Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Việc theo đuổi “hột châu quí giá” ngày nay

Việc theo đuổi “hột châu quí giá” ngày nay

Việc theo đuổi “hột châu quí giá” ngày nay

“Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng”.—MA-THI-Ơ 24:14.

1, 2. (a) Người Do Thái vào thời Chúa Giê-su nghĩ gì về Nước Đức Chúa Trời? (b) Chúa Giê-su đã làm gì để giúp người ta hiểu đúng về Nước Trời, và kết quả thế nào?

NƯỚC Đức Chúa Trời là đề tài rất được người Do Thái quan tâm khi Chúa Giê-su đến trên đất. (Ma-thi-ơ 3:1, 2; 4:23-25; Giăng 1:49) Tuy nhiên, lúc đầu phần đông họ không hiểu hết phạm vi cai trị và quyền lực của Nước Trời, và cũng không hiểu đó là một chính phủ trên trời. (Giăng 3:1-5) Ngay cả một số người về sau đã trở thành môn đồ của Chúa Giê-su cũng chưa hiểu rõ Nước Đức Chúa Trời là gì, hoặc họ phải làm gì để nhận được ân phước đồng cai trị với Đấng Christ.—Ma-thi-ơ 20:20-22; Lu-ca 19:11; Công-vụ 1:6.

2 Với thời gian, Chúa Giê-su kiên nhẫn dạy các môn đồ nhiều điều, trong đó có dụ ngôn về hột châu quí giá được thảo luận trong bài trước, để cho thấy tầm quan trọng của việc nỗ lực theo đuổi mục tiêu Nước Trời. (Ma-thi-ơ 6:33; 13:45, 46; Lu-ca 13:23, 24) Sự dạy dỗ của ngài hẳn đã tác động sâu sắc đến lòng họ vì chẳng bao lâu sau họ đã trở thành những người can đảm và không mệt mỏi rao truyền tin mừng về Nước Trời cho đến cùng trái đất. Sách Công-vụ cho thấy vô số bằng chứng về điều này.—Công-vụ 1:8; Cô-lô-se 1:23.

3. Liên quan đến thời chúng ta, Chúa Giê-su nói gì về Nước Trời?

3 Còn ngày nay thì sao? Các ân phước của một địa đàng ngay trên đất dưới sự cai trị của Nước Trời đang được rao giảng cho hàng triệu người. Trong lời tiên tri quan trọng về “tận-thế”, hay sự kết liễu hệ thống này, Chúa Giê-su nói rõ rằng: “Tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối-cùng sẽ đến”. (Ma-thi-ơ 24:3, 14; Mác 13:10) Ngài cũng giải thích rằng công việc quy mô này sẽ được thực hiện bất kể những khó khăn, trở ngại đáng sợ hay thậm chí sự bắt bớ. Tuy nhiên, ngài bảo đảm: “Kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu”. (Ma-thi-ơ 24:9-13) Tất cả điều đó đòi hỏi phải có tinh thần hy sinh, sẵn sàng cống hiến hết mình như người lái buôn trong dụ ngôn của Chúa Giê-su. Ngày nay có ai biểu lộ đức tin và lòng sốt sắng như thế trong việc theo đuổi mục tiêu Nước Trời không?

Niềm vui khi tìm ra lẽ thật

4. Lẽ thật về Nước Trời ảnh hưởng thế nào trên người ta ngày nay?

4 Người lái buôn trong dụ ngôn của Chúa Giê-su rất vui mừng khi tìm thấy hạt ngọc mà ông đánh giá là “hột châu quí giá”. Niềm vui đó đã thúc đẩy ông làm mọi cách để mua cho được hột châu. (Hê-bơ-rơ 12:1) Cũng vậy, ngày nay lẽ thật về Đức Chúa Trời và Nước Ngài thu hút và thúc đẩy nhiều người hành động. Điều này nhắc chúng ta nhớ đến lời bình luận mà anh A. H. Macmillan viết trong cuốn Faith on the March, nói đến cuộc tìm kiếm của chính anh về Đức Chúa Trời và ý định Ngài đối với nhân loại. Anh viết: “Mỗi năm có thêm hàng ngàn người tìm thấy điều mà tôi đã tìm được. Họ chỉ là những người giống như tôi và bạn, đến từ mọi quốc gia, chủng tộc, mọi tầng lớp xã hội và lứa tuổi. Lẽ thật không phân biệt một ai. Nó thu hút tất cả mọi hạng người”.

