Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bạn có so sánh mình với người khác không?

Bạn có so sánh mình với người khác không?

Bạn có so sánh mình với người khác không?

CÓ AI trong chúng ta chưa gặp người nào đó đẹp hơn, dường như được nhiều người ngưỡng mộ hơn, lanh trí, hay học giỏi hơn? Hoặc người khác có sức khỏe tốt hơn, được việc làm thoải mái hơn, thành công hơn, hay dường như có nhiều bạn hơn. Họ có thể giàu của cải bạc tiền, xe mới hơn hoặc họ có vẻ hạnh phúc hơn. Khi kể đến những điều trên có phải chúng ta đang so sánh với người khác? Phải chăng so sánh mình với người khác là điều không tránh được? Vì sao tín đồ Đấng Christ nên tránh làm thế? Làm thế nào chúng ta có thể bằng lòng về chính mình mà không cần phải so sánh với người khác?

Vì sao và khi nào chúng ta so sánh?

Một khái niệm vì sao người ta lại so sánh với người khác, đó là để giữ hay làm tăng cảm giác tự trọng. Thường người ta mãn nguyện khi thấy mình cũng thành công như những người ngang hàng. Một lý do khác là khi so sánh người ta tìm cách làm giảm đi cảm giác thiếu tự tin, cũng như để biết khả năng và giới hạn của mình tới đâu. Chúng ta để ý những gì mà người khác đạt được. Nếu họ có nhiều điểm giống chúng ta và đã đạt đến mức độ thành công nào đó, chúng ta nghĩ mình cũng có thể đạt những thành quả tương tự.

Người ta thường so sánh với những ai có nhiều điểm giống họ—cùng phái, cùng độ tuổi, cùng tầng lớp xã hội và với những người mình biết. Chúng ta ít khi so sánh với người mà mình nghĩ là quá chênh lệch. Nói cách khác, một thiếu nữ thường so sánh với bạn cùng trường thay vì so sánh với một siêu người mẫu, và cô người mẫu chắc không so sánh với thiếu nữ đó.

Người ta so sánh về những phương diện nào? Bất cứ những điều gì có được hay đặc điểm nào mà người trong cộng đồng xem là có giá trị​—sự thông minh, vẻ đẹp, tài sản, quần áo—đều có thể là yếu tố để so sánh. Tuy nhiên, chúng ta thường so sánh về những gì mà mình chú ý đến. Có lẽ chúng ta không ghen tị về số lượng tem mà một người quen đã sưu tầm được, trừ trường hợp chúng ta cũng thích sưu tầm tem.

Sự so sánh gợi lên nhiều phản ứng khác nhau, từ mãn nguyện tới buồn nản, từ ngưỡng mộ và ước muốn bắt chước đến cảm giác khó chịu hay muốn đối kháng. Một số những cảm xúc này có hại và không xứng hợp với phẩm cách của tín đồ Đấng Christ.

So sánh với ý ganh đua

Khi so sánh, nhiều người biểu lộ một tinh thần ganh đua vì muốn trội hơn người khác, và họ sẽ không thỏa mãn cho đến khi cảm thấy đạt được điều đó. Ở gần một người như thế sẽ không thoải mái. Tình bạn và mối quan hệ với người như thế rất căng thẳng. Thường người như thế không chỉ thiếu tính khiêm nhường mà còn không áp dụng lời khuyên của Kinh Thánh là yêu thương người đồng loại, vì thái độ của họ dễ khiến người khác cảm thấy bị thua kém và bẽ mặt.—Ma-thi-ơ 18:1-5; Giăng 13:34, 35.

