Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hợp nhất nhờ yêu thương Đức Chúa Trời

Hợp nhất nhờ yêu thương Đức Chúa Trời

Hợp nhất nhờ yêu thương Đức Chúa Trời

KHI hội thánh tín đồ Đấng Christ được thành lập vào thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, một trong những đặc điểm nổi bật là sự hợp nhất, dù các thành viên trong hội thánh có nguồn gốc khác nhau. Những người thờ phượng Đức Chúa Trời thật đến từ các dân thuộc Châu Á, Châu Âu và Châu Phi. Họ thuộc nhiều giai cấp—thầy tế lễ, binh lính, nô lệ, dân lánh nạn, thương nhân, người có tay nghề, và doanh nhân. Một số là người Do Thái, những người khác thuộc Dân Ngoại. Nhiều người đã từng phạm tội ngoại tình, đồng tính luyến ái, nghiện rượu, trộm cắp, hoặc bóc lột. Tuy vậy, khi trở thành tín đồ Đấng Christ họ từ bỏ những thực hành xấu đó và hợp nhất trong đức tin.

Điều gì giúp đạo Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất hợp nhất những người nêu trên? Tại sao họ sống hòa thuận với nhau và với mọi người nói chung? Tại sao họ không tham gia những cuộc nổi loạn và xung đột? Tại sao đạo Đấng Christ thời ban đầu khác với các tôn giáo chính của thời nay đến thế?

Điều gì đã thu hút các thành viên trong hội thánh gần gũi nhau?

Yếu tố đầu tiên kết hợp những người cùng đức tin vào thế kỷ thứ nhất là tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời. Những tín đồ Đấng Christ ấy nhận thức rằng bổn phận trước tiên của họ là phải hết lòng, hết linh hồn và hết sức yêu thương Giê-hô-va, Đức Chúa Trời thật. Chẳng hạn, sứ đồ Phi-e-rơ, người Do Thái, đã nhận chỉ thị đến viếng thăm gia đình một người dân ngoại, người mà theo lệ thường ông không được giao thiệp mật thiết. Điều thôi thúc ông vâng lời chính là tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va. Phi-e-rơ và những tín đồ Đấng Christ thời ban đầu có mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời dựa trên sự hiểu biết chính xác về cá tính của Ngài, về những điều Ngài yêu và ghét. Với thời gian, tất cả những người thờ phượng Đức Giê-hô-va hiểu rằng ý định của Ngài là họ “phải hiệp một ý một lòng cùng nhau”.—1 Cô-rinh-tô 1:10; Ma-thi-ơ 22:37; Công-vụ 10:1-35.

Những người tin đạo đã gần gũi nhau hơn vì có đức tin nơi Chúa Giê-su Christ. Họ muốn theo sát gương ngài, đấng đã ra lệnh cho họ: “Các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi... Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta”. (Giăng 13:34, 35) Đây không phải là một xúc cảm hời hợt, nhưng là tình yêu thương quên mình. Kết quả là gì? Chúa Giê-su cầu nguyện cho những ai đặt đức tin nơi ngài: “Con cầu-xin... cho ai nấy hiệp làm một, như Cha ở trong Con, và Con ở trong Cha; lại để cho họ cũng ở trong chúng ta”.—Giăng 17:20, 21; 1 Phi-e-rơ 2:21.

Đức Giê-hô-va ban thánh linh, tức sinh hoạt lực cho các tôi tớ thật của Ngài. Thánh linh này đẩy mạnh sự hợp nhất và giúp họ hiểu những dạy dỗ của Kinh Thánh. Những dạy dỗ này được tất cả các hội thánh chấp nhận. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va rao truyền cùng một thông điệp—danh Đức Giê-hô-va được nên thánh qua Nước của Đấng Mê-si, một chính phủ ở trên trời sẽ cai trị toàn thể nhân loại. Tín đồ Đấng Christ thời ban đầu biết bổn phận của họ là “không thuộc về thế-gian”. Vì vậy, dù bất kỳ khi nào có những cuộc nội chiến hoặc xung đột về quân sự, tín đồ Đấng Christ vẫn giữ vị thế trung lập. Họ cố gắng giữ hòa thuận với mọi người.—Giăng 14:26; 18:36; Ma-thi-ơ 6:9, 10; Công-vụ 2:1-4; Rô-ma 12:17-21.

Tất cả những người tin đạo chu toàn trách nhiệm đẩy mạnh sự hợp nhất. Bằng cách nào? Bằng cách gìn giữ hạnh kiểm cho phù hợp với Kinh Thánh. Vì vậy, sứ đồ Phao-lô viết cho các tín đồ Đấng Christ: “Anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ”, tức nhân cách cũ, và “mặc lấy người mới”.—Ê-phê-sô 4:22-32.

Duy trì sự hợp nhất

Dĩ nhiên, những người tin đạo vào thế kỷ thứ nhất đều bất toàn, và nhiều hoàn cảnh xảy ra đã thử thách sự hợp nhất của họ. Chẳng hạn, Công-vụ 6:1-6 thuật lại sự bất đồng giữa các tín đồ người Do Thái nói tiếng Hy Lạp và người Do Thái nói tiếng Hê-bơ-rơ. Những người nói tiếng Hy Lạp cảm thấy họ bị phân biệt đối xử. Song, một khi các sứ đồ được thông báo về việc này, họ đã giải quyết vấn đề nhanh chóng và thỏa đáng. Sau đó, một thắc mắc về giáo lý đã dẫn đến cuộc tranh luận về bổn phận của những người không phải là Do Thái trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Dựa trên các nguyên tắc Kinh Thánh, một quyết định được đề ra và đã được các hội thánh nhất trí chấp thuận.—Công-vụ 15:1-29.

