Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Những điểm nổi bật trong sách Các Quan Xét

Những điểm nổi bật trong sách Các Quan Xét

Lời Đức Giê-hô-va sống động

Những điểm nổi bật trong sách Các Quan Xét

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA phản ứng như thế nào khi dân Ngài quay lưng từ bỏ Ngài và thờ phượng những thần giả? Còn nhiều lần họ không vâng lời và rồi kêu cầu Ngài giúp khi bị khốn cùng thì sao? Lúc ấy Đức Giê-hô-va có giải thoát họ không? Sách Các Quan Xét giải đáp những câu hỏi này và nhiều câu hỏi quan trọng khác. Sách này do nhà tiên tri Sa-mu-ên viết và hoàn tất vào khoảng năm 1100 TCN, sách ghi lại những biến cố xảy ra trong suốt thời kỳ dài khoảng 330 năm—từ lúc Giô-suê qua đời cho đến khi vua đầu tiên của nước Y-sơ-ra-ên lên ngôi.

Là một phần trong lời hay thông điệp đầy quyền năng của Đức Chúa Trời, sách Các Quan Xét thật giá trị cho chúng ta. (Hê-bơ-rơ 4:12) Những lời tường thuật sống động trong sách giúp chúng ta hiểu biết sâu sắc về cá tính của Đức Chúa Trời. Những bài học mà chúng ta hấp thu được từ các sự tường thuật đó làm vững mạnh đức tin và giúp chúng ta nắm chặt lấy “sự sống thật”, sự sống đời đời trong thế giới mới mà Đức Chúa Trời hứa. (1 Ti-mô-thê 6:12, 19; 2 Phi-e-rơ 3:13) Những hành động của Đức Giê-hô-va nhằm giải cứu dân Ngài cho chúng ta thấy trước sự giải cứu tương lai trong phạm vi rộng lớn hơn, qua Con Ngài là Chúa Giê-su Christ.

TẠI SAO CẦN ĐẾN CÁC QUAN XÉT?

(Các Quan Xét 1:1–3:6)

Sau khi các vua của Ca-na-an bị bại trận dưới sự lãnh đạo của Giô-suê, mỗi chi phái Y-sơ-ra-ên đi vào sản nghiệp mình như đã được chia và chiếm lấy xứ. Tuy nhiên, người Y-sơ-ra-ên không đuổi dân Ca-na-an khỏi xứ nên điều đó trở thành một cạm bẫy cho họ.

Thế hệ sống sau thời Giô-suê “chẳng biết Đức Giê-hô-va, cũng chẳng biết các điều Ngài đã làm nhân vì Y-sơ-ra-ên”. (Các Quan Xét 2:10) Hơn nữa, dân Y-sơ-ra-ên còn thông gia với người Ca-na-an và cúng thờ các thần của họ. Vì thế Đức Giê-hô-va phó dân Y-sơ-ra-ên vào tay kẻ thù. Nhưng khi bị áp bức nặng nề, dân Y-sơ-ra-ên quay lại với Đức Chúa Trời thật để kêu cứu. Trong bối cảnh tôn giáo, xã hội và chính trị đó đã nảy ra câu chuyện về các quan xét mà Đức Giê-hô-va dấy lên để cứu dân Ngài khỏi tay kẻ thù.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

1:2, 4—Vì sao Giu-đa được chọn là chi phái đầu tiên tiến chiếm lấy phần đất chia cho họ? Lẽ ra đặc quyền này thuộc về chi phái Ru-bên, vì Ru-bên là con trưởng nam của Gia-cốp. Lúc trăng trối, Gia-cốp đã tiên tri là Ru-bên sẽ không trổi hơn các em, vì bị mất quyền trưởng nam. Do hành động hung tàn, Si-mê-ôn và Lê-vi sẽ bị tản lạc trong xứ Y-sơ-ra-ên. (Sáng-thế Ký 49:3-5, 7) Cho nên, chi phái kế tiếp trong vị thế nhận nhiệm vụ đó là Giu-đa, bởi lẽ Giu-đa là người con thứ tư. Người Si-mê-ôn, cùng đi với người Giu-đa để chiếm đất, đã nhận được những phần lãnh thổ nhỏ nằm rải rác trong vùng đất đai rộng lớn của chi phái Giu-đa. *Giô-suê 19:9.

1:6, 7—Vì sao những vua thua trận bị chặt ngón tay cái và ngón chân cái? Một người bị mất ngón tay cái và ngón chân cái hẳn sẽ mất khả năng chiến đấu. Không có ngón cái, làm sao có thể cầm gươm hay giáo? Và khi một người không còn ngón chân cái thì sẽ mất khả năng giữ thăng bằng.

