Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cách bảo vệ con cái bằng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời

Cách bảo vệ con cái bằng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời

Cách bảo vệ con cái bằng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời

MỖI ngày thân thể của chúng ta phải chống lại đạo quân vi khuẩn, ký sinh trùng, và vi-rút. Mừng thay, đa số chúng ta thừa hưởng một hệ miễn dịch giúp chống lại những cuộc tấn công như thế và tránh được nhiều bệnh.

Tương tự như vậy, tín đồ Đấng Christ phải chống lại lối suy nghĩ và tiêu chuẩn trái với Kinh Thánh cũng như những áp lực có thể hủy hoại sức khỏe thiêng liêng. (2 Cô-rinh-tô 11:3) Để kháng cự cuộc tấn công vào lòng và trí diễn ra hàng ngày, chúng ta cần tăng sức đề kháng về thiêng liêng.

Sức đề kháng này đặc biệt cần thiết cho con cái chúng ta, vì bẩm sinh chúng không có sức đề kháng về thiêng liêng giúp chống lại tinh thần của thế gian. (Ê-phê-sô 2:2) Khi con cái lớn lên, điều thiết yếu là cha mẹ giúp chúng gia tăng sức đề kháng của riêng chúng. Sức đề kháng này tùy thuộc vào điều gì? Kinh Thánh giải thích: “Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn-ngoan;... [Ngài] phù-hộ các lối của người công-bình”. (Châm-ngôn 2:6, 8) Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời có thể gìn giữ đường lối của người trẻ để chúng không chơi với bạn bè xấu, không bị ảnh hưởng bởi áp lực của bạn đồng lứa hoặc không bị lôi cuốn vào những giải trí không lành mạnh. Làm thế nào các bậc cha mẹ có thể theo sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va và khắc ghi vào lòng con cái sự khôn ngoan của Ngài?

Tìm kiếm sự kết hợp lành mạnh

Thanh thiếu niên thích chơi với bạn cùng lứa là điều dễ hiểu, nhưng chỉ kết hợp với những người còn thiếu kinh nghiệm sẽ không giúp ích gì trong việc thâu nhận sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Lời Châm-ngôn cảnh báo: “Sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ”. (Châm-ngôn 22:15) Vậy, làm sao một số cha mẹ đã giúp con cái họ áp dụng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời trong việc chọn bạn?

Một người cha tên là Don * nói: “Các con trai chúng tôi dành khá nhiều thời giờ chơi với bạn đồng lứa, nhưng thường là ở nhà lúc chúng tôi có mặt. Chúng tôi luôn rộng cửa chào đón khách và lúc nào nhà cũng đầy người trẻ, chúng có thể ăn uống và vui chơi thoải mái. Chúng tôi sẵn lòng chịu đựng sự ồn ào và bừa bộn trong nhà để con cái có được một môi trường an toàn, lành mạnh và bầu không khí vui vẻ”.

Brian và Mary có ba người con ngoan nhưng họ phải thú nhận rằng việc dạy dỗ chúng không phải lúc nào cũng dễ. Họ cho biết: “Trong hội thánh chúng tôi, ít có các người trẻ ở cùng độ tuổi thanh thiếu niên để con gái chúng tôi là Jane kết bạn. Tuy nhiên, Jane có một cô bạn tên là Susan, tính tình vui vẻ và cởi mở. Nhưng cha mẹ của Susan thì dễ dãi hơn chúng tôi. Susan được phép về nhà muộn hơn Jane, mặc váy ngắn hơn, nghe nhạc có vẻ không lành mạnh, và xem những phim không thích hợp với tín đồ Đấng Christ. Trong một thời gian khá lâu, Jane không sao hiểu được quan điểm của chúng tôi. Đối với Jane thì hình như cha mẹ của Susan dễ thông cảm hơn, còn chúng tôi thì quá khắt khe. Chỉ đến khi Susan gặp vấn đề thì Jane mới nhận ra rằng sự kiên quyết của chúng tôi đã che chở cháu. Chúng tôi mừng là đã giữ vững lập trường về những điều mà chúng tôi tin là đúng cho con gái mình”.

