Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Tìm được một hột châu quí giá”

“Tìm được một hột châu quí giá”

“Tìm được một hột châu quí giá”

“Phải nỗ-lực mà vào nước trời, và kẻ nỗ-lực chiếm được”.—MA-THI-Ơ 11:12, Ghi-đê-ôn.

1, 2. (a) Chúa Giê-su mô tả tinh thần hiếm thấy nào trong một dụ ngôn về Nước Đức Chúa Trời? (b) Chúa Giê-su nói gì trong minh họa về hột châu quí giá?

TRÊN đời này có điều gì quí giá đến độ có thể khiến bạn sẵn sàng từ bỏ hoặc hy sinh mọi thứ để được sở hữu nó không? Dù người ta thường nói họ cống hiến cả đời vì một mục tiêu nào đó—tiền bạc, danh vọng, quyền lực hoặc địa vị—nhưng thực tế hiếm khi họ quí điều gì đến độ sẵn sàng từ bỏ mọi thứ. Chúa Giê-su Christ đã nói đến tinh thần hiếm thấy nhưng đáng quí này trong một dụ ngôn gợi suy nghĩ về Nước thiên đàng, tức Nước Đức Chúa Trời.

2 Đây là một dụ ngôn, hay minh họa, mà Chúa Giê-su nói riêng với các môn đồ, thường được gọi là dụ ngôn về hột châu quí giá. Ngài nói: “Nước thiên-đàng lại giống như một người lái-buôn kiếm ngọc châu tốt, khi đã tìm được một hột châu quí giá, thì đi bán hết gia-tài mình mà mua hột châu đó”. (Ma-thi-ơ 13:36, 45, 46) Chúa Giê-su muốn dạy môn đồ điều gì qua minh họa này? Và chúng ta được lợi ích thế nào từ những lời đó?

Sự quí giá của hột châu

3. Tại sao ngọc trai đẹp rất quí vào thời xưa?

3 Từ thời xưa, hột châu tức ngọc trai đã được xem là vật trang sức có giá trị. Theo một nguồn tài liệu, học giả La Mã Pliny the Elder cho biết ngọc trai chiếm “vị trí hàng đầu trong số những đồ vật đắt giá”. Khác với vàng, bạc hoặc nhiều loại đá quí, ngọc trai do các sinh vật tạo nên. Ai cũng biết rằng một số loại trai có thể biến những vật lọt vào vỏ làm chúng khó chịu, chẳng hạn như một mảnh sỏi nhỏ, thành hạt ngọc bóng loáng bằng cách tiết ra nhiều lớp xà cừ bọc quanh những vật đó. Thời xưa, những hạt ngọc trai đẹp nhất thường được tìm thấy ở Biển Đỏ, Vịnh Ba Tư và Ấn Độ Dương—rất xa xứ Y-sơ-ra-ên. Chắc chắn đó là lý do tại sao Chúa Giê-su nói về một “người lái-buôn kiếm ngọc châu tốt”, tức một người buôn ngọc đường dài. Rõ ràng để tìm được ngọc trai thật sự quí, cần phải nỗ lực rất nhiều.

4. Trọng tâm của dụ ngôn về người lái buôn là gì?

4 Dù xưa nay hột châu tốt rất đắt tiền, nhưng rõ ràng giá trị vật chất của chúng không phải là trọng tâm của dụ ngôn Chúa Giê-su. Ngài không chỉ ví Nước Đức Chúa Trời như hột châu quí giá, mà còn lưu ý chúng ta về “người lái-buôn kiếm ngọc châu tốt” và cách ông phản ứng khi tìm được hạt ngọc thật sự đẹp. Nhà buôn này không phải là một người bán hàng bình thường, mà là người chuyên buôn bán ngọc châu đường dài, rất sành sỏi, có cặp mắt tinh tường, sắc bén để nhận ra những nét đẹp tinh xảo của một hột châu siêu hạng. Ông có thể nhận ra đâu là ngọc thật và không mua nhầm hàng giả hay kém chất lượng.

