Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đấng Christ—Trọng tâm của lời tiên tri

Đấng Christ—Trọng tâm của lời tiên tri

Đấng Christ—Trọng tâm của lời tiên tri

“Sự làm chứng cho Đức Chúa Jêsus là đại-ý của lời tiên-tri”.—KHẢI-HUYỀN 19:10.

1, 2. (a) Bắt đầu vào năm 29 CN, dân Y-sơ-ra-ên đứng trước quyết định nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

ĐÓ LÀ năm 29 CN. Dân Y-sơ-ra-ên xôn xao bàn tán về Đấng Mê-si mà Đức Chúa Trời đã hứa từ trước. Thánh chức của Giăng Báp-tít càng khiến dân chúng nôn nao trông đợi. (Lu-ca 3:15) Giăng nói rằng mình không phải là Đấng Christ. Thay vì thế, hướng sự chú ý đến Chúa Giê-su người Na-xa-rét, ông nói: “Ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Đức Chúa Trời”. (Giăng 1:20, 34) Chẳng bao lâu, đám đông đi theo Chúa Giê-su để nghe ngài dạy dỗ và được ngài chữa bệnh.

2 Trong những tháng sau đó, Đức Giê-hô-va đưa ra rất nhiều bằng chứng liên quan đến Con Ngài. Những người nghiên cứu Thánh Kinh và quan sát các việc làm của Chúa Giê-su thì có cơ sở vững chắc để đặt đức tin nơi ngài. Tuy nhiên, dân thuộc giao ước của Đức Chúa Trời nói chung cho thấy họ thiếu đức tin. Tương đối ít người thừa nhận Chúa Giê-su là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời. (Giăng 6:60-69) Nếu sống vào thời đó, bạn sẽ phản ứng ra sao? Liệu bạn có cảm thấy lòng thôi thúc muốn nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si và làm môn đồ trung thành của ngài không? Hãy xem xét bằng chứng mà chính Chúa Giê-su đã đưa ra về lai lịch của mình khi bị quy tội vi phạm luật Sa-bát, và hãy lưu ý những bằng chứng mà sau này ngài đưa ra để củng cố đức tin của các môn đồ trung thành.

Chính Chúa Giê-su đưa ra bằng chứng

3. Tình huống nào đã khiến Chúa Giê-su phải đưa ra bằng chứng về lai lịch của mình?

3 Lúc đó là vào dịp Lễ Vượt Qua năm 31 CN. Chúa Giê-su có mặt tại Giê-ru-sa-lem. Ngài vừa chữa lành một người đã mắc bệnh 38 năm. Tuy nhiên, dân Do Thái bắt bẻ Chúa Giê-su vì ngài làm điều đó vào ngày Sa-bát. Họ cũng buộc cho ngài tội phạm thượng vì đã gọi Đức Chúa Trời là Thân Phụ và tìm cách giết ngài. (Giăng 5:1-9, 16-18) Những lời tự biện hộ của Chúa Giê-su đưa ra ba lập luận hùng hồn thuyết phục được bất cứ người Do Thái thành tâm nào về lai lịch đích thực của ngài.

4, 5. Thánh chức của Giăng có mục đích gì, và ông hoàn tất điều đó hữu hiệu như thế nào?

4 Trước tiên, Chúa Giê-su lưu ý người ta đến lời chứng của người dọn đường cho ngài là Giăng Báp-tít: “Các ngươi có sai sứ đến cùng Giăng, thì người đã làm chứng cho lẽ thật. Giăng là đuốc đã thắp và sáng, các ngươi bằng lòng vui tạm nơi ánh sáng của người”.—Giăng 5:33, 35.