Nhiều người trẻ giống như Jane đã hiểu được rằng hành động khôn ngoan là tìm kiếm sự hướng dẫn của cha mẹ trong việc kết bạn. Sách Châm-ngôn nói: “Kẻ nào nghe lời quở-trách của sự sống sẽ được ở giữa các người khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 15:31) Sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời giúp người trẻ kết bạn với những người có tinh thần xây dựng.

Đối phó với áp lực làm theo đa số

Bạn bè và áp lực thường đi đôi với nhau. Hàng ngày con cái chúng ta phải có sức đề kháng để chống lại áp lực làm theo đa số. Vì những người trẻ thường muốn được nhóm bạn đồng lứa chấp nhận, nên áp lực của bạn bè có thể khiến chúng rập khuôn theo ham muốn của thế gian.—Châm-ngôn 29:25.

Kinh Thánh nhắc nhở: “Thế-gian với sự tham-dục nó đều qua đi”. (1 Giăng 2:17) Vì vậy, cha mẹ không nên để con cái mình bị ảnh hưởng quá mức bởi quan điểm của thế gian. Làm sao họ có thể giúp con cái suy nghĩ theo quan điểm của tín đồ Đấng Christ?

Anh Richard nói: “Con gái tôi luôn muốn ăn mặc theo mốt của giới trẻ. Vì vậy chúng tôi phải kiên nhẫn lý luận sao cho con thấy được cái lợi và hại mỗi khi cháu muốn mua sắm. Ngay cả với những mẫu thời trang chúng tôi cho là đứng đắn, chúng tôi vẫn theo lời khuyên được nghe vài năm trước: ‘ Người khôn ngoan không phải là người đầu tiên theo thời trang và cũng không phải là người ăn mặc lỗi thời’ ”.

Một người mẹ tên Pauline giúp con chị kháng cự lại áp lực bạn bè qua một cách khác. Chị kể: “Tôi quan tâm đến những gì con tôi thích và thường xuyên vào phòng chúng để trò chuyện. Những cuộc nói chuyện khá lâu như vậy giúp tôi uốn nắn lối suy nghĩ của chúng để chúng biết nhìn sự việc theo một góc độ khác”.

Vì không thể tránh khỏi áp lực bạn bè, nên cha mẹ hầu như phải luôn nỗ lực “đánh đổ các lý-luận” của thế gian và giúp con cái “bắt hết các ý-tưởng [của chúng] làm tôi vâng-phục Đấng Christ”. (2 Cô-rinh-tô 10:5) Nhưng nhờ ‘bền lòng cầu-nguyện’, cả cha mẹ lẫn con cái sẽ được trợ sức để làm được điều thiết yếu này.—Rô-ma 12:12; Thi-thiên 65:2.

Hấp lực của giải trí

Ảnh hưởng thứ ba mà cha mẹ cảm thấy khó đối phó là giải trí. Trẻ em thích chơi đùa là điều đương nhiên. Nhiều người trẻ ở tuổi thiếu niên cũng “ham mê” vui chơi. (2 Ti-mô-thê 2:22, An Sơn Vị) Nhưng nếu không thỏa mãn đúng cách, sự ham muốn này sẽ làm yếu đi sức đề kháng về thiêng liêng. Mối nguy hiểm này chủ yếu đến từ hai khía cạnh.

Thứ nhất, phần lớn trò giải trí phản ánh tiêu chuẩn đạo đức đồi bại của thế gian. (Ê-phê-sô 4:17-19) Tuy vậy, các loại hình giải trí luôn có vẻ hấp dẫn và đầy hào hứng. Đây thật sự là mối nguy hiểm cho giới trẻ vì họ có thể không nhận ra cạm bẫy của những trò giải trí đó.

Thứ hai, thời gian dành cho giải trí cũng có thể là một vấn đề. Đối với một số người, vui chơi giải trí trở thành điều tối quan trọng trong cuộc sống, chiếm quá nhiều thời gian và năng lực. Lời Châm-ngôn cảnh báo: “Ăn mật nhiều quá lấy làm chẳng tốt”. (Châm-ngôn 25:27) Tương tự, giải trí quá mức sẽ làm giảm sự hứng thú đối với thức ăn thiêng liêng bổ dưỡng và khiến tinh thần uể oải. (Châm-ngôn 21:17; 24:30-34) Tận hưởng thế gian này đến mức tối đa ngăn cản những người trẻ “cầm lấy sự sống thật”—sự sống đời đời trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời đã hứa. (1 Ti-mô-thê 6:12, 19) Làm sao cha mẹ đối phó với khó khăn này?

