Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đức Giê-hô-va luôn làm điều đúng

Đức Giê-hô-va luôn làm điều đúng

Đức Giê-hô-va luôn làm điều đúng

“Đức Giê-hô-va là công-bình trong mọi đường Ngài”.—THI-THIÊN 145:17.

1. Bạn phản ứng thế nào nếu có ai nhận xét sai về mình, và chúng ta rút ra được bài học quan trọng nào qua sự việc này?

ĐÃ CÓ ai từng nhận xét sai về bạn chưa, thậm chí nghi ngờ động lực và hành động của bạn mà không có đủ dữ kiện? Nếu vậy, hẳn bạn rất đau lòng và điều đó cũng dễ hiểu. Từ đó, chúng ta rút ra được một bài học quan trọng: Chớ vội kết luận khi chưa hiểu rõ vấn đề là điều khôn ngoan.

2, 3. Khi đọc những lời tường thuật không đầy đủ chi tiết để giải đáp mọi thắc mắc, một số người phản ứng thế nào, nhưng Kinh Thánh nói gì về Đức Giê-hô-va?

2 Chúng ta nên ghi nhớ bài học này khi nhận định về Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Tại sao vậy? Vì trong Kinh Thánh có vài lời tường thuật lúc đầu có thể khó hiểu đối với chúng ta. Những lời tường thuật này—có lẽ nói về hành động của một số tôi tớ Ngài hoặc sự phán xét của Ngài trong quá khứ—đôi khi không đầy đủ chi tiết để giải đáp mọi thắc mắc của chúng ta. Buồn thay, một số người chất vấn về những lời tường thuật này, thậm chí nghi ngờ sự chính trực và công bình của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, Kinh Thánh cho chúng ta biết “Đức Giê-hô-va là công-bình trong mọi đường Ngài”. (Thi-thiên 145:17) Lời Ngài cũng khẳng định Đức Giê-hô-va “không làm ác”. (Gióp 34:12; Thi-thiên 37:28) Vậy, hãy thử nghĩ xem Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào khi người khác nhận định sai về Ngài!

3 Hãy xem năm lý do giúp chúng ta nhìn nhận sự phán xét của Đức Giê-hô-va. Rồi căn cứ vào những lý do này, chúng ta hãy xem xét hai lời tường thuật trong Kinh Thánh mà một số người thấy khó hiểu.

Tại sao nhìn nhận sự phán xét của Đức Giê-hô-va?

4. Tại sao chúng ta nên khiêm nhường khi xem xét các hành động của Đức Chúa Trời? Hãy minh họa.

4 Thứ nhất, bởi vì Đức Giê-hô-va biết mọi dữ kiện, còn chúng ta thì không. Do đó, chúng ta nên khiêm nhường khi xem xét các hành động của Ngài. Để minh họa: Một quan tòa từ trước tới nay được tiếng là người phân xử rất công minh chính trực, nay đưa ra phán quyết trong một vụ kiện. Chúng ta nghĩ sao nếu một người không biết mọi dữ kiện hoặc không hiểu rõ luật pháp liên quan đến vụ kiện nhưng lại chỉ trích phán quyết đó? Quả là thiếu khôn ngoan khi vội kết luận về một điều nào đó mà mình không hiểu rõ sự việc. (Châm-ngôn 18:13) Càng thiếu khôn ngoan hơn khi là người phàm mà lại chỉ trích “Đấng đoán-xét toàn thế-gian”!—Sáng-thế Ký 18:25.

5. Chúng ta nên nhớ điều gì khi đọc những lời tường thuật trong Kinh Thánh về sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với một số người?

5 Lý do thứ hai giúp chúng ta nhìn nhận sự phán xét của Đức Chúa Trời là Ngài đọc được lòng người ta, còn chúng ta thì không. (1 Sa-mu-ên 16:7) Lời Ngài cho biết: “Ta, Đức Giê-hô-va, dò-xét trong trí, thử-nghiệm trong lòng, báo cho mỗi người tùy đường họ đi, tùy kết-quả của việc họ làm”. (Giê-rê-mi 17:10) Vì vậy, khi đọc những lời tường thuật trong Kinh Thánh về sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với một số người, chúng ta chớ nên quên rằng Ngài thấy hết mọi sự và cân nhắc những yếu tố thầm kín—suy nghĩ, động lực và ý tưởng—mà Kinh Thánh không đề cập đến.—1 Sử-ký 28:9.