Làm cho người khác cảm thấy thua kém cũng như là làm tổn thương họ. Theo một văn sĩ, “chúng ta càng cảm thấy đau hơn về những thất bại của mình khi dường như người khác cùng hoàn cảnh lại có được nhiều điều mà chúng ta muốn”. Như thế tinh thần ganh đua khơi dậy tính ghen tị, bực tức và bất mãn đối với một người nào đó chỉ vì người có của cải, địa vị, danh tiếng, ưu thế, v.v... Điều này càng châm dầu thêm vào tinh thần tranh đua—thật là một vòng lẩn quẩn! Kinh Thánh lên án việc ‘khiêu khích nhau, ganh tỵ nhau’.—Ga-la-ti 5:26, Tòa Tổng Giám Mục.

Bằng cách hạ thấp thành quả của đối phương, những người ghen tị cố tìm cách xoa dịu tự ái bị tổn thương của mình. Phản ứng như thế tuy có vẻ nhỏ nhặt, thường tình, nhưng nếu không nhận ra và kiềm chế thì có thể dẫn đến những việc làm đầy ác ý. Hãy xem xét hai lời tường thuật trong Kinh Thánh liên quan đến tính ghen tị.

Trong lúc kiều ngụ tại xứ Phi-li-tin, Y-sác được Đức Chúa Trời ban cho “nhiều bầy chiên, bầy bò và tôi-tớ rất đông; bởi cớ ấy, dân Phi-li-tin đem lòng ganh-ghẻ”. Họ phản ứng bằng cách lấp lại các giếng mà cha Y-sác là Áp-ra-ham đã đào, và vua của họ bảo ông dời đi nơi khác. (Sáng-thế Ký 26:1-3, 12-16) Lòng ganh ghét của họ đầy ác ý và xấu xa. Họ không thể chịu được khi thấy Y-sác hưởng sự giàu sang đó và tiếp tục sống ở giữa họ.

Nhiều thế kỷ sau, Đa-vít đạt thành tích nổi bật tại chiến trường. Những người đàn bà Y-sơ-ra-ên đã hát mừng chiến công của ông: “Sau-lơ giết hàng ngàn, còn Đa-vít giết hàng vạn!” Dù cũng được ca ngợi một phần nào, Vua Sau-lơ xem sự so sánh đó là điều sỉ nhục, và tính ghen tị của ông nổi lên. Kể từ đó, vua nuôi lòng thù hận đối với Đa-vít. Không lâu sau, vua đã bắt đầu tìm cách giết Đa-vít. Tính ghen tị quả có thể dẫn đến hành động hết sức gian ác!—1 Sa-mu-ên 18:6-11.

Nếu khi so sánh với người khác, sự thành công hay ưu thế của họ khiến chúng ta cảm thấy như ghen tị hoặc ganh đua thì cần phải coi chừng! Đó là những xúc cảm tiêu cực, không phù hợp với quan điểm của Đức Chúa Trời. Nhưng trước khi xem xét làm thế nào cưỡng lại thái độ đó, chúng ta hãy bàn đến những gì khác cũng gây nên sự so sánh.

Tự xét mình và thỏa lòng

‘Tôi có thông minh, hấp dẫn, giỏi giang, thể lực khỏe mạnh, có uy thế, dễ mến không? Nếu có thì đến mức nào?’ Ít khi nào chúng ta đứng trước gương và tự hỏi như thế. Nhưng theo một văn sĩ, “những câu hỏi ấy thoáng qua trong trí chúng ta ngầm gợi lên những câu trả lời tương đối chấp nhận được”. Một người không biết chắc khả năng mình làm được gì có thể suy nghĩ về câu hỏi trên nhưng không cảm thấy phải ganh đua hay một chút nào ghen tị. Người đó chỉ tự xét mình, và điều đó không nhất thiết là sai. Tuy nhiên không nên so sánh mình với người khác khi tự xét mình.

Chúng ta có những khả năng khác nhau dựa vào những yếu tố khác nhau. Luôn luôn có những người dường như thành công hơn chúng ta. Vì vậy, thay vì nhìn họ với cặp mắt ghen tị, chúng ta nên đánh giá những gì mình làm dựa trên những tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời, là hướng dẫn chắc chắn về điều gì là đúng và tốt. Đức Giê-hô-va chú ý đến từng cá nhân chúng ta. Ngài không so sánh chúng ta với một ai khác. Sứ đồ Phao-lô khuyên: “Mỗi người phải thử-xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác”.—Ga-la-ti 6:4.

