Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Chớ bao giờ quên mình là tín đồ Đấng Christ

Chớ bao giờ quên mình là tín đồ Đấng Christ

Chớ bao giờ quên mình là tín đồ Đấng Christ

“Đức Giê-hô-va phán: Các ngươi là kẻ làm chứng ta”.—Ê-SAI 43:10.

1. Đức Giê-hô-va kéo những người như thế nào đến với Ngài?

KHI đến Phòng Nước Trời, bạn hãy quan sát những người xung quanh. Bạn thấy ai ở nơi thờ phượng này? Có lẽ bạn thấy những người trẻ nghiêm chỉnh chăm chú hấp thu sự khôn ngoan từ Kinh Thánh. (Thi-thiên 148:12, 13) Có thể bạn cũng thấy những người chủ gia đình cố gắng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời mặc dù phải sống giữa thế gian làm thoái hóa đời sống gia đình. Có lẽ bạn nhìn thấy những người lớn tuổi đáng quý, kiên trì sống đúng với sự dâng mình cho Đức Giê-hô-va bất kể tuổi già sức yếu. (Châm-ngôn 16:31) Tất cả đều yêu mến Đức Giê-hô-va cách sâu đậm. Và Ngài vui lòng tiếp nhận họ. Con Đức Chúa Trời khẳng định: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta”.—Giăng 6:37, 44, 65.

2, 3. Tạo sao luôn luôn ý thức vai trò tín đồ Đấng Christ của mình có thể là một thách đố?

2 Chúng ta chẳng vui sướng sao khi thuộc về một dân được Đức Giê-hô-va chấp nhận và ban phước? Thế nhưng, luôn luôn ý thức rõ vai trò tín đồ Đấng Christ của mình trong “những thời-kỳ khó-khăn” này là cả một thách đố. (2 Ti-mô-thê 3:1) Điều này đặc biệt gay go đối với các tín đồ trẻ lớn lên trong gia đình đạo Đấng Christ. Một em thú nhận: “Mặc dù tham dự các buổi họp đạo Đấng Christ, em không hề có mục tiêu thiêng liêng cụ thể và thành thật mà nói, em chẳng có ước muốn rõ ràng để phụng sự Đức Giê-hô-va”.

3 Một số em trẻ tuy thành thật muốn phụng sự Đức Giê-hô-va nhưng có thể bị phân tâm bởi áp lực mạnh của bạn đồng lứa, ảnh hưởng thế gian và khuynh hướng tội lỗi. Khi bị nhiều áp lực, chúng ta có thể dần dần mất đi ý thức mình là tín đồ Đấng Christ. Chẳng hạn, nhiều người trong thế gian ngày nay xem tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh là lỗi thời hoặc thiếu thực tế trong thế giới hiện đại. (1 Phi-e-rơ 4:4) Một số người nghĩ không nhất thiết phải thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách Ngài hướng dẫn. (Giăng 4:24) Trong lá thư viết cho người Ê-phê-sô, Phao-lô nói thế gian có một “thần” hay “tà linh” (Ghi-đê-ôn), tức khuynh hướng chung. (Ê-phê-sô 2:2) “Tà linh” đó gây sức ép để người ta làm theo lối suy nghĩ của xã hội không biết về Đức Giê-hô-va.