6, 7. (a) Dù phải chịu mất mát rất nhiều, Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ Ngài luôn giữ các tiêu chuẩn công bình chính trực của Ngài như thế nào? (b) Chúng ta nên nhớ gì khi một điều nào đó trong Kinh Thánh khiến chúng ta thắc mắc, không biết Đức Chúa Trời có hành động đúng hoặc công bình hay không?

6 Hãy lưu ý lý do thứ ba giúp chúng ta nhìn nhận sự phán xét của Đức Giê-hô-va: Ngài luôn giữ những tiêu chuẩn công bình của Ngài, dù phải chịu mất mát rất nhiều. Hãy xem xét một ví dụ. Khi ban Con Ngài làm giá chuộc để giải thoát nhân loại biết vâng lời khỏi tội lỗi và sự chết, Đức Giê-hô-va áp dụng tiêu chuẩn ngay thẳng và công bình của Ngài. (Rô-ma 5:18, 19) Tuy nhiên, nhìn thấy người Con yêu dấu chịu đau đớn và chết trên cây khổ hình hẳn là điều khiến Đức Giê-hô-va đau lòng nhất. Điều này cho chúng ta biết gì về Đức Chúa Trời? Nói về “sự chuộc tội... trong Đức Chúa Jêsus-Christ”, Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời làm thế để “bày-tỏ sự công-bình” của Ngài. (Rô-ma 3:24-26) Bản Kinh Thánh New Century Version dịch câu Rô-ma 3:25 như sau: “Hành động này chứng minh Đức Chúa Trời luôn làm điều đúng và công bằng”. Thật vậy, việc Đức Giê-hô-va hy sinh đến mức sẵn sàng cung cấp giá chuộc đã chứng tỏ Ngài rất xem trọng “điều đúng và công bằng”.

7 Do đó, khi đọc phần nào trong Kinh Thánh khiến một số người thắc mắc không biết Đức Chúa Trời có hành động đúng hoặc công bình hay không, chúng ta nên nhớ: Vì Đức Giê-hô-va luôn áp dụng tiêu chuẩn công bình và chính trực của Ngài nên ngay cả chính Con Ngài cũng không được miễn trừ khỏi cái chết đau đớn. Có thể nào Ngài lại bóp méo các tiêu chuẩn đó trong những trường hợp khác? Sự thật là Đức Giê-hô-va không bao giờ bóp méo tiêu chuẩn công bình và chính trực của Ngài. Vậy, chúng ta có lý do chính đáng để tin chắc rằng Ngài luôn làm điều đúng và công bằng.—Gióp 37:23.

8. Tại sao là mâu thuẫn nếu con người nghĩ rằng vì lý do nào đó Đức Giê-hô-va thiếu công bình và chính trực?

8 Hãy xem xét lý do thứ tư khiến chúng ta nên nhìn nhận sự phán xét của Đức Giê-hô-va: Loài người được tạo nên theo hình ảnh Ngài. (Sáng-thế Ký 1:27) Họ được phú cho những đức tính giống như Ngài, bao gồm ý thức về sự công bình và chính trực. Thật mâu thuẫn nếu ý thức của chúng ta về tính công bình và chính trực khiến chúng ta nghĩ rằng vì lý do nào đó Đức Giê-hô-va thiếu những đức tính này. Nếu thấy khó hiểu về lời tường thuật nào đó trong Kinh Thánh, cần nhớ rằng vì tội lỗi di truyền nên chúng ta không có khả năng phán đoán chính xác về điều đúng và công bình. Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo chúng ta theo hình Ngài, thì hoàn toàn công bình và chính trực. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Thật vô lý nếu cho rằng con người lại công bình và chính trực hơn Đức Chúa Trời!—Rô-ma 3:4, 5; 9:14.

