Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chúng tôi học tin cậy trọn vẹn nơi Đức Giê-hô-va

Chúng tôi học tin cậy trọn vẹn nơi Đức Giê-hô-va

Tự Truyện

Chúng tôi học tin cậy trọn vẹn nơi Đức Giê-hô-va

DO NATALIE HOLTORF KỂ LẠI

Đó là tháng 6 năm 1945. Hôm ấy, một người đàn ông trông xanh xao xuất hiện trước cửa nhà chúng tôi và kiên nhẫn đứng đợi. Ruth, con gái út tôi, hoảng hốt la lên: “Mẹ ơi, có ông nào đứng trước cửa nè!” Nó không hay biết người lạ ấy chính là cha nó—Ferdinand, người chồng yêu dấu của tôi. Trước đó hai năm, chỉ ba ngày sau khi tôi sinh Ruth, Ferdinand đã bị bắt trong khi đi lo công việc và rồi bị giam trong trại tập trung Đức Quốc Xã. Giờ đây Ruth đã được gặp cha và gia đình chúng tôi lại đoàn tụ. Chúng tôi có biết bao nhiêu điều để nói với nhau!

ANH Ferdinand sinh năm 1909 ở thành phố Kiel, Đức, còn tôi sinh năm 1907 ở thành phố Dresden, cũng ở Đức. Năm tôi 12 tuổi, gia đình tôi lần đầu tiên tiếp xúc với Học Viên Kinh Thánh, tên gọi của Nhân Chứng Giê-hô-va thời bấy giờ. Khi lên 19, tôi ngưng theo phái Phúc Âm của Tin Lành rồi dâng mình cho Đức Giê-hô-va.

Trong thời gian đó, Ferdinand tốt nghiệp trường hàng hải và trở thành một thủy thủ. Khi lênh đênh trên biển trong những chuyến hành trình dài, anh thường hay suy ngẫm về sự hiện hữu của một Đấng Tạo Hóa. Một lần sau khi trở về cảng, Ferdinand đến thăm người anh là một Học Viên Kinh Thánh. Chỉ một cuộc viếng thăm như thế anh đã tin rằng Kinh Thánh có thể giải đáp những thắc mắc xưa nay của mình. Anh rời bỏ phái Luther của Tin Lành và cũng bỏ luôn nghề thủy thủ nữa. Sau lần đầu tiên tham gia rao giảng, anh đã ao ước mãnh liệt được làm công việc này trong suốt quãng đời còn lại. Cùng đêm đó anh dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Và vào tháng 8 năm 1931, anh làm báp têm.

Vừa là thủy thủ vừa là người rao giảng

Vào tháng 11 năm 1931, anh đáp tàu lửa đi Hà Lan để phụ giúp công việc rao giảng ở đó. Khi biết anh từng là thủy thủ, người phụ trách công việc rao giảng ở nước đó reo lên: “Anh chính là người chúng tôi cần!” Lý do là các anh ở đó đã thuê một chiếc thuyền để một nhóm tiên phong (người truyền giáo trọn thời gian) có thể rao giảng cho những người sống dọc theo các sông lạch ở miền bắc nước này. Thuyền có thủy thủ đoàn gồm năm người nhưng không ai biết lái thuyền. Vì vậy anh Ferdinand trở thành thuyền trưởng.

Sáu tháng sau, anh được mời làm tiên phong ở Tilburg, miền nam Hà Lan. Vào khoảng thời gian này, tôi cũng đến Tilburg làm tiên phong và gặp Ferdinand. Nhưng không bao lâu chúng tôi được mời dọn đến Groningen ở miền bắc. Tại đây, chúng tôi kết hôn vào tháng 10 năm 1932 và sống chung nhà với vài người tiên phong, vừa hưởng tuần trăng mật vừa làm tiên phong!

Năm 1935, Esther, con gái chúng tôi chào đời. Mặc dù thu nhập ít ỏi, chúng tôi quyết định tiếp tục làm tiên phong, và dọn đến sống trong một ngôi nhà nhỏ ở miền quê. Chúng tôi thay phiên nhau, người ở nhà coi con, người đi rao giảng, cứ như thế cho đến khi bé Esther đủ lớn để cùng đi.