4. Chúa Giê-su nhấn mạnh ra sao về việc chúng ta phải luôn ý thức rõ vai trò tín đồ Đấng Christ của mình?

4 Tuy nhiên, là tôi tớ đã dâng mình phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta nhận thức rằng khi một người nào trong chúng ta—dù già hay trẻ—không còn ý thức vai trò tín đồ Đấng Christ của mình thì đó sẽ là một điều bi thảm. Một ý thức lành mạnh về vai trò này phải dựa trên tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va và những gì Ngài đòi hỏi nơi chúng ta. Đó là vì chúng ta được tạo nên theo hình Ngài. (Sáng-thế Ký 1:26; Mi-chê 6:8) Kinh Thánh ví vai trò người tín đồ Đấng Christ như cái áo, mặc vào để mọi người thấy. Liên quan đến thời kỳ chúng ta, Chúa Giê-su cảnh báo: “Kìa, ta đến như kẻ trộm. Phước cho kẻ tỉnh-thức và giữ-gìn áo-xống mình, đặng khỏi đi lõa-lồ và người ta không thấy sự xấu-hổ mình!” * (Khải-huyền 16:15) Chúng ta không muốn lột bỏ các đức tính và tiêu chuẩn đạo đức của người tín đồ Đấng Christ, và để cho thế gian của Sa-tan ảnh hưởng. Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ mất “áo-xống” của mình. Đó là tình trạng đáng tiếc và đáng xấu hổ.

5, 6. Tại sao sự vững vàng về thiêng liêng là thiết yếu?

5 Việc ý thức rõ vai trò người tín đồ Đấng Christ ảnh hưởng rất nhiều đến lối sống của một người. Như thế nào? Nếu không còn ý thức rõ vai trò mình, một người thờ phượng Đức Giê-hô-va có thể sẽ mất sự tập trung, thiếu phương hướng hoặc mục tiêu rõ ràng. Kinh Thánh nhiều lần khuyên phải tránh thái độ lưng chừng đó. Môn đồ Gia-cơ cảnh báo: “Kẻ hay nghi-ngờ giống như sóng biển, bị gió động và đưa đi đây đi đó. Người như thế chớ nên tưởng mình lãnh được vật chi từ nơi Chúa: ấy là một người phân-tâm, phàm làm việc gì đều không định”.—Gia-cơ 1:6-8; Ê-phê-sô 4:14; Hê-bơ-rơ 13:9.

6 Làm thế nào chúng ta có thể giữ ý thức về vai trò mình là tín đồ Đấng Christ? Điều gì có thể giúp chúng ta ý thức sâu sắc hơn về đặc ân lớn được thờ phượng Đấng Tối Cao? Hãy xem xét những cách sau đây.

Khẳng định mình là tín đồ Đấng Christ

7. Tại sao cầu xin Đức Giê-hô-va dò xét chúng ta là điều có lợi?

7 Luôn củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Điều quý báu nhất một tín đồ Đấng Christ có được là quan hệ của mình với Đức Chúa Trời. (Thi-thiên 25:14; Châm-ngôn 3:32) Nếu chúng ta bắt đầu hoang mang về vai trò tín đồ Đấng Christ của mình, thì đây là lúc phải xem xét kỹ quan hệ này. Người viết Thi-thiên cầu xin một cách thích hợp: “Đức Giê-hô-va ôi! xin hãy dò-xét và thử-thách tôi, rèn-luyện lòng dạ tôi”. (Thi-thiên 26:2) Tại sao việc dò xét như thế là thiết yếu? Vì chúng ta không thể tự xem xét những động cơ và khuynh hướng sâu kín trong lòng mình một cách đúng đắn. Chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể hiểu thấu con người bên trong—động cơ, ý tưởng và tình cảm của chúng ta.—Giê-rê-mi 17:9, 10.

8. (a) Chúng ta được lợi ích như thế nào khi được Đức Giê-hô-va thử thách? (b) Bạn đã được giúp như thế nào để tiến bộ trong vai trò tín đồ Đấng Christ?

8 Khi cầu xin Đức Giê-hô-va dò xét tức là chúng ta xin Ngài thử thách chúng ta. Ngài có thể để cho những tình huống phát triển khiến động cơ và lòng của chúng ta bộc lộ ra. (Hê-bơ-rơ 4:12, 13; Gia-cơ 1:22-25) Chúng ta phải sẵn sàng đón nhận những thử thách này vì đó là cơ hội để chúng ta chứng tỏ lòng trung can đối với Đức Giê-hô-va. Những thử thách đó có thể cho thấy chúng ta có “trọn-lành toàn-vẹn, không thiếu-thốn chút nào” không. (Gia-cơ 1:2-4) Nhờ đó chúng ta có thể lớn mạnh về thiêng liêng.—Ê-phê-sô 4:22-24.