9, 10. Tại sao Đức Giê-hô-va không cần giải thích hoặc thanh minh với con người về hành động của Ngài?

9 Lý do thứ năm để nhìn nhận sự phán xét của Đức Giê-hô-va: Ngài là “Đấng Chí-Cao trên khắp trái đất”. (Thi-thiên 83:18) Ở vị thế này, Ngài không cần phải giải thích hoặc thanh minh với con người về hành động của Ngài. Ngài là Thợ Gốm Vĩ Đại, còn chúng ta là chậu bằng đất sét được nắn nên và sử dụng theo ý Ngài. (Rô-ma 9:19-21) Chúng ta—những chậu gốm trong tay Ngài—là ai mà chất vấn hành động và quyết định của Ngài? Khi tộc trưởng Gióp hiểu lầm cách Đức Giê-hô-va đối xử với nhân loại, Ngài sửa ông bằng cách hỏi: “Ngươi há có ý phế lý-đoán ta sao? Có muốn định tội cho ta đặng xưng mình là công-bình ư ?” Nhận ra là mình nói mà không hiểu, Gióp sau đó đã ăn năn. (Gióp 40:3; 42:6) Mong sao chúng ta không bao giờ mắc phải lỗi lầm là trách móc Đức Chúa Trời!

10 Rõ ràng, chúng ta có lý do chính đáng để tin rằng Đức Giê-hô-va luôn làm điều đúng. Dựa vào những lý do căn bản này giúp chúng ta hiểu đường lối của Đức Giê-hô-va, hãy xem xét hai lời tường thuật trong Kinh Thánh mà một số người thấy khó hiểu. Trường hợp thứ nhất liên quan đến hành động của một người thờ phượng Đức Chúa Trời, trường hợp thứ hai nói về chính sự phán xét của Ngài.

Tại sao Lót đề nghị đưa hai con gái mình cho đám người hung hăng?

11, 12. (a) Hãy kể lại điều đã xảy ra khi Đức Chúa Trời sai hai thiên sứ mặc lấy hình người đến thành Sô-đôm. (b) Lời tường thuật này khiến một số người thắc mắc gì?

11 Sáng-thế Ký chương 19 tường thuật điều đã xảy ra khi Đức Chúa Trời sai hai thiên sứ mặc lấy hình người đến thành Sô-đôm. Lót nài nỉ những vị khách này nghỉ qua đêm tại nhà ông. Tuy nhiên, một đám người đàn ông trong thành bao vây nhà ông vào đêm đó và đòi Lót giao các vị khách cho họ vì mục đích vô luân. Lót cố gắng nói chuyện phải trái với họ, nhưng không có kết quả. Tìm cách bảo vệ khách của mình, Lót nói: “Nầy, tôi xin anh em đừng làm điều ác đó! Đây, tôi sẵn có hai con gái chưa chồng, tôi sẽ đưa chúng nó cho anh em, rồi mặc tình anh em tính làm sao tùy ý; miễn đừng làm chi hại cho hai người kia; vì cớ đó, nên họ đến núp bóng mái nhà tôi”. Đám người đó không chịu nghe và gần như phá được cửa nhà Lót. Cuối cùng, hai thiên sứ đó làm cho đám người điên cuồng kia bị mù.—Sáng-thế Ký 19:1-11.

12 Không lạ gì lời tường thuật này khiến một số người thắc mắc. Họ tự hỏi: ‘Tại sao Lót lại tìm cách bảo vệ khách của mình bằng cách đề nghị đưa hai con gái cho đám người vô luân? Chẳng phải ông đã hành động sai lầm, thậm chí hèn nhát sao?’ Nếu thế, tại sao Đức Chúa Trời lại soi dẫn Phi-e-rơ viết Lót là “người công-bình”? Có phải Đức Chúa Trời tán thành hành động của Lót không? (2 Phi-e-rơ 2:7, 8) Hãy cùng xem xét vài lập luận về vấn đề này để chúng ta không đi đến kết luận sai lầm.