Chẳng bao lâu sau đó, tình hình chính trị ở Âu Châu trở nên đen tối. Chúng tôi hay tin Nhân Chứng Giê-hô-va bị bắt bớ ở Đức và biết rằng sớm muộn gì rồi cũng sẽ đến phiên mình. Vợ chồng tôi tự hỏi không biết mình sẽ chịu đựng ra sao trước sự bắt bớ dữ dội. Vào năm 1938, chính quyền Hà Lan ra lệnh cấm người ngoại quốc phân phát sách báo về tôn giáo. Các anh chị người Hà Lan đã giúp chúng tôi tiếp tục thánh chức bằng cách giới thiệu những người chú ý, và vài người trong số này đã bắt đầu học hỏi Kinh Thánh.

Lúc đó sắp có một đại hội của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tuy không đủ tiền đi xe lửa, chúng tôi vẫn muốn đi dự. Thế là chúng tôi thực hiện một chuyến hành trình bằng xe đạp dài ba ngày, bé Esther ngồi phía trước. Dọc đường đi, chúng tôi nghỉ đêm tại nhà của các anh chị Nhân Chứng. Lần đầu tiên được dự một đại hội toàn quốc chúng tôi thật vui mừng biết bao! Chương trình đã thêm sức cho chúng tôi đương đầu với thử thách sắp tới. Trên hết, chúng tôi được nhắc nhở đặt trông cậy nơi Đức Chúa Trời. Lời Thi-thiên 31:6 đã trở thành phương châm của chúng tôi: “Tôi tin-cậy nơi Đức Giê-hô-va”.

Bị Quốc Xã săn lùng

Tháng 5 năm 1940, Quốc Xã xâm chiếm Hà Lan. Không lâu sau, mật vụ Gestapo đã bất ngờ ập đến nhà trong lúc chúng tôi đang sắp xếp sách báo cho hội thánh. Ferdinand bị bắt và giam giữ tại trụ sở Gestapo. Tôi và Esther thường đến thăm anh, đôi khi còn chứng kiến cảnh anh bị thẩm vấn và đánh đập. Vào tháng 12, bỗng dưng anh được thả nhưng không được lâu. Một buổi tối khi về gần đến nhà, chúng tôi phát hiện một chiếc xe của Gestapo đang đậu gần đó. Anh Ferdinand kịp thời tránh mặt, còn tôi và Esther vẫn vào nhà. Gestapo đang chờ để bắt anh. Đêm đó sau khi họ bỏ đi, cảnh sát Hà Lan đến mời tôi về đồn tra hỏi. Hôm sau, tôi và Esther đến trốn tại nhà một cặp vợ chồng mới báp têm tên là Norder. Anh chị ấy đã che giấu và chăm sóc chúng tôi.

Khoảng cuối tháng 1 năm 1941, một cặp vợ chồng tiên phong sống trên thuyền bị bắt. Ngày hôm sau, khi lên thuyền để thu dọn đồ đạc của họ, anh giám thị lưu động và chồng tôi bị những người làm việc cho Gestapo ập đến bắt. Ferdinand nhảy lên xe đạp trốn thoát, còn anh giám thị thì bị đưa vào tù.

Ferdinand được đề nghị đảm trách công việc thế cho anh giám thị. Điều đó có nghĩa là mỗi tháng anh chỉ được về nhà tối đa ba ngày. Đây là một thử thách mới cho chúng tôi nhưng tôi vẫn tiếp tục làm tiên phong. Gestapo ngày càng lùng bắt Nhân Chứng gắt gao, vì thế chúng tôi phải liên tục thay đổi chỗ ở. Chỉ riêng trong năm 1942, chúng tôi dọn nhà ba lần. Cuối cùng chúng tôi đến sống ở Rotterdam, cách xa khu vực hoạt động của anh. Lúc đó, tôi đang mang thai cháu thứ hai, và gia đình Kamp, vừa có hai con trai bị đưa vào trại tập trung, đã tử tế cho chúng tôi ở trọ.

