Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Anh em hãy “tiếp-đãi nhau”

Anh em hãy “tiếp-đãi nhau”

Anh em hãy “tiếp-đãi nhau”

PHÊ-BÊ, một tín đồ Đấng Christ sống vào thế kỷ thứ nhất, gặp một khó khăn. Chị đang trên đường đi từ thành Xen-cơ-rê, Hy Lạp, đến Rô-ma nhưng lại không quen biết anh em nào ở đó. (Rô-ma 16:1, 2) Theo dịch giả Kinh Thánh Edgar Goodspeed, “xã hội La Mã [thời đó] rất đồi bại và hung bạo, các quán trọ thường được xem là nơi không thích hợp cho các phụ nữ đứng đắn, đặc biệt là nữ tín đồ Đấng Christ”. Vậy, Phê-bê sẽ ở đâu?

Vào thời Kinh Thánh, người ta thường đi lại nhiều. Chúa Giê-su Christ cùng các môn đồ cũng đã đi khắp miền Giu-đê và Ga-li-lê để giảng tin mừng. Không lâu sau, các giáo sĩ đạo Đấng Christ như Phao-lô đã mang thông điệp đến nhiều vùng ven Biển Địa Trung Hải, kể cả Rô-ma, thủ đô của Đế Quốc La Mã. Khi đi lại như thế, dù trong hay ngoài lãnh thổ Do Thái, tín đồ Đấng Christ vào thời đó thường ngụ tại đâu? Họ gặp những khó khăn nào trong việc tìm nơi trú ngụ? Qua họ, chúng ta học được gì về việc bày tỏ lòng hiếu khách?

“Hôm nay ta phải ở nhà ngươi”

Lòng hiếu khách được định nghĩa là tiếp đãi khách một cách rộng rãi và nồng hậu, và từ lâu đó là đặc tính của những người thờ phượng Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, Áp-ra-ham, Lót và Rê-bê-ca luôn bày tỏ lòng hiếu khách. (Sáng-thế Ký 18: 1-8; 19:1-3; 24:17-20) Tộc trưởng Gióp nói về thái độ của ông đối với những người khách lạ: “Người lạ không có ngủ đêm ở ngoài đường; tôi mở cửa cho kẻ hành-khách”.—Gióp 31:32.

Để được những người đồng hương Y-sơ-ra-ên đón tiếp, khách lữ hành thường chỉ cần ngồi nơi phố chợ và chờ được mời. (Các Quan Xét 19:15-21) Thường chủ nhà sẽ rửa chân cho khách rồi mời họ dùng bữa, và thú của họ cũng được cho ăn. (Sáng-thế Ký 18:4, 5; 19:2; 24:32, 33) Những khách lữ hành không muốn làm phiền chủ nhà thường đem theo những thứ cần thiết như bánh mì và rượu cho mình cùng rơm rạ và thức ăn cho lừa. Họ chỉ cần chỗ trú qua đêm.

Dù Kinh Thánh ít khi nói rõ cách Chúa Giê-su tìm nơi trú ngụ trong những chuyến rao giảng xa, nhưng hẳn ngài và các môn đồ phải ngụ lại ở đâu đó. (Lu-ca 9:58) Khi tới Giê-ri-cô, ngài chỉ cần nói với Xa-chê: “Hôm nay ta phải ở nhà ngươi”. Và Xa-chê đã “mừng” tiếp đón khách. (Lu-ca 19:5, 6) Ngài cũng thường được những người bạn là Ma-thê, Ma-ri và La-xa-rơ ở Bê-tha-ni tiếp đãi. (Lu-ca 10:38; Giăng 11:1, 5, 18) Còn khi ở Ca-bê-na-um, dường như ngài ngụ tại nhà Si-môn Phi-e-rơ.—Mác 1:21, 29-35.