5 Giăng Báp-tít là “đuốc đã thắp và sáng” bởi vì trước khi bị Hê-rốt bỏ tù oan, Giăng đã hoàn thành sứ mệnh do Đức Chúa Trời giao phó là dọn đường cho Đấng Mê-si. Giăng nói: “Ta đã đến làm phép báp-têm bằng nước, để Ngài [Đấng Mê-si] được tỏ ra cho dân Y-sơ-ra-ên... Ta đã thấy Thánh-Linh từ trời giáng xuống như chim bồ-câu, đậu trên mình Ngài. Về phần ta, ta vốn không biết Ngài; nhưng Đấng sai ta làm phép báp-têm bằng nước có phán cùng ta rằng: Đấng mà ngươi sẽ thấy Thánh-Linh ngự xuống đậu lên trên, ấy là Đấng làm phép báp-têm bằng Đức Thánh-Linh. Ta đã thấy, nên ta làm chứng rằng: Ấy chính Ngài là Con Đức Chúa Trời”. * (Giăng 1:26-37) Giăng nói rõ Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời—Đấng Mê-si đã được hứa từ trước. Lời chứng của Giăng hết sức rõ ràng đến độ khoảng tám tháng sau khi ông chết, nhiều người Do Thái thành tâm đã thừa nhận: “Mọi điều Giăng đã nói về người nầy là thật”.—Giăng 10:41, 42.

6. Tại sao những việc làm của Chúa Giê-su hẳn khiến người ta tin rằng ngài có sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời?

6 Kế đến, Chúa Giê-su dùng một lập luận khác để khẳng định thành tích và tư cách của ngài là Đấng Mê-si. Ngài nêu ra những việc lành của chính ngài để chứng minh sự hỗ trợ của Đức Chúa Trời. Ngài nói: “Ta có một chứng lớn hơn chứng của Giăng; vì các việc Cha đã giao cho ta làm trọn, tức là các việc ta làm đó, làm chứng cho ta rằng Cha đã sai ta”. (Giăng 5:36) Thậm chí chính kẻ thù của Chúa Giê-su cũng không thể phủ nhận bằng chứng này, bao gồm rất nhiều phép lạ. Một số người sau này hỏi: “Người nầy làm phép lạ nhiều lắm, chúng ta tính thế nào?” (Giăng 11:47) Tuy nhiên một số người hưởng ứng và nói rằng: “Khi Đấng Christ đến, sẽ có làm nhiều phép lạ hơn người nầy đã làm chăng?” (Giăng 7:31) Những người lắng nghe Chúa Giê-su ở vị thế tốt nhất để nhận ra những đức tính của Cha mà Chúa Giê-su thể hiện.—Giăng 14:9.

7. Phần Kinh Thánh Hê-bơ-rơ làm chứng thế nào về Chúa Giê-su?

7 Cuối cùng, Chúa Giê-su hướng sự chú ý đến một bằng chứng không thể chối cãi. Ngài nói: “Ấy là Kinh-thánh làm chứng về ta vậy. Vì nếu các ngươi tin Môi-se, cũng sẽ tin ta; bởi ấy là về ta mà người đã chép”. (Giăng 5:39, 46) Tất nhiên, Môi-se chỉ là một trong nhiều nhân chứng trước thời Đấng Christ đã viết về Đấng Mê-si. Họ viết hàng trăm lời tiên tri và chi tiết các phổ hệ, tất cả đều hướng đến Đấng Mê-si. (Lu-ca 3:23-38; 24:44-46; Công-vụ 10:43) Còn về Luật Pháp Môi-se thì sao? Sứ đồ Phao-lô viết: “Luật-pháp đã như thầy-giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ”. (Ga-la-ti 3:24) Đúng vậy, “sự làm chứng cho Đức Chúa Jêsus là đại-ý [tức tinh thần, chủ ý và mục đích] của lời tiên-tri”.—Khải-huyền 19:10.

