Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được huấn luyện để làm chứng cặn kẽ

Được huấn luyện để làm chứng cặn kẽ

Được huấn luyện để làm chứng cặn kẽ

“Các ngươi sẽ... làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất”.—CÔNG-VỤ 1:8.

1, 2. Sứ mạng của Phi-e-rơ là gì, và ai đã giao cho ông sứ mạng đó?

“ĐỨC CHÚA JÊSUS ở Na-xa-rét... đã biểu chúng ta khá giảng-dạy cho dân-chúng, và chứng quyết [“làm chứng cặn kẽ”, NW] chính Ngài là Đấng Đức Chúa Trời đã lập lên để đoán-xét kẻ sống và kẻ chết”. (Công-vụ 10:38, 42) Bằng những lời lẽ này, sứ đồ Phi-e-rơ đã giải thích cho gia đình Cọt-nây hiểu sứ mạng rao truyền tin mừng mà ông đã nhận được.

2 Chúa Giê-su đã giao sứ mạng này khi nào? Có lẽ Phi-e-rơ nghĩ đến điều Chúa Giê-su phục sinh nói ngay trước khi ngài lên trời. Vào dịp đó, ngài nói với các môn đồ trung thành: “Các ngươi sẽ... làm chứng về ta tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất”. (Công-vụ 1:8) Tuy nhiên, một thời gian trước đó, Phi-e-rơ đã biết rằng với tư cách là môn đồ, ông sẽ phải nói với người khác về đức tin của mình nơi Chúa Giê-su.

Ba năm huấn luyện

3. Chúa Giê-su đã thực hiện phép lạ nào, và dành lời mời nào cho Phi-e-rơ và Anh-rê?

3 Vài tháng sau khi Chúa Giê-su làm báp têm vào năm 29 CN, ngài đến rao giảng ở Biển Ga-li-lê, nơi Phi-e-rơ và em ông là Anh-rê đánh cá. Họ đã đánh cả đêm nhưng không được gì hết. Dù vậy, Chúa Giê-su vẫn bảo họ: “Hãy chèo ra ngoài sâu, thả lưới mà đánh cá”. Khi làm theo lời ngài, “họ... được nhiều cá lắm, đến nỗi lưới phải đứt ra”. Thấy phép lạ, Phi-e-rơ liền sợ hãi nhưng Chúa Giê-su trấn an ông: “Đừng sợ chi, từ nay trở đi, ngươi sẽ nên tay đánh lưới người”.—Lu-ca 5:4-10.

4. (a) Chúa Giê-su đã chuẩn bị như thế nào cho môn đồ đi làm chứng? (b) So với thánh chức của Chúa Giê-su, thánh chức của các môn đồ sẽ như thế nào?

4 Ngay lập tức, Phi-e-rơ và Anh-rê, cũng như các con trai Xê-bê-đê là Gia-cơ và Giăng, bỏ thuyền theo Chúa Giê-su. Trong gần ba năm, họ sát cánh cùng ngài trong những chuyến rao giảng và được huấn luyện để trở thành người rao truyền tin mừng. (Ma-thi-ơ 10:7; Mác 1:16, 18, 20, 38; Lu-ca 4:43; 10:9) Cuối thời gian huấn luyện đó vào ngày 14 Nisan năm 33 CN, ngài nói với họ: “Kẻ nào tin ta, cũng sẽ làm việc ta làm; lại cũng làm việc lớn hơn nữa”. (Giăng 14:12) Các môn đồ Chúa Giê-su sẽ làm chứng cặn kẽ như ngài đã làm, nhưng trong một phạm vi lớn hơn. Ít lâu sau đó họ hiểu rằng họ cũng như các môn đồ tương lai sẽ phải làm chứng cho “muôn-dân” cho đến “tận-thế”, tức khi hệ thống này kết liễu.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.

5. Bằng cách nào chúng ta được lợi ích từ sự huấn luyện của Chúa Giê-su cho các môn đồ?

5 Chúng ta đang sống trong thời kỳ kết liễu hệ thống mọi sự này. (Ma-thi-ơ 24:3) Tuy không được sát cánh với Chúa Giê-su và chứng kiến tận mắt công việc rao giảng của ngài như các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất, nhưng chúng ta vẫn được lợi ích từ sự huấn luyện đó. Qua việc đọc Kinh Thánh, chúng ta biết được cách ngài rao giảng và các hướng dẫn mà ngài ban cho môn đồ. (Lu-ca 10:1-11) Tuy nhiên, bài này sẽ trình bày một điều rất quan trọng khác nữa mà Chúa Giê-su đã thể hiện cho môn đồ thấy—thái độ đúng đối với công việc rao giảng.