13, 14. (a) Chúng ta nên lưu ý gì về hành động của Lót được tường thuật trong Kinh Thánh? (b) Điều gì cho thấy Lót không hành động hèn nhát?

13 Trước hết, hãy lưu ý là thay vì ủng hộ hoặc lên án hành động của Lót, Kinh Thánh chỉ tường thuật sự kiện mà thôi. Kinh Thánh cũng không cho biết Lót nghĩ gì hoặc điều gì thúc đẩy ông hành động như thế. Khi “có sự sống lại của người công-bình”, có lẽ ông sẽ cho chúng ta biết rõ sự việc.—Công-vụ 24:15.

14 Không hẳn Lót là người hèn nhát. Ông bị đặt vào tình thế khó xử. Khi nói rằng các vị khách đã “đến núp bóng mái nhà” ông, Lót cho thấy ông buộc phải bảo vệ và che chở họ. Nhưng điều này không phải dễ. Sử gia Do Thái Josephus nói rằng dân thành Sô-đôm “bất công với con người và bất kính với Đức Chúa Trời... Họ ghét người lạ, và thực hành tình dục đồi bại với nhau”. Tuy nhiên, Lót không nhượng bộ trước đám người hung hăng đó. Trái lại, ông bước ra ngoài và nói chuyện phải trái với những kẻ hung hăng, thậm chí “đóng cửa lại”.—Sáng-thế Ký 19:6.

15. Tại sao có thể nói rằng Lót có lẽ đã hành động vì đức tin?

15 Một số người vẫn thắc mắc: ‘Nhưng tại sao Lót lại đề nghị đưa hai con gái mình cho đám người đó?’ Thay vì cho rằng động lực của ông là xấu, sao không xem xét một số yếu tố khác? Trước nhất, rất có thể Lót đã hành động vì đức tin. Tại sao vậy? Hẳn là Lót đã biết cách Đức Giê-hô-va bảo vệ Sa-ra, vợ Áp-ra-ham, bác của ông. Hãy nhớ rằng Lót cũng biết chuyện Áp-ra-ham yêu cầu Sa-ra gọi ông là anh trai vì bà rất đẹp và Áp-ra-ham sợ người ta giết ông để chiếm đoạt bà. * Rồi Sa-ra được đưa vào cung Pha-ra-ôn. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã can thiệp ngăn Pha-ra-ôn làm nhục Sa-ra. (Sáng-thế Ký 12:11-20) Có lẽ Lót cũng tin rằng các con gái ông cũng sẽ được che chở như vậy. Điều đáng chú ý là qua các thiên sứ, Đức Giê-hô-va đã can thiệp, và hai con gái của Lót được bảo toàn.

16, 17. (a) Lót cố gây bất ngờ hoặc làm cho những người đàn ông của thành Sô-đôm bối rối bằng cách nào? (b) Dù lập luận của Lót là gì đi nữa, chúng ta có thể tin chắc điều gì?

16 Hãy xem xét một yếu tố khác. Cũng có thể Lót muốn gây bất ngờ và làm cho đám người đàn ông đó bối rối. Chắc ông cũng tin rằng đám người này sẽ không ham muốn các con gái ông vì dân thành Sô-đôm buông theo lối sống đồng tính luyến ái. (Giu-đe 7) Ngoài ra, các con gái ông đã đính hôn với người nam trong thành, và trong đám người này có lẽ cũng có thân nhân, bạn bè, hoặc bạn làm ăn của các con rể tương lai của ông. (Sáng-thế Ký 19:14) Chắc Lót cũng mong rằng nhờ mối quan hệ đó mà một số người trong đám đông sẽ lên tiếng bảo vệ các con gái ông. Một đám đông bị chia rẽ như thế sẽ không nguy hiểm lắm. *

17 Dù lập luận và động lực của Lót là gì đi nữa, chúng ta có thể tin chắc điều này: Vì Đức Giê-hô-va luôn làm điều đúng, Ngài hẳn có lý do chính đáng để xem Lót là “người công-bình”. Và khi xem xét hành động của đám người điên cuồng trong thành Sô-đôm, lẽ nào chúng ta lại không đồng ý rằng sự phán xét của Đức Giê-hô-va đối với dân gian ác thành này là hoàn toàn đúng đắn?—Sáng-thế Ký 19:23-25.