Mari Carmen, một người mẹ có ba người con gái nói: “Chúng tôi muốn con mình giải trí lành mạnh và vui vẻ. Vì thế cả gia đình thường đi chơi chung và chúng tôi cũng cho con cái kết hợp với người trẻ trong hội thánh. Nhưng chúng tôi cũng đặt việc giải trí ở đúng chỗ của nó. Chúng tôi coi nó như món tráng miệng—ngon và ngọt nhưng không phải là món ăn chính. Con cái chúng tôi tập làm việc nhà, việc trường và việc hội thánh”.

Anh Don và chị Ruth cũng không bỏ qua việc giải trí. Họ cho biết: “Chúng tôi có thói quen dành Thứ Bảy làm ‘ngày của gia đình’. Buổi sáng chúng tôi tham gia thánh chức, buổi trưa đi bơi và có bữa ăn đặc biệt vào buổi tối”.

Những kinh nghiệm của các bậc cha mẹ nêu trên cho thấy tầm quan trọng của việc giữ thăng bằng giữa giải trí lành mạnh và việc đặt nó vào đúng chỗ trong đời sống của người tín đồ Đấng Christ.—Truyền-đạo 3:4; Phi-líp 4:5.

Tin cậy Đức Giê-hô-va

Dĩ nhiên, cần nhiều năm để tạo sức đề kháng thiêng liêng. Không thần dược nào có thể mang lại sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời và thúc đẩy con cái tin cậy nơi Cha trên trời. Đúng hơn, cha mẹ phải tiếp tục “dùng sự sửa-phạt khuyên-bảo của Chúa mà nuôi-nấng chúng”. (Ê-phê-sô 6:4) Tiếp tục giáo dục hay “khuyên-bảo” có nghĩa là giúp con cái nhìn mọi việc theo quan điểm của Đức Chúa Trời. Làm sao cha mẹ làm được điều này?

Bí quyết thành công là thường xuyên học hỏi Kinh Thánh gia đình. Chương trình học hỏi này ‘mở mắt con cái, để chúng thấy sự lạ-lùng trong luật-pháp của Chúa’. (Thi-thiên 119:18) Anh Diego rất coi trọng việc học hỏi gia đình và nhờ đó giúp được con cái anh đến gần Đức Giê-hô-va. Anh nói: “Tôi chuẩn bị kỹ cho buổi học. Bằng cách tra cứu trong các ấn phẩm dựa trên Lời Đức Chúa Trời, tôi làm cho những nhân vật trong Kinh Thánh trở nên sống động. Tôi khuyến khích các con đặt mình ở vị trí những người trung thành. Nhờ vậy, các con tôi khắc ghi trong trí một cách sống động những điều làm hài lòng Đức Giê-hô-va”.

Con cái cũng học được qua nhiều cách khác. Môi-se khuyên cha mẹ truyền những lời nhắc nhở của Đức Giê-hô-va cho con cái ‘khi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc nằm, hay là khi chỗi dậy’. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:7) Một người cha giải thích: “Cần nhiều thời gian để con trai tôi mở lòng mình và thổ lộ tâm sự. Khi đi dạo hoặc làm việc chung với nhau, con tôi bắt đầu bày tỏ nỗi lòng với tôi. Những lúc như vậy giúp chúng tôi có được những cuộc trò chuyện đầy bổ ích”.

Các lời cầu nguyện của cha mẹ có thể tạo ấn tượng sâu sắc đối với con cái. Việc nghe cha mẹ khiêm nhường cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ và tha thứ sẽ thúc đẩy con cái “tin rằng có Đức Chúa Trời”. (Hê-bơ-rơ 11:6) Nhiều bậc cha mẹ thành công trong việc nuôi dạy con cái nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cầu nguyện chung với gia đình. Trong lời cầu nguyện, họ nói đến những vấn đề ở học đường và những lo lắng của con cái. Một anh cho biết vợ anh luôn cầu nguyện với các con trước khi chúng đi học.—Thi-thiên 62:8; 112:7.

