Tin cậy nơi sự chăm sóc đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va
Tự Truyện
Tin cậy nơi sự chăm sóc đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va
DO ANNA DENZ TURPIN kỂ LẠI
“Con lúc nào cũng hỏi ‘TẠI SAO’!” mẹ tôi cười và thốt lên như vậy. Là một bé gái, tôi đặt ra đủ thứ câu hỏi cho cha mẹ. Nhưng cha mẹ tôi không bao giờ la mắng về sự tò mò trẻ con đó. Thay vì thế, cha mẹ dạy tôi lý luận và biết tự quyết định dựa vào lương tâm được Kinh Thánh huấn luyện. Sự huấn luyện đó đã chứng tỏ thật quý giá! Một ngày nọ, khi tôi 14 tuổi, lính Quốc Xã đã tách cha mẹ yêu thương khỏi tôi và tôi không bao giờ còn thấy họ nữa.
CHA tôi, Oskar Denz, và mẹ tôi, Anna Maria, sinh sống ở Lörrach, một thành phố thuộc nước Đức, gần biên giới Thụy Sĩ. Khi còn trẻ, cha mẹ tôi hăng say hoạt động chính trị, và họ được dân chúng trong cộng đồng biết đến và kính nể. Nhưng vào năm 1922, một thời gian ngắn sau khi kết hôn, cha mẹ tôi thay đổi quan điểm về chính trị và mục tiêu trong đời sống. Mẹ bắt đầu học Kinh Thánh với Học Viên Kinh Thánh, tên gọi Nhân Chứng Giê-hô-va thời đó. Mẹ hào hứng khi biết Nước Đức Chúa Trời sẽ đem lại hòa bình trên trái đất. Chẳng bao lâu sau đó, cha cũng tham gia học hỏi, và họ bắt đầu dự các buổi họp của Học Viên Kinh Thánh. Cha còn tặng mẹ sách The Harp of God (Đàn cầm của Đức Chúa Trời), một cuốn sách giúp học Kinh Thánh, để làm quà Giáng Sinh năm đó. Tôi sinh ngày 25-3-1923 và là đứa con duy nhất.
Tôi có một ký ức tuyệt đẹp về đời sống gia đình—những cuộc đi bộ trong khu Rừng Đen và những bài học mẹ dạy ở nhà về việc nội trợ! Tôi vẫn còn có thể hình dung mẹ đứng trong bếp giám sát cô đầu bếp tí hon. Điều quan trọng nhất là cha mẹ đã dạy tôi yêu thương và tin cậy Giê-hô-va Đức Chúa Trời.
Hội thánh của chúng tôi có khoảng 40 người công bố siêng năng rao giảng. Cha mẹ tôi có khiếu tạo cơ hội để nói về Nước Trời. Nhờ những hoạt động trong cộng đồng trước đây, họ dễ bắt chuyện và được người ta niềm nở tiếp đón. Khi lên bảy, tôi cũng muốn rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Ngày đầu tiên cùng đi rao giảng với tôi, một chị đưa cho tôi vài ấn phẩm, chỉ vào một căn nhà và vỏn vẹn nói: “Em đến xem họ có thích ấn phẩm này không”. Vào năm 1931, chúng tôi dự đại hội địa hạt của Học Viên Kinh Thánh ở Basel, Thụy Sĩ, và cha mẹ tôi báp têm ở đấy.
Từ hỗn loạn đến độc tài
Vào thời điểm này, nước Đức nằm trong tình trạng cực kỳ hỗn loạn. Các phe phái chính trị xô xát nhau ngoài đường phố. Vào một đêm nọ, có tiếng la thất thanh phát ra từ căn nhà kế bên làm tôi thức giấc. Hai thiếu niên dùng chĩa ba giết anh mình chỉ vì bất đồng về quan điểm chính trị. Sự thù ghét người Do Thái cũng gia tăng mãnh liệt. Ở trường, một nữ sinh phải đứng trong góc tường chỉ vì là người Do Thái. Tôi cảm thấy thương hại cô ấy mà không biết rằng chẳng bao lâu sau đó chính tôi nghiệm được tâm trạng bị tẩy chay là như thế nào.