Tại sao Đức Giê-hô-va phạt U-xa phải chết?

18. (a) Điều gì xảy ra khi Đa-vít tìm cách đem hòm giao ước về thành Giê-ru-sa-lem? (b) Lời tường thuật này nêu lên câu hỏi nào?

18 Một câu chuyện khác có lẽ làm cho một số người thấy khó hiểu là lời tường thuật về nỗ lực của Đa-vít để đem hòm giao ước về thành Giê-ru-sa-lem. Hòm được đặt trên một cái xe do anh em ông U-xa dẫn đầu. Kinh Thánh cho biết: “Khi đến sân đạp lúa Na-côn, U-xa giơ tay lên nắm hòm của Đức Chúa Trời, bởi vì những con bò vấp ngã. Cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va bèn nổi phừng cùng U-xa; Đức Chúa Trời hành-hại người vì cớ lầm-lỗi người [“xúc phạm đến Rương”, Bản Diễn Ý], và người chết tại đó, gần bên hòm của Đức Chúa Trời”. Vài tháng sau, Đa-vít lại dời hòm giao ước lần nữa và đã thành công nhờ làm theo cách Đức Chúa Trời chỉ dẫn, tức để cho người Kê-hát thuộc chi phái Lê-vi khiêng trên vai. (2 Sa-mu-ên 6:6, 7; Dân-số Ký 4:15; 7:9; 1 Sử-ký 15:1-14) Một số người có lẽ hỏi: ‘Tại sao Đức Giê-hô-va phản ứng mạnh đến thế ? U-xa chỉ muốn đỡ hòm giao ước mà thôi’. Để không kết luận sai lầm, chúng ta nên lưu ý một số chi tiết giúp làm sáng tỏ vấn đề.

19. Tại sao Đức Giê-hô-va không thể hành động bất công?

19 Chúng ta cần nhớ rằng Đức Giê-hô-va không thể hành động bất công. (Gióp 34:10) Đối với Ngài, hành động như thế là thiếu yêu thương, và qua việc học hỏi toàn bộ cuốn Kinh Thánh, chúng ta biết rõ “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. (1 Giăng 4:8) Ngoài ra, Kinh Thánh cũng cho chúng ta biết rằng “sự công-bình và sự chánh-trực là nền của ngôi Chúa”. (Thi-thiên 89:14) Vậy thì làm sao Đức Giê-hô-va có thể hành động bất công được? Nếu làm thế, Ngài sẽ làm lung lay ngay cả nền tảng quyền tối thượng của Ngài.

20. Có lý do nào cho thấy U-xa hẳn đã biết điều luật liên quan đến hòm giao ước?

20 Hãy nhớ rằng U-xa hẳn phải biết rõ luật pháp. Hòm giao ước đi đôi với sự hiện diện của Đức Giê-hô-va. Luật Pháp cấm những người không có phận sự đụng đến hòm và cho biết rõ những ai vi phạm sẽ bị xử tử. (Dân-số Ký 4:18-20; 7:89) Do đó, không nên xem nhẹ việc di chuyển hòm thánh. Hẳn U-xa là một người Lê-vi (tuy không phải là thầy tế lễ), nên ông phải là người am hiểu Luật Pháp. Ngoài ra, hòm giao ước đã được chuyển đến nhà cha ông trước đó nhiều năm. (1 Sa-mu-ên 6:20–7:1) Hòm được trông giữ ở đó khoảng 70 năm cho đến khi Đa-vít quyết định dời hòm về thành Giê-ru-sa-lem. Vì vậy, từ thuở thơ ấu, rất có thể U-xa đã biết về luật pháp liên quan đến hòm giao ước.

