Lý do nhiều người nghi ngờ tôn giáo có thể hợp nhất nhân loại
Lý do nhiều người nghi ngờ tôn giáo có thể hợp nhất nhân loại
“NGƯƠI hãy yêu kẻ lân-cận”. (Ma-thi-ơ 22:39) Quy tắc xử sự cơ bản này được nhiều tôn giáo đề cao. Nếu các tôn giáo ấy đạt hiệu quả trong việc dạy dỗ các thành viên biết yêu thương người lân cận, hẳn giáo dân phải gần gũi với nhau và có sự hợp nhất. Tuy nhiên, đó có phải là điều bạn chứng kiến không? Tôn giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ cho sự hợp nhất không? Một cuộc khảo sát gần đây ở Đức đã nêu ra câu hỏi: “Các tôn giáo giúp người ta hợp nhất hoặc có khuynh hướng gây chia rẽ nhiều hơn?” Có 22 phần trăm những người tham gia cuộc khảo sát này nghĩ rằng tôn giáo hợp nhất con người, trong khi đó 52 phần trăm nghĩ tôn giáo gây chia rẽ. Có lẽ người dân trong nước bạn cũng cảm thấy như vậy.
Tại sao nhiều người khó tin rằng tôn giáo có thể hợp nhất nhân loại? Có lẽ vì qua lịch sử, họ biết rằng, thay vì giúp người ta gần gũi với nhau, tôn giáo thường gây chia rẽ. Trong một số trường hợp, nhiều hành động tàn ác khủng khiếp nhất đã diễn ra ẩn sau chiêu bài tôn giáo. Hãy xét một vài trường hợp chỉ từ 100 năm qua.
Bị ảnh hưởng của tôn giáo
Trong thế chiến thứ hai, ở vùng Balkans, người Croatia thuộc Giáo Hội Công Giáo La Mã xung đột dữ dội với người Serbia theo Chính Thống Giáo. Cả hai nhóm đều cho rằng mình theo Chúa Giê-su là đấng dạy các môn đồ yêu thương người lân cận. Nhưng theo nhận xét của một nhà nghiên cứu, sự xung đột của họ đã dẫn đến “một trong những cuộc thảm sát dân thường kinh khủng nhất được biết đến trong lịch sử”. Con số hơn 500.000 người chết, gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em, đã làm cho thế giới kinh hoàng.
Năm 1947, tiểu lục địa Ấn Độ có chừng 400 triệu người—khoảng 20 phần trăm dân số thế giới—phần lớn là người theo đạo Ấn, đạo Hồi và đạo Sikh. Khi tiểu lục địa này bị chia cắt, quốc gia Hồi Giáo Pakistan được thành lập. Lúc bấy giờ hàng trăm ngàn dân tị nạn của cả hai quốc gia bị thiêu sống, đánh đập, tra tấn, và bắn chết trong một loạt cuộc thảm sát vì lý do tôn giáo.
Như thể chừng đó chưa đủ gây náo động, thiên niên kỷ mới còn mang đến mối đe dọa về nạn khủng bố. Ngày nay, nạn khủng bố đặt toàn thể các quốc gia trong tình trạng báo động, và nhiều nhóm khủng bố cho biết họ liên kết với tôn giáo. Tôn giáo không được xem là ảnh hưởng mạnh mẽ cho sự hợp nhất. Thay vì thế, tôn giáo thường liên quan với bạo lực và chia rẽ. Vì vậy, không lạ gì khi những tôn giáo chính trên
thế giới—Ấn Độ Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo, Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo—đã được tạp chí FOCUS của Đức ví như thuốc súng.Những cuộc tranh cãi nội bộ
Trong khi một vài tôn giáo tranh chiến với nhau, các tôn giáo khác thì gặp rắc rối vì những cuộc tranh cãi nội bộ. Chẳng hạn, trong những năm gần đây những giáo hội thuộc khối đạo xưng theo Đấng Christ bị phân hóa vì những cuộc tranh cãi liên miên về những vấn đề thuộc giáo lý. Hàng giáo phẩm cũng như giáo dân đều thắc mắc: Nên cho phép ngừa thai không? Còn việc phá thai thì sao? Có nên phong chức mục sư cho phụ nữ không? Giáo hội nên có quan điểm nào về đồng tính luyến ái? Tôn giáo có nên ủng hộ chiến tranh không? Vì tình trạng chia rẽ như thế, nhiều người tự hỏi: ‘Làm sao tôn giáo có thể hợp nhất nhân loại nếu không thể hợp nhất chính các thành viên của mình?’
Rõ ràng, nói chung tôn giáo đã thất bại trong việc ảnh hưởng mạnh mẽ cho sự hợp nhất. Nhưng có phải tất cả các tôn giáo đều có đặc điểm là sự chia rẽ không? Có tôn giáo nào khác hẳn và có thể hợp nhất nhân loại không?
[Hình nơi trang 3]
Cảnh sát bị thương trong cuộc xung đột giữa các nhóm tôn giáo ở Ấn Độ năm 1947
[Nguồn tư liệu]
Hình của Keystone/Getty Images