển vọng sống đời đời, vì sự vâng lời Ngài là con đường dẫn đến sự sống.—Ma-thi-ơ 7:13, 14.

[Chú thích]

^ đ. 18 Có thể tìm những lời khuyên thiết thực dựa trên Kinh Thánh về đề tài này và những đề tài quan trọng khác trong sách Giới trẻ thắc mắc—Lời giải đáp thiết thực và sách Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

[Câu nổi bật nơi trang 6]

Quan điểm của đa số có thể bị ảnh hưởng bởi những lực vô hình

[Các hình nơi trang 5]

Qua nhiều thế kỷ, các nhà tư tưởng đã tranh cãi về vấn đề phải trái

SOCRATES

KANT

KHỔNG TỬ

[Nguồn tư liệu]

Kant: Từ sách The Historian’s History of the World; Socrates: Từ sách A General History for Colleges and High Schools; Khổng Tử: Trường Đại Học Sung Kyun Kwan, Seoul, Hàn Quốc

[Các hình nơi trang 7]

Kinh Thánh không những giúp chúng ta phân biệt phải trái mà còn thúc đẩy chúng ta làm điều phải