8. Tại sao nhiều người Do Thái không đặt lòng tin nơi Đấng Mê-si?

8 Tất cả các bằng chứng này—lời chứng rõ ràng của Giăng, những việc làm đầy quyền phép của Chúa Giê-su cũng như sự kiện ngài thể hiện các đức tính của Đức Chúa Trời, và rất nhiều lời chứng nhận trong Thánh Kinh—có làm bạn tin rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si không? Bất cứ ai chân thành yêu mến Đức Chúa Trời và Lời Ngài cũng dễ dàng thấy rõ điều này và thực hành đức tin nơi Chúa Giê-su là Đấng Mê-si được hứa từ trước. Nhưng nói chung dân Y-sơ-ra-ên thiếu lòng yêu mến đó. Chúa Giê-su nói với những kẻ chống đối mình: “Ta biết rằng các ngươi chẳng có sự yêu-mến Đức Chúa Trời ở trong các ngươi”. (Giăng 5:42) Thay vì “tìm-kiếm vinh-hiển bởi một mình Đức Chúa Trời đến”, họ “chịu vinh-hiển lẫn của nhau”. Thảo nào họ bất đồng với Chúa Giê-su, đấng giống như Cha ngài, ghét quan điểm như thế!—Giăng 5:43, 44; Công-vụ 12:21-23.

Vững lòng tin nhờ sự hiện thấy có tính cách tiên tri

9, 10. (a) Tại sao dấu lạ ban cho các môn đồ Chúa Giê-su là đúng lúc? (b) Chúa Giê-su đã hứa điều đặc biệt nào với các môn đồ?

9 Hơn một năm đã trôi qua kể từ khi Chúa Giê-su đưa ra bằng chứng nói trên về chức vụ Đấng Mê-si. Lễ Vượt Qua năm 32 CN đến rồi đi. Nhiều người đã tin nay ngưng theo ngài, có lẽ vì sự ngược đãi, chủ nghĩa duy vật, hoặc sự lo lắng của đời này. Những người khác có lẽ hoang mang hoặc thất vọng vì Chúa Giê-su không để cho dân chúng tôn ngài làm vua. Khi bị các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái thách thức, ngài từ chối đưa ra một dấu lạ từ trời để tự tôn vinh mình. (Ma-thi-ơ 12:38, 39) Sự từ chối này có lẽ làm một số người bối rối. Thêm vào đó, Chúa Giê-su đã bắt đầu bộc lộ với các môn đồ về điều mà họ thấy rất khó hiểu—đó là ngài “phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn-khổ bởi những người trưởng-lão, thầy tế-lễ cả, cùng thầy thông-giáo, và phải bị giết”.—Ma-thi-ơ 16:21-23.

10 Trong vòng chín đến mười tháng nữa, thì đến lúc “[Chúa Giê-su] phải lìa thế-gian đặng trở về cùng Đức Chúa Trời”. (Giăng 13:1) Quan tâm sâu xa đến các môn đồ trung thành, Chúa Giê-su hứa với một số người trong vòng họ chính điều mà ngài đã từ chối làm cho những người Do Thái thiếu lòng tin—một dấu lạ từ trời. Chúa Giê-su nói: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong các ngươi đứng đây, có một vài kẻ sẽ không chết trước khi thấy Con người ngự đến trong nước Ngài”. (Ma-thi-ơ 16:28) Hiển nhiên, Chúa Giê-su không có ý nói rằng một số môn đồ ngài sẽ sống đến khi Nước của Đấng Mê-si được thành lập vào năm 1914. Chúa Giê-su có ý là sẽ cho ba môn đồ thân thiết được thấy trước sự vinh hiển của ngài trong vương quyền Nước Trời. Sự hiện thấy này được gọi là sự hóa hình.