9. Có cần thiết phải học hỏi để nắm chắc lẽ thật không? Hãy giải thích.

9 Học hỏi để nắm chắc lẽ thật Kinh Thánh. Chúng ta có thể mất dần ý thức mình là tôi tớ Đức Giê-hô-va nếu không đặt nền tảng vững chắc trên sự hiểu biết Kinh Thánh. (Phi-líp 1:9, 10) Mỗi tín đồ Đấng Christ—già lẫn trẻ—cần học hỏi để nắm chắc rằng những gì mình tin đúng là lẽ thật ghi trong Kinh Thánh. Sứ đồ Phao-lô khuyên giục anh em đồng đạo: “Hãy xem-xét mọi việc, điều chi lành thì giữ lấy”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21) Những tín đồ trẻ lớn lên trong gia đình biết kính sợ Đức Chúa Trời phải nhận thức rằng họ không thể sống bám vào đức tin của cha mẹ. Chính cha của Sa-lô-môn là Đa-vít cũng đã khuyên ông phải “nhận-biết Đức Chúa Trời của cha, hết lòng vui ý mà phục-sự Ngài”. (1 Sử-ký 28:9, chúng tôi viết nghiêng). Chỉ nhìn cha xây dựng đức tin nơi Đức Giê-hô-va thôi thì không đủ cho người thiếu niên Sa-lô-môn. Chính ông phải tìm hiểu để biết về Đức Giê-hô-va, và ông đã làm điều này. Ông cầu khẩn Đức Chúa Trời: “Xin Chúa ban cho tôi sự khôn-ngoan và tri-thức, để tôi ra vào trước mặt dân-sự của Chúa”.—2 Sử-ký 1:10.

10. Tại sao không có gì là sai khi thành thật nêu ra những thắc mắc?

10 Đức tin mạnh thì phải được xây dựng trên sự hiểu biết. Phao-lô nói: “Đức-tin đến bởi sự người ta nghe”. (Rô-ma 10:17) Ông có ý nói gì? Ông có ý nói rằng khi nuôi dưỡng bằng Lời Đức Chúa Trời, chúng ta củng cố đức tin và lòng tin nơi Đức Giê-hô-va, nơi lời hứa và nơi tổ chức của Ngài. Thành thật nêu ra những thắc mắc về Kinh Thánh có thể giúp chúng ta tìm được những giải đáp làm vững tâm. Ngoài ra, chúng ta cũng có lời khuyên của Phao-lô nơi Rô-ma 12:2: “Hãy... thử cho biết ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào”. Chúng ta làm điều này như thế nào? Bằng cách tiếp thu “sự thông-hiểu lẽ thật”. (Tít 1:1) Thánh linh Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta lĩnh hội ngay cả những điều khó hiểu. (1 Cô-rinh-tô 2:11, 12) Vậy khi bối rối trước một điều nào đó, chúng ta phải cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ. (Thi-thiên 119:10, 11, 27) Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hiểu, tin và vâng theo Lời Ngài. Ngài sẵn sàng nghe khi chúng ta thành thật nêu lên những thắc mắc.

Cương quyết làm đẹp lòng Đức Chúa Trời

11. (a) Ước muốn tự nhiên nào có thể là cạm bẫy cho chúng ta? (b) Làm thế nào chúng ta có đủ can đảm để chống lại áp lực của người đồng lứa?

11 Hãy chú trọng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời thay vì người ta. Kết hợp với một tập thể để tự khẳng định mình là lẽ tự nhiên. Ai ai cũng cần có bạn, và chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi được chấp nhận. Ở tuổi vị thành niên—cũng như sau này—áp lực của người đồng lứa có thể rất mạnh, khiến một người chỉ muốn bắt chước hoặc làm hài lòng người khác. Nhưng bạn bè và người đồng lứa không luôn luôn nghĩ đến lợi ích tốt nhất cho chúng ta. Đôi khi họ chỉ muốn có đồng bạn để làm điều sai trái. (Châm-ngôn 1:11-19) Khi đầu hàng trước áp lực tiêu cực của người đồng lứa, một tín đồ thường tìm cách giấu không cho người khác biết mình là ai. (Thi-thiên 26:4) “Đừng làm theo đời nầy”, sứ đồ Phao-lô đã khuyên răn như thế. (Rô-ma 12:2) Đức Giê-hô-va cho chúng ta nghị lực cần thiết để chống lại bất cứ áp lực nào từ người khác.—Hê-bơ-rơ 13:6.