21. Trong trường hợp của U-xa, tại sao điều quan trọng là nên nhớ rằng Đức Giê-hô-va thấy được động lực trong lòng?

21 Như đã được đề cập ở trên, Đức Giê-hô-va đọc được lòng người ta. Vì Kinh Thánh cho biết hành động của U-xa là sự “xúc phạm”, có lẽ Đức Giê-hô-va đã thấy động lực ích kỷ nào đó của ông mà không được nói đến trong lời tường thuật. Phải chăng U-xa là một người tự phụ, có khuynh hướng vượt quá quyền hạn của mình? (Châm-ngôn 11:2) Phải chăng việc đi trước công chúng để dẫn đường cho hòm giao ước, từng được gia đình ông trông giữ tại nhà riêng, đã khiến ông tự xem mình là quan trọng? (Châm-ngôn 8:13) Chẳng phải U-xa thiếu đức tin đến mức nghĩ rằng Đức Giê-hô-va không đỡ được hòm thánh tượng trưng cho sự hiện diện của Ngài hay sao? Dù gì đi nữa, chúng ta có thể chắc chắn rằng Đức Giê-hô-va đã hành động đúng. Dường như Ngài đã thấy điều gì đó trong lòng U-xa khiến Ngài phạt ông ngay.—Châm-ngôn 21:2.

Lý do vững chắc để tin cậy

22. Tại sao việc Kinh Thánh có lúc không cho biết một số chi tiết lại chứng tỏ sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va?

22 Việc Lời Đức Giê-hô-va có lúc không cho biết một số chi tiết chứng tỏ sự khôn ngoan vô song của Ngài. Qua đó, Đức Giê-hô-va cho chúng ta cơ hội bày tỏ lòng tin cậy nơi Ngài. Dựa vào những gì chúng ta đã xem xét, chẳng phải rõ ràng là chúng ta có lý do chính đáng để nhìn nhận sự phán xét của Đức Giê-hô-va hay sao? Quả vậy, khi học Lời Đức Chúa Trời với lòng thành thật và tinh thần cởi mở, chúng ta sẽ biết Đức Giê-hô-va nhiều đến nỗi tin chắc rằng Ngài luôn làm điều đúng và ngay thẳng. Vậy, nếu có một số lời tường thuật trong Kinh Thánh làm chúng ta khó hiểu và không tìm được lời giải đáp rõ ràng, hãy hoàn toàn tin chắc rằng Đức Giê-hô-va đã hành động đúng.

23. Chúng ta có thể tin chắc điều gì về hành động của Đức Giê-hô-va trong tương lai?

23 Chúng ta cũng có sự tin cậy như thế về những hành động của Đức Giê-hô-va trong tương lai. Vì lý do đó, chúng ta có thể tin chắc rằng Ngài sẽ không “diệt người công-bình luôn với người độc-ác” khi phán xét trong cơn đại nạn sắp tới. (Sáng-thế Ký 18:23) Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ làm điều đó vì Ngài yêu chuộng sự công bình và chính trực. Chúng ta có thể hoàn toàn tin rằng trong thế giới mới sắp đến, Ngài sẽ thỏa mãn mọi nhu cầu của chúng ta cách tốt nhất.—Thi-thiên 145:16.

[Chú thích]

^ đ. 15 Áp-ra-ham sợ hãi là hợp lý vì theo một tài liệu cổ bằng giấy cói, một Pha-ra-ôn đã sai quân lính giết chồng một phụ nữ xinh đẹp để chiếm đoạt bà.

^ đ. 16 Để biết thêm chi tiết, xem Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-12-1979, trang 31.

Bạn có nhớ không?

• Chúng ta có những lý do nào để nhìn nhận sự phán xét của Đức Giê-hô-va?

• Điều gì có thể giúp chúng ta tránh kết luận sai lầm về việc Lót đề nghị đưa hai con gái ông cho đám người hung hăng?

• Có những yếu tố nào giúp chúng ta hiểu lý do Đức Giê-hô-va phạt U-xa phải chết?

• Chúng ta có thể tin chắc điều gì về hành động của Đức Giê-hô-va trong tương lai?

[Câu hỏi thảo luận]