Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bản Kinh Thánh Berleburg

Bản Kinh Thánh Berleburg

Bản Kinh Thánh Berleburg

PHÁI MỘ ĐẠO là một phong trào tôn giáo phát triển bên trong Giáo Hội Luther của Đức vào thế kỷ 17 và 18. Một số tín đồ của phong trào này bị chế nhạo và thậm chí bị ngược đãi vì đức tin. Một số học giả thuộc Phái Mộ Đạo phải ẩn náu tại Berleburg, cách Frankfurt am Main khoảng 150 kilômét về phía bắc. Một nhà quý tộc địa phương, Bá Tước Casimir von Wittgenstein Berleburg, là người rất xem trọng tôn giáo, đã cho họ nơi ẩn náu. Sự hiện diện của những người giảng đạo và học giả này tại Berleburg đã dẫn đến việc một bản dịch Kinh Thánh mới ra đời, ngày nay gọi là Bản Kinh Thánh Berleburg. Bản dịch này đã bắt đầu như thế nào?

Một trong những người lánh nạn là Johann Haug, người đã buộc phải rời quê hương ở Strasbourg vì các nhà thần học địa phương không khoan dung đối với ông. Ông Haug là một học giả uyên bác và nhà ngôn ngữ học tài ba. Ông cho các học giả đồng nghiệp tại Berleburg biết về lòng ao ước “dịch một bản Kinh Thánh hoàn toàn thuần túy, để sửa lại bản dịch của Luther, và diễn tả chính xác ý nghĩa theo đúng Lời Đức Chúa Trời và đúng tinh thần của Lời đó”. (Die Geschichte der Berlenburger Bibel [Lịch sử Bản Kinh Thánh Berleburg]) Mục tiêu là xuất bản một bản Kinh Thánh có lời chú giải và bình luận, cũng như phải dễ hiểu đối với người bình dân. Ông Haug kêu gọi được sự ủng hộ của các học giả ở các xứ Âu Châu khác, và ông thực hiện bản dịch này trong 20 năm. Bản Kinh Thánh Berleburg được phát hành bắt đầu từ năm 1726. Vì chứa đựng rất nhiều lời chú thích nên bản dịch này có đến tám tập.

Bản Kinh Thánh Berleburg hẳn có một số điểm đáng chú ý. Thí dụ, Xuất Ê-díp-tô Ký 6:2, 3 ghi: “Sau đó Đức Chúa Trời nói với Môi-se: Ta là CHÚA! Và đã hiện ra với Áp-ra-ham, với Y-sác, và với Gia-cốp, với tư cách Đức Chúa Trời toàn năng: nhưng ta chưa cho họ biết danh ta là GIÊ-HÔ-VA”. Một lời ghi chú giải thích: “Danh GIÊ-HÔ-VA..., danh được biệt riêng ra, hoặc danh được công bố”. Danh riêng của Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, cũng xuất hiện trong lời bình luận về Xuất Ê-díp-tô Ký 3:15 và 34:6.

Như vậy Bản Kinh Thánh Berleburg trở thành một trong hàng loạt Kinh Thánh tiếng Đức đã dùng danh Giê-hô-va hoặc trong chính văn, hoặc trong cước chú, hoặc trong lời bình luận. Một trong những bản dịch hiện đại hơn đã dành sự tôn trọng thích đáng cho danh riêng của Đức Chúa Trời là bản New World Translation of the Holy Scriptures (Bản dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới), do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.