Vào ngày 30-1-1933, Adolf Hitler trở thành thủ tướng nước Đức. Cách khoảng hai dãy nhà, chúng tôi mục kích lính Quốc Xã đang treo lá cờ Quốc Xã trên tòa thị sảnh, trong niềm hân hoan chiến thắng. Tại trường học, các thầy cô đầy nhiệt tình dạy chúng tôi chào “Heil Hitler!” Trưa hôm đó, tôi nói với cha về việc này. Cha bối rối và nói: “Cha không thích điều đó. Từ ‘Heil’ nghĩa là cứu rỗi. Việc nói ‘Heil Hitler’ có nghĩa là chúng ta đang quy sự cứu rỗi cho ông ta thay vì cho Đức Giê-hô-va. Cha không nghĩ điều đó là chính đáng, nhưng tùy con quyết định xem mình nên làm gì”.
Những người bạn cùng lớp bắt đầu đối xử với tôi như kẻ ngoài lề xã hội vì tôi không tung hô Hitler. Một số đứa con trai thậm chí còn đánh tôi khi giáo viên không để ý. Cuối
cùng chúng để tôi yên, nhưng ngay cả những người bạn tôi cho biết cha chúng cấm không cho chơi với tôi. Theo họ, tôi là người quá nguy hiểm.Sau khi nắm quyền ở Đức được hai tháng, Quốc Xã cấm đoán Nhân Chứng Giê-hô-va vì xem họ là mối nguy hiểm cho quốc gia. Toán lính Quốc Xã hung hãn đóng cửa văn phòng chi nhánh ở Magdeburg và cấm nhóm họp. Nhưng vì sống gần biên giới, cha được phép đưa gia đình băng qua biên giới đến Basel, nơi chúng tôi dự buổi họp ngày Chủ Nhật. Cha thường nói rằng cha ước mong các anh em ở Đức có thể nhận thức ăn thiêng liêng như thế hầu giúp họ can đảm đương đầu với những khó khăn trong tương lai.
Những chuyến du ngoạn mạo hiểm
Sau khi văn phòng ở Magdeburg bị đóng cửa, anh Julius Riffel, một cựu thành viên từng làm việc ở đó, về quê anh là Lörrach để tổ chức công việc rao giảng bí mật. Ngay lập tức, cha tôi tình nguyện trợ giúp. Cha kêu mẹ và tôi ngồi xuống rồi giải thích rằng cha đã đồng ý giúp mang sách báo về Kinh Thánh từ Thụy Sĩ vào Đức. Cha nói rằng công việc này cực kỳ nguy hiểm, và có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Cha không muốn chúng tôi cảm thấy bị ép tham gia vì công việc này có nhiều rủi ro cho chúng tôi. Mẹ nói ngay: “Em ủng hộ anh”. Cả hai nhìn tôi, và tôi nói: “Con cũng ủng hộ ba mẹ!”
Mẹ đan một cái túi vừa cỡ tạp chí Tháp Canh và luồn tạp chí vào một bên của cái túi rồi đan miệng túi lại. Mẹ cũng may những túi bí mật trong quần áo của cha và hai đai lưng mà mẹ và tôi có thể dùng để bí mật mang theo những sách báo nhỏ giúp học Kinh Thánh. Mỗi lần đem được kho tàng quý giá và bí mật này về đến nhà, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm và cám ơn Đức Giê-hô-va. Chúng tôi giấu sách báo ở gác xép.
Lúc đầu, lính Quốc Xã không nghi ngờ chúng tôi điều gì. Họ không tra hỏi cũng không khám xét nhà chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi quyết định dùng số 4711, tên của loại nước hoa nổi tiếng, làm mật mã để báo động cho các anh em thiêng liêng khi có vấn đề. Nếu việc đến nhà chúng tôi gây nguy hiểm, chúng tôi dùng số này một cách nào đó để báo động. Cha bảo các anh nên nhìn cửa sổ phòng khách trước khi vào nhà. Nếu cửa sổ bên tay trái để mở, nghĩa là có điều không ổn, thì họ không nên vào.