5. Báo cáo của năm công tác 2004 cho biết những thành quả tốt đẹp nào?

5 Tính xác thực của những lời đó được thấy rõ qua việc mỗi năm hàng trăm ngàn người có lòng thành thật được tin mừng Nước Đức Chúa Trời thúc đẩy dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va và thực thi ý muốn Ngài. Và năm công tác 2004, từ tháng 9 năm 2003 cho đến tháng 8 năm 2004, cũng đạt được thành quả như vậy. Trong 12 tháng đó, 262.416 người đã công khai biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua phép báp têm trong nước. Điều này đã xảy ra trong 235 xứ, nơi Nhân Chứng Giê-hô-va điều khiển 6.085.387 cuộc học hỏi Kinh Thánh hàng tuần tại nhà để giúp người thuộc mọi tầng lớp xã hội, từ nhiều nước, nhiều dân tộc và ngôn ngữ thu thập sự hiểu biết từ Lời Đức Chúa Trời hầu được sự sống.—Khải-huyền 7:9.

6. Nhờ đâu có sự gia tăng đều đặn hàng năm?

6 Làm sao có được thành quả đó? Chắc chắn Đức Giê-hô-va đã kéo những người có lòng hướng thiện đến với Ngài. (Giăng 6:65; Công-vụ 13:48) Tuy nhiên, cũng phải kể đến tinh thần bất vị kỷ và nỗ lực không mệt mỏi của những người đã tận lực theo đuổi mục tiêu Nước Trời. Lúc 79 tuổi, anh Macmillan viết: “Từ khi mới biết lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại đang đau đớn, chết dần, đến nay niềm hy vọng của tôi nơi những gì Kinh Thánh tiết lộ vẫn không hề phai mờ. Ngay từ lúc đó, tôi đã quyết tâm học biết nhiều hơn về những gì Kinh Thánh dạy dỗ để có thể giúp đỡ những người cũng như tôi, đang tìm kiếm sự hiểu biết về Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đức Giê-hô-va, cùng ý định tốt lành của Ngài đối với nhân loại”.

7. Kinh nghiệm điển hình nào cho thấy niềm vui và sự sốt sắng của những người tìm thấy lẽ thật Kinh Thánh?

7 Tinh thần sốt sắng đó cũng được thể hiện nơi các tôi tớ của Đức Giê-hô-va ngày nay. Chẳng hạn, chị Daniela ở Vienna, Áo, cho biết: “Từ lúc tôi còn bé, Đức Chúa Trời đã là người bạn thân thiết nhất của tôi. Tôi đã luôn muốn biết danh Ngài bởi vì đối với tôi, từ ‘Đức Chúa Trời’ quá xa cách. Nhưng tôi đã phải chờ mãi đến năm 17 tuổi khi có Nhân Chứng Giê-hô-va đến thăm. Họ đã giải thích tất cả mọi điều tôi muốn biết về Ngài. Cuối cùng, tôi đã tìm được lẽ thật. Thật tuyệt vời! Tôi vui sướng đến độ bắt đầu rao giảng ngay cho mọi người”. Lòng nhiệt thành của chị nhanh chóng gặp phải sự chế giễu của bạn học. Chị Daniela nói tiếp: “Đối với tôi, việc đó như thể được thấy lời tiên tri trong Kinh Thánh ứng nghiệm trước mắt, bởi Chúa Giê-su đã nói những người theo ngài sẽ bị ghen ghét và bắt bớ vì danh ngài. Tôi vừa vui vừa kinh ngạc”. Không bao lâu, chị dâng mình cho Đức Giê-hô-va, làm báp têm và đặt mục tiêu làm giáo sĩ. Sau khi kết hôn, chị cùng chồng là anh Helmut bắt đầu rao giảng cho dân nhập cư gốc Ấn Độ, Châu Phi, Phi-líp-pin và Trung Quốc ở Vienna. Họ hiện đang phục vụ với tư cách giáo sĩ ở tây nam Châu Phi.

Họ không bỏ cuộc

8. Nhiều người đã thỏa lòng khi biểu lộ lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời và sự trung thành với Nước Ngài qua cách nào?

