Lẽ thật có kết quả nơi những người bạn dạy dỗ không?
Lẽ thật có kết quả nơi những người bạn dạy dỗ không?
KHI Eric, ở tuổi thiếu niên, nói rằng mình không muốn là một Nhân Chứng Giê-hô-va nữa, cha mẹ cậu vô cùng đau lòng. Họ đã không lường trước được sự việc này. Thuở nhỏ, Eric cũng học hỏi Kinh Thánh trong gia đình, đi nhóm họp, và cùng tham gia rao giảng với hội thánh. Có thể nói là dường như cậu ở trong lẽ thật. Nhưng giờ đây, khi cậu ra đi, cha mẹ cậu mới nhận ra rằng không có lẽ thật của Kinh Thánh trong lòng cậu. Sự thật đau lòng này khiến họ vừa sửng sốt vừa thất vọng.
Những tín đồ khác cũng có cùng cảm giác mất mát như vậy khi một người học hỏi đột nhiên bỏ học Kinh Thánh. Trong trường hợp đó, họ thường tự vấn: ‘Sao mình lại không thấy trước được điều này?’ Vậy thì trước khi thảm họa về thiêng liêng xảy ra, có thể nào nhận biết được lẽ thật có kết quả nơi người chúng ta dạy lẽ thật không? Về vấn đề này, làm sao chúng ta biết chắc lẽ thật vẫn hành động trong chúng ta lẫn người học? Trong dụ ngôn quen thuộc của ngài về người gieo giống, Chúa Giê-su cung cấp một chi tiết giúp tìm ra câu trả lời.
Lẽ thật phải động đến lòng
Chúa Giê-su nói: “Hột giống là đạo Đức Chúa Trời. Song phần rơi vào nơi đất tốt, là kẻ có lấy lòng thật-thà tử-tế nghe đạo, gìn-giữ, và kết-quả một cách bền lòng”. (Lu-ca 8:11, 15) Vì thế, trước khi kết quả nơi người học, lẽ thật về Nước Trời phải thấm sâu vào lòng họ. Chúa Giê-su đoan chắc với chúng ta rằng một khi lẽ thật—như hạt giống rơi nơi đất tốt—động đến lòng tốt của một người thì lập tức sẽ nảy nở và đâm hoa kết trái. Chúng ta nên tìm kiếm điều gì nơi người học?
Chúng ta phải chú ý đến bản chất của lòng chứ không chỉ nhận xét bề ngoài. Việc chỉ thường xuyên tham gia những sinh hoạt thờ phượng không luôn bộc lộ những điều đang diễn tiến trong lòng một người. (Giê-rê-mi 17:9, 10; Ma-thi-ơ 15:7-9) Chúng ta cần nhìn sâu hơn. Những mong ước, động lực, và điều ưu tiên của người đó phải hoàn toàn được thay đổi. Người đó phải vun trồng nhân cách mới phù hợp với ý muốn Đức Chúa Trời. (Ê-phê-sô 4:20-24) Để minh họa: Khi người dân thành Tê-sa-lô-ni-ca nghe tin mừng, Phao-lô cho biết họ sẵn lòng tiếp nhận thông điệp này như là lời của Đức Chúa Trời. Nhưng chỉ khi thể hiện sự nhịn nhục, lòng trung thành, và tình yêu thương sau đó thì họ mới chứng tỏ cho Phao-lô thấy rằng lẽ thật “cũng hành-động trong [họ]”.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13, 14; 3:6.
Dĩ nhiên, như trường hợp của Eric cho thấy, những gì nơi lòng người học sớm muộn sẽ bộc lộ qua hạnh kiểm. (Mác 7:21, 22; Gia-cơ 1:14, 15) Điều đáng tiếc là khi một số điểm xấu thể hiện rõ qua hành động của một người thì có lẽ đã quá trễ. Vì vậy, cái khó là tìm cách nhận ra những khuyết điểm cụ thể nào đó trước khi nó trở thành nguyên nhân gây vấp phạm về thiêng liêng. Chúng ta cần có cách để nhận biết được những gì trong lòng người học. Bằng cách nào?