Vào năm 1936 và 1937, sở mật thám Gestapo đã bắt hàng loạt và bỏ hàng ngàn Nhân Chứng vào nhà tù và các trại tập trung, nơi họ bị đối xử thô bạo và tàn nhẫn. Văn phòng chi nhánh ở Bern, Thụy Sĩ, bắt đầu thâu góp thông tin, bao gồm một số báo cáo được gửi lén ra ngoài trại, để viết thành sách nhan đề là Kreuzzug gegen das Christentum (Chiến dịch chống đạo Đấng Christ), phơi bày tội ác của Quốc Xã. Chúng tôi phụ trách một việc
nguy hiểm, đó là đem các báo cáo bí mật qua biên giới đến Basel. Nếu bị lính Quốc Xã bắt được cùng với những tài liệu bất hợp pháp này, chúng tôi sẽ bị bỏ tù ngay lập tức. Tôi đã bật khóc khi đọc thấy những sự hành hạ mà anh em phải chịu. Thế nhưng, tôi không cảm thấy sợ hãi. Tôi tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va và cha mẹ tôi, những bạn tốt nhất của tôi, sẽ chăm sóc tôi.Tôi ra trường lúc 14 tuổi và làm việc cho một cửa hàng kim khí. Thường chúng tôi đi giao tài liệu vào trưa Thứ Bảy hoặc Chủ Nhật, khi cha tôi được nghỉ làm. Trung bình, hai tuần chúng tôi đi một lần. Chúng tôi trông giống như bao gia đình khác đi du ngoạn cuối tuần, và trong gần bốn năm, không hề bị lính biên phòng chặn lại và cũng không bị khám xét cho tới một ngày kia vào tháng 2 năm 1938.
Bị bại lộ!
Tôi không bao giờ quên được nét mặt của cha khi tới địa điểm nhận sách báo gần Basel và thấy một đống sách lớn chờ chúng tôi. Vì một gia đình khác tình nguyện nhận và giao sách báo đã bị bắt nên chúng tôi phải mang nhiều sách hơn. Tại biên giới, một viên chức hải quan nhìn chúng tôi với nét mặt nghi ngờ và ra lệnh khám xét. Khi phát hiện ra sách, ông gí súng vào chúng tôi và điệu đến xe cảnh sát chực sẵn. Khi xe chở chúng tôi chuyển bánh, với các viên chức ngồi trên xe, cha siết chặt tay tôi và nói nhỏ: “Chớ là người phản bội. Đừng khai ai cả!” Tôi trấn an cha: “Con sẽ không khai đâu”. Khi về tới Lörrach, họ đem người cha yêu dấu của tôi đi. Đây là lần cuối cùng tôi thấy cha khi cửa nhà tù đóng lại.
Trong bốn tiếng đồng hồ, bốn lính mật vụ tra hỏi tôi, bắt tôi khai tên và địa chỉ của những Nhân Chứng khác. Khi tôi từ chối, một viên chức giận dữ và đe dọa: “Chúng tao có cách để mày phải nói!” Tôi không tiết lộ bất cứ điều gì. Rồi họ đem mẹ và tôi trở lại nhà và đây là lần đầu tiên họ khám xét nhà chúng tôi. Họ giam mẹ, còn tôi thì họ đem đến nhà dì để nhờ trông nom mà không biết rằng dì tôi cũng là một Nhân Chứng. Mặc dù tôi được phép đi làm, nhưng bốn lính mật vụ ngồi trong xe trước nhà để theo dõi nhất cử nhất động của tôi trong khi một viên cảnh sát tuần tra lề đường.
Vài ngày sau, vào giờ ăn trưa, tôi ra ngoài nhà và thấy một chị trẻ đi xe đạp tiến về phía tôi. Khi chị đến gần, tôi có thể thấy chị sắp quăng một mẩu giấy cho tôi. Vừa bắt được mẩu giấy, tôi quay lại xem lính Gestapo có thấy tôi làm gì không. Tôi ngạc nhiên là vào chính lúc ấy, họ đang ngửa đầu về phía sau cười!
Bức thư ngắn ấy bảo tôi đến chỗ cha mẹ chị vào giữa trưa. Nhưng với việc bị lính Gestapo theo dõi, có thể nào tôi lại gây họa cho cha mẹ chị sao? Tôi ngó bốn lính Gestapo ngồi trong xe và viên cảnh sát đang tuần tra qua lại trên đường phố. Tôi không biết phải làm gì, và tôi cầu nguyện tha thiết xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Bất ngờ, viên cảnh sát bước tới xe của lính Gestapo và nói chuyện với họ. Rồi ông ta lên xe và họ lái đi!
Chính vào lúc đó, dì tôi đi bộ đến. Bấy giờ đã quá trưa. Dì đã đọc bức thư và nghĩ rằng chúng tôi phải đến địa chỉ như được dặn, đoán rằng các anh đã sắp đặt để đem tôi sang Thụy Sĩ. Khi tới nơi, tôi được giới thiệu với một người đàn ông tên là Heinrich Reiff mà tôi không quen biết. Anh bảo rằng anh mừng khi thấy tôi thoát được cách an toàn và anh đã đến để giúp tôi trốn sang Thụy Sĩ. Anh bảo tôi gặp anh tại một chỗ trong rừng trong vòng nửa tiếng.