Quan tâm đến người ta

6, 7. Đức tính nào giúp Chúa Giê-su hữu hiệu trong thánh chức, và làm sao chúng ta có thể noi theo ngài?

6 Tại sao Chúa Giê-su làm chứng hữu hiệu đến thế? Một lý do là vì ngài rất để ý và quan tâm đến người ta. Người viết Thi-thiên tiên tri về Chúa Giê-su rằng ngài sẽ “thương-xót kẻ khốn-cùng, người thiếu-thốn”. (Thi-thiên 72:13) Chắc chắn ngài đã làm ứng nghiệm lời tiên tri đó. Kinh Thánh cho biết vào một dịp nọ: “Ngài thấy những đám dân đông, thì động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”. (Ma-thi-ơ 9:36) Ngay cả những kẻ phạm tội nặng cũng cảm thấy được ngài quan tâm và muốn đến gần ngài.—Ma-thi-ơ 9:9-13; Lu-ca 7:36-38; 19:1-10.

7 Ngày nay chúng ta cũng sẽ đạt hiệu quả trong thánh chức nếu bày tỏ sự quan tâm như thế. Trước khi đi rao giảng, sao không dành ít phút suy nghĩ xem những thông tin mà chúng ta đem lại cần cho người ta đến độ nào? Hãy nghĩ đến những vấn đề người ta có thể đang gặp phải mà chỉ Nước Trời mới giải quyết được. Hãy cố gắng có thái độ tích cực với mọi người bởi vì chúng ta không biết ai sẽ đáp ứng thông điệp. Có lẽ người kế tiếp mà bạn tiếp xúc đã cầu xin có một người như bạn đến giúp!

Được thúc đẩy bởi tình yêu thương

8. Noi gương Chúa Giê-su, các môn đồ ngài rao giảng tin mừng với động lực nào?

8 Tin mừng mà Chúa Giê-su công bố có liên quan đến việc hoàn thành ý định Đức Giê-hô-va, làm sánh danh Ngài và biện minh cho quyền tối thượng của Ngài, là những vấn đề hệ trọng nhất đối với nhân loại. (Ma-thi-ơ 6:9, 10) Vì yêu mến Cha, Chúa Giê-su muốn giữ trung thành cho đến chết và làm chứng cặn kẽ về Nước Trời, phương tiện giải quyết các vấn đề của nhân loại. (Giăng 14:31) Với cùng động lực đó, môn đồ Chúa Giê-su ngày nay sốt sắng tham gia thánh chức. Sứ đồ Giăng nói: “Nầy là sự yêu-mến Đức Chúa Trời, tức là chúng ta vâng-giữ điều-răn Ngài”, trong đó có điều răn rao giảng tin mừng và đào tạo môn đồ.—1 Giăng 5:3; Ma-thi-ơ 28:19, 20.

9, 10. Ngoài tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời, còn có tình yêu thương nào khác thúc đẩy chúng ta làm chứng cặn kẽ?

9 Chúa Giê-su bảo các môn đồ: “Nếu các ngươi yêu-mến ta, thì giữ-gìn các điều-răn ta. Ai có các điều răn của ta và vâng-giữ lấy, ấy là kẻ yêu-mến ta”. (Giăng 14:15, 21) Như vậy, động lực thúc đẩy chúng ta làm chứng về lẽ thật và vâng giữ các điều răn của Chúa Giê-su chính là tình yêu thương đối với ngài. Trong một lần hiện ra với các môn đồ sau khi được sống lại, Chúa Giê-su khuyến giục Phi-e-rơ: “Hãy chăn những chiên con ta... Hãy chăn chiên ta”. Phi-e-rơ nên làm việc đó với động lực nào? Chúa Giê-su cho thấy câu trả lời khi ngài hỏi ông ba lần: “Ngươi yêu ta... chăng?” Vâng, tình yêu thương đối với Chúa Giê-su sẽ thúc đẩy Phi-e-rơ làm chứng cặn kẽ, đi tìm “chiên” ngài và sau đó trở thành người chăn theo nghĩa thiêng liêng.—Giăng 21:15-17.