11. Hãy miêu tả sự hóa hình.

11 Sáu ngày sau đó, Chúa Giê-su đem Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng lên một ngọn núi cao—có lẽ là Núi Hẹt-môn. Ở đó, Chúa Giê-su “biến-hóa trước mặt các người ấy, mặt Ngài sáng lòa như mặt trời, áo Ngài trắng như ánh sáng”. Cũng có hai nhà tiên tri Môi-se và Ê-li hiện ra, nói chuyện với Chúa Giê-su. Có lẽ sự kiện kỳ diệu này xảy ra vào ban đêm nên càng thấy sinh động. Quả thực, sự hiện thấy đó trông thật đến độ Phi-e-rơ đề nghị đóng ba trại—một cái cho Chúa Giê-su, một cái cho Môi-se, và một cái cho Ê-li. Trong lúc Phi-e-rơ còn đang nói thì một đám mây sáng rực che phủ họ và có tiếng từ trong mây phán rằng: “Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường; hãy nghe lời Con đó”.—Ma-thi-ơ 17:1-6.

12, 13. Sự hóa hình đã có tác động nào đối với các môn đồ Chúa Giê-su, và tại sao?

12 Trước đó không lâu, Phi-e-rơ quả đã chứng nhận Chúa Giê-su là “Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời hằng sống”. (Ma-thi-ơ 16:16) Nhưng hãy tưởng tượng được nghe chính tiếng Đức Chúa Trời chứng nhận lai lịch và vai trò của Con được xức dầu của Ngài! Sự hóa hình quả là một kinh nghiệm củng cố đức tin cho Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng! Nhờ vậy họ được chuẩn bị đầy đủ hơn để đối phó với những gì sẽ xảy đến và để thực hiện vai trò quan trọng trong hội thánh tương lai.

13 Sự hóa hình để lại ấn tượng lâu dài đối với các môn đồ. Hơn 30 năm sau đó, Phi-e-rơ viết: “[Chúa Giê-su] đã nhận-lãnh sự tôn-trọng vinh-hiển từ nơi Đức Chúa Trời, Cha Ngài, khi Đấng tôn-nghiêm rất cao phán cùng Ngài rằng: ‘Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường’. Chính chúng tôi cũng từng nghe tiếng ấy đến từ trời, lúc chúng tôi ở với Ngài trên hòn núi thánh”. (2 Phi-e-rơ 1:17, 18) Sự kiện đó cũng khiến cho Giăng rất cảm kích. Hơn 60 năm sau sự hóa hình, có lẽ ông ám chỉ sự kiện đó khi viết: “Chúng ta đã ngắm xem sự vinh-hiển của Ngài, thật như vinh-hiển của Con một đến từ nơi Cha”. (Giăng 1:14) Song, sự hóa hình không phải là sự hiện thấy cuối cùng mà môn đồ Chúa Giê-su được ban cho.

Thêm ánh sáng cho những người trung thành của Đức Chúa Trời

14, 15. Sứ đồ Giăng cứ ở cho tới khi Chúa Giê-su đến, nghĩa là gì?

14 Sau khi sống lại, Chúa Giê-su hiện ra cùng các môn đồ gần Biển Ga-li-lê. Nơi đó, ngài bảo Phi-e-rơ: “Nếu ta muốn người [Giăng] cứ ở cho tới khi ta đến, thì can-hệ gì với ngươi?” (Giăng 21:1, 20-22, 24) Phải chăng những lời này cho thấy rằng sứ đồ Giăng sẽ sống lâu hơn các sứ đồ khác? Hình như thế, vì ông đã sống và trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va thêm gần 70 năm nữa. Tuy nhiên, lời Chúa Giê-su còn bao hàm một điều quan trọng hơn thế.

