Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Phải chăng lời của Ê-tiên nơi Công-vụ 7:59 cho thấy chúng ta nên cầu nguyện Chúa Giê-su?

Công-vụ 7:59 nói: “Chúng đang ném đá, thì Ê-tiên cầu-nguyện rằng: Lạy Đức Chúa Jêsus, xin tiếp lấy linh-hồn tôi”. Những lời này làm một số người thắc mắc vì Kinh Thánh đã cho biết Đức Giê-hô-va là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”. (Thi-thiên 65:2) Vậy, Ê-tiên có thật sự cầu nguyện Chúa Giê-su không? Phải chăng điều này cho thấy Chúa Giê-su và Đức Giê-hô-va là một?

Bản dịch King James Version nói rằng Ê-tiên “cầu khẩn Đức Chúa Trời”. Do đó, nhiều người đi đến kết luận như lời của ông Matthew Henry, nhà bình luận Kinh Thánh: “Trong câu này, Ê-tiên đã cầu nguyện Đấng Christ, nên chúng ta cũng vậy”. Tuy nhiên, quan điểm này là sai lầm. Tại sao?

Sách Barnes’ Notes on the New Testament (Ghi chú của Barnes về Tân Ước) thành thật thừa nhận: “Từ Đức Chúa Trời không có trong nguyên bản, vì vậy không nên xuất hiện trong các bản dịch. Từ này không hề có trong bản [chép tay] hoặc trong các bản sao cổ xưa”. Tại sao từ “Đức Chúa Trời” lại xuất hiện trong câu này? Học giả Abiel Abbot Livermore gọi đây là “một ví dụ điển hình về định kiến của các dịch giả”. Do đó, hầu hết các bản dịch hiện nay đều loại ra từ “Đức Chúa Trời” vì không có trong nguyên bản.

Tuy vậy, nhiều bản dịch quả đã viết rằng Ê-tiên “cầu-nguyện” Chúa Giê-su. Bản dịch New World Translation (Bản dịch Thế Giới Mới) dịch là “kêu cầu”, và cước chú cho biết từ này cũng có nghĩa là “cầu khẩn; cầu nguyện”. Vậy thì Chúa Giê-su có phải là Đức Chúa Trời Toàn Năng không? Không. Theo tự điển Kinh Thánh Vine’s Expository Dictionary of Old and New Testament Words, từ e·pi·ka·leʹo, theo nguyên ngữ tiếng Hy Lạp trong bối cảnh này, có nghĩa là: “Kêu lớn tiếng, cầu khẩn;... kêu cầu một nhân vật có thẩm quyền”. Phao-lô cũng dùng từ này khi nói: ‘Tôi kêu-nài đến Sê-sa’. (Công-vụ 25:11) Đúng theo ý nghĩa của từ này, bản dịch Trần Đức Huân viết Ê-tiên “kêu lớn tiếng” đến Chúa Giê-su.

Điều gì thúc đẩy Ê-tiên kêu lớn tiếng như vậy? Theo Công-vụ 7:55, 56, Ê-tiên “được đầy-dẫy Đức Thánh-Linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Jêsus đứng bên hữu Đức Chúa Trời”. Thường thì Ê-tiên phải cầu nguyện Đức Giê-hô-va nhân danh Chúa Giê-su. Nhưng trong sự hiện thấy, khi chứng kiến Chúa Giê-su đã sống lại, dường như Ê-tiên không ngại ngùng kêu khẩn Chúa Giê-su cách trực tiếp: “Lạy Đức Chúa Jêsus, xin tiếp lấy linh-hồn tôi”. Ê-tiên biết Chúa Giê-su đã được ban quyền làm cho người chết sống lại. (Giăng 5:27-29) Vì vậy ông cầu xin Chúa Giê-su gìn giữ linh hồn, hay lực sự sống của ông, cho đến ngày Chúa Giê-su cho ông sống lại để hưởng sự sống bất tử trên trời.

Phải chăng lời Ê-tiên thốt ra trong giây phút là tiền lệ để chúng ta cầu nguyện Chúa Giê-su? Hoàn toàn không. Một lý do là Ê-tiên phân biệt rõ ràng Chúa Giê-su với Đức Giê-hô-va vì lời tường thuật nói rằng ông thấy Chúa Giê-su “đứng bên hữu Đức Chúa Trời”. Ngoài ra, trường hợp của Ê-tiên là ngoại lệ. Chỉ có một trường hợp khác cho thấy một người cũng trực tiếp cầu xin Chúa Giê-su khi nhận sự hiện thấy về ngài, đó là trường hợp của sứ đồ Giăng.—Khải-huyền 22:16, 20.

Tuy các tín đồ Đấng Christ ngày nay chỉ cầu nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời, nhưng họ cũng tuyệt đối tin tưởng Chúa Giê-su là “sự sống lại và sự sống”. (Giăng 11:25) Như trong trường hợp của Ê-tiên, đức tin nơi khả năng của Chúa Giê-su làm cho các môn đồ ngài sống lại sẽ giúp và nâng đỡ chúng ta trong những lúc gian truân.