Đời sống xa nhà
Tôi gặp anh Reiff với hai hàng nước mắt tuôn trào trên má, đau lòng trước ý nghĩ phải bỏ cha mẹ lại. Mọi việc xảy ra quá nhanh. Sau vài phút lo lắng, chúng tôi nhập chung với nhóm khách du lịch và an toàn băng qua biên giới Thụy Sĩ.
Khi tới văn phòng chi nhánh tại Bern, tôi mới biết các anh ở đó đã sắp đặt để tôi trốn qua đây. Các anh tử tế cho tôi chỗ ở. Tôi làm việc trong nhà bếp, công việc mà tôi rất thích. Nhưng thật khó biết bao khi sống xa nhà, không biết điều gì xảy ra cho cha mẹ đã bị kết án hai năm tù! Thỉnh thoảng lòng tôi tràn ngập nỗi lo buồn và tôi tự giam mình trong buồng tắm để khóc. Nhưng tôi vẫn có thể thường xuyên liên lạc với cha mẹ và họ khuyến khích tôi tiếp tục trung thành.
Được thúc đẩy bởi gương đức tin của cha mẹ, tôi đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm vào ngày 25-7-1938. Sau một năm ở nhà Bê-tên, tôi đến làm việc ở Chanélaz, một nông trại mà chi nhánh Thụy Sĩ đã mua để cung cấp thực phẩm cho gia đình Bê-tên và chỗ ở cho các anh em phải trốn chạy vì sự bắt bớ.
Khi cha mẹ tôi mãn hạn tù vào năm 1940, Quốc Xã hứa sẽ trả tự do cho cha mẹ nếu họ từ bỏ đức tin. Cha mẹ tôi không thay đổi lập trường nên bị giải đến trại tập trung, cha đến Dachau còn mẹ thì đến Ravensbrück. Vào mùa đông năm 1941, mẹ tôi và các nữ Nhân Chứng khác trong trại đã từ chối làm việc cho quân đội. Họ bị phạt đứng ba ngày ba đêm dưới trời lạnh giá, sau đó bị giam trong ngục tối và khẩu phần bị cắt giảm trong 40 ngày. Rồi họ bị đánh bằng roi. Mẹ chết vào ngày 31-1-1942, sau ba tuần bị đánh đập tàn nhẫn.
Cha bị chuyển từ Dachau đến Maut-hausen, ở Áo. Trong trại này, Quốc Xã giết hại tù nhân một cách có hệ thống qua việc bỏ đói và bắt làm việc khổ cực. Nhưng sáu tháng sau khi mẹ chết, Quốc Xã đã giết cha bằng một cách khác—thí nghiệm y khoa. Những bác sĩ của trại tiêm vi trùng lao vào tù nhân để thí nghiệm. Tiếp đến tù nhân bị tiêm thuốc độc vào tim. Hồ sơ chính thức ghi cha chết vì “cơ tim yếu”. Lúc đó cha tôi được 43 tuổi. Chỉ nhiều tháng sau tôi mới được biết về các vụ giết người tàn bạo này. Ký ức về cha mẹ yêu dấu của tôi vẫn còn làm cho tôi rơi lệ. Tuy nhiên, hồi ấy cũng như bây giờ, tôi được an ủi khi biết rằng cha mẹ tôi có hy vọng lên trời, được an toàn trong tay Đức Giê-hô-va.
Sau Thế Chiến II, tôi có đặc ân học khóa thứ 11 của Trường Kinh Thánh Tháp Canh Ga-la-át ở New York. Thật là một niềm vui khi được dành trọn năm tháng để đào sâu Kinh Thánh! Khi tốt nghiệp vào năm 1948, tôi được gởi đến Thụy Sĩ làm giáo sĩ. Không bao lâu sau đó, tôi gặp anh James L. Turpin, một anh trung thành tốt nghiệp khóa thứ năm của Trường Ga-la-át. Anh phục vụ với tư cách giám thị của văn phòng chi nhánh đầu tiên được thiết lập ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi kết hôn vào tháng 3 năm 1951, và một thời gian ngắn sau đó, chúng tôi biết mình sắp được làm cha mẹ! Chúng tôi dọn đến Hoa Kỳ và
đón bé gái Marlene của chúng tôi ra đời vào tháng 12 năm đó.Qua năm tháng, anh Jim và tôi tìm được niềm vui lớn trong công việc Nước Trời. Tôi vẫn còn thích thú khi nhớ lại một học viên Kinh Thánh người Trung Quốc tên là Penny. Chị ấy rất ham học Kinh Thánh. Chị làm báp têm và sau này kết hôn với anh Guy Pierce hiện phục vụ trong Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương của Nhân Chứng Giê-hô-va. Những người thân thương như thế đã giúp lấp đi khoảng trống trong tôi sau khi cha mẹ qua đời.