15 Nhóm từ “tới khi ta đến” khiến chúng ta nhớ lại lời Chúa Giê-su khi ngài đề cập việc “Con người ngự đến trong nước Ngài”. (Ma-thi-ơ 16:28) Sứ đồ Giăng còn ở lại cho tới khi Chúa Giê-su đến hàm ý rằng sau này ông được ban cho sự hiện thấy có tính cách tiên tri về việc Chúa Giê-su đến trong vương quyền Nước Trời. Gần cuối đời trong lúc bị lưu đày trên đảo Bát-mô, Giăng nhận được sự khải thị với tất cả những điều tiên tri lạ kỳ về các biến cố sẽ xảy ra trong “ngày của Chúa”. Ông vô cùng xúc động trước những sự hiện thấy đầy ấn tượng này nên khi Chúa Giê-su nói: “Phải, ta đến mau chóng”, Giăng thốt lên: “A-men, lạy Đức Chúa Jêsus, xin hãy đến!”—Khải-huyền 1:1, 10; 22:20.

16. Tại sao chúng ta cần phải tiếp tục củng cố đức tin mình?

16 Những người có lòng thành sống vào thế kỷ thứ nhất đã chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si và đặt đức tin nơi ngài. Vì tình trạng thiếu đức tin xung quanh họ, vì công việc họ phải làm, và thử thách trước mắt, những người trở thành tín đồ cần được làm vững mạnh. Chúa Giê-su đã đưa ra rất nhiều bằng chứng ngài là Đấng Mê-si và đã cung cấp những sự hiện thấy có tính cách tiên tri để khích lệ các môn đồ trung thành. Ngày nay chúng ta đã tiến vào giai đoạn chót “ngày của Chúa”. Chẳng bao lâu, Đấng Christ sẽ hủy diệt toàn thể hệ thống gian ác của Sa-tan và giải cứu dân Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng phải củng cố đức tin mình bằng cách tận dụng mọi điều mà Đức Giê-hô-va đã cung cấp vì lợi ích thiêng liêng của chúng ta.

Được bảo toàn qua thời tối tăm và hoạn nạn

17, 18. Vào thế kỷ thứ nhất có sự tương phản rõ rệt nào giữa các môn đồ Chúa Giê-su và những người chống lại ý định Đức Chúa Trời, và kết cuộc ra sao cho mỗi nhóm?

17 Sau khi Chúa Giê-su chết, các môn đồ can đảm vâng theo mệnh lệnh của ngài là làm chứng về ngài “tại thành Giê-ru-sa-lem, cả xứ Giu-đê, xứ Sa-ma-ri, cho đến cùng trái đất”. (Công-vụ 1:8) Bất chấp các làn sóng ngược đãi, hội thánh mới thành lập của tín đồ Đấng Christ được Đức Giê-hô-va ban thêm ánh sáng thiêng liêng và nhiều môn đồ mới.—Công-vụ 2:47; 4:1-31; 8:1-8.

18 Mặt khác, tương lai những người chống lại tin mừng ngày càng tối tăm. Châm-ngôn 4:19 nói: “Nẻo kẻ gian-ác vẫn như tăm-tối; chúng nó chẳng biết mình vấp-ngã vì đâu”. Tình trạng họ càng “tăm-tối” vào năm 66 CN khi lực lượng La Mã bao vây thành Giê-ru-sa-lem. Sau khi tạm rút lui dù không có lý do rõ ràng nào, quân La Mã trở lại vào năm 70 CN và san bằng thành này. Theo sử gia Do Thái Josephus, có hơn một triệu dân Do Thái mất mạng. Tuy nhiên, tín đồ trung thành của Đấng Christ thoát được. Tại sao thế? Vì khi quân La Mã tạm rút lui, các tín đồ đã vâng theo mệnh lệnh Chúa Giê-su mà chạy trốn.—Lu-ca 21:20-22.

19, 20. (a) Tại sao dân Đức Chúa Trời không có lý do gì phải sợ hãi khi hệ thống hiện tại sắp kết thúc? (b) Đức Giê-hô-va ban cho dân Ngài sự thông hiểu đáng chú ý nào trong các thập niên trước năm 1914?