Chớ mệt-nhọc về sự làm lành”

Tất cả các bậc cha mẹ đều phạm sai lầm và đôi khi hối tiếc về cách họ giải quyết một số vấn đề. Tuy thế, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta luôn nỗ lực và “chớ mệt-nhọc về sự làm lành”.—Ga-la-ti 6:9.

Tuy nhiên, vào những lúc không hiểu con cái, các bậc cha mẹ đôi khi cảm thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc. Rất dễ đi đến kết luận là thế hệ trẻ khác với thế hệ trước và khó dạy hơn. Nhưng thật ra, con cái ngày nay cũng có những yếu điểm và cũng phải đương đầu với những cám dỗ tương tự như thế hệ trước tuy áp lực lôi kéo người trẻ làm điều xấu ngày càng gia tăng. Vì thế, sau khi sửa dạy con trai mình, một người cha nhẹ nhàng và nhân từ nói với con: “Những gì lòng con thúc đẩy con làm cũng là những gì lòng cha đã từng muốn khi ở tuổi con”. Có lẽ cha mẹ không rành về máy vi tính, nhưng họ biết rất rõ về khuynh hướng của xác thịt bất toàn.—Ma-thi-ơ 26:41; 2 Cô-rinh-tô 2:11.

Có lẽ một số con cái không sẵn lòng nghe theo lời khuyên của cha mẹ, thậm chí còn chống lại sự sửa dạy. Tuy nhiên, một lần nữa sự bền bỉ là cần thiết. Bất chấp thái độ miễn cưỡng lúc đầu hoặc những lúc chống đối, nhưng rồi nhiều trẻ sẽ đáp ứng. (Châm-ngôn 22:6; 23:22-25) Matthew, một tín đồ trẻ hiện đang phục vụ tại văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, kể: “Khi ở tuổi thiếu niên, tôi cảm thấy những giới hạn mà cha mẹ tôi đưa ra là không chính đáng. Tôi lý luận rằng nếu cha mẹ của bạn tôi cho phép làm một điều gì đó, tại sao cha mẹ tôi lại không? Đôi lúc tôi bực bội khi bị cha mẹ phạt không cho phép đi chèo xuồng, trò giải trí mà tôi rất thích. Tuy nhiên, khi ngẫm lại, tôi nhận ra rằng sự sửa dạy của cha mẹ là cần thiết và phương pháp này có kết quả. Tôi biết ơn cha mẹ đã hướng dẫn tôi những điều cần thiết và đúng lúc”.

Dù đôi khi con cái phải ở trong môi trường không lành mạnh về thiêng liêng, điều chắc chắn là chúng vẫn có thể lớn lên và trở thành tín đồ tốt của Đấng Christ. Theo lời hứa trong Kinh Thánh, sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời có thể cho chúng sức đề kháng về thiêng liêng. “Vì sự khôn-ngoan sẽ vào trong lòng con, và linh-hồn con sẽ lấy sự hiểu-biết làm vui-thích. Sự dẽ-dặt sẽ coi-sóc con, sự thông-sáng sẽ gìn-giữ con, để cứu con khỏi đường dữ”.—Châm-ngôn 2:10-12.

Cưu mang con chín tháng mười ngày không phải là chuyện dễ, và cha mẹ cũng trải qua cả niềm vui lẫn nỗi buồn trong suốt 20 năm sau. Nhưng vì thương con, cha mẹ tín đồ Đấng Christ hết sức mình bảo vệ con cái bằng sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Nghĩ về con mình, họ có cùng cảm nghĩ như sứ đồ Giăng khi ông nói về những con cái thiêng liêng của ông: “Tôi nghe con-cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui-mừng hơn nữa”.3 Giăng 4.

[Chú thích]

^ đ. 7 Một số tên trong bài này đã được đổi.

[Hình nơi trang 24]

“Chúng tôi luôn rộng cửa chào đón khách và lúc nào nhà cũng đầy người trẻ”

[Hình nơi trang 25]

Hãy quan tâm đến những gì con cái thích

[Các hình nơi trang 26]

“Tôi chuẩn bị kỹ cho buổi học”