Bị Gestapo theo sát gót

Vào tháng 7 năm 1943, Ruth chào đời. Ferdinand về thăm được ba ngày rồi lại phải đi tiếp, và chúng tôi đã không gặp lại nhau mãi nhiều năm sau đó. Ra đi được khoảng ba tuần, anh bị bắt ở Amsterdam và bị giải đến sở Gestapo. Tại đó, danh tánh anh bị nhận diện và họ đã tra hỏi gắt gao để buộc anh khai ra hoạt động rao giảng. Nhưng anh chỉ khai mình là Nhân Chứng Giê-hô-va và không có liên quan gì đến hoạt động chính trị. Nhân viên Gestapo rất tức giận khi biết anh là công dân Đức mà lại không trình diện để nhập ngũ. Họ dọa sẽ xử bắn anh về tội phản quốc.

Trong suốt năm tháng bị giam giữ tiếp theo đó, anh luôn phải đối đầu với mối đe dọa bị xử bắn. Tuy nhiên, lòng trung thành của anh với Đức Giê-hô-va không hề lay chuyển. Điều gì đã giúp anh vững chí? Đó chính là Lời Đức Chúa Trời, Kinh Thánh. Dĩ nhiên là Nhân Chứng, anh không được phép nhận Kinh Thánh trong tù. Nhưng các tù nhân khác thì được phép, vì thế anh đã cố thuyết phục người bị giam cùng phòng xin gia đình gửi cho một cuốn Kinh Thánh, và ông ta đã đồng ý. Nhiều năm sau, mỗi khi kể về chuyện này, anh luôn xúc động nói với ánh mắt sáng rực: “Cuốn Kinh Thánh ấy đã an ủi tôi vô cùng!”

Đầu tháng 1 năm 1944, anh bất ngờ bị chuyển đến trại tập trung ở Vught, Hà Lan. Đó hóa ra lại là một điều tốt lành vì tại đó anh được gặp 46 Nhân Chứng khác. Khi hay tin này, tôi vô cùng mừng rỡ vì biết anh vẫn còn sống!

Không ngừng rao giảng dù ở trong trại

Đời sống trong trại rất khắc nghiệt. Ngày ngày phải đối đầu với cái đói và cái lạnh buốt xương vì thiếu đồ ăn và áo ấm. Ferdinand bị viêm amiđan nặng. Sau giờ điểm danh dài dằng dặc ngoài trời rét buốt, anh đến báo bệnh ở khu bệnh xá. Nhưng chỉ những bệnh nhân bị sốt 40 độ C trở lên mới được nằm lại, còn Ferdinand thì bị bảo phải trở lại làm việc vì chỉ sốt 39 độ C! Song, nhờ có các bạn tù tốt bụng đã canh cho anh nằm nghỉ trong chỗ ấm mỗi ngày một chút. Anh cũng cảm thấy đỡ hơn khi thời tiết ấm lên. Ngoài ra, thức ăn mà các anh em khác san sẻ khi họ nhận được đồ thăm nuôi cũng giúp Ferdinand phục hồi phần nào.

Trước khi vào tù, cuộc sống anh xoay quanh công việc rao giảng và đến khi vào trại cũng vậy. Các sĩ quan quản lý trại thường chế giễu vì anh đeo tam giác tím, phù hiệu dành cho tù nhân Nhân Chứng. Nhưng anh xem những lời chế giễu đó là cơ hội để bắt chuyện với họ. Lúc đầu, khu vực rao giảng của các anh chỉ giới hạn trong các khu trại chủ yếu giam Nhân Chứng. Họ luôn trăn trở: ‘Làm sao để rao giảng cho nhiều tù nhân hơn?’ Vô tình ban quản lý trại đã cho họ giải pháp. Thế nào?