Bài học cho chúng ta:

2:10-12. Chúng ta cần phải có một chương trình học Kinh Thánh đều đặn để ‘không quên các ân-huệ của Đức Giê-hô-va’. (Thi-thiên 103:2) Các bậc cha mẹ cần khắc ghi lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời vào lòng con mình.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9.

2:14, 21, 22. Đức Giê-hô-va có mục đích khi để những điều không hay xảy ra cho dân bất tuân của Ngài, đó là để phạt họ, tinh luyện họ, và thúc đẩy họ quay về với Ngài.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA DẤY LÊN CÁC QUAN XÉT

(Các Quan Xét 3:7–16:31)

Câu chuyện sống động về thành tích của các quan xét bắt đầu với việc Ốt-ni-ên giải thoát người Y-sơ-ra-ên sau tám năm họ phải phục dịch vua nước Mê-sô-bô-ta-mi. Quan Xét Ê-hút can đảm dùng mưu giết Vua Éc-lôn béo phì của Mô-áp. Sam-ga dũng cảm dùng cây đót bò một mình giết 600 người Phi-li-tin. Được nữ tiên tri Đê-bô-ra khuyến khích cũng như được Đức Giê-hô-va hỗ trợ, Ba-rác và đội quân 10.000 người trang bị sơ sài đã đánh tan đạo binh hùng mạnh của Si-sê-ra. Đức Giê-hô-va dấy Ghê-đê-ôn lên và cho ông cùng đội quân 300 người theo ông chiến thắng người Ma-đi-an.

Qua Giép-thê, Đức Giê-hô-va giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi tay dân Am-môn. Thô-la, Giai-rơ, Iếp-san, Ê-lôn và Áp-đôn cũng thuộc trong số 12 quan xét của dân Y-sơ-ra-ên. Thời kỳ các Quan Xét chấm dứt với Sam-sôn, người đã đánh giết dân Phi-li-tin.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

4:8—Vì sao Ba-rác lại cố nài nữ tiên tri Đê-bô-ra cùng ông ra chiến trường? Hẳn là Ba-rác cảm thấy không đủ khả năng một mình đối đầu với quân đội của Si-sê-ra. Sự hiện diện của nữ tiên tri này trấn an ông và các người theo ông rằng họ được Đức Chúa Trời hướng dẫn và điều đó khiến họ vững tin. Sự kiện Ba-rác nài nỉ Đê-bô-ra cùng đi không phải vì ông hèn nhát nhưng vì ông có đức tin mạnh.

5:20—Làm thế nào những ngôi sao từ trên trời dự vào chiến trận để giúp Ba-rác? Kinh Thánh không nói rõ điều đó có liên hệ đến sự giúp đỡ của thiên sứ, mưa thiên thạch mà các thuật sĩ của Si-sê-ra cho là điềm gở, hoặc những lời tiên đoán sai dựa theo chiêm tinh. Tuy nhiên, chắc chắn là có sự can dự của Đức Chúa Trời bằng một cách nào đó.

7:1-3; 8:10—Vì sao Đức Giê-hô-va nói đạo binh 32.000 người của Ghê-đê-ôn là quá đông trong khi có đến 135.000 quân thù? Đó là vì Đức Giê-hô-va ban cho Ghê-đê-ôn và đội quân ông sự chiến thắng. Đức Chúa Trời không muốn họ nghĩ rằng chính họ đã đánh bại người Ma-đi-an với sức riêng.

11:30, 31—Khi khẩn nguyện, Giép-thê có nghĩ đến một của-lễ hy sinh là mạng người không? Hẳn Giép-thê không hề nghĩ đến điều đó vì Luật Pháp có quy định: “Ở giữa ngươi chớ nên có ai đem con trai hay con gái mình ngang qua lửa”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 18:10) Tuy nhiên, Giép-thê đã nghĩ đến một người chứ không phải thú vật. Thường người Y-sơ-ra-ên không nuôi trong nhà những thú vật dùng làm của-lễ. Hơn nữa, việc dâng một con thú không có gì là đặc biệt cả. Giép-thê biết rằng người từ nhà ra đón ông rất có thể là con gái ông. Người đó sẽ được dâng lên làm “của-lễ thiêu”, nghĩa là dâng trọn đời mình phụng sự Đức Giê-hô-va tại đền tạm.

Bài học cho chúng ta:

3:10. Việc đạt được mục tiêu thiêng liêng, không tùy thuộc nơi sự khôn ngoan của con người, nhưng nơi thánh linh của Đức Giê-hô-va.—Thi-thiên 127:1.