5, 6. (a) Người lái buôn trong dụ ngôn có điểm gì đáng chú ý? (b) Dụ ngôn về của báu được chôn giấu giúp hiểu gì về người lái buôn?

5 Có một điểm đáng chú ý khác nữa về người lái buôn này. Những lái buôn bình thường trước hết sẽ dò giá thị trường của hột châu để xem nên mua giá nào cho có lời. Họ cũng sẽ xem có thị trường nào tiêu thụ hột châu này hay không để có thể bán nhanh. Điều họ quan tâm là mau chóng thu hồi vốn, chứ không phải giữ lại hột châu. Nhưng người lái buôn trong dụ ngôn của Chúa Giê-su thì không làm thế. Điều ông quan tâm không phải là lợi nhuận. Trái lại, ông sẵn sàng hy sinh “hết gia-tài mình” để có được thứ ông hằng tìm kiếm.

6 Đối với đa số những người buôn bán, hành động của người lái buôn trong dụ ngôn có lẽ là điều thiếu khôn ngoan. Một thương gia kinh nghiệm sẽ không nghĩ đến chuyện mạo hiểm như thế. Tuy nhiên, người lái buôn trong dụ ngôn có cách đánh giá khác. Phần thưởng của ông không phải là lợi ích vật chất mà là niềm vui và sự mãn nguyện khi được sở hữu một thứ có giá trị không gì sánh bằng. Điểm này được thấy rõ trong một minh họa tương tự của Chúa Giê-su. Ngài nói: “Nước thiên-đàng giống như của báu chôn trong một đám ruộng kia. Một người kia tìm được thì giấu đi, vui-mừng mà trở về, bán hết gia-tài mình, mua đám ruộng đó”. (Ma-thi-ơ 13:44) Đúng vậy, niềm vui của việc tìm thấy và được sở hữu “của báu” đủ để ông sẵn sàng từ bỏ mọi thứ. Ngày nay có ai thể hiện tinh thần như vậy không? Có báu vật nào đáng để hy sinh như thế không?

Những người quí trọng giá trị cao cả của Nước Trời

7. Chúa Giê-su cho thấy ngài quí trọng sâu sắc giá trị cao cả của Nước Trời như thế nào?

7 Khi kể dụ ngôn về hột châu, Chúa Giê-su đang nói đến “nước thiên-đàng”. Chắc chắn chính ngài quí trọng giá trị cao cả của Nước Trời. Những lời tường thuật trong Phúc Âm chứng thực mạnh mẽ về điều này. Sau khi làm báp têm vào năm 29 CN, Chúa Giê-su “khởi giảng-dạy rằng: Các ngươi hãy ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần”. Trong suốt ba năm rưỡi, ngài đã dạy dỗ nhiều người về Nước Trời. Ngài đã đi khắp xứ, từ “thành nầy đến thành kia, làng nầy đến làng khác, giảng-dạy và rao-truyền tin lành của nước Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 4:17; Lu-ca 8:1.

8. Chúa Giê-su đã làm gì để cho thấy những điều Nước Trời sẽ thực hiện?

8 Qua vô số phép lạ mà ngài đã thực hiện trong khắp xứ—chữa lành người bệnh, ban đồ ăn cho người đói, chế ngự thiên nhiên, thậm chí làm người chết sống lại—Chúa Giê-su cũng cho thấy những điều Nước Đức Chúa Trời sẽ thực hiện. (Ma-thi-ơ 14:14-21; Mác 4:37-39; Lu-ca 7:11-17) Cuối cùng, ngài chứng tỏ lòng trung thành với Đức Chúa Trời và Nước Trời qua việc hy sinh thân mình, chịu chết trên khổ giá. Giống như người lái buôn sẵn sàng bỏ mọi thứ để có được “hột châu quí giá”, Chúa Giê-su sống và chết vì Nước Trời.—Giăng 18:37.