Các anh bí mật giấu một số sách báo và 12 cuốn Kinh Thánh trong trại. Một ngày nọ các lính gác phát hiện thấy vài sách báo, nhưng không thể truy ra ai cất giấu chúng. Thế là các sĩ quan coi trại quyết định phải phá vỡ sự liên kết giữa các tù nhân Nhân Chứng. Để trừng phạt, họ phân tán các anh đến các khu trại không có người đồng đạo. Vào giờ ăn, các anh cũng phải ngồi kế bên người không phải là Nhân Chứng. Sự trừng phạt này hóa ra lại có lợi vì giờ đây các anh có thể thực hiện ước muốn lâu nay là rao giảng cho nhiều tù nhân.

Một thân một mình nuôi hai con

Trong thời gian đó, ba mẹ con tôi vẫn sống ở Rotterdam. Mùa đông năm 1943/ 1944 cực kỳ khắc nghiệt. Phía sau nhà chúng tôi là một đội pháo phòng không của Đức, còn trước mặt là Cảng Waal, mục tiêu oanh tạc chính của quân Đồng Minh. Quả là nơi ẩn náu “lý tưởng”! Thêm vào đó thực phẩm lại khan hiếm. Hơn bao giờ hết, chúng tôi học tin cậy trọn vẹn nơi Đức Giê-hô-va.—Châm-ngôn 3:5, 6.

Esther mới tám tuổi đã phải giúp gia đình đi xếp hàng nhận thức ăn. Nhưng nhiều khi đến phiên cháu thì chẳng còn gì. Có lần đi lấy thức ăn, cháu bị kẹt trong đợt oanh tạc. Tôi vô cùng lo lắng khi nghe tiếng nổ nhưng nỗi lo sợ nhanh chóng nhường chỗ cho những giọt nước mắt vui mừng khi cháu trở về bình an vô sự, còn cầm theo vài củ cải đường. Câu đầu tiên tôi hỏi cháu là: “Chuyện gì đã xảy ra vậy con?” Cháu bình tĩnh kể: “Khi bom rớt, con đã làm điều ba dạy, ‘nằm sát xuống đất, nằm yên và cầu nguyện’. Điều đó thật hiệu nghiệm!”

Vì tôi có giọng Đức nên để cháu Esther đi mua đồ an toàn hơn. Tuy vậy vẫn không qua mắt được lính Đức. Họ bắt đầu gạ hỏi đủ thứ nhưng cháu không hề tiết lộ bí mật nào. Ở nhà, tôi dạy cháu Kinh Thánh, đọc, viết và một số kỹ năng khác vì cháu không thể đến trường.

Cháu cũng giúp tôi trong thánh chức. Trước khi tôi ra khỏi nhà để đi hướng dẫn cuộc học hỏi Kinh Thánh, Esther thường ra trước xem có ai theo dõi không. Cháu cũng kiểm tra dấu hiệu an toàn mà tôi và người học Kinh Thánh đã thỏa thuận trước. Chẳng hạn, người học sẽ đặt một bình hoa ở một vị trí nào đó trên bậu cửa sổ để báo hiệu cho tôi biết là có thể vào nhà. Trong suốt buổi học, Esther vừa đẩy xe đưa em đi lui đi tới ngoài đường vừa canh chừng nguy hiểm cho chúng tôi.

Đến trại Sachsenhausen

Còn Ferdinand lúc này thì sao? Vào tháng 9 năm 1944, anh cùng với nhiều tù nhân khác phải đi bộ ra ga xe lửa và bị dồn lên các toa hàng. Mỗi toa chứa 80 người nhưng chỉ có một cái xô để đi vệ sinh và một xô đựng nước uống. Chuyến đi kéo dài suốt ba ngày, ba đêm và chỉ có chỗ đứng mà thôi! Trong toa vô cùng ngột ngạt vì hoàn toàn đóng kín, chỉ có vài lỗ nhỏ đây đó. Không từ nào tả xiết những gì họ phải chịu đựng—cái nóng, cái đói, cái khát, chưa kể mùi hôi thối.