Khắc phục tính ghen tị

Bởi mọi người đều bất toàn, đôi khi chúng ta cần phải cố gắng mãnh liệt và lâu dài để khắc phục tính ghen tị. Biết Kinh Thánh dạy: “Hãy lấy lẽ kính-nhường nhau”, là một chuyện nhưng thực hiện được điều đó lại là vấn đề khác. Sứ đồ Phao-lô nhìn nhận xu hướng tội lỗi này trong con người ông. Để khắc phục, ông phải “đãi thân-thể [ông] cách nghiêm-khắc, bắt nó phải phục”. (Rô-ma 12:10; 1  Cô-rinh-tô 9:27) Đối với chúng ta điều đó có nghĩa là phải khắc phục tư tưởng ganh đua, thay thế bằng những tư tưởng tích cực. Chúng ta cần cầu nguyện, xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ để tránh “có tư-tưởng cao quá lẽ”.—Rô-ma 12:3.

Học Kinh Thánh và suy ngẫm cũng giúp ích. Chẳng hạn, hãy nghĩ về Địa Đàng tương lai mà Đức Chúa Trời hứa. Khi ấy, mọi người sẽ nhận được sự bình an, sức khỏe tốt, dồi dào thức ăn, nhà ở thoải mái và việc làm đầy ý nghĩa. (Thi-thiên 46:8,  9; 72:7, 8, 16; Ê-sai 65:21-23) Còn ai muốn ganh đua không? Hẳn là không, vì không còn lý do để ganh đua. Đành rằng Đức Giê-hô-va chưa cho biết mọi chi tiết về đời sống lúc ấy sẽ như thế nào, nhưng chúng ta có thể suy luận một cách hợp lý rằng mọi người đều có thể theo đuổi những gì mình chú ý và kỹ năng mình thích. Người này thì học về thiên văn, người khác thì vẻ kiểu vải. Tại sao một người lại phải ganh đua với người khác? Những gì anh em đồng đạo làm sẽ có tác dụng kích thích cổ vũ chứ không làm chúng ta bực tức. Những cảm giác ganh đua sẽ không còn nữa.

Nếu đó là cuộc sống mà chúng ta ao ước, chẳng lẽ chúng ta không cố gắng vun trồng thái độ như thế ngay bây giờ sao? Chúng ta đã bắt đầu vui hưởng địa đàng thiêng liêng, được thoát khỏi nhiều vấn đề trong thế gian quanh ta. Bởi lẽ sẽ không có tranh đua trong thế giới mới của Đức Chúa Trời, vậy thật thích hợp để chúng ta dẹp bỏ tinh thần này ngay bây giờ.

Vậy so sánh với người khác có sai không? Hay là đôi lúc điều đó cũng thích hợp?

So sánh thích đáng

Nhiều sự so sánh dẫn đến cảm giác cay đắng hoặc buồn nản, nhưng không nhất thiết phải như vậy. Hãy lưu ý lời sứ đồ Phao-lô khuyên: “Cứ học-đòi những kẻ bởi đức-tin và lòng nhịn-nhục mà được hưởng lời hứa”. (Hê-bơ-rơ 6:12) Cố vun trồng những đức tính giống các tôi tớ trung thành xưa của Đức Giê-hô-va cũng có kết quả tốt. Đành rằng điều đó có thể đòi hỏi phải so sánh một phần nào, nhưng sẽ giúp chúng ta thấy được những gương mẫu mình có thể noi theo và những khía cạnh cần cải tiến.