19 Tình trạng chúng ta cũng giống như vậy. Hoạn nạn lớn sắp đến sẽ báo hiệu sự kết liễu toàn thể hệ thống gian ác của Sa-tan. Nhưng dân Đức Chúa Trời không cần phải sợ hãi, vì Chúa Giê-su hứa: “Nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế”. (Ma-thi-ơ 28:20) Để xây dựng đức tin của các môn đồ thời ban đầu và chuẩn bị họ để đối phó những gì sẽ xảy đến, Chúa Giê-su cho họ thấy trước sự vinh hiển của ngài trên trời với tư cách Vua Mê-si. Còn ngày nay thì sao? Vào năm 1914 sự thấy trước đó đã trở thành hiện thực. Và hiện thực đó quả đã củng cố đức tin của dân Đức Chúa Trời! Nó chứa đựng lời hứa về một tương lai huy hoàng, và các tôi tớ Đức Giê-hô-va ngày càng được ban cho sự thông hiểu sâu sắc hơn về hiện thực đó. Trong thế gian ngày càng tăm tối thời nay, “con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”.—Châm-ngôn 4:18.

20 Ngay cả trước năm 1914, một nhóm nhỏ các tín đồ xức dầu của Đấng Christ bắt đầu hiểu được những lẽ thật quan trọng về việc Chúa trở lại. Thí dụ, họ nhận biết rằng sẽ không thấy được biến cố đó, như được ám chỉ qua lời của hai thiên sứ hiện ra với các môn đồ vào năm 33 CN trong lúc Chúa Giê-su được cất lên trời. Sau khi một đám mây tiếp Chúa Giê-su khuất đi khiến các môn đồ không còn thấy ngài nữa, hai thiên sứ đó nói: “Jêsus nầy đã được cất lên trời khỏi giữa các ngươi, cũng sẽ trở lại như cách các ngươi đã thấy Ngài lên trời vậy”.—Công-vụ 1:9-11; chúng tôi viết nghiêng.

21. Điều gì sẽ được thảo luận trong bài kế tiếp?

21 Sự ra đi của Chúa Giê-su chỉ có các môn đồ trung thành của ngài thấy. Cũng giống như sự hóa hình, công chúng không thấy sự kiện đó; thế gian nói chung thậm chí không ý thức điều gì đã xảy ra. Khi Đấng Christ trở lại trong vương quyền Nước Trời thì cũng vậy. (Giăng 14:19) Chỉ các môn đồ được xức dầu trung thành của ngài mới nhận biết sự hiện diện của Vua Christ. Trong bài tới, chúng ta sẽ thấy sự thông hiểu đó tác động đến họ sâu sắc như thế nào, để rồi dẫn đến việc thâu nhóm hàng triệu người trở thành thần dân trên đất của Chúa Giê-su.—Khải-huyền 7:9, 14.

[Chú thích]

^ đ. 5 Hình như lúc Chúa Giê-su làm báp têm, chỉ có Giăng nghe tiếng của Đức Chúa Trời. Những người Do Thái mà Chúa Giê-su nói chuyện thì “chưa hề nghe tiếng Ngài [Đức Chúa Trời], chưa hề thấy mặt Ngài”.—Giăng 5:37.

Bạn có nhớ không?

• Khi bị quy tội vi phạm luật Sa-bát và tội phạm thượng, Chúa Giê-su đã đưa ra bằng chứng nào cho thấy ngài là Đấng Mê-si?

• Các môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-su được lợi ích như thế nào từ sự hóa hình?

• Chúa Giê-su hàm ý gì khi nói Giăng sẽ cứ ở cho tới khi ngài đến?

• Năm 1914, sự thấy trước nào đã trở thành hiện thực?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 10]

Chúa Giê-su cho thấy thành tích và tư cách ngài là Đấng Mê-si

[Hình nơi trang 12]

Sự hóa hình có tác dụng củng cố đức tin

[Hình nơi trang 13]

Giăng ở lại cho tới khi Chúa Giê-su “đến”