Đoàn tàu dừng lại tại trại tập trung khét tiếng Sachsenhausen, ở Đức. Tất cả đồ dùng của tù nhân đều bị tịch thu, nhưng 12 cuốn Kinh Thánh nhỏ của các anh Nhân Chứng lại không bị tước mất!

Ferdinand và tám anh khác bị đưa đến một trại nhỏ ở Rathenow, trực thuộc trại Sachsenhausen, để sản xuất thiết bị chiến tranh. Tuy thường xuyên bị đe dọa xử tử nhưng các anh vẫn từ chối làm công việc ấy. Để động viên nhau giữ vững lập trường, mỗi buổi sáng họ cùng đọc một câu Kinh Thánh, chẳng hạn như Thi-thiên 18:2, và suy ngẫm câu đó trong ngày. Điều này giúp họ tiếp tục nghĩ đến những điều thiêng liêng.

Cuối cùng một ngày nọ, tiếng đại bác gầm thét báo hiệu quân đội của phe Đồng Minh và Liên Xô đang đến gần. Quân Liên Xô tới trại của Ferdinand trước. Họ phân phát thức ăn và bảo tù nhân rời khỏi trại. Đến cuối tháng 4 năm 1945, tất cả tù nhân được phép trở về quê hương.

Gia đình đoàn tụ

Ferdinand về tới Hà Lan vào ngày 15 tháng 6. Anh em ở Groningen nồng nhiệt chào đón anh. Anh hay tin chúng tôi vẫn còn sống nhưng không rõ nơi nào, còn chúng tôi thì cũng được tin anh đã trở về. Những ngày chờ đợi gặp lại nhau dài như hàng thế kỷ. Cuối cùng rồi ngày đó cũng đến, khi bé Ruth kêu lên: “Mẹ ơi, có ông nào đứng trước cửa nè!” Đó chính là người chồng và người cha yêu dấu của chúng tôi!

Chúng tôi phải giải quyết vô vàn vấn đề mới có thể trở lại đời sống gia đình bình thường. Ngoài việc chưa có nơi ăn chốn ở, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là phải xin lại quy chế thường trú nhân. Trong nhiều năm, chúng tôi bị các viên chức Hà Lan nghi ngờ, làm khó dễ vì là công dân Đức. Nhưng cuối cùng rồi chúng tôi cũng ổn định được và trở lại cuộc sống hằng mong ước, đó là được cùng nhau phụng sự Đức Giê-hô-va.

“Tôi tin-cậy nơi Đức Giê-hô-va”

Sau này, mỗi khi có dịp ngồi lại với những người bạn đã trải qua cùng thử thách, chúng tôi thường nhắc lại sự hướng dẫn đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va trong những ngày gian khổ ấy. (Thi-thiên 7:1) Chúng tôi vui sướng vì bao năm qua được Ngài ban đặc ân góp phần đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời. Chúng tôi thường nói mình thật diễm phúc biết bao khi được dùng tuổi xuân phụng sự Đức Giê-hô-va.—Truyền-đạo 12:1.

Sau thời gian bị Quốc Xã bắt bớ, vợ chồng tôi còn sát cánh phụng sự Đức Giê-hô-va với nhau thêm hơn 50 năm nữa. Ferdinand kết thúc đời sống trên đất vào ngày 20-12-1995. Nay đã gần 98 tuổi, hàng ngày tôi cảm tạ Đức Giê-hô-va về sự ủng hộ tích cực của các con trong suốt những năm tháng khó khăn đó, và vì hiện tôi vẫn có thể góp phần ít ỏi làm thánh danh Ngài. Tôi vô cùng biết ơn về tất cả những gì Ngài đã ban cho và tâm nguyện của tôi là tiếp tục sống đúng theo phương châm của mình: “Tôi tin-cậy nơi Đức Giê-hô-va”.—Thi-thiên 31:6.

[Hình nơi trang 19]

Với anh Ferdinand vào tháng 10 năm 1932

[Hình nơi trang 19]

Thuyền truyền giáo “Almina” cùng thủy thủ đoàn

[Hình nơi trang 22]

Với anh Ferdinand và các con