Hãy bàn đến Giô-na-than. Có thể nói ông có lý do chính đáng để ghen tị. Với tư cách là con trưởng nam của Vua Sau-lơ xứ Y-sơ-ra-ên, Giô-na-than có lẽ từng mong được làm vua, nhưng Đức Giê-hô-va lại chọn một người trẻ hơn ông khoảng 30 tuổi là Đa-vít. Thay vì nuôi lòng đố kỵ, Giô-na-than tỏ ra cao thượng khi bày tỏ tình bạn vô vị kỷ và ủng hộ Đa-vít là vua do Đức Giê-hô-va chỉ định. Giô-na-than thật là một người có thiêng liêng tính. (1 Sa-mu-ên 19:1-4) Khác với vua cha xem Đa-vít là đối thủ, Giô-na-than nhận biết là có Đức Giê-hô-va điều khiển sự việc và phục theo ý định của Ngài; ông không so sánh với Đa-vít và hỏi: “Tại sao là Đa-vít mà không phải là tôi?”

Trong vòng các tín đồ Đấng Christ, chúng ta không bao giờ nên cảm thấy lo sợ là người khác sẽ cố để hay hơn mình hoặc chiếm chỗ của mình. Ganh đua là tính không thích hợp. Đặc điểm của những người tín đồ Đấng Christ thành thục là hợp tác, hợp nhất và yêu thương, không phải là ganh đua. “Yêu thương xóa bỏ tính ghen tị”, nhà xã hội học Francesco Alberoni đã nói. “Nếu chúng ta thương yêu ai, chúng ta muốn người đó được những gì tốt lành, và chúng ta mừng khi thấy người đó thành công và hạnh phúc”. Vậy nên, khi một người nào đó trong hội thánh được giao một đặc ân, nếu có tình yêu thương thì chúng ta sẽ mừng cho người ấy. Đó là thái độ của Giô-na-than. Giống như ông, chúng ta cũng được ban phước khi ủng hộ những người trung thành đảm nhận các trách nhiệm trong tổ chức Đức Giê-hô-va.

Chúng ta cảm phục một cách thích đáng gương mẫu xuất sắc của các anh chị tín đồ Đấng Christ đồng đạo. Khi so sánh một cách thăng bằng với họ có thể kích thích chúng ta để bắt chước đức tin họ trong tinh thần lành mạnh. (Hê-bơ-rơ 13:7) Nhưng nếu chúng ta không cẩn thận, nỗ lực bắt chước này sẽ trở thành ganh đua. Nếu cảm thấy người mà mình ngưỡng mộ hay hơn mình và chúng ta sinh lòng muốn chỉ trích hoặc hạ thấp người đó, thì lúc ấy nỗ lực để bắt chước đã thoái hóa thành tính ganh đua.

Không một người bất toàn nào là gương mẫu lý tưởng. Vì lý do đó Kinh Thánh nói: “Anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con-cái rất yêu-dấu của Ngài”. Và còn ghi: “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài”. (Ê-phê-sô 5:1, 2; 1 Phi-e-rơ 2:21) Những đức tính của Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su​—tình yêu thương, nồng ấm, thấu cảm và khiêm nhường—là những đức tính mà chúng ta cố bắt chước. Chúng ta cần dành thời gian đánh giá mình dựa trên những đức tính, ý định và phương cách xử sự của hai Đấng đó. Sự so sánh như thế sẽ làm cho đời sống của chúng ta thêm phong phú, cho chúng ta hướng đi rõ ràng, vững chãi và an toàn, đồng thời có thể giúp chúng ta đạt đến sự thành thục của người tín đồ Đấng Christ. (Ê-phê-sô 4:13) Nếu dồn hết nổ lực để bắt chước gương hoàn hảo của hai Đấng đó, chúng ta chắc chắn sẽ giảm bớt xu hướng so sánh với những người chung quanh.

[Hình nơi trang 28, 29]

Vua Sau-lơ sinh lòng ghen tị đối với Đa-vít

[Hình nơi trang 31]

Giô-na-than không bao giờ xem người trẻ tuổi Đa-vít là đối thủ