12. Khi lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời bị thử thách, nguyên tắc nào và gương nào có thể củng cố chúng ta để giữ vững lập trường?

12 Khi áp lực bên ngoài có nguy cơ làm suy yếu ý thức vai trò của mình là tín đồ Đấng Christ, chúng ta nên nhớ rằng lòng trung thành với Đức Chúa Trời còn quan trọng hơn rất nhiều so với dư luận hoặc xu hướng của đa số. Lời ghi nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 23:2 là một nguyên tắc đáng tin cậy: “Ngươi chớ hùa đảng đông đặng làm quấy”. Khi đa số người Y-sơ-ra-ên nghi ngờ khả năng của Đức Giê-hô-va thực hiện lời Ngài hứa, Ca-lép kiên quyết không làm theo đa số. Ông chắc chắn rằng lời hứa của Đức Chúa Trời là đáng tin cậy, và ông được trọng thưởng nhờ lập trường này. (Dân-số Ký 13:30; Giô-suê 14:6-11) Cũng vậy, bạn có sẵn sàng chống cự áp lực của những quan niệm phổ biến để gìn giữ mối quan hệ của mình với Đức Chúa Trời không?

13. Tại sao điều khôn ngoan là cho người khác biết chúng ta là tín đồ Đấng Christ?

13 Cho người khác biết bạn là tín đồ Đấng Christ. Câu “thế công là thế thủ hay nhất” quả rất đúng khi chúng ta bênh vực vai trò người tín đồ Đấng Christ. Vào thời E-xơ-ra, dân Y-sơ-ra-ên nỗ lực làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va, và khi gặp chống đối những người Y-sơ-ra-ên trung thành đã nói: “Chúng tôi vốn là kẻ tôi-tớ của Đức Chúa Trời, Chúa-tể của trời và đất”. (E-xơ-ra 5:11) Khi để mình bị ảnh hưởng trước phản ứng và chỉ trích của những người chống đối, chúng ta có thể bị mất tinh thần vì quá sợ hãi. Lúc nào cũng muốn làm hài lòng mọi người sẽ giảm đi hiệu quả của chúng ta. Vậy chớ sợ họ. Luôn cho người khác biết rõ bạn là Nhân Chứng Giê-hô-va. Bạn có thể lễ độ nhưng kiên định giải thích cho người khác biết về tiêu chuẩn, niềm tin và lập trường của mình là tín đồ Đấng Christ. Hãy cho người khác biết bạn quyết tâm giữ đúng các tiêu chuẩn cao của Đức Giê-hô-va về vấn đề đạo đức. Hãy khẳng định lòng trung kiên của bạn là điều không thể hòa giải. Hãy cho thấy bạn hãnh diện về các tiêu chuẩn đạo đức của mình. (Thi-thiên 64:10) Việc người khác thấy rõ bạn là tín đồ kiên định của Đấng Christ, có thể làm bạn vững mạnh, che chở bạn, và còn khiến một số người muốn biết thêm về Đức Giê-hô-va và dân Ngài.