9. Các môn đồ đầu tiên của Chúa Giê-su có tinh thần hiếm thấy nào?

9 Ngài không chỉ một mình chú tâm vào mục tiêu Nước Trời mà còn tập hợp một nhóm môn đồ cũng quí trọng sâu sắc giá trị cao cả của Nước Trời. Trong số họ có Anh-rê, vốn là môn đồ của Giăng Báp-tít. Khi nghe Giăng Báp-tít xác nhận Chúa Giê-su là “Chiên con của Đức Chúa Trời”, Anh-rê và một môn đồ khác của Giăng Báp-tít—rất có thể là Giăng, một trong các con trai Xê-bê-đê—lập tức được thu hút đến với Chúa Giê-su và trở thành môn đồ ngài. Nhưng sự việc không chỉ dừng lại ở đó. Ngay sau đó, Anh-rê đi báo cho anh mình là Si-môn: “Chúng ta đã gặp Đấng Mê-si”. Và rồi Si-môn (còn được gọi là Sê-pha hay Phi-e-rơ), Phi-líp và bạn ông là Na-tha-na-ên đều nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Mê-si. Na-tha-na-ên đã xúc động nói với ngài: “Thầy là Con Đức Chúa Trời, thầy là Vua dân Y-sơ-ra-ên!”—Giăng 1:35-49.

Được thúc đẩy hành động

10. Các môn đồ phản ứng ra sao khi Chúa Giê-su đến gọi họ một thời gian sau lần gặp đầu?

10 Niềm phấn khích của Anh-rê, Phi-e-rơ, Giăng và những người khác khi nhận ra Đấng Mê-si, có thể được so sánh với tâm trạng của người lái buôn khi tìm được hột châu quí giá. Họ sẽ làm gì? Các sách Phúc Âm không cho biết rõ họ đã làm gì ngay sau khi gặp Chúa Giê-su lần đầu tiên. Dường như đa số họ đều trở về cuộc sống thường ngày của mình. Tuy nhiên, khoảng sáu tháng đến một năm sau đó, Chúa Giê-su gặp lại Anh-rê, Phi-e-rơ, Giăng và anh của ông là Gia-cơ đang đánh cá tại Biển Ga-li-lê. * Ngài nói với họ: “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người”. Họ phản ứng ra sao? Phúc Âm theo Ma-thi-ơ tường thuật như sau về Phi-e-rơ và Anh-rê: “Hai anh em liền bỏ lưới mà theo Ngài”. Còn về Gia-cơ và Giăng, chúng ta đọc thấy: “Tức thì hai người đó bỏ thuyền và cha mình mà theo Ngài”. Phúc Âm theo Lu-ca cho biết thêm rằng họ “bỏ hết thảy mà theo Ngài”.—Ma-thi-ơ 4:18-22; Lu-ca 5:1-11.

11. Phản ứng nhanh của các môn đồ khi được Chúa Giê-su gọi có thể là do đâu?

11 Phải chăng phản ứng nhanh của các môn đồ là hành động thiếu cân nhắc? Không phải vậy! Tuy họ trở lại công việc đánh cá của gia đình sau lần đầu tiên gặp Chúa Giê-su, nhưng chắc chắn những điều họ đã thấy và nghe vào dịp đó đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí họ. Gần một năm qua, họ hẳn đã có nhiều thời gian suy nghĩ về những điều này. Bây giờ là lúc quyết định. Liệu họ có cùng tinh thần như người lái buôn, khi tìm được hột châu vô giá thì vui sướng đến độ lập tức làm mọi cách mua cho được hột châu đó? Có. Những điều họ thấy và nghe đã tác động đến lòng họ. Họ nhận biết rằng đã đến lúc phải hành động. Do đó, như các lời tường thuật cho biết, họ không ngần ngại từ bỏ mọi thứ và trở thành môn đồ Chúa Giê-su.

12, 13. (a) Nhiều người nghe Chúa Giê-su dạy đã phản ứng thế nào? (b) Chúa Giê-su nói gì về các môn đồ trung thành, và lời ngài hàm ý gì?