3:21. Ê-hút vận dụng gươm của ông một cách tài tình và can đảm. Chúng ta cũng cần đạt đến mức độ khéo sử dụng “gươm của Đức Thánh-Linh, là lời Đức Chúa Trời”. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải can đảm dùng Kinh Thánh khi đi rao giảng.—Ê-phê-sô 6:17; 2 Ti-mô-thê 2:15.

6:11-15; 8:1-3, 22, 23. Sự khiêm tốn của Ghê-đê-ôn cho chúng ta ba bài học quan trọng: (1) Khi được giao một đặc ân phụng sự, chúng ta nên nghĩ về những trách nhiệm đi kèm với đặc ân đó thay vì nghĩ đến địa vị hay uy thế có được. (2) Khi xử sự với người có khuynh hướng hay gây chuyện, bày tỏ tính khiêm tốn là khôn ngoan. (3) Tính khiêm tốn giúp chúng ta tránh khuynh hướng ham muốn địa vị.

6:17-22, 36-40. Chúng ta cũng cần đề phòng và “chớ tin cậy mọi lời nói soi dẫn”. Thay vì thế chúng ta cần “thử các lời nói soi dẫn để xem có quả thật đến từ Đức Chúa Trời không”. (1  Giăng 4:1, NW) Để đảm bảo lời mình định khuyên căn cứ vững chắc trên Kinh Thánh, một người trưởng lão tín đồ Đấng Christ mới được bổ nhiệm nên khôn ngoan hỏi ý kiến một người trưởng lão có nhiều kinh nghiệm hơn.

6:25-27. Ghê-đê-ôn suy nghĩ chín chắn để tránh chọc giận những người chống đối một cách không cần thiết. Khi đi rao giảng tin mừng, chúng ta phải cẩn thận về cách chúng ta nói để không xúc phạm người khác một cách không cần thiết.

7:6. Về việc phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta nên noi gương 300 người theo Ghê-đê-ôn—cảnh giác và thận trọng.

9:8-15. Thật là dại dột khi chúng ta hành động một cách kiêu ngạo và nuôi dưỡng tham vọng được địa vị hay quyền lực!

11:35-37. Gương của Giép-thê hẳn đã đóng vai trò trọng yếu trong việc giúp con gái ông phát triển đức tin mạnh và tinh thần hy sinh. Các bậc cha mẹ ngày nay có thể nêu gương như thế cho con cái mình.

11:40. Bản Trịnh Văn Căn dịch câu này như sau: “Hằng năm các thiếu nữ I-xra-en trẩy hội, để ca ngợi cô gái con ông Giếp-tê”. Khen một người biểu lộ tinh thần tự nguyện trong công tác phụng sự Đức Giê-hô-va thật là khích lệ cho người đó.

13:8. Để dạy con, cha mẹ nên cầu xin Đức Giê-hô-va chỉ dẫn và làm theo sự hướng dẫn của Ngài.—2 Ti-mô-thê 3:16.

14:16, 17; 16:16. Khóc lóc và cằn nhằn để gây áp lực cho người khác có thể làm cho sứt mẻ mối quan hệ.—Châm-ngôn 19:13; 21:19.

NHỮNG VI PHẠM KHÁC TRONG XỨ Y-SƠ-RA-ÊN

(Các Quan Xét 17:1–21:25)

Phần cuối sách Các Quan Xét có ghi hai câu chuyện đáng chú ý. Câu chuyện thứ nhất liên quan đến Mi-ca, người đã dựng hình tượng tại nhà và mướn một người Lê-vi làm thầy tế lễ. Sau khi hủy phá thành La-ít, cũng gọi là Lê-sem, người Đan xây đắp thành của họ và đặt tên là Đan. Dùng tượng và thầy tế lễ của Mi-ca, họ lập lên một hình thức thờ phượng khác tại Đan. Họ hẳn đã chiếm thành La-ít trước khi Giô-suê qua đời.—Giô-suê 19:47.

Câu chuyện thứ hai xảy ra không lâu sau khi Giô-suê chết. Một số người Bên-gia-min tại Ghi-bê-a đã can dự vào tội hãm hiếp một phụ nữ, khiến cho gần như toàn thể chi phái này bị diệt—chỉ có 600 người đàn ông sống sót. Tuy nhiên, có một sự sắp đặt thực tiễn để những người này lấy vợ, và đến thời Vua Đa-vít cai trị, số chiến sĩ của họ lên đến gần 60.000 người.—1 Sử-ký 7:6-11.

Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:

17:6; 21:25—Việc “ai nấy làm theo ý mình lấy làm phải” có dễ dẫn đến tình trạng hỗn loạn không? Không hẳn thế, vì Đức Giê-hô-va sắp xếp đầy đủ để hướng dẫn dân Ngài. Ngài ban cho họ Luật Pháp và các thầy tế lễ để dạy họ đường lối Ngài. Thầy tế lễ thượng phẩm có thể dùng U-rim và Thu-mim để cầu xin Đức Chúa Trời hướng dẫn trong những vấn đề quan trọng. (Xuất Ê-díp-tô Ký 28:30) Mỗi thành cũng có những trưởng lão đủ khả năng ban những lời khuyên khôn ngoan. Khi một người Y-sơ-ra-ên tận dụng những sự sắp đặt này, thì người đó được sự hướng dẫn tốt cho lương tâm mình. Vậy trong trường hợp đó, người làm những gì “theo ý mình lấy làm phải” thì được kết quả tốt. Ngược lại, nếu một người bất chấp Luật Pháp tự mình quyết định về cách thờ phượng cũng như lối sống, thì gặp hậu quả xấu.

20:17-48—Vì sao Đức Giê-hô-va để cho những người Bên-gia-min đánh bại các chi phái khác hai lần, dù rằng chính người Bên-gia-min mới đáng bị trừng phạt? Khi để cho những chi phái trung thành bị thua trận nặng nề lúc đầu, Đức Giê-hô-va thử xem lòng quyết tâm của họ đến độ nào trong việc bài trừ những điều gian ác ra khỏi Y-sơ-ra-ên.

Bài học cho chúng ta:

19:14, 15. Thái độ không sẵn sàng tỏ lòng hiếu khách của dân Ghi-bê-a cho thấy họ thiếu sót nghiêm trọng về đạo đức. Tín đồ Đấng Christ được khuyên: “Hãy ân-cần tiếp khách”.—Rô-ma 12:13.

Sự giải cứu sắp đến

Chẳng bao lâu nữa, Nước Đức Chúa Trời dưới sự cai trị của Chúa Giê-su Christ sẽ hủy diệt thế giới gian ác và đem đến sự giải cứu cho người ngay thẳng và trọn vẹn. (Châm-ngôn 2:21, 22; Đa-ni-ên 2:44) ‘Bấy giờ hết thảy kẻ cừu-địch Ngài đều hư-mất, còn những kẻ yêu-mến Ngài được giống như mặt trời mọc lên rực-rỡ’. (Các Quan Xét 5:31) Chúng ta hãy chứng tỏ mình là những người yêu mến Đức Giê-hô-va qua việc áp dụng những điều học được nơi sách Các Quan Xét.

Lẽ thật căn bản được tỏ rõ nhiều lần trong sách Các Quan Xét là: Vâng lời Đức Giê-hô-va sẽ nhận được nhiều ân phước, bất tuân đưa đến thảm họa. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:26-28) Vun trồng “lòng vâng-phục” ý muốn mà Đức Chúa Trời đã tỏ lộ cho chúng ta là điều trọng yếu biết bao!—Rô-ma 6:17; 1 Giăng 2:17.

[Chú thích]

^ đ. 5 Những người Lê-vi không được chia cơ nghiệp trong vùng Đất Hứa, ngoại trừ 48 thành nằm rải rác khắp nước Y-sơ-ra-ên.

[Bản đồ nơi trang 25]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

“Đức Giê-hô-va dấy lên những quan xét giải-cứu chúng khỏi tay kẻ cướp-bóc”.—Các Quan Xét 2:16

CÁC QUAN XÉT

1. Ốt-ni-ên (Chi phái Ma-na-se)

2. Ê-hút (Chi phái Giu-đa)

3. Sam-ga (Chi phái Giu-đa)

4. Ba-rác (Chi phái Nép-ta-li)

5. Ghê-đê-ôn (Chi phái Y-sa-ca)

6. Thô-la (Chi phái Ma-na-se)

7. Giai-rơ (Chi phái Ma-na-se)

8. Giép-thê (Chi phái Gát)

9. Iếp-san (Chi phái A-se)

10. Ê-lôn (Chi phái Sa-bu-lôn)

11. Áp-đôn (Chi phái Ép-ra-im)

12. Sam-sôn (Chi phái Giu-đa)

ĐAN

MA-NA-SE

NÉP-TA-LI

A-SE

SA-BU-LÔN

Y-SA-CA

MA-NA-SE

GÁT

ÉP-RA-IM

ĐAN

BÊN-GIA-MIN

RU-BÊN

GIU-ĐA

[Hình nơi trang 26]

Bạn đã học được điều gì từ việc Ba-rác cố nài Đê-bô-ra cùng ông ra chiến trường?