Học từ Chúa Giê-su
Dĩ nhiên, Chúa Giê-su có thể đọc chính xác lòng người. (Ma-thi-ơ 12:25) Không ai trong chúng ta làm được điều này. Tuy nhiên, ngài cho biết chúng ta cũng có thể nhận thấy được những ham muốn, động lực và điều ưu tiên của một người. Giống như một bác sĩ giỏi dùng các phương pháp chẩn đoán khác nhau để xác định tình trạng tim của bệnh nhân, Chúa Giê-su dùng Lời Đức Chúa Trời để “múc” và tỏ lộ ra “tư-tưởng và ý-định trong lòng”, dù những suy nghĩ này vẫn ở trong trạng thái chìm lắng.—Châm-ngôn 20:5; Hê-bơ-rơ 4:12.
Ví dụ, Chúa Giê-su có lần đã lưu ý Phi-e-rơ về một khuyết điểm mà sau đó đã trở thành nguyên nhân gây vấp phạm. Chúa Giê-su biết Phi-e-rơ yêu mến ngài. Thật vậy, ngài đã tin tưởng giao cho ông “chìa-khóa nước thiên-đàng”. (Ma-thi-ơ 16:13-19) Nhưng ngài cũng biết rằng Sa-tan luôn để mắt đến các môn đồ của ngài. Trong thời gian sắp tới, họ sẽ phải đương đầu với áp lực nặng nề khiến họ nhượng bộ. Chúa Giê-su đã nhận thấy rõ những khuyết điểm nơi đức tin của một số môn đồ. Vì thế ngài không ngần ngại cho họ biết những điểm họ cần lưu ý. Hãy xem cách ngài đưa vấn đề đó ra để lý luận với họ.
Ma-thi-ơ 16:21 tường thuật: “Từ đó, Đức Chúa Jêsus mới tỏ cho môn-đồ biết rằng mình phải... chịu tại đó nhiều sự khốn-khổ... và phải bị giết”. Hãy để ý là Chúa Giê-su không chỉ nói những điều sẽ xảy ra cho ngài, nhưng ngài tỏ cho họ biết. Rất có thể ngài đã dùng những câu Kinh Thánh như Thi-thiên 22:14-18 hoặc Ê-sai 53:10-12, là những lời tiên tri về sự chịu đựng và cái chết của Đấng Mê-si. Dù bằng cách nào đi nữa, đọc trực tiếp hoặc trích dẫn nguyên văn từ Kinh Thánh, Chúa Giê-su cho Phi-e-rơ và những môn đồ khác có cơ hội bộc lộ lòng mình. Họ phản ứng thế nào trước viễn cảnh bị bắt bớ?
Điều đáng ngạc nhiên là trong trường hợp này, lời đáp hấp tấp của Phi-e-rơ, vốn được xem là người can đảm và hăng hái, đã bộc lộ một suy nghĩ sai lầm nghiêm trọng. Ông nói: “Hỡi Chúa, Đức Chúa Trời nào nỡ vậy! Sự đó sẽ không xảy đến cho Chúa đâu!” Lối suy nghĩ của Phi-e-rơ rõ ràng đã bị lệch lạc vì, như Chúa Giê-su cho biết, ông “chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta”, một sai lầm nghiêm trọng có thể dẫn đến hậu quả tai hại. Rồi Chúa Giê-su làm gì? Sau khi quở trách Phi-e-rơ, ngài nói với ông và các môn đồ khác: “Nếu ai muốn theo ta, thì phải liều mình, vác [cây khổ hình] mình mà theo ta”. Lấy ý của câu Kinh Thánh nơi Thi-thiên 49:8, 9 và 62:12, ngài tử tế nhắc họ nhớ rằng triển vọng sống đời đời không tùy thuộc loài người, nơi không có sự cứu rỗi, nhưng tùy thuộc nơi Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 16:22-28.
Dù Phi-e-rơ nhất thời đầu hàng trước nỗi sợ hãi và chối Chúa Giê-su ba lần, nhưng cuộc nói chuyện được đề cập ở trên và những dịp khác chắc chắn đã giúp chuẩn bị lòng ông cho việc phục hồi nhanh chóng về thiêng liêng. (Giăng 21:15-19) Chỉ 50 ngày sau đó, Phi-e-rơ can đảm đứng trước đám đông ở Giê-ru-sa-lem để làm chứng về sự sống lại của Chúa Giê-su. Trong những năm tháng sau đó, ông mạnh dạn đương đầu với những nghịch cảnh xảy ra liên tục như bị đánh đập, bắt bớ và tống giam, để lại một gương xuất sắc về lòng trung kiên và can đảm.—Công-vụ 2:14-36; 4:18-21; 5:29-32, 40-42; 12:3-5.