12 Phản ứng của những môn đồ trung thành này thật khác biết bao so với nhiều người được nói tới sau đó trong các sách Phúc Âm! Những người đó đã được Chúa Giê-su chữa lành hoặc ban đồ ăn nhưng họ chỉ đơn thuần trở lại cuộc sống thường nhật của họ. (Lu-ca 17:17, 18; Giăng 6:26) Một số còn viện lý do để từ chối khi được ngài mời làm môn đồ. (Lu-ca 9:59-62) Những người trung thành thì trái lại. Chúa Giê-su nói về họ: “Từ ngày Giăng Báp-tít đến nay, phải nỗ-lực mà vào nước trời, và kẻ nỗ-lực chiếm được”.—Ma-thi-ơ 11:12, Ghi.

13 Từ “nỗ-lực” có ý nói gì? Học giả Kinh Thánh Heinrich Meyer bình luận câu này như sau: “Câu này mô tả sự cố gắng và đấu tranh quyết liệt, không gì chống lại được để theo đuổi nước Đấng Mê-si gần tới... Thái độ đối với Nước Trời đã trở nên thật hăng hái tích cực (chứ không còn là sự bình thản chờ đợi)”. Như người lái buôn, số ít những cá nhân này nhanh chóng nhận ra điều thật sự quí giá, và sẵn sàng từ bỏ mọi thứ vì Nước Trời.—Ma-thi-ơ 19:27, 28; Phi-líp 3:8.

Những người khác cùng tham gia tìm kiếm

14. Chúa Giê-su đã làm gì để chuẩn bị cho các sứ đồ thi hành thánh chức, và kết quả thế nào?

14 Tiếp tục thánh chức, Chúa Giê-su đào tạo người khác vươn tới mục tiêu Nước Trời. Trước tiên ngài chọn 12 người trong số các môn đồ để làm sứ đồ, tức là những người được ngài sai đi. Ngài cho những người này chỉ thị cụ thể về cách thi hành thánh chức, cũng như cảnh báo họ về những thử thách và khó khăn sẽ xảy đến. (Ma-thi-ơ 10:1- 42; Lu-ca 6:12 -16) Trong khoảng hai năm kế tiếp, họ theo Chúa Giê-su đi rao giảng khắp xứ, có thời gian kề cận bên ngài. Họ được nghe những điều ngài dạy dỗ, tận mắt chứng kiến những phép lạ ngài làm, và nhìn thấy gương mẫu của ngài. (Ma-thi-ơ 13:16, 17) Tất cả điều này tác động sâu sắc đến lòng họ đến độ giống như người lái buôn trong dụ ngôn, họ sốt sắng và hết lòng theo đuổi mục tiêu Nước Trời.

15. Theo Chúa Giê-su, lý do đích thực để các môn đồ vui mừng là gì?

15 Ngoài 12 sứ đồ, Chúa Giê-su còn “chọn bảy mươi môn-đồ khác, sai từng đôi đi trước Ngài, đến các thành các chỗ mà chính Ngài sẽ đi”. Ngài cũng cho họ biết về những khó khăn, thử thách trước mắt và dạy họ nói với người ta: “Nước Đức Chúa Trời đến gần các ngươi”. (Lu-ca 10:1-12) Khi trở về, 70 môn đồ vui mừng báo cáo lại với ngài: “Lạy Chúa, vì danh Chúa, các quỉ cũng phục chúng tôi”. Nhưng có lẽ họ rất ngạc nhiên khi nghe Chúa Giê-su tiết lộ còn có một niềm vui khác lớn hơn đang chờ đón họ vì đã sốt sắng về Nước Trời. Ngài bảo họ: “Chớ mừng vì các quỉ phục các ngươi; nhưng hãy mừng vì tên các ngươi đã ghi trên thiên-đàng”.—Lu-ca 10:17, 20.

16, 17. (a) Chúa Giê-su đã nói gì với các sứ đồ trung thành vào đêm cuối? (b) Lời ngài đã đem lại cho các sứ đồ niềm vui và sự bảo đảm nào?