10 Ngày nay, tuy không được kề cận với Chúa Giê-su như Phi-e-rơ nhưng chúng ta hiểu rõ những gì ngài làm cho mình. Chúng ta không khỏi xúc động trước tình yêu thương cao cả đã thúc đẩy ngài “vì mọi người nếm sự chết”. (Hê-bơ-rơ 2:9; Giăng 15:13) Cũng như sứ đồ Phao-lô, chúng ta cảm thấy: ‘Tình yêu-thương của Đấng Christ cảm-động chúng ta... Ngài đã chết vì mọi người, hầu cho những kẻ còn sống không vì chính mình mà sống nữa, nhưng sống vì ngài’. (2 Cô-rinh-tô 5:14, 15) Khi nghiêm túc thực hiện sứ mạng làm chứng cặn kẽ, chúng ta cho thấy mình quý trọng tình yêu thương của Chúa Giê-su và yêu mến ngài. (1 Giăng 2:3-5) Chúng ta sẽ không bao giờ muốn làm thánh chức cách hời hợt như thể xem thường sự hy sinh của ngài.—Hê-bơ-rơ 10:29.

Luôn chú tâm vào đúng mục tiêu

11, 12. Chúa Giê-su xuống thế gian với mục đích nào, và ngài luôn chú tâm vào mục tiêu ấy ra sao?

11 Khi đứng trước Bôn-xơ Phi-lát, Chúa Giê-su đã nói: “Nầy, vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật”. (Giăng 18:37) Ngài không để bất kỳ điều gì khiến ngài sao lãng việc làm chứng cho lẽ thật. Đó là ý muốn của Đức Chúa Trời đối với ngài.

12 Sa-tan tất nhiên đã cám dỗ Chúa Giê-su từ bỏ công việc này. Chẳng bao lâu sau khi ngài làm báp têm, Sa-tan đã đề nghị cho ngài “các nước thế-gian, cùng sự vinh-hiển các nước ấy” và làm ngài nổi danh khắp thế giới. (Ma-thi-ơ 4:8, 9) Sau đó, người Do Thái cũng muốn tôn ngài lên làm vua. (Giăng 6:15) Một số người có lẽ nghĩ nếu Chúa Giê-su chấp nhận những đề nghị đó, hẳn ngài đã có thể làm được nhiều điều lợi ích cho nhân loại. Nhưng Chúa Giê-su đã bác bỏ lối suy nghĩ đó. Mục tiêu của ngài là làm chứng cho lẽ thật.

13, 14. (a) Chúa Giê-su đã không để điều gì làm cho sao lãng? (b) Tuy nghèo về vật chất, nhưng Chúa Giê-su đã thực hiện được điều gì?

13 Ngoài ra, ngài không để vật chất làm cho sao lãng. Chính vì vậy mà ngài không giàu, thậm chí không có một mái nhà. Có lần ngài nói: “Con cáo có hang, chim trời có ổ; song Con người không có chỗ mà gối đầu”. (Ma-thi-ơ 8:20) Theo Kinh Thánh, đến lúc chết, vật giá trị duy nhất ngài có là chiếc áo mà bọn lính La Mã bắt thăm. (Giăng 19:23, 24) Phải chăng đời ngài đã thất bại? Chắc chắn không!

14 Chúa Giê-su đã thực hiện được nhiều việc hơn xa những mạnh thường quân giàu có nhất từ xưa đến nay. Phao-lô nói: “Anh em biết ơn của Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta, Ngài vốn giàu, vì anh em mà tự làm nên nghèo, hầu cho bởi sự nghèo của Ngài, anh em được nên giàu”. (2 Cô-rinh-tô 8:9; Phi-líp 2:5-8) Tuy nghèo về vật chất, nhưng Chúa Giê-su đã cho những người khiêm nhường có cơ hội vui hưởng sự sống hoàn toàn mãi mãi. Chúng ta thật biết ơn ngài làm sao! Và chúng ta vui mừng biết bao khi ngài nhận được phần thưởng vì đã luôn chú tâm thực thi ý muốn Đức Chúa Trời!—Thi-thiên 40:8; Công-vụ 2:32, 33, 36.

15. Điều gì quý giá hơn sự giàu sang?

15 Tín đồ Đấng Christ, là những người nay đang cố gắng noi gương Chúa Giê-su, cũng kiên quyết không để việc theo đuổi sự giàu sang làm cho sao lãng. (1 Ti-mô-thê 6:9, 10) Họ thừa nhận của cải vật chất có thể mang lại nhiều tiện nghi trong đời sống, nhưng họ biết sự sống vĩnh cửu trong tương lai không tùy thuộc vào sự giàu sang. Khi một tín đồ chết đi, tất cả tài sản của người đó chẳng có giá trị gì đối với người hơn là chiếc áo của Chúa Giê-su lúc ngài chết. (Truyền-đạo 2:10, 11, 17-19; 7:12) Sau khi chết, điều giá trị duy nhất họ còn lại là mối quan hệ với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Christ.—Ma-thi-ơ 6:19-21; Lu-ca 16:9.