Chúng ta học được gì qua câu chuyện này? Bạn có nhận ra cách Chúa Giê-su “múc” và tỏ lộ ra những suy nghĩ trong lòng của Phi-e-rơ không? Trước hết, ngài chọn những câu Kinh Thánh thích hợp để lưu ý Phi-e-rơ về một khía
cạnh cụ thể nào đó. Kế đến, ngài cho Phi-e-rơ cơ hội bộc lộ lòng mình. Sau cùng, ngài cho những lời khuyên khác dựa trên Kinh Thánh hầu giúp Phi-e-rơ điều chỉnh suy luận và cảm nghĩ của mình. Có lẽ bạn cảm thấy mức độ dạy dỗ này vượt quá khả năng của mình, nhưng hãy xem hai kinh nghiệm cho thấy việc chuẩn bị và nương cậy nơi Đức Giê-hô-va có thể giúp bất kỳ ai trong chúng ta noi gương Chúa Giê-su.“Múc lấy” những điều trong lòng
Khi một người cha tín đồ Đấng Christ hay rằng hai con trai của mình—đang học lớp một và lớp hai—đã lấy kẹo trên bàn của giáo viên, anh kêu chúng ngồi xuống và lý luận với chúng. Thay vì chỉ đơn giản bỏ qua sự việc, xem nó như là chuyện vặt vô hại, anh nói: “Tôi cố gắng khơi gợi lòng chúng để biết động lực nào khiến chúng có hành động xấu đó”.
Người cha khuyên con mình nhớ lại điều đã xảy ra cho A-can như được tường thuật trong sách Giô-suê chương 7. Hai cậu bé lập tức hiểu được vấn đề và thú nhận. Vì lương tâm chúng đã bị cắn rứt, nên người cha cho chúng đọc Ê-phê-sô 4:28, nói như sau: “Kẻ vốn hay trộm-cắp chớ trộm-cắp nữa; nhưng thà chịu khó... đặng có vật chi giúp cho kẻ thiếu-thốn thì hơn”. Khi bắt chúng mua kẹo rồi trả lại cho giáo viên, anh đã làm cho lời khuyên trong Kinh Thánh có thêm hiệu lực.
Người cha nói: “Một khi nhận ra bất cứ động lực xấu nào, chúng tôi cố gắng lý luận với con cái nhằm trừ diệt tận gốc rễ điều xấu đó, và thay thế bằng những động lực tốt và trong sáng”. Khi noi gương Chúa Giê-su để dạy dỗ con cái, cặp vợ chồng trên đã gặt được kết quả tốt sau này. Hai người con trai của họ được mời làm việc tại trụ sở trung ương ở Brooklyn. Hiện nay, sau 25 năm, một trong hai người con trai họ vẫn còn phụng sự ở đó.
Hãy xem cách một tín đồ khác giúp học viên Kinh Thánh của mình. Người học viên đó đã tham dự các buổi nhóm, đi rao giảng và bày tỏ mong muốn được báp têm. Tuy nhiên, dường như cô ấy quá dựa vào sức riêng của mình thay vì nương cậy nơi Đức Giê-hô-va. Chị Nhân Chứng kể: “Vì là người độc thân, nên cô không nhận ra thái độ quá độc lập của mình. Tôi lo ngại cô ấy đang đi đến tình trạng suy sụp về thể chất hoặc thiêng liêng”.
Vì thế, chị Nhân Chứng chủ động đến gặp người học, lý luận với cô ấy câu Ma-thi-ơ 6:33, và khuyến khích cô điều chỉnh những điều ưu tiên trong đời sống, đặt Nước Trời lên hàng đầu và tin cậy rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp cô bằng giải pháp tốt nhất. Chị Nhân Chứng thẳng thắn hỏi: “Phải chăng cuộc sống tự lập đôi khi khiến em thấy khó nương tựa nơi người khác, kể cả Đức Giê-hô-va?” Cô ấy thú nhận rằng hầu như cô đã bỏ việc cầu nguyện. Chị Nhân Chứng khuyên cô áp dụng lời khuyên nơi Thi-thiên 55:22 và trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va, vì Lời Ngài đoan chắc nơi 1 Phi-e-rơ 5:7 rằng “Ngài hay săn-sóc anh em”. Những lời này động đến lòng cô. Chị Nhân Chứng cho biết: “Đó là một trong những dịp hiếm hoi tôi thấy cô ấy khóc”.