8 Thật vậy, công việc giáo sĩ là một trong những cách mà dân Đức Giê-hô-va ngày nay biểu lộ lòng yêu thương đối với Ngài và sự trung thành với Nước Trời. Giống như người lái buôn trong dụ ngôn của Chúa Giê-su, những ai đảm nhận công việc này sẵn sàng đi đến những nơi xa xôi vì Nước Trời. Tất nhiên, các giáo sĩ không phải là người đi tìm kiếm tin mừng Nước Trời, mà là mang tin đó đến cho những người sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh trên đất, đồng thời dạy và giúp họ trở thành môn đồ Chúa Giê-su Christ. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Tại nhiều xứ, họ phải chịu đựng những khó khăn khắc nghiệt. Nhưng sự bền bỉ của họ được tưởng thưởng rất lớn.

9, 10. Các giáo sĩ ở những nơi xa xôi, như nước Cộng Hòa Trung Phi, có những kinh nghiệm phấn khởi nào?

9 Hãy lấy nước Cộng Hòa Trung Phi làm thí dụ. Năm ngoái, số người tham dự Lễ Tưởng Niệm sự chết của Chúa Giê-su là 16.184 người, gần gấp bảy lần số người công bố tại xứ đó. Vì nhiều nơi trong xứ này không có điện nên người ta thường làm những công việc hàng ngày ở ngoài trời dưới bóng cây. Vì thế, lẽ dĩ nhiên các giáo sĩ cũng làm việc của họ theo cách tương tự, tức hướng dẫn các cuộc học hỏi Kinh Thánh ở ngoài trời, dưới bóng cây. Học ngoài trời không những sáng hơn và mát hơn mà còn có một thuận lợi khác nữa. Người dân ở đây vốn có bản chất yêu mến Kinh Thánh. Họ thường nói chuyện về tôn giáo như người ta nói đến thể thao hoặc thời tiết ở các nước khác. Người qua lại thường chú ý đến các buổi học như thế và ngồi tham dự chung cách tự nhiên.

10 Vì vậy, khi một giáo sĩ đang hướng dẫn cuộc học hỏi Kinh Thánh ngoài trời, một thanh niên sống ở bên kia đường đã bước qua nói anh chưa được ai đến rao giảng nên muốn mời anh giáo sĩ đến nhà giúp học Kinh Thánh. Tất nhiên, anh giáo sĩ vui mừng chấp nhận và người thanh niên đó tiến bộ mau chóng. Ở xứ này, cảnh sát thường chặn Nhân Chứng ngoài đường nhưng không phải để đưa giấy phạt hoặc giấy triệu tập của chính quyền, mà là để hỏi xin số Tháp Canh Tỉnh Thức! mới, hoặc để cám ơn họ về một bài đặc biệt nào đó mà họ thích.

11. Dù gặp nhiều khó khăn, các giáo sĩ lâu năm cảm thấy thế nào về công việc của họ?

11 Nhiều người đã bắt đầu tham gia công việc giáo sĩ 40 hoặc 50 năm về trước, nay vẫn bền bỉ tiếp tục làm thánh chức. Thật là một gương trung thành và bền đỗ cho tất cả chúng ta! Một cặp vợ chồng giáo sĩ đã phục vụ hơn 42 năm tại ba nước khác nhau. Người chồng kể: “Cũng có nhiều khó khăn. Chẳng hạn, chúng tôi đã chiến đấu với bệnh sốt rét trong suốt 35 năm. Tuy nhiên chúng tôi không bao giờ hối tiếc về quyết định làm giáo sĩ”. Vợ anh nói thêm: “Đến nay chúng tôi luôn có nhiều điều để biết ơn. Công việc rao giảng thật là một niềm vui, và dễ bắt đầu học hỏi Kinh Thánh. Cảnh các học viên đến dự nhóm họp và làm quen với nhau làm cho mỗi buổi nhóm không khác gì một cuộc họp mặt gia đình”.

Họ “coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ”

12. Sự quí trọng thật sự đối với Nước Trời được thể hiện như thế nào?

12 Khi tìm thấy hột châu quí giá, người lái buôn liền “đi bán hết gia-tài mình mà mua hột châu đó”. (Ma-thi-ơ 13:46) Việc sẵn sàng từ bỏ những điều được xem là có giá trị là đặc điểm của những người thật sự quí trọng Nước Trời. Là người sẽ có đặc ân cùng chia sẻ vinh quang Nước Trời với Đấng Christ, sứ đồ Phao-lô nói: “Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận-biết Đức Chúa Jêsus-Christ là quí hơn hết, Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều-bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm-rác, hầu cho được Đấng Christ”.—Phi-líp 3:8.

