Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Sự sống—Quý giá hay không đáng giá?

Sự sống—Quý giá hay không đáng giá?

Sự sống—Quý giá hay không đáng giá?

“Vì con người được tạo ra theo hình Đức Chúa Trời, nên cướp đi sự sống của người ấy là hủy hoại điều quý giá và thánh khiết nhất trên đất”.—Cuốn The Plain Man’s Guide to Ethics của William Barclay.

‘ĐIỀU quý giá nhất trên đất’. Bạn có cùng quan điểm như thế về sự sống không? Theo cách người ta đối xử với nhau, rõ ràng là nhiều người không đồng ý với tác giả. Hàng triệu sinh mạng đã bị kết liễu tàn nhẫn bởi những kẻ hung bạo chỉ biết theo đuổi mục tiêu ích kỷ, không màng đến hạnh phúc người đồng loại.—Truyền-đạo 8:9.

Dễ hy sinh và không đáng giá

Thế Chiến I là thí dụ điển hình. Sử gia A.J.P. Taylor nói, trong thời gian xảy ra cuộc xung đột khủng khiếp ấy, “mạng sống của con người liên tục bị hy sinh dù không có mục tiêu”. Vì theo đuổi thanh thế và vinh quang, các nhà chỉ huy quân sự đã sử dụng những người lính như thể họ vô giá trị và có thể hy sinh một cách không thương tiếc. Trong trận tại Verdun ở Pháp, hơn nửa triệu binh sĩ thương vong. Sử gia Taylor viết: “Không có phần thưởng nào [có giá trị chiến lược] để chiếm lấy hay để mất, chỉ có con người bị giết nhằm giành sự vinh quang mà thôi”.—The First World War.

Việc coi rẻ giá trị sự sống như thế vẫn phổ biến. Học giả Kevin Bales cho biết rằng, trong thời gian gần đây, “sự bùng nổ dân số đã làm thị trường lao động trên thế giới tràn ngập hàng triệu người nghèo và cô thế”. Họ tranh đấu suốt đời chỉ để tồn tại trong hệ thống thương mại bóc lột, nơi mà “mạng sống trở nên rẻ mạt”. Theo ông Bales, những kẻ khai thác các người nghèo này đối xử với họ chẳng khác nào với tôi mọi—“những công cụ có sẵn và rẻ để làm ra tiền”.—Disposable People.

“Theo luồng gió thổi”

Có nhiều nguyên nhân khác khiến hàng triệu người cảm thấy họ hoàn toàn vô giá trị và tuyệt vọng—họ sống hay chết không ai thật sự quan tâm. Ngoài chiến tranh và sự bất công, còn có những thiệt hại khác—hạn hán, đói kém, bệnh tật, sự đau buồn vì mất người thân, và vô số vấn đề khác làm toàn thể nhân loại đau khổ—khiến người ta thắc mắc chẳng biết đời có đáng sống không.—Truyền-đạo 1:8, 14.

Dĩ nhiên không phải ai cũng đối đầu với cuộc sống thiếu thốn và đau khổ cùng cực. Nhưng ngay cả những người không gặp những đàn áp tệ hại nhất cũng tán đồng câu hỏi mà Vua Sa-lô-môn của xứ Y-sơ-ra-ên xưa nêu ra: “Vậy, ích chi cho người lao-khổ, cực lòng mà làm việc ở dưới mặt trời?” Suy nghĩ về điều này, nhiều người nhận thức rằng phần lớn những công việc họ đã làm sau cùng trở nên “hư-không, theo luồng gió thổi”.—Truyền-đạo 2:22, 26.

Nhìn lại cuộc đời của mình, nhiều người tự hỏi: “Chỉ có thế thôi sao?” Thật vậy, có mấy ai khi nhắm mắt từ giã cõi đời thành thật cảm thấy “đã thỏa về đời mình” như tộc trưởng Áp-ra-ham? (Sáng-thế Ký 25:8) Phần lớn có cảm giác dai dẳng là đời sống họ vô ích. Nhưng không nhất thiết phải là như thế. Đức Chúa Trời xem sự sống của mỗi người là quý giá và muốn mỗi người chúng ta sống một đời thật sự trọn vẹn và thỏa nguyện. Điều đó sẽ đến như thế nào? Hãy xem bài tới nói gì về vấn đề này.