Những trường hợp này cho thấy sự bất đồng ý kiến không dẫn đến việc phân rẽ về sắc tộc, hoặc quan điểm cứng nhắc về giáo lý cũng không gây chia rẽ trong hội thánh tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất. Tại sao thế? Những yếu tố hợp nhất—tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va, đức tin nơi Chúa Giê-su Christ, tình yêu thương quên mình đối với nhau, việc chấp nhận sự hướng dẫn của thánh linh, sự hiểu biết chung về những dạy dỗ của Kinh Thánh, và việc một người sẵn sàng thay đổi hạnh kiểm—có đủ sức mạnh để giúp hội thánh thời ban đầu giữ được tình trạng hợp nhất và hòa thuận.

Hợp nhất trong sự thờ phượng thời nay

Ngày nay có thể đạt được tình trạng tương tự không? Những yếu tố nêu trên vẫn có thể giúp những người cùng đức tin gần gũi nhau và khiến họ sống hòa thuận với mọi chủng tộc trên khắp thế giới không? Vâng, có thể được! Nhân Chứng Giê-hô-va hợp nhất trong đoàn thể anh em quốc tế tại hơn 230 xứ, hải đảo và lãnh thổ. Họ hợp nhất với nhau bởi cùng những yếu tố đã đoàn kết các tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất.

Yếu tố trước tiên góp phần vào sự hợp nhất của Nhân Chứng Giê-hô-va là lòng tin kính đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là họ cố gắng trung thành với Ngài trong mọi hoàn cảnh. Nhân Chứng Giê-hô-va cũng thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su Christ và những điều ngài dạy. Những tín đồ này biểu lộ tình yêu thương quên mình với anh em cùng đức tin và rao truyền cùng một tin mừng Nước Trời trong mọi xứ. Họ sẵn sàng nói về Nước Trời với những người thuộc mọi niềm tin, chủng tộc, quốc tịch, và tầng lớp xã hội. Nhân Chứng Giê-hô-va cũng giữ vị thế trung lập trong các vấn đề của thế gian, điều này giúp họ kháng cự những áp lực về chính trị, văn hóa, xã hội, và kinh tế thường gây chia rẽ nhân loại. Tất cả các Nhân Chứng nhìn nhận bổn phận của họ là đẩy mạnh sự hợp nhất qua hạnh kiểm phù hợp với các tiêu chuẩn trong Kinh Thánh.

Sự hợp nhất thu hút người khác

Sự hợp nhất này thường được những người không phải là Nhân Chứng chú ý đến. Chẳng hạn, Ilse * trước kia là một nữ tu trong tu viện Công Giáo ở Đức. Điều gì đã thu hút bà đến với Nhân Chứng Giê-hô-va? Ilse nói: “Họ là những người tốt nhất mà tôi gặp. Họ không tham chiến; không làm hại ai. Họ muốn giúp người ta sống hạnh phúc trong một địa đàng dưới sự cai trị của Nước Trời”.

Trường hợp khác là anh Günther, từng là lính Đức đóng quân ở Pháp trong thế chiến thứ hai. Một ngày kia, mục sư Tin Lành tổ chức buổi lễ cho những người lính thuộc đơn vị của anh. Mục sư cầu xin Đức Chúa Trời ban phước, che chở, và cho thắng trận. Sau buổi lễ, Günther có nhiệm vụ canh gác. Qua ống nhòm, anh quan sát thấy quân địch bên kia chiến tuyến cũng được một mục sư cử hành lễ. Sau đó, Günther nhận xét: “Dường như mục sư đó cũng cầu xin Đức Chúa Trời ban phước, che chở, và cho thắng trận. Tôi tự hỏi làm thế nào cùng một khối đạo ở hai bên chiến tuyến lại đối đầu trong cùng một cuộc chiến”. Ấn tượng này khắc ghi vào ký ức của Günther. Sau này, khi được tiếp xúc với Nhân Chứng Giê-hô-va, những người không tham gia vào chiến tranh, Günther đã trở thành một thành viên trong đoàn thể anh em quốc tế của họ.

Ashok và Feema trước đây thuộc một tôn giáo Đông Phương. Họ có bàn thờ tại nhà. Khi một cơn bệnh nặng giáng trên gia đình, họ xem xét lại tôn giáo của mình. Qua cuộc nói chuyện với Nhân Chứng Giê-hô-va, Ashok và Feema đã cảm kích về những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh và tình yêu thương trong vòng Nhân Chứng. Giờ đây họ trở thành những người sốt sắng công bố về tin mừng của Nước Đức Giê-hô-va.

Ilse, Günther, Ashok và Feema đang hợp nhất với hàng triệu Nhân Chứng Giê-hô-va trong tình anh em trên khắp toàn cầu. Họ tin nơi lời hứa trong Kinh Thánh rằng những yếu tố giúp họ hợp nhất trong sự thờ phượng ngày nay chẳng bao lâu nữa sẽ hợp nhất tất cả nhân loại biết vâng lời. Rồi sẽ không còn những hành động tàn ác và sự chia rẽ nhân danh tôn giáo. Toàn thể thế giới sẽ được hợp nhất trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va.—Khải-huyền 21:4, 5.

[Chú thích]

^ đ. 16 Một số tên trong bài này đã được đổi.

[Các hình nơi trang 4, 5]

Dù nguồn gốc khác nhau, tín đồ Đấng Christ thời ban đầu vẫn hợp nhất