Hãy để lẽ thật luôn hành động trong bạn
Nhìn thấy người học đáp ứng lẽ thật của Kinh Thánh mang lại vui mừng lớn. Tuy nhiên, nếu muốn thành công trong nỗ lực giúp người khác, chính chúng ta phải làm gương tốt. (Giu-đe 22, 23) Tất cả chúng ta cần “lấy lòng sợ-sệt run-rẩy làm nên sự cứu-chuộc mình”. (Phi-líp 2:12) Điều này bao gồm việc thường xuyên để ánh sáng của Kinh Thánh soi lòng chúng ta để tìm ra thái độ, ước muốn và sự ham thích cần được điều chỉnh.—2 Phi-e-rơ 1:19.
Chẳng hạn, gần đây lòng sốt sắng của bạn đối với các sinh hoạt về thiêng liêng có giảm bớt không? Nếu có thì tại sao? Có lẽ một lý do là bạn quá dựa vào sức riêng của mình. Làm sao biết bạn có đang ở trong tâm trạng này hay không? Hãy đọc A-ghê 1:2-11, và thành thật suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va lý luận với dân Do Thái được hồi hương. Rồi tự hỏi: ‘Tôi có lo lắng thái quá về việc ổn định tài chính và tiện nghi vật chất không? Tôi có thật sự tin rằng nếu tôi ưu tiên cho điều thiêng liêng, Đức Giê-hô-va sẽ chăm sóc gia đình tôi? Hay tôi nghĩ mình phải lo cho bản thân trước?’ Nếu suy tư hoặc cảm nghĩ của bạn cần được điều chỉnh, đừng chần chừ. Những lời khuyên trong Kinh Thánh, như Ma-thi-ơ 6:25-33, Lu-ca 12:13-21, và 1 Ti-mô-thê 6:6-12, cung cấp những yếu tố căn bản để giúp chúng ta có quan điểm thăng bằng về của cải và nhu cầu vật chất. Quan điểm này luôn mang lại ân phước đến từ Đức Giê-hô-va.—Ma-la-chi 3:10.
Việc thành thật tự kiểm như thế có thể là điều quan trọng. Có lẽ chúng ta cảm thấy khó thừa nhận những khuyết điểm cụ thể mà người khác lưu ý mình. Nhưng khi bạn yêu thương chủ động giúp con cái, người học Kinh Thánh, hoặc ngay cả chính mình—cho dù vấn đề đó riêng tư hoặc nhạy cảm đến đâu đi nữa—rất có thể bạn đang khởi đầu công việc cứu mạng người đó hoặc chính mình.—Ga-la-ti 6:1.
Tuy vậy, nếu nỗ lực của bạn không mang lại kết quả tốt thì sao? Đừng vội bỏ cuộc. Sửa đổi một tấm lòng bất toàn có thể là một nỗ lực đòi hỏi nhiều thời gian, sự tế nhị và đôi khi gây nản chí. Nhưng nỗ lực này cũng có thể mang lại phần thưởng.
Eric, người trẻ được nói đến ở trên, cuối cùng đã tỉnh ngộ và lại bắt đầu “làm theo lẽ thật”. (2 Giăng 4) Anh nói: “Chỉ khi nhận thức được điều mình đã đánh mất thì tôi mới trở về với Đức Giê-hô-va”. Với sự giúp đỡ của cha mẹ, giờ đây Eric trung thành phụng sự Đức Chúa Trời. Dù trước đây anh từng khó chịu trước nỗ lực không ngừng của cha mẹ trong việc giúp anh tự kiểm lòng mình, nay anh biết ơn sâu xa điều cha mẹ đã làm. Anh thổ lộ: “Cha mẹ tôi thật tuyệt vời. Bao giờ họ cũng thương yêu tôi”.
Việc để ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời soi rọi lòng những người chúng ta dạy dỗ là biểu hiện của tình yêu thương nhân từ. (Thi-thiên 141:5) Hãy tiếp tục khám phá lòng con cái và người học Kinh Thánh để tìm ra dấu hiệu cho thấy nhân cách mới theo Đấng Christ đang thật sự nảy nở trong lòng họ. Hãy để lẽ thật luôn hành động trong bạn và trong người khác bằng cách “lấy lòng ngay-thẳng giảng-dạy lời của lẽ thật”.—2 Ti-mô-thê 2:15.
[Hình nơi trang 29]
Lời của Chúa Giê-su tỏ lộ sự yếu đuối của Phi-e-rơ
[Hình nơi trang 31]
Dùng Kinh Thánh để “múc lấy” điều nơi trong lòng