14. Có nên để cho sự nhạo báng hoặc chống đối làm chúng ta nản chí không? Hãy giải thích.

14 Quả là một số người có thể nhạo báng hoặc chống đối. (Giu-đe 18) Nếu người khác không đáp ứng trước những cố gắng của bạn nhằm giải thích tiêu chuẩn của mình thì cũng đừng nản chí. (Ê-xê-chi-ên 3:7, 8) Dù cương quyết đến đâu, bạn sẽ không bao giờ thuyết phục được những người cứng lòng. Hẳn bạn còn nhớ Pha-ra-ôn. Không có tai họa hay phép lạ nào—ngay cả khi chính ông mất đứa con đầu lòng—có thể làm Pha-ra-ôn tin rằng Môi-se là người phát ngôn đại diện cho Đức Giê-hô-va. Vì thế, đừng để sự sợ loài người làm bạn tê liệt, mất tinh thần. Lòng tin cậy và đức tin nơi Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta khắc phục sự sợ hãi.—Châm-ngôn 3:5, 6; 29:25.

Học từ quá khứ, xây đắp cho tương lai

15, 16. (a) Chúng ta có di sản thiêng liêng nào? (b) Chúng ta có thể được lợi ích như thế nào khi suy nghĩ về di sản thiêng liêng qua ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời?

15 Hãy quý trọng di sản thiêng liêng. Qua ánh sáng của Lời Đức Chúa Trời, tín đồ Đấng Christ sẽ được lợi ích khi suy nghĩ về di sản thiêng liêng phong phú của họ. Di sản này bao gồm lẽ thật từ Lời Đức Giê-hô-va, hy vọng sống đời đời, và đặc ân được đại diện Đức Chúa Trời với tư cách người công bố tin mừng. Bạn có thấy được vai trò của mình trong vòng các Nhân Chứng của Ngài, nhóm người được giao cho đặc ân thực hiện công việc rao giảng về Nước Trời để cứu người không? Hãy nhớ rằng chính Đức Giê-hô-va đã khẳng định: “Các ngươi là kẻ làm chứng ta”.—Ê-sai 43:10.

16 Bạn có thể tự hỏi những câu như: ‘Di sản thiêng liêng này quý báu như thế nào đối với tôi? Tôi có quý trọng nó đủ để đặt việc thực thi ý muốn Đức Chúa Trời lên hàng đầu trong đời sống không? Tôi có nhận thức đủ về giá trị của nó để có nghị lực cưỡng lại bất cứ cám dỗ nào có thể làm cho tôi mất đi di sản này không?’ Di sản thiêng liêng cũng có thể cho chúng ta sự an toàn về thiêng liêng, là điều chỉ có thể cảm nhận được một cách sâu sắc bên trong tổ chức Đức Giê-hô-va. (Thi-thiên 91:1, 2) Xem lại những biến cố nổi bật trong lịch sử hiện đại của tổ chức Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta nhận thức rõ là không người nào hay điều gì có thể diệt trừ dân Đức Giê-hô-va khỏi mặt đất.—Ê-sai 54:17; Giê-rê-mi 1:19.

17. Thay vì chỉ dựa vào di sản thiêng liêng, chúng ta cũng cần thêm điều gì khác?

17 Tất nhiên, chúng ta không thể chỉ dựa vào di sản thiêng liêng. Mỗi người chúng ta phải phát triển mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Sau khi tận tụy xây dựng đức tin của các tín đồ ở Phi-líp, sứ đồ Phao-lô viết về họ: “Ấy vậy, hỡi những kẻ rất yêu-dấu của tôi, như anh em đã vâng lời luôn luôn, chẳng những khi tôi có mặt mà thôi, lại bây giờ là lúc tôi vắng mặt, hãy càng hơn nữa, mà lấy lòng sợ-sệt run-rẩy làm nên sự cứu-chuộc mình”. (Phi-líp 2:12) Chúng ta không thể dựa vào người khác để được cứu chuộc.