13. Một người ở nước Cộng Hòa Czech đã biểu lộ thế nào lòng yêu mến đối với Nước Trời?

13 Tương tự thế, nhiều người ngày nay sẵn sàng làm nhiều thay đổi lớn trong đời sống để được hưởng ân phước của Nước Trời. Thí dụ vào tháng 10 năm 2003, một hiệu trưởng 60 tuổi ở nước Cộng Hòa Czech tình cờ có được một cuốn sách giúp hiểu Kinh Thánh với tựa đề Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời. Khi đọc xong, ông liên lạc ngay với Nhân Chứng Giê-hô-va tại địa phương vì muốn tìm hiểu Kinh Thánh. Ông tiến bộ rõ rệt về thiêng liêng và chẳng bao lâu bắt đầu tham dự tất cả các buổi nhóm họp. Nhưng còn dự định của ông trong việc tranh cử chức thị trưởng và sau đó là chạy đua vào thượng viện thì sao? Ông đã chọn tham gia vào một cuộc đua khác—cuộc đua giành sự sống, với tư cách người công bố tin mừng về Nước Trời. Ông nói: “Tôi phân phát được rất nhiều sách báo giải thích Kinh Thánh cho học sinh trong trường”. Ông biểu trưng sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va qua việc báp têm trong nước tại một đại hội vào tháng 7 năm 2004.

14. (a) Tin mừng Nước Trời đã thúc đẩy hàng triệu người làm gì? (b) Mỗi người chúng ta nên tự đặt những câu hỏi đáng suy nghĩ nào?

14 Hàng triệu người trên thế giới đã hưởng ứng tin mừng Nước Trời như thế. Họ ra khỏi thế gian gian ác, lột bỏ nhân cách cũ, ngưng giao du với bạn bè trước đây và từ bỏ những mục tiêu thuộc về thế gian. (Giăng 15:19; Ê-phê-sô 4:22-24; Gia-cơ 4:4; 1 Giăng 2:15-17) Tại sao họ làm tất cả những điều đó? Bởi vì họ quí trọng những ân phước của Nước Trời nhiều hơn bất kỳ điều gì mà hệ thống này có thể đem lại. Bạn có cùng cảm nghĩ như thế về tin mừng Nước Trời không? Bạn có được thúc đẩy làm những thay đổi cần thiết để đời sống, tiêu chuẩn giá trị và mục tiêu của bạn phù hợp với đòi hỏi của Đức Giê-hô-va không? Làm thế sẽ mang lại ân phước dồi dào cho bạn, ngay bây giờ và mãi mãi.

Mùa gặt đang lên đến đỉnh điểm

15. Theo lời tiên tri trong Kinh Thánh, dân sự Đức Chúa Trời sẽ làm gì trong những ngày cuối cùng này?

15 Người viết Thi-thiên nói: “Trong ngày quyền-thế Chúa, dân Chúa tình-nguyện lại đến”. Những người tình nguyện đó gồm “những kẻ trẻ tuổi” đông “như giọt sương”, và ‘một đoàn đông các người đàn-bà báo tin’. (Thi-thiên 68:11; 110:3) Tinh thần hy sinh và siêng năng của dân Đức Giê-hô-va—cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ—đã mang lại kết quả nào trong những ngày cuối cùng này?

16. Hãy nêu thí dụ cho thấy cách tôi tớ Đức Chúa Trời đang cố gắng giúp người khác học biết về Nước Trời.

16 Ở Ấn Độ, một tiên phong, tức người truyền giáo trọn thời gian, luôn suy nghĩ làm sao hơn hai triệu người khiếm thính trong nước chị có thể được giúp để học biết về Nước Trời. (Ê-sai 35:5) Chị quyết định đi học ngôn ngữ ra dấu tại Bangalore. Tại trường, chị có dịp chia sẻ hy vọng Nước Trời với nhiều người khiếm thính và một số nhóm học Kinh Thánh đã hình thành. Chỉ trong vòng vài tuần, hơn chục người bắt đầu đến dự các buổi nhóm họp tại Phòng Nước Trời. Sau đó tại một tiệc cưới, chị gặp một thanh niên khiếm thính đến từ Calcutta. Em này có nhiều thắc mắc và tỏ ra rất muốn biết thêm về Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, có một trở ngại. Em phải trở về Calcutta, cách đó khoảng 1.600 kilômét, để vào đại học nhưng ở đó lại không có Nhân Chứng nào biết ngôn ngữ ra dấu. Sau nhiều nỗ lực, em đã thuyết phục được cha cho phép đi học tại Bangalore để có thể tiếp tục học Kinh Thánh. Em tiến bộ tốt về thiêng liêng và khoảng một năm sau, dâng đời sống mình cho Đức Giê-hô-va. Giờ đây, em lại giúp một số người khiếm thính khác học Kinh Thánh, trong đó có một người bạn từ thời thơ ấu. Hiện nay, văn phòng chi nhánh ở Ấn Độ đang sắp xếp cho các người tiên phong học ngôn ngữ ra dấu để trợ giúp cho cánh đồng này.