Những điều Chúa Giê-su nói khi hướng dẫn 12 sứ đồ đi rao giảng cho biết khá nhiều về cách tiếp đãi của người Y-sơ-ra-ên đối với khách lữ hành. Ngài bảo họ: “Đừng đem vàng, hoặc bạc, hoặc tiền trong lưng các ngươi; cũng đừng đem cái bao đi đường, hoặc hai áo, hoặc giày, hoặc gậy; vì người làm việc đáng được đồ-ăn. Các ngươi vào thành nào hay là làng nào, hãy hỏi thăm ai là người đáng tiếp rước mình, rồi ở nhà họ cho đến lúc đi”. (Ma-thi-ơ 10:9-11) Ngài biết rằng những người có lòng ngay thẳng sẽ tiếp rước họ, cung cấp thức ăn, chỗ ở và những nhu cầu cần thiết khác.

Tuy nhiên, không lâu nữa, những người truyền giáo sẽ phải tự lo và trang trải mọi chi phí cho mình khi đi đường. Nhìn thấy trước sự thù ghét của người ta đối với các môn đồ, và phạm vi công việc rao giảng sẽ lan rộng đến Dân Ngoại, Chúa Giê-su dặn: “Ai có túi bạc, hãy lấy đi, ai có bao, cũng vậy”. (Lu-ca 22:36) Việc đi lại và lưu trú là điều cần thiết để tin mừng lan truyền khắp nơi.

“Hãy ân-cần tiếp khách”

Nền hòa bình tương đối cộng với hệ thống đường sá tốt trên khắp Đế Quốc La Mã vào thế kỷ thứ nhất khiến cho việc đi lại ngày càng gia tăng. * Lượng khách lữ hành đông đúc tạo một nhu cầu lớn về chỗ trọ. Nhu cầu đó được đáp ứng nhờ có các quán trọ ở cách nhau khoảng một ngày đường dọc theo những con lộ chính. Tuy nhiên, cuốn The Book of Acts in Its Graeco-Roman Setting cho biết: “Các tác phẩm văn học thường mô tả những nơi đó bằng những hình ảnh ảm đạm. Tài liệu văn học và khảo cổ thường chứng thực tình trạng tồi tàn của những quán trọ—xập xệ, dơ bẩn, hầu như không có đồ đạc, đầy rận rệp, đồ ăn thức uống kém chất lượng, chủ và nhân viên không đáng tin cậy, khách lui tới đa số là thành phần bất hảo, nói chung là nơi thiếu lành mạnh”. Vì vậy, không lạ gì các lữ khách đứng đắn thường tránh trọ lại những nơi như thế, nếu có thể tránh được.

Vậy thì không lấy gì ngạc nhiên, Kinh Thánh luôn khuyến khích tín đồ Đấng Christ bày tỏ lòng hiếu khách đối với người khác. Sứ đồ Phao-lô khuyến giục các tín đồ ở thành Rô-ma: “Hãy cung-cấp sự cần-dùng cho các thánh-đồ; hãy ân-cần tiếp khách”. (Rô-ma 12:13) Ông nhắc các tín đồ người Do Thái: “Chớ quên sự tiếp khách; có khi kẻ làm điều đó, đã tiếp-đãi thiên-sứ mà không biết”. (Hê-bơ-rơ 13:2) Sứ đồ Phi-e-rơ cũng khuyên những anh em đồng đức tin: “Người nầy người khác phải tiếp-đãi nhau, chớ có cằn-rằn”.—1 Phi-e-rơ 4:9.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp không nên bày tỏ lòng hiếu khách. Về những “ai đi dông-dài, chẳng bền lòng theo đạo Đấng Christ”, sứ đồ Giăng nói: “Chớ rước họ vào nhà, và đừng chào-hỏi họ. Vì người nào chào-hỏi họ, tức là dự vào công-việc ác của họ”. (2 Giăng 9-11) Còn về những người phạm tội không ăn năn, Phao-lô viết: “Đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian-dâm, hoặc tham-lam, hoặc thờ hình-tượng, hoặc chưởi-rủa, hoặc say-sưa, hoặc chắt-bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy”.—1 Cô-rinh-tô 5:11.