18. Các hoạt động đạo Đấng Christ có thể nâng cao ý thức về vai trò người tín đồ Đấng Christ như thế nào?

18 Hãy bận rộn trong các hoạt động đạo Đấng Christ. Người ta nhận xét rằng “một người nhận biết phẩm giá của mình qua công việc làm”. Tín đồ Đấng Christ ngày nay đã được giao cho công việc trọng yếu là rao giảng tin mừng về Nước do Đức Chúa Trời thành lập. Phao-lô tuyên bố: “Bấy lâu tôi làm sứ-đồ cho dân ngoại, tôi làm vinh-hiển chức-vụ mình”. (Rô-ma 11:13) Công việc rao giảng cho thấy rõ chúng ta khác biệt với thế gian, và tham gia việc đó nâng cao vai trò người tín đồ Đấng Christ. Bận rộn trong các hoạt động thiêng liêng khác, chẳng hạn như các buổi họp đạo Đấng Christ, chương trình xây dựng nơi thờ phượng, nỗ lực giúp người gặp nạn, v.v..., có thể giúp chúng ta khẳng định thêm vai trò của mình là tín đồ Đấng Christ.—Ga-la-ti 6:9, 10; Hê-bơ-rơ 10:23, 24.

Ân phước nhờ ý thức rõ vai trò

19, 20. (a) Cá nhân bạn được lợi ích nào nhờ là tín đồ Đấng Christ? (b) Điều gì cho chúng ta nền tảng để xác định mình thật sự là ai?

19 Hãy dành vài phút để suy ngẫm về nhiều lợi ích và lợi thế chúng ta có được nhờ là tín đồ thật của Đấng Christ. Chúng ta có đặc ân được Đức Giê-hô-va trực tiếp nhìn nhận. Tiên tri Ma-la-chi nói: “Những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va nói cùng nhau, thì Đức Giê-hô-va để ý mà nghe; và một sách để ghi-nhớ được chép trước mặt Ngài cho những kẻ kính-sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài”. (Ma-la-chi 3:16) Chúng ta có thể được Đức Chúa Trời xem là bạn. (Gia-cơ 2:23) Đời sống chúng ta được nâng cao nhờ có mục đích rõ rệt, ý nghĩa sâu sắc, và các mục tiêu hữu ích, lành mạnh. Thêm vào đó, chúng ta được ban cho hy vọng sống vĩnh cửu.—Thi-thiên 37:9.

20 Hãy nhớ rằng bạn thật sự là ai và phẩm giá của bạn tùy thuộc nơi sự đánh giá của Đức Chúa Trời, chứ không tuỳ thuộc vào những gì người khác nghĩ về bạn. Người ta đánh giá chúng ta dựa theo tiêu chuẩn thiếu sót của con người. Nhưng tình yêu thương và lòng quan tâm của Đức Chúa Trời là nền tảng đích thực để xác định phẩm giá của chúng ta—chúng ta thuộc về Ngài. (Ma-thi-ơ 10:29-31) Rồi thì tình yêu thương của chính chúng ta đối với Ngài có thể giúp chúng ta ý thức rõ nhất vai trò của mình và có được định hướng thật rõ ràng cho đời sống. “Nếu có một người yêu-mến Đức Chúa Trời, thì Đức Chúa Trời biết người đó”.—1 Cô-rinh-tô 8:3.

[Chú thích]

^ đ. 4 Những lời này có thể ám chỉ nhiệm vụ của quan cai khu đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Trong những phiên gác đêm, ông đi tuần để xem những người Lê-vi canh gác đang thức hay ngủ gục tại vọng gác. Người nào bị bắt gặp đang ngủ thì bị đánh bằng gậy, và áo của người đó có thể bị đốt như một hình phạt nhục nhã.

Bạn có nhớ không?

• Tại sao không bao giờ quên vai trò thiêng liêng của mình là điều thiết yếu đối với tín đồ Đấng Christ?

• Làm thế nào chúng ta có thể khẳng định vai trò người tín đồ Đấng Christ?

• Khi đứng trước câu hỏi nên làm ai hài lòng, những yếu tố nào giúp chúng ta quyết định đúng?

• Việc ý thức rõ vai trò của mình ảnh hưởng thế nào đến tương lai chúng ta là tín đồ Đấng Christ?

[Câu hỏi thảo luận]

[Các hình nơi trang 21]

Bận rộn trong các hoạt động đạo Đấng Christ có thể nâng cao ý thức về vai trò người tín đồ Đấng Christ