16 Rồi vào đêm cuối ở với các sứ đồ, ngày 14 tháng Nisan năm 33 CN, ngài đã thiết lập Bữa Tiệc Thánh và bảo họ giữ lễ này. Trong buổi tối hôm đó, Chúa Giê-su nói với 11 sứ đồ còn lại: “Các ngươi, đã bền lòng theo ta trong mọi sự thử-thách ta, nên ta ban nước cho các ngươi, cũng như Cha ta đã ban cho ta vậy, để các ngươi được ăn uống chung bàn trong nước ta, và được ngồi ngai để xét-đoán mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên”.—Lu-ca 22:19, 20, 28-30.

17 Lòng các sứ đồ hẳn tràn đầy vui mừng và thỏa nguyện biết bao khi nghe Chúa Giê-su nói những lời ấy! Họ đã được ban cho đặc ân và vinh dự cao quí nhất mà một con người có thể nhận được. (Ma-thi-ơ 7:13, 14; 1 Phi-e-rơ 2:9) Như người lái buôn, họ đã từ bỏ nhiều thứ để theo Chúa Giê-su hướng tới mục tiêu Nước Trời. Giờ đây họ được đảm bảo là tất cả những hy sinh đó hoàn toàn không vô ích.

18. Ngoài 11 sứ đồ, còn có những ai khác cũng được lợi ích từ Nước Trời?

18 Các sứ đồ bên cạnh Chúa Giê-su vào đêm đó không phải là những người duy nhất được lợi ích từ Nước Trời. Theo ý định của Đức Giê-hô-va, có tất cả 144.000 người được vào giao ước để đồng cai trị với Chúa Giê-su Christ trong Nước Trời vinh quang. Ngoài ra, sứ đồ Giăng có được sự hiện thấy về “vô-số người, không ai đếm được,... đứng trước ngôi và trước Chiên Con,... cất tiếng lớn kêu rằng: Sự cứu-rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con”. Đó là những thần dân trên đất của Nước Trời. *Khải-huyền 7:9, 10; 14:1, 4.

19, 20. (a) Có cơ hội nào cho người từ mọi nước? (b) Câu hỏi nào sẽ được trả lời trong bài kế?

19 Không lâu trước khi lên trời, Chúa Giê-su bảo các môn đồ trung thành: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Như vậy, sẽ có nhiều người từ mọi nước trở thành môn đồ của Chúa Giê-su. Những người đó—dù có hy vọng lên trời hay ở trên đất—cũng sẽ quyết tâm theo đuổi mục tiêu Nước Trời giống như hành động của người lái buôn khi tìm được hột châu quí giá.

20 Lời Chúa Giê-su cho thấy công việc đào tạo môn đồ sẽ kéo dài đến “tận-thế”, tức kỳ kết liễu của hệ thống này. Vậy, trong thời chúng ta, còn có ai giống như người lái buôn, sẵn sàng từ bỏ mọi thứ để theo đuổi mục tiêu Nước Trời không? Câu hỏi này sẽ được trả lời trong bài kế.

[Chú thích]

^ đ. 10 Sau lần đầu tiên gặp Chúa Giê-su, Giăng, con trai của Xê-bê-đê, có lẽ đã đi theo và chứng kiến một số điều ngài làm. Vì vậy, ông mới có thể kể lại một cách sống động trong sách Phúc Âm của mình. (Giăng, chương 2-5) Tuy nhiên, ông cũng quay lại nghề đánh cá với gia đình một thời gian trước khi được ngài gọi làm môn đồ.

^ đ. 18 Để biết thêm chi tiết, xin xem chương 10 trong sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.

Bạn có thể giải thích không?

• Trọng tâm của dụ ngôn về người lái buôn là gì?

• Chúa Giê-su biểu lộ sự quí trọng sâu xa đối với giá trị cao cả của Nước Trời như thế nào?

• Điều gì đã thúc đẩy Anh-rê, Phi-e-rơ, Giăng và những người khác hưởng ứng ngay lời mời gọi của Chúa Giê-su?

• Người từ mọi nước đang có cơ hội tuyệt diệu nào?

[Câu hỏi thảo luận]

[Hình nơi trang 10]

‘Họ bỏ hết thảy mà theo Chúa Giê-su’

[Hình nơi trang 12]

Trước khi lên trời, Chúa Giê-su bảo những người theo ngài đi đào tạo môn đồ