Những tín đồ giả mạo và người khác có lẽ đã lợi dụng lòng tốt của các tín đồ chân chính. Một sách hướng dẫn đạo vào thế kỷ thứ hai được gọi là The Didache, hoặc Teaching of the Twelve Apostles (Sự dạy dỗ của mười hai sứ đồ) đề nghị một người đi rao giảng xa nên được tiếp đãi “một, hoặc hai ngày nếu cần”. Khi lên đường rời khỏi nơi đó, “người ấy không nên nhận bất kỳ thứ gì trừ bánh... Nếu hỏi xin tiền, người ấy là tiên tri giả”. Sách này khuyên thêm: “Trong trường hợp người đó muốn ở lại với anh em, nếu có nghề thì phải tự kiếm sống. Còn nếu không có nghề, thì anh em hãy giúp người ấy theo sự suy xét của anh em hầu cho không ai ăn ở không vì là tín đồ Đấng Christ. Những kẻ không chịu làm việc là người lợi dụng đạo; hãy cảnh giác những người như thế”.

Khi lưu lại lâu tại một số thành, sứ đồ Phao-lô cẩn thận không để những người đón tiếp ông phải nặng gánh. Ông tự kiếm sống bằng nghề may lều. (Công-vụ 18:1-3; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:7-12) Để hỗ trợ những người đáng giúp đỡ, các tín đồ thời ban đầu dường như thường dùng thư giới thiệu, chẳng hạn Phao-lô đã viết thư giới thiệu Phê-bê. Ông đã viết: “Tôi gởi-gắm Phê-bê, người chị em chúng ta cho anh em... Hãy ân-cần tiếp-rước người trong Chúa chúng ta,... và hãy giúp-đỡ người trong mọi dịp mà người sẽ cần đến anh em”.—Rô-ma 16:1, 2.

Phần thưởng của lòng hiếu khách

Các giáo sĩ vào thế kỷ thứ nhất tin Đức Giê-hô-va sẽ chăm lo mọi nhu cầu của họ. Nhưng họ có thể mong đợi sự tiếp đón của anh em đồng đạo không? Phao-lô và những người khác đã được Ly-đi mở rộng cửa đón tiếp. Tại thành Cô-rinh-tô, ông ở lại nhà của A-qui-la và Bê-rít-sin. Người cai ngục ở thành Phi-líp đã dọn bữa mời ông và Si-la. Ông cũng được Gia-sôn ở thành Tê-sa-lô-ni-ca, Phi-líp ở thành Sê-sa-rê, và Ma-na-sôn trên đường từ Sê-sa-rê đến Giê-ru-sa-lem tiếp đón nồng hậu. Còn trên đường đến Rô-ma, ông được anh em ở Bu-xô-lơ đón tiếp. Những dịp đó hẳn mang lại nhiều ân phước về thiêng liêng cho những người tiếp ông!—Công-vụ 16:33, 34; 17:7; 18:1-3; 21:8, 16; 28:13, 14.

Học giả Frederick F. Bruce nhận xét: “Những người bạn, cộng sự và chủ nhà không có động cơ nào khác ngoài tình yêu thương đối với sứ đồ Phao-lô và Chủ mà ông hầu việc. Họ biết rằng tiếp đón ông tức là tiếp đón Đấng Christ”. Đây là một động cơ tốt để tỏ lòng hiếu khách.

Ngày nay lòng hiếu khách vẫn cần thiết. Hàng ngàn giám thị lưu động của Nhân Chứng Giê-hô-va được anh em đồng đạo tiếp đón. Một số anh em khác tự trang trải chi phí để mang tin mừng đến những nơi hẻo lánh. Đón tiếp những người như thế, dù nhà cửa chúng ta có đơn sơ, chắc chắn mang lại nhiều phần thưởng. Lòng ân cần tiếp khách, dù chỉ qua một bữa ăn đơn giản, là cơ hội tốt để “cùng nhau giục lòng mạnh-mẽ” và bày tỏ tình yêu thương đối với anh em cũng như đối với Đức Chúa Trời. (Rô-ma 1:11, 12) Những dịp đó đặc biệt mang lại ân phước cho chủ nhà vì “ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”.—Công-vụ 20:35.

[Chú thích]

^ đ. 11 Người ta ước tính đến năm 100 CN, có khoảng 80.000 kilômét đường được lát đá trong Đế Quốc La Mã.

[Hình nơi trang 23]

Tín đồ Đấng Christ “ân-cần tiếp khách”