17. Hãy cho biết điều gì khiến bạn đặc biệt cảm thấy khích lệ trong báo cáo công tác năm 2004 nơi trang 19 đến 22.

17 Nơi trang 19 đến 22 của tạp chí này, bạn sẽ tìm thấy báo cáo hoạt động rao giảng của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới trong năm công tác 2004. Hãy dành ít phút xem xét báo cáo này để chính mắt thấy rõ bằng chứng dân sự Đức Giê-hô-va ngày nay đang chú tâm theo đuổi “hột châu quí giá”.

“Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời”

18. Trong dụ ngôn về người lái buôn, Chúa Giê-su không nêu chi tiết nào, và tại sao?

18 Một lần nữa hãy trở lại dụ ngôn của Chúa Giê-su về người lái buôn. Chúng ta lưu ý thấy ngài không hề đề cập gì đến việc ông xoay sở sinh sống ra sao sau khi đã bán hết gia tài. Có lẽ một người sẽ đặt những câu hỏi thực tế như: ‘Người lái buôn sẽ ăn gì, mặc gì và ở đâu khi không còn một xu dính túi? Khi ấy hột châu quí giá kia có ích gì cho ông ta?’ Đó là những câu hỏi hợp lý theo quan điểm xác thịt. Nhưng chẳng phải Chúa Giê-su đã khuyến giục môn đồ: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công-bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” hay sao? (Ma-thi-ơ 6:31-33) Trọng tâm của dụ ngôn là sự cần thiết phải hết lòng yêu mến Đức Chúa Trời và sốt sắng với Nước Trời. Chúng ta có thể rút ra bài học nào ở đây không?

19. Bài học chính trong dụ ngôn của Chúa Giê-su về hột châu quí giá là gì?

19 Dù chỉ mới biết tin mừng tuyệt vời của Kinh Thánh hay đã từ lâu theo đuổi mục tiêu Nước Trời và rao báo những ân phước mà Nước ấy mang lại, chúng ta đều phải tiếp tục đặt Nước Trời là trọng tâm trong đời sống. Đây là thời kỳ khó khăn nhưng chúng ta có lý do vững chắc để tin rằng điều chúng ta đang theo đuổi là thật và có giá trị không gì sánh bằng, như hột châu mà người lái buôn tìm được. Các biến cố trên thế giới và các lời tiên tri được ứng nghiệm trong Kinh Thánh cho bằng chứng chắc chắn để tin rằng chúng ta đang sống trong thời kết liễu hệ thống này. (Ma-thi-ơ 24:3) Giống như người lái buôn, chúng ta hãy bày tỏ sự sốt sắng hết lòng vì Nước Đức Chúa Trời và vui mừng với đặc ân làm người công bố tin mừng.—Thi-thiên 9:1, 2.

Bạn còn nhớ không?

• Qua năm tháng, điều gì đã góp phần vào sự gia tăng số người thờ phượng thật?

• Những người phục vụ với tư cách giáo sĩ thể hiện tinh thần nào?

• Nhiều người đã thay đổi ra sao vì tin mừng Nước Trời?

• Chúng ta rút được bài học hữu ích nào từ dụ ngôn của Chúa Giê-su về hột châu quí giá?

[Câu hỏi thảo luận]

[Biểu đồ/​Bảng thống kê nơi trang 19-22]

BÁO CÁO NĂM CÔNG TÁC 2004 CỦA NHÂN CHỨNG GIÊ-HÔ-VA TRÊN KHẮP THẾ GIỚI

(Xin xem ấn phẩm)

[Hình nơi trang 14]

“Lẽ thật... thu hút tất cả mọi hạng người”.—Anh A. H. Macmillan

[Hình nơi trang 15]

Chị Daniela và anh Helmut rao giảng trong cánh đồng tiếng ngoại quốc ở Vienna

[Các hình nơi trang 16, 17]

Giống như người lái buôn trong dụ ngôn, các giáo sĩ ngày nay được ban phước dồi dào

[Hình nơi trang 17]

“Dân Chúa tình-nguyện lại đến”