Không lay chuyển trước sự chống đối

16. Chúa Giê-su có thái độ nào trước sự chống đối?

16 Sự chống đối cũng không thể khiến Chúa Giê-su sao lãng mục tiêu làm chứng cho lẽ thật. Dù biết rằng thánh chức trên đất sẽ chấm dứt bằng sự hy sinh mạng sống, ngài vẫn không nao núng. Phao-lô nói về ngài: “Vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy thập-tự-giá, khinh điều sỉ-nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời”. (Hê-bơ-rơ 12:2) Hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su “khinh điều sỉ-nhục”. Ngài không quan tâm đến những gì kẻ thù nghĩ về ngài, nhưng chỉ chú tâm thực thi ý muốn Đức Chúa Trời.

17. Chúng ta học được gì từ gương nhịn nhục của Chúa Giê-su?

17 Khuyến khích tín đồ Đấng Christ học theo gương nhịn nhục của Chúa Giê-su, Phao-lô nói: “Anh em hãy nghĩ đến Đấng đã chịu sự đối-nghịch của kẻ tội-lỗi dường ấy, hầu cho khỏi bị mỏi-mệt sờn lòng”. (Hê-bơ-rơ 12:3) Quả thật, chúng ta có thể sờn lòng vì hằng ngày phải đối phó với sự chống đối và chế nhạo. Chúng ta có thể mỏi mệt vì phải luôn chống chọi với các hấp lực của thế gian, cùng với sự chê bai của người thân luôn muốn chúng ta tạo “công danh sự nghiệp”. Tuy nhiên giống như Chúa Giê-su, chúng ta nương cậy nơi sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va khi cương quyết đặt Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống.—Ma-thi-ơ 6:33; Rô-ma 15:13; 1 Cô-rinh-tô 2:4.

18. Chúng ta rút được bài học quý giá nào từ những lời Chúa Giê-su nói với Phi-e-rơ?

18 Thái độ kiên quyết không để bị sao lãng của Chúa Giê-su thể hiện rõ khi ngài bắt đầu cho môn đồ biết về sự chết sắp đến của ngài. Phi-e-rơ đã khuyên can ngài: “Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!” Chúa Giê-su từ chối nghe bất kỳ điều gì có thể làm suy yếu lòng quyết tâm thực thi ý muốn Đức Giê-hô-va. Ngài quay lại trách Phi-e-rơ: “Ớ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta! Ngươi làm gương xấu cho ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta”. (Ma-thi-ơ 16:21-23) Mong rằng chúng ta cũng luôn cương quyết bác bỏ ý tưởng của loài người, nhưng vâng theo sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời.

Mang lại lợi ích thiết thực

19. Mặc dù Chúa Giê-su đã làm nhiều phép lạ, phần quan trọng nhất trong thánh chức của ngài là gì?

19 Chúa Giê-su đã làm nhiều phép lạ để chứng tỏ ngài là Đấng Mê-si, kể cả làm người chết sống lại. Những việc này thu hút dân chúng, nhưng ngài không xuống thế gian cốt để làm công tác xã hội. Ngài đến để làm chứng cho lẽ thật. Ngài biết những lợi ích vật chất mà ngài đã mang lại chỉ có giá trị tạm thời. Ngay cả những người được sống lại rồi cũng sẽ chết. Chỉ bằng việc làm chứng cho lẽ thật, ngài mới có thể giúp một số người đạt được sự sống đời đời.—Lu-ca 18:28-30.

20, 21. Tín đồ thật của Đấng Christ giữ thăng bằng thế nào trong việc làm lành?

20 Ngày nay, một số người cố gắng noi theo các việc lành của Chúa Giê-su bằng cách xây bệnh viện hay làm việc bác ái. Có những người đã hy sinh đời sống riêng tư rất nhiều để thực hiện những công việc ấy. Lòng thành của họ thật đáng được khen ngợi, tuy nhiên mọi trợ giúp của họ chỉ là tạm thời. Chỉ Nước Trời mới mang lại sự giải thoát vĩnh viễn. Chính vì thế Nhân Chứng Giê-hô-va đặt trọng tâm vào việc làm chứng cho lẽ thật về Nước Trời, như Chúa Giê-su đã làm.