Vào đầu năm 2004, các anh ở Lörrach, quê của cha mẹ tôi, đã xây cất một Phòng Nước Trời mới trên đường Stich. Để công nhận những gì Nhân Chứng Giê-hô-va đã làm, hội đồng thị xã quyết định đổi tên đường thành Denzstraße (Đường Denz) nhằm tôn vinh cha mẹ tôi. Tờ báo địa phương Badische Zeitung, dưới hàng chữ lớn “Để tưởng nhớ ông bà Denz bị sát hại: Tên đường mới”, đã nói rằng cha mẹ tôi “bị sát hại vì đức tin trong trại tập trung thời Đệ Tam Quốc Xã”. Đối với tôi, hành động ấy của hội đồng thị xã là một điều hết sức bất ngờ và một biến cố làm tôi ấm lòng.
Cha thường nói rằng chúng ta nên dự trù trước sự việc như thể là Ha-ma-ghê-đôn không đến trong đời mình, nhưng phải sống như thể nó đến vào ngày mai—lời khuyên quý báu mà tôi luôn cố gắng áp dụng. Không phải lúc nào cũng dễ giữ thăng bằng giữa kiên nhẫn và nóng lòng chờ đợi, nhất là nay vì những khó khăn đi kèm với tuổi già, tôi bắt buộc phải ở nhà. Tuy nhiên, tôi không bao giờ hồ nghi lời Đức Giê-hô-va hứa với các tôi tớ trung thành của Ngài: “Hãy hết lòng tin-cậy Đức Giê-hô-va... Phàm trong các việc làm của con, khá nhận-biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ-dẫn các nẻo của con”.—Châm-ngôn 3:5, 6.
[Khung/Hình nơi trang 29]
NHỮNG LỜI QUÝ GIÁ TRONG QUÁ KHỨ
Vào thập niên 1980, có một người đàn bà từ một làng cách không xa đến thăm Lörrach. Vào thời đó, người trong thị xã đem những đồ vật mà mình không cần dùng nữa đến một chỗ công cộng, nơi người khác có thể đến xem và lấy những món mình thích. Người đàn bà này lấy được một cái hộp nhỏ chứa đồ khâu vá và đem về nhà. Sau này, bà tìm thấy ở đáy hộp một vài tấm hình của một bé gái và những lá thư viết bằng những phương tiện của trại tập trung. Bà rất thích những lá thư này và muốn biết bé gái với bím tóc trong hình là ai.
Một ngày kia vào năm 2000, bà thấy một bài báo nói về cuộc triển lãm lịch sử ở Lörrach. Bài báo trình bày lịch sử Nhân Chứng Giê-hô-va vào thời Quốc Xã, trong đó có nói về gia đình tôi. Bài báo cũng đăng hình tôi lúc còn là thiếu nữ. So sánh những nét giống nhau, người đàn bà tiếp xúc với nhà báo và cho biết về các lá thư—tất cả là 42 lá! Vài tuần sau, tôi có trong tay tất cả các lá thư này. Trong những lá thư ba mẹ tôi viết luôn hỏi dì tôi về tôi. Chẳng bao giờ cha mẹ tôi ngừng yêu thương và quan tâm đến tôi. Quả là điều tuyệt vời khi những lá thư này vẫn tồn tại và được tìm thấy sau hơn 60 năm!
[Các hình nơi trang 25]
Gia đình êm ấm của tôi bị tan vỡ khi Hitler lên nắm quyền
[Nguồn tư liệu]
Hình Hitler: U.S. Army photo
[Các hình nơi trang 26]
1. Văn phòng chi nhánh ở Magdeburg
2. Lính Gestapo bắt hàng ngàn Nhân Chứng
[Hình nơi trang 28]
Tôi và anh Jim được nhiều niềm vui trong công việc Nước Trời