21 Tất nhiên, các tín đồ thật cũng không quên làm những việc lành. Phao-lô viết: “Đương lúc có dịp-tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhứt là cho anh em chúng ta trong đức-tin”. (Ga-la-ti 6:10) Trong những lúc xảy ra hoạn nạn hay khi có người cần giúp đỡ, chúng ta không ngần ngại “làm điều thiện” cho anh em và người đồng loại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn luôn chú tâm vào mục tiêu chính của mình, đó là làm chứng cho lẽ thật.

Học theo gương mẫu Chúa Giê-su

22. Tại sao tín đồ Đấng Christ rao giảng cho người đồng loại?

22 Sứ đồ Phao-lô viết: “Không rao-truyền Tin-lành, thì khốn-khó cho tôi thay”. (1 Cô-rinh-tô 9:16) Ông không chểnh mảng trong việc rao truyền tin mừng bởi vì đó là sự sống cho ông và những người nghe theo. (1 Ti-mô-thê 4:16) Chúng ta cũng có cùng thái độ như ông về thánh chức. Chúng ta muốn giúp người đồng loại, muốn chứng tỏ tình yêu thương với Đức Giê-hô-va, với Chúa Giê-su và bày tỏ lòng biết ơn đối với tình yêu cao cả của ngài. Vì thế, chúng ta giảng tin mừng và không sống “theo những sự người ta ưa-thích, một phải theo ý-muốn Đức Chúa Trời”.—1 Phi-e-rơ 4:1, 2.

23, 24. (a) Chúng ta học được gì từ phép lạ đánh cá? (b) Ngày nay ai đang làm chứng cặn kẽ?

23 Giống như Chúa Giê-su, chúng ta không để mất mục tiêu khi người khác chế nhạo hay giận dữ từ chối thông điệp. Chúng ta ghi nhớ bài học từ phép lạ mà Chúa Giê-su đã thực hiện khi gọi Phi-e-rơ và Anh-rê theo ngài. Chúng ta biết rằng nếu vâng lời ngài thả lưới, theo nghĩa bóng, ngay cả ở những vùng nước hầu như không có cá, chúng ta có thể vẫn thu được những mẻ cá lớn. Nhiều tín đồ đã trải nghiệm điều này sau nhiều năm kiên trì đánh bắt ở những vùng có vẻ không còn cá. Một số anh chị khác thì dọn đến những nơi nhiều cá và thu được những mẻ lưới lớn. Dù ở đâu, chúng ta không bao giờ treo lưới. Chúng ta biết rằng Chúa Giê-su chưa tuyên bố chấm dứt công việc rao giảng trên bất cứ phần đất nào.—Ma-thi-ơ 24:14.

24 Hiện nay, hơn sáu triệu Nhân Chứng Giê-hô-va đang bận rộn rao giảng trong hơn 230 xứ. Tháp Canh ngày 1-2-2005 sẽ báo cáo hoạt động của họ trên thế giới trong năm công tác 2004. Báo cáo đó sẽ cho thấy sự ban phước dồi dào của Đức Giê-hô-va trên công việc rao giảng. Trong thời gian còn lại của hệ thống này, mong sao chúng ta tiếp tục làm theo lời khuyến khích của Phao-lô: “Hãy giảng đạo”. (2 Ti-mô-thê 4:2) Mong rằng chúng ta sẽ tiếp tục làm chứng cặn kẽ cho đến khi Đức Giê-hô-va truyền việc đã làm xong.

Kể từ năm nay, Bảng Báo Cáo Năm Công Tác của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp Thế Giới sẽ được đăng trong số Tháp Canh ngày 1 tháng 2, thay vì ngày 1 tháng 1.

Bạn có thể trả lời không?

• Làm thế nào chúng ta được lợi ích từ sự huấn luyện của Chúa Giê-su cho các môn đồ?

• Chúa Giê-su có thái độ nào đối với những người ngài rao giảng?

• Động lực nào thúc đẩy chúng ta làm chứng cặn kẽ?

• Bằng những cách nào chúng ta có thể luôn chú tâm thực thi ý muốn Đức Chúa Trời như Chúa Giê-su đã làm?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 15]

Chúng ta sẽ đạt hiệu quả trong thánh chức nếu bày tỏ lòng quan tâm đến người ta như Chúa Giê-su đã làm

[Hình nơi trang 16, 17]

Chúa Giê-su xuống thế cốt để làm chứng cho lẽ thật

[Các hình nơi trang 17]

Nhân Chứng Giê-hô-va đặt trọng tâm